Hội chứng rối loạn chuyển hóa ở phụ nữ mãn kinh

Mãn kinh là giai đoạn đánh dấu sự chấm dứt khả năng sinh sản đã bị giảm sút dần theo thời gian. Sự chuyển tiếp từ tiền mãn kinh sang mãn kinh phối hợp với sự xuất hiện của nhiều đặc điểm của hội chứng chuyển hóa là do hậu quả trực tiếp của suy buồng trứng hoặc là hậu quả gián tiếp do sự tái phân bố chất béo trong cơ thể khi thiếu estrogen xảy ra.

1. Hội chứng chuyển hóa là gì?

Trong thế kỷ 20, bệnh tim mạch được xem là nguyên nhân gây bệnh và tử vong chính tại các nước phát triển và cũng đã có nhiều nỗ lực nhằm tìm hiểu sinh bệnh học cũng như nhận diện những yếu tố nguy cơ của bệnh lý này.

Tập hợp các yếu tố nguy cơ tim mạch như: tăng lipid máu, béo phì và tăng huyết áp cùng với mối liên quan của chúng với đề kháng insulin đã đưa đến giả thuyết về sự hiện diện cả một tình trạng bệnh lý chung, đó là hội chứng chuyển hóa hay hội chứng đề kháng insulin.

Có khoảng 20-25% dân số mắc hội chứng chuyển hóa (theo tiêu chuẩn của NCEP-ATP III), và tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa ở độ tuổi trên 50 là 44%. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa như tuổi tác, chủng tộc, trọng lượng cơ thể, trình độ văn hóa...

Tại Việt Nam cũng đã có nhiều nghiên cứu về hội chứng chuyển hóa, chủ yếu là các nghiên cứu dịch tễ học trên nhiều đối tượng bệnh lý khác nhau như: Người béo phì dạng nam, bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh nhân đột quỵ...Ở phụ nữ mãn kinh mắc hội chứng chuyển hóa ( theo NCEP-ATP III) với tỷ lệ tăng huyết áp là 87,5%, tỷ lệ vòng bụng lớn là 74,42%, tỷ lệ rối loạn lipid máu rất cao là 96,43%.

Hội chứng chuyển hóa là một tập hợp bao gồm các bất thường chuyển hóa có liên quan đến đề kháng insulin và thường xảy ra ở những người thừa cân, béo phì. Đề kháng insulin và béo trung tâm là những yếu tố bệnh sinh quan trọng.

2. Tìm hiểu về mãn kinh

Mãn kinh
Mãn kinh tự nhiên được xác định khi không còn hành kinh nữa sau 12 tháng liên tiếp và không do một nguyên nhân sinh lý hay bệnh lý nào khác gây ra

Mãn kinh tự nhiên được định nghĩa là sự ngừng hành kinh vĩnh viễn do buồng trứng mất chức năng tạo noãn. Mãn kinh tự nhiên được xác định khi không còn hành kinh nữa sau 12 tháng liên tiếp và không do một nguyên nhân sinh lý hay bệnh lý nào khác gây ra.

Tuổi mãn kinh trung bình là 51 tuổi và không thay đổi từ hơn 125 năm qua. Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, estradiol được tạo ra từ nhiều vị trí khác nhau như: từ buồng trứng, từ các mô ngoại biên như da và mô dưới da, từ các mô đích của estradiol ( cả sinh lý và bệnh lý) như vùng dưới đồi, tế bào ung thư vú và lạc nội mạc tử cung.

Testosterone ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được tạo ra từ 2 nguồn đó là : 1⁄3 do buồng trứng tạo ra, 2⁄3 từ sự chuyển tiền chất androstenedion thành testosteron ở mô ngoại biên ( mô mỡ, da).

Sau khi mãn kinh sẽ không còn một đơn vị nang noãn nào ở buồng trứng được phát hiện khi xét nghiệm mô học. Buồng trứng sau khi mãn kinh tiết ra 2 steroid chính là androstenedion và testosteron. Sự giảm testosteron trong giai đoạn mãn kinh chủ yếu do sự giảm sản xuất testossteron từ các mô ngoài buồng trứng, trong khi buồng trứng sản xuất testosteron gần như là không đổi.

Thay đổi nội tiết lớn nhất trong giai đoạn mãn kinh là sự giảm nồng độ và tốc độ sản xuất estradiol. Ở giai đoạn mãn kinh này, nồng độ estradiol trong máu trung bình là 20 pg/ml.

Sự chuyển tiếp từ tiền mãn kinh sang mãn kinh phối hợp với sự xuất hiện của nhiều đặc điểm của hội chứng chuyển hóa. Mãn kinh làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa lên 60% sau khi đã điều chỉnh theo tuổi, BMI, hoạt động thể lực. Estrogen làm tích tụ chất béo dưới da đùi và mông, khi estrogen giảm xuống phụ nữ mãn kinh thường bị béo trung tâm. Mãn kinh dường như không phải là nguyên nhân độc lập làm tăng cân, hiện tượng tăng cân ( đánh giá bằng BMI) khi mãn kinh xảy ra thường liên quan đến quá trình lão hóa nhiều hơn.

Phụ nữ mãn kinh có nồng độ estradiol ở tam phân vị cao nhất có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao gấp 4,5 lần so với nhóm có nồng độ estradiol ở tam phân vị thấp nhất, tương tự vậy, nhóm có nồng độ testosteron ở tam phân vị cao nhất cũng có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao gấp 4,3 lần so với nhóm có nồng độ testosteron ở tam phân vị thấp nhất.

3. Hội chứng chuyển hóa ở phụ nữ mãn kinh

Huyết áp
Có 81,3 trường hợp mắc hội chứng chuyển hóa có tăng huyết áp so với 53,1% ở nhóm không mắc hội chứng này

3.1.Tỷ lệ các thành tố của hội chứng chuyển hóa

Trong tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng chuyển hóa của IDF( Liên đoàn đái tháo đường Quốc tế), ngoài thành tố bắt buộc phải là vòng bụng lớn, tăng triglyceride máu chiếm tỷ lệ cao nhất (83,6%0, tiếp đến là tăng huyết áp (81,3), giảm HDl-c máu (63,6%) và thấp nhất đó là tăng glucose máu (18,1%). Các bất thường này chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với nhóm không mắc hội chứng chuyển hóa.

H.S.Park khi áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng chuyển hóa của IDF ở phụ nữ từ 20-80 tuổi nhận thấy giảm HDL-c máu gặp nhiều nhất (46,2%), tiếp đến là tăng glucose máu (34,6%), tăng huyết áp (29%) và tăng triglyceride máu (20%).

3.2.Vòng bụng

Trong khi ở nhóm mắc hội chứng chuyển hóa thì vòng bụng lớn là một tiêu chuẩn bắt buộc thì ở nhóm không mắc hội chứng chuyển hóa vẫn có 27,3% phụ nữ bị béo phì (theo tiêu chuẩn vòng bụng).

Khi mãn kinh xảy ra, giảm estrogen dẫn đến sự tích tụ mỡ ở trung tâm gây nên sự biến đổi hình thái từ béo dạng quả lê sang béo dạng quả táo. mãn kinh thường không làm tăng trọng lượng cơ thể mà sự gia tăng của BMI chủ yếu liên quan đến quá trình lão hóa, khi mãn kinh xảy ra cho dù chỉ số BMI không thay đổi nhưng sự tái phân bố chất béo trong cơ thể vẫn xảy ra.

3.3.Huyết áp

Có 81,3 trường hợp mắc hội chứng chuyển hóa có tăng huyết áp so với 53,1% ở nhóm không mắc hội chứng này. Khi phân nhóm theo thời gian mãn kinh, cũng có sự khác biệt về tỷ lệ tăng huyết áp giữa 2 nhóm, và rõ nhất ở nhóm có thời gian mãn kinh trên 9 năm là 36,2% ở nhóm mắc hội chứng chuyển hóa và 22,9% ở nhóm không mắc hội chứng chuyển hóa.

3.4.Bilan lipid máu

Một số nghiên cứu cho thấy khi mãn kinh xảy ra. HDL-c chỉ giảm nhẹ thậm chí là không thay đổi. Tuy vậy sự thay đổi thành phần của HDL có ý nghĩa quan trọng hơn sự thay đổi nồng độ HDL-c.

Ở nhóm mắc hội chứng chuyển hóa, nồng độ triglycerid, HDl-c hầu như không thay đổi khi thời gian mãn kinh tăng dần. Tỷ lệ tăng cholesterol toàn phần khá cao ở phụ nữ mãn kinh và cao nhất ở nhóm mắc hội chứng chuyển hóa có thời gian mãn kinh dưới 9 năm (85,4 %-86,3%). Tỷ lệ tăng LDL-c cũng cao tương ứng với triglycerid máu ở nhóm mắc hội chứng chuyển hóa có thời gian mãn kinh dưới 9 năm (66,7%-68,3%).

3.5.Glucose huyết tương (Go)

Tỷ lệ tăng glucose máu đói và/hoặc đang điều trị đái tháo đường là 18,7% ở nhóm mắc hội chứng chuyển hóa, cao hơn nhiều so với nhóm không mắc hội chứng chuyển hóa (7,2%).

4. Những triệu chứng rối loạn ở phụ nữ mãn kinh

Mãn kinh
Những cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi là triệu chứng bệnh ở phụ nữ mãn kinh
  • Rối loạn tâm sinh lý, tính khí và tình dục: Rối loạn giấc ngủ, xuất hiện ở 40-50% phụ nữ trong giai đoạn xung quanh thời mãn kinh do lo âu, căng thẳng trong cuộc sống, stress hay ức chế, với biểu hiện là bị mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon, rối loạn giấc ngủ hay ngưng thở trong khi ngủ; rối loạn tâm thần như thay đổi tính khí, rối loạn hoảng sợ, dễ xúc động, hay giận hờn, cáu gắt, mất bình tĩnh, trầm cảm, bệnh Alzheimer...; rối loạn tình dục như ít đòi hỏi, giảm khoái cảm, giao hợp đau rát...
  • Rối loạn vận mạch: Biểu hiện bằng cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực... Xuất hiện dấu hiệu lão hóa da, tóc bạc màu và dễ gãy, rụng.
  • Rối loạn tiết niệu, sinh dục: Như tiểu khó, đi tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu đêm và tiểu không tự chủ. Âm hộ, âm đạo có tình trạng khô, teo, nóng rát, ngứa, giao hợp đau, mất sự tiết dịch, giảm kích thước, chạm vào dễ chảy máu và dễ bị nhiễm trùng. Ngoài ra còn có hiện tượng sa bàng quang, sa trực tràng, u xơ tử cung, u nang buồng trứng...

Dễ mắc các bệnh lý như đau nhức cơ xương khớp, loãng xương, gãy xương do loãng xương. Bệnh đái tháo đường, tăng cân, béo phì do rối loạn chuyển hóa mỡ, cao huyết áp, bệnh tim mạch và có nhiều nguy cơ xuất hiện các bệnh lý ung thư đường sinh dục như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung - tử cung và các ung thư khác..

5. Phòng ngừa

Giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh là giai đoạn mà người phụ nữ nào cũng phải trải qua trong cuộc sống. Có người đi qua nhẹ nhàng êm ả, nhưng cũng có người gặp nhiều rối loạn gây ra nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt thường ngày, công việc, và hạnh phúc gia đình.

Vì vậy, người phụ nữ khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh cần có thái độ lạc quan, tạo cho mình có một cuộc sống yêu đời, giúp tinh thần sảng khoái, tránh những lo âu phiền muộn, xây dựng một kế hoạch làm việc khoa học, tăng cường bảo vệ sức khỏe, cần chú ý những vấn đề sau:

  • Về dinh dưỡng: Cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ và cân đối các nhóm thực phẩm, cung cấp đủ nước, tăng cường chất xơ, bổ sung nhiều vitamin nhóm A, B1, B6, B9, B12, C, D, E...; vitamin A có nhiều trong gan, cá, sữa, cà rốt, rau xanh, quả mơ, dưa chuột, ngô...; vitamin D có nhiều trong cá, gan, lòng đỏ trứng, thịt lợn, chất béo của sữa...; vitamin E có trong bột mì, quả hạnh nhân...; vitamin C có trong cam, chanh, bưởi, rau xanh, cải bắp, cải xoong, xoài, củ cải, hành tây, ớt ngọt, rau mùi, ổi...; vitamin B1 có trong gạo, bột mì, bột đậu xanh, thịt gà, nấm...; vitamin B6 có trong gan bê, ruốc thịt, thịt gà, ngô...; vitamin B9 nhiều trong măng tây, rau xanh, đậu rau xanh, gan, thịt gà, trứng... và vitamin B12 có trong pho mát làm từ thịt dê và thịt cừu, cá, quả hạnh nhân, cải xoong, dưa bắp cải, sữa tươi, sữa bột, sữa chua, sữa đậu nành, nước khoáng...

Ngoài ra, cần bổ sung lượng canxi có trong sữa, trứng, yaourt giúp làm giảm thay đổi tính khí, đau đầu. Ăn nhiều trái cây, rau quả để tăng lượng magnesium, qua đó tăng lượng serotonin giúp giảm thiểu stress, dùng nhiều thức ăn giàu kali như cam, quýt, chuối. Tránh các thức ăn có nhiều mỡ, muối, các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá. Đặc biệt nên bổ sung các thực phẩm giàu estrogen tự nhiên từ các loài thực vật như: đậu nành (đậu tương) và các thực phẩm được chế biến từ mầm đậu nành.

  • Nâng dần tuổi thọ bằng cách nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, thay đổi lối sống giúp tinh thần minh mẫn và lạc quan. Tập thể dục thể thao thường xuyên như: đi bộ, tập dưỡng sinh, khiêu vũ, yoga, các loại hình vui chơi lành mạnh phù hợp với lứa tuổi... để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ, phòng chống té ngã, duy trì vóc dáng gọn gàng, tránh thừa cân - béo phì.
Đi bộ
Tập thể dục thể thao thường xuyên như: đi bộ, yoga, khiêu vũ,...
  • Phải có sự hướng dẫn và kiểm tra của bác sĩ khi sử dụng thuốc và các loại thực phẩm chức năng bổ sung canxi, nội tiết tố nữ và điều trị các bệnh lý mắc phải.
  • Khám bệnh tổng quát, khám phụ khoa, đo loãng xương định kỳ mỗi năm 1 đến 2 lần để điều trị các bệnh thường gặp ảnh hưởng đến sức khỏe và phát hiện sớm các bệnh lý ung thư trong đó có ung thư đường sinh dục.

Phụ nữ lứa tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh cần nâng cao nhận thức, tích cực hưởng ứng các chương trình chăm sóc sức khỏe nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình, bảo vệ hạnh phúc gia đình và có điều kiện phục vụ nhiều hơn cho xã hội.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan