Co hồi tử cung là gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ơn - Khoa Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có 10 năm kinh nghiệm trong ngành Sản phụ khoa và đã công tác tại tất cả các vị trí ở khu vực phòng khám, phòng sinh, phòng cấp cứu sản phụ khoa, phòng thủ thuật và khu điều trị theo yêu cầu.

Sau khi sinh con, tử cung của bạn sẽ mất khoảng 6-8 tuần để trở về với kích thước và hình dáng ban đầu. Tuy nhiên, thời gian để tử cung co hồi lại còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người và cách chăm sóc sản phụ sau sinh.

1. Co hồi tử cung là gì?

Co hồi tử cung là sự thay đổi ở các lớp niêm mạc, cơ, thân, cổ tử cung,.. sau khi sinh con. Trong thời kỳ mang thai, tử cung và các cơ sẽ được kéo dãn để nâng đỡ thai nhi trong bụng mẹ.

Sau khi sổ rau, tử cung sẽ co chặt lại thành một khối, đáy của tử cung nằm ở ngay dưới rốn của sản phụ. Sau sinh, trọng lượng của tử cung là khoảng 1000g, theo thời gian, thân tử cung thay đổi khiến cho trọng lượng tử cung giảm dần còn khoảng 100g cho đến kỳ cuối của thời hậu sản.

Thời gian để tử cung co hồi lại sẽ mất khoảng 6-8 tuần tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Đối với những người sinh mổ sẽ mất nhiều thời gian hơn để tử cung co hồi lại bình thường. Trạng thái bình thường của tử cung là 50-60g.

Ngoài ra, hiện tượng co hồi tử cung cũng xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng và được coi là tình trạng “chuột rút kinh nguyệt”.

Co hồi tử cung
Thời gian để tử cung co hồi lại sẽ mất khoảng 6-8 tuần tùy thuộc vào cơ địa của từng người

2. Các cơn gò tử cung

Một trong những dấu hiệu để mẹ bầu nhận biết quá trình chuyển dạ đó là các cơn gò tử cung. Có 3 cơn gò tử cung mà bạn có thể gặp phải, bao gồm:

2.1 Cơn gò Braxton – Hicks (cơn gò sinh lý)

Cơn gò sinh lý thường xảy ra vào khoảng tháng thứ 4 của thai kỳ, tuy nhiên nó xuất hiện bất chợt, không đều và không thường xuyên. Cơn gò Braxton-Hicks chính là cách luyện tập hiệu quả để tử cung của bạn sẵn sàng cho ngày lâm bồn.

Cơn gò sinh lý thường có các đặc điểm sau:

  • Không gây đau
  • Có cảm giác tập trung tại bụng
  • Có thể làm cho bạn cảm thấy khó chịu
  • Bụng dưới có cảm giác bị căng chặt

Cơn gò sinh lý không làm tử cung của bạn bị thay đổi, những cơn gò sẽ xuất hiện khi cơ thể bạn mệt mỏi, mất nước hoặc đi đứng quá nhiều. Nếu mẹ bầu nghỉ ngơi thư giãn hợp lý thì cơn gò này sẽ biến mất.

2.2 Cơn gò tử cung sinh non

Nếu cơn gò tử cung xảy ra thường xuyên trước tuần 37 của thai kỳ thì rất có thể là dấu hiệu của hiện tượng sinh non. Các cơn gò sẽ xuất hiện đều đặn theo chu kỳ thời gian, ví dụ mỗi cơn gò xảy ra khoảng 10-12 phút trong hơn 1 tiếng, báo hiệu bạn có thể sắp sinh non. Khi cơn gò tử cung xảy ra, bụng của bạn sẽ cứng hơn khi sờ vào cùng với cảm giác căng chặt ở tử cung. Một số dấu hiệu bạn có thể nhận thấy như:

  • Đau âm ỉ
  • Áp lực ở khung chậu
  • Áp lực ở bụng
  • Co thắt hoặc chuột rút

Bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức nếu xuất hiện bất cứ dấu hiệu gì được liệt kê bên trên, đặc biệt là kèm theo chảy máu âm đạo, vỡ ối (có nước chảy ra từ âm đạo). Mẹ bầu cũng nên chú ý theo dõi khoảng cách giữa những lần gò tử cung hoặc tần số gò và các triệu chứng kèm theo để thông báo cho bác sĩ và đưa ra biện pháp can thiệp kịp thời.

2.3 Cơn gò tử cung chuyển dạ

Co hồi tử cung
Những cơn gò này giúp cho cổ tử cung của thai phụ mở rộng, sẵn sàng cho việc sinh con sắp tới

Các cơn gò tử cung chuyển dạ xuất hiện thường xuyên hơn, ngày càng tăng lên về cường độ cũng như thời gian và khoảng cách giữa các cơn gò. Những cơn gò này giúp cho cổ tử cung của thai phụ mở rộng, sẵn sàng cho việc sinh con sắp tới. Cơn gò tử cung chuyển dạ thường xuất hiện trong 2 giai đoạn sau:

Giai đoạn sớm trước chuyển dạ: Trong giai đoạn này, các cơn gò vẫn ở mức độ nhẹ nhàng, cảm giác căng chặt ở tử cung hoặc bụng dưới sẽ kéo dài từ 30-90 giây. Các cơn gò tử cung sẽ xuất hiện tăng dần về cường độ và khoảng cách. Càng gần lúc chuyển dạ, các cơn gò xuất hiện càng gần nhau (có thể xuất hiện sau 5 phút).

Chuyển dạ thật sự: Các cơn gò xuất hiện thường xuyên hơn và gây đau nhiều hơn cho thai phụ. Lúc này, cổ tử cung sẽ mở rộng từ 4-10cm, chuẩn bị cho em bé ra ngoài. Bạn sẽ có cảm giác các cơn gò bao quanh cả cơ thể, từ lưng ra trước bụng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể bị chuột rút chân. Khi chuyển dạ, các cơn gò tử cung sẽ kéo dài từ 60-90 giây và khoảng cách giữa mỗi cơn gò là từ 30 giây cho tới 2 phút. Các cơn gò có thể xuất hiện chồng lên nhau nhằm mục đích đẩy em bé ra ngoài. Một số triệu chứng mà bạn có thể gặp phải khi xuất hiện cơn gò tử cung chuyển dạ, bao gồm:

  • Ớn lạnh hoặc nóng ran người
  • Nôn mửa
  • Đầy bụng
  • Ợ hơi
  • Xì hơi.

3. Sau sinh bao lâu thì tử cung co hồi lại?

Khoảng 1-2 ngày sau khi sinh, tử cung của bạn sẽ co lại với kích thước tương đương với mang thai tuần 18. Trong những ngày tiếp theo, kích thước của tử cung sẽ tiếp tục giảm dần. Bạn có thể gặp phải tình trạng đau bụng trong vài tuần là do tử cung đang co hồi lại sau sinh. Nếu không xảy ra điều gì bất thường thì khoảng 6 tuần sau sinh, tử cung có thể trở về với kích thước và hình dáng ban đầu.

Tuy nhiên, tử cung co nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Những người sinh thường, tốc độ phục hồi của tử cung sẽ nhanh hơn những người sinh qua đường mổ, bởi trong quá trình mổ đẻ sẽ để lại sẹo. Bên cạnh đó, những mẹ sinh con lần đầu thì tử cung cũng sẽ phục hồi nhanh hơn những người sinh con thứ.

Trong quá trình tử cung co hồi lại, phần sản dịch còn sót lại sẽ được đưa ra ngoài cơ thể thông qua những cơn co bóp mạnh. Mức độ co bóp ít hay nhiều còn tùy thuộc vào số lần sinh con cũng như cơ địa của từng người. Trong những lần sinh sau, tử cung sẽ phải tăng mức độ co bóp mạnh hơn và nhiều hơn để có thể đẩy sản dịch ra ngoài.

4. Co hồi tử cung chậm ảnh hưởng đến sức khỏe sau sinh như thế nào?

Co hồi tử cung
Co hồi tử cung chậm có thể ảnh hưởng đến lần mang thai tiếp theo

Tình trạng tử cung không co thắt được hoặc co hồi chậm sau khi sinh có thể dẫn tới một số hậu quả nghiêm trọng sau:

  • Viêm nhiễm tử cung
  • Sa tử cung
  • Ảnh hưởng đến lần mang thai tiếp theo

Nếu xuất hiện những dấu hiệu như tử cung co hồi chậm, sờ trên bụng vẫn thấy nổi cứng, sốt, đau, sản dịch có mùi hôi thì có nguy cơ cao bạn bị nhiễm khuẩn hậu sản. Đặc biệt, tính mạng của sản phụ có thể gặp nguy hiểm nếu xảy ra hiện tượng băng huyết do tử cung không co hồi lại được trong ngày đầu sau khi sinh.

5. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự co hồi tử cung

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới quá trình co hồi tử cung của các bà mẹ sau khi sinh, cụ thể là:

5.1 Số lần sinh

Những lần sinh sau sẽ mất nhiều thời gian hơn so với lần sinh đầu để tử cung co hồi lại.

5.2 Cách sinh

Sinh mổ thường mất nhiều thời gian để tử cung co hồi lại hơn là sinh thường.

5.3 Cách chăm sóc sản phụ sau sinh

Nếu chăm sóc sản phụ sau sinh không đúng cách thì sự co hồi tử cung sẽ diễn ra chậm hơn so với bình thường, thậm chí có thể mắc phải các tình trạng như viêm, nhiễm khuẩn sau khi sinh.

5.4 Nhiễm khuẩn

Những sản phụ bị viêm nhiễm sau sinh sẽ khiến cho thời gian co hồi tử cung lâu hơn.

5.5 Nhịn tiểu

Đi tiểu không đúng cách cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình co hồi tử cung, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm khác như xuất huyết sau sinh, viêm bàng quang.

5.6 Cho con bú sữa ngoài

Những người cho con bú bằng sữa ngoài sẽ có thời gian co hồi tử cung chậm hơn so với những người cho con bú bằng sữa mẹ.

6. Các cách giúp co hồi tử cung sau sinh nhanh chóng

Co hồi tử cung
Những cơn gò này giúp cho cổ tử cung của thai phụ mở rộng, sẵn sàng cho việc sinh con sắp tới

Dưới đây là một số cách giúp các bà mẹ sau khi sinh có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục tử cung một cách an toàn và hiệu quả:

  • Bạn nên nằm sấp và kê gối dưới hông. Điều này giúp cho các cơ quan trong vùng chậu trở lại bình thường.
  • Thực hiện xoa bóp nhẹ nhàng tử cung bằng cách dùng 1 bàn tay để vào phần bụng dưới, liên tục xoa bóp theo vòng tròn để kích thích tử cung, giúp tử cung nhanh hồi phục.
  • Vận động nhẹ nhàng để làm giảm căng thẳng, mệt mỏi. Vì khi thể chất ở trạng thái tốt nhất thì tử cung mới có thể hồi phục nhanh chóng và thải sản dịch tốt hơn.
  • Nên đi tiểu khi có nhu cầu, không được nhịn tiểu vì có thể khiến bạn bị sưng bàng quang, bí tiểu, cản trở quá trình co hồi tử cung.
  • Bạn nên cho con bú bằng sữa mẹ để kích thích núm ti, giúp dạ con co lại nhanh hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể massage thường xuyên núm ti.
  • Vệ sinh sạch sẽ vùng kín để không bị viêm nhiễm. Bạn nên vệ sinh bằng nước ấm hoặc nước đun sôi để nguội.

Ngoài những phương pháp trên, các bà mẹ sau khi sinh con cũng nên thiết lập một chế độ ăn uống dinh dưỡng, khoa học, kết hợp với các thực phẩm có chứa các chất giúp co hồi tử cung nhanh chóng, chẳng hạn như mề gà nướng, canh rau ngót thịt bằm, gà xào nghệ tươi,...

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện. Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

146.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan