Chỉ định mổ lấy thai chủ động trong trường hợp nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

So với sinh thường, mổ lấy thai tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng hơn cho sản phụ, không những vậy với những phụ nữ đã sinh mổ một lần thì sẽ bị ảnh hưởng đến những lần mang thai và sinh nở kế tiếp. Do đó, mổ lấy thai được chỉ định trong một số trường hợp cụ thể khi mà người mẹ không thể sinh thường.

1. Mổ lấy thai là gì?

Phẫu thuật lấy thai là phẫu thuật nhằm lấy thai ra khỏi tử cung sau khi mở bụng và mở tử cung. Trước khi phẫu thuật lấy thai, sản phụ và gia đình sẽ được bác sĩ giải thích lý do mổ, các nguy cơ có thể gặp cho mẹ và bé, ký giấy cam kết trước mổ.

2. Chỉ định mổ lấy thai chủ động khi nào?

2.1 Khung chậu bất thường

  • Nếu không phải là ngôi chỏm thì đều phải mổ lấy thai. Nếu là ngôi chỏm: Mổ lấy thai nếu khung chậu hẹp tuyệt đối, khung chậu méo.
  • Làm nghiệm pháp lọt ngôi chỏm để thử thách cho sinh đường dưới nếu khung chậu giới hạn (thai không to), nếu thất bại thì có chỉ định mổ.

2.2 Đường ra của thai bị cản trở

  • Khối u tiền đạo: thường hay gặp là u xơ ở eo tử cung hay cổ tử cung, u nang buồng trứng, các khối u khác nằm trên đường thai đi ra.
  • Nhau tiền đạo trung tâm hay nhau tiền đạo gây chảy máu nhiều buộc phải mổ cấp cứu để cầm máu cứu mẹ.
4 loại rau tiền đạo thường gặp ở bà bầu
Nhau tiền đạo trung tâm cần chỉ định mổ lấy thai chủ động

2.3 Tử cung có sẹo mổ trong trường hợp sau

  • Các sẹo mổ ở thân tử cung: sẹo bóc u xơ, sẹo của phẫu thuật tạo hình tử cung, sẹo khâu chỗ vỡ, chỗ thủng tử cung, sẹo của phẫu thuật cắt xén góc tử cung, sừng tử cung.
  • Sẹo của phẫu thuật mổ ngang đoạn dưới tử cung từ hai lần trở lên hoặc lần mổ lấy thai trước cách chưa được 24 tháng.

2.4 Chỉ định mổ vì nguyên nhân của người mẹ

  • Mẹ bị các bệnh lý toàn thân mạn tính hay cấp tính nếu sinh đường dưới có thể có nguy cơ cho tính mạng người mẹ (bệnh tim nặng, tăng huyết áp, tiền sản giật nặng và sản giật).
  • Các bất thường ở đường sinh dục dưới của người mẹ như: chít hẹp âm đạo (bẩm sinh hay mắc phải), tiền sử mổ rò, mổ sa sinh dục.
  • Các dị dạng của tử cung như: tử cung đôi (tử cung không có thai thường trở thành khối u tiền đạo), tử cung hai sừng... đặc biệt là khi kèm theo ngôi thai bất thường.

2.5 Nguyên nhân về phía thai

  • Thai bị suy dinh dưỡng/chậm tăng trưởng trong tử cung nặng
  • Thai bị bất đồng nhóm máu với mẹ nếu không lấy thai ra thì có nguy cơ thai bị chết lưu trong tử cung
Bất đồng nhóm máu mẹ con
Thai bất đồng nhóm máu với mẹ cần được chỉ định mổ lấy thai sớm

3. Có nên mổ lấy thai trước ngày dự sinh?

Nhiều sản phụ mong muốn mổ lấy thai khi chưa chuyển dạ vì muốn chọn giờ sinh “đẹp”, hoặc do lo sợ đẻ thường sẽ đau đớn, khó sinh. Tuy nhiên, Bộ Y tế Việt Nam không cho phép mổ lấy thai theo yêu cầu của bệnh nhân. Tất cả các nước khác đều như vậy. Chỉ được mổ theo chỉ định của y khoa, nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho cả mẹ và con. Đẻ thường vẫn là lựa chọn của các bác sĩ, do đây là biện pháp sinh con tự nhiên nhất cho mẹ và bé. Đẻ mổ tuy nhanh hơn so với đẻ thường, nhưng dễ để lại nhiều hậu quả, biến chứng trước mắt hay lâu dài cho sản phụ, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai trong một số trường hợp nhất định khi người mẹ không thể sinh thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

38K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan