Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh từ bà mẹ nhiễm HIV ngay sau sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thị Thu - Trưởng khoa Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Việc chăm sóc bà mẹ có HIV và trẻ sơ sinh được sinh ra từ bà mẹ có HIV cần được thực hiện nhanh chóng, toàn diện ngay sau sinh để hạn chế mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV cho bé, bảo đảm sức khỏe bé và mẹ.

1. Chăm sóc bà mẹ có HIV ngay sau sinh

1.1 Cung cấp thuốc kháng vi-rút cho bà mẹ có HIV

Bà mẹ nhiễm HIV sau sinh cần được chăm sóc như những sản phụ khác, cần đề phòng chảy máu sau sinh, nhiễm khuẩn, lây nhiễm cho nhân viên y tế và cho cộng đồng. Đối với những phụ nữ được xác định là chưa cần điều trị hoặc chỉ mới được chẩn đoán nhiễm HIV khi xét nghiệm sàng lọc trước sinh, sẽ được sử dụng phác đồ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con độc lập trong vòng 1 tuần sau đó ngừng thuốc.

Các mẹ sẽ được giới thiệu đến các cơ sở điều trị HIV/AIDS để được tiếp tục theo dõi sức khỏe, tái khám theo định kỳ. Khi được xác định là nhiễm HIV, các mẹ sẽ được điều trị theo phác đồ phù hợp. Những người mẹ xét nghiệm sàng lọc trước khi sinh là dương tính HIV nhưng những xét nghiệm chẩn đoán xác định tiếp theo cho kết quả là không nhiễm thì sẽ ngưng ngay mọi can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Với những người mẹ đã điều trị HIV từ trước khi mang thai hoặc đã điều trị trong quá trình mang thai thì cần tiếp tục điều trị theo phác đồ được lựa chọn. Sau sinh, các mẹ cần quay lại cơ sở điều trị HIV/AIDS để tái khám, theo dõi tình trạng sức khỏe.

1.2 Tư vấn cho bà mẹ có HIV phương pháp tránh thai ngoài ý muốn

Bà mẹ có HIV sẽ được tư vấn để phòng tránh việc có thai ngoài ý muốn. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục là biện pháp tránh thai phù hợp nhất. Bao cao su có tác dụng kép vừa giúp tránh thai vừa giúp ngăn ngừa lây truyền HIV qua đường quan hệ tình dục.

Đây là biện pháp tránh thai tốt đối với phụ nữ nhiễm HIV dù người chồng có nhiễm HIV hay chưa nhiễm HIV. Một số biện pháp tránh thai khác như đặt vòng tránh thai, sử dụng thuốc uống tránh thai, tiêm tránh thai,... có thể giúp tránh thai nhưng không tránh được lây truyền HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Khám
Bà mẹ có HIV sẽ được tư vấn để phòng tránh việc có thai ngoài ý muốn

1.3 Tư vấn cho bà mẹ có HIV phương pháp nuôi dưỡng trẻ

Sữa mẹ là thức ăn tốt đối với trẻ, không những cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển, sữa mẹ với nguồn kháng thể dồi dào còn giúp bảo vệ trẻ khỏi mắc nhiều bệnh tật trong những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, nếu bà mẹ có HIV, vi-rút HIV sẽ có trong sữa và có thể lây bệnh cho trẻ. Những người mẹ có HIV cho con bú càng dài ngày thì nguy cơ trẻ nhiễm HIV càng cao. Nguy cơ nhiễm HIV ở trẻ cao nhất khi trẻ vừa được bú mẹ vừa được nuôi dưỡng bằng thức ăn khác.

Mẹ bị hiv có nên cho con bú hay không? Các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc như WHO, UNICEF, UNFPA, UNAIDS đã thống nhất đưa ra 2 phương thức nuôi con ở các bà mẹ có HIV như sau:

  • Nuôi con bằng sữa công thức khi gia đình có đủ điều kiện kinh tế để duy trì việc nuôi con bằng sữa công thức, nguồn sữa lựa chọn đảm bảo chất lượng, an toàn, có sẵn trên thị trường. Các điều kiện về nguồn nước sạch, dụng cụ pha chế, vệ sinh trong quá trình pha chế được đảm bảo.
  • Nếu không đáp ứng được các điều kiện trên, các bà mẹ có HIV có thể lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ. Cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong những tháng đầu, ngừng càng sớm càng tốt ngay khi mẹ có điều kiện cho trẻ dùng thực phẩm bổ sung, muộn nhất là khi 6 tháng trẻ phải được ngưng sữa mẹ.

Tùy theo điều kiện của mình, mẹ nhiễm HIV chỉ được chọn một trong hai cách nuôi trẻ như trên. Khi vừa dùng sữa mẹ vừa dùng sữa công thức trẻ sẽ có nguy cơ cao bị tiêu chảy, niêm mạc ruột trẻ bị tổn thương, vi-rút HIV sẽ xâm nhập cơ thể trẻ dễ dàng hơn. Do đó, các mẹ tuyệt đối không được vừa cho trẻ bú mẹ, vừa cho trẻ dùng sữa công thức hoặc dùng các thức ăn bổ sung khác. Khi nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, nếu mẹ và bé có các nhiễm trùng da và miệng thì cần điều trị hoàn toàn mới cho bú. Mẹ nhiễm HIV nên xử lý sữa bằng cách, vắt sữa ra đun sôi 100 độ để diệt vi-rút HIV, ngâm vào nước lạnh để sữa giảm đến nhiệt độ thích hợp sau đó cho trẻ bú.

Sữa công thức
Nuôi con bằng sữa công thức khi gia đình có đủ điều kiện kinh tế để duy trì việc nuôi con bằng sữa công thức

2. Chăm sóc trẻ sơ sinh HIV sau sinh

Chăm sóc trẻ sinh ra từ bà mẹ có HIV ngay sau sinh như sau:

  • Khi đầu trẻ ra ngoài, cần nhanh chóng lau nhẹ nhàng mặt trẻ bằng khăn mềm có tẩm huyết thanh đẳng trương ấm. Khi trẻ đã sổ, lau khô toàn thân trẻ bằng khăn mềm.
  • Chờ dây rốn ngừng đập hẳn rối mới kẹp dây rốn, không vuốt dây rốn về phía trẻ. Chỉ hút nhớt khi cần thiết, động tác hút nhớt phải nhẹ nhàng để tránh gây sang chấn cho trẻ. Tắm cho trẻ càng sớm càng tốt.
  • Cho trẻ sử dụng thuốc kháng vi-rút để phòng lây truyền càng sớm càng tốt trong 72 giờ đầu sau sinh.

Các biện pháp chăm sóc tiếp theo được thực hiện như sau:

2.1 Chăm sóc trẻ chưa xác định được có nhiễm HIV hay không

Các trẻ được sinh ra bởi bà mẹ có HIV cần được xét nghiệm chẩn đoán sớm để khẳng định hoặc loại trừ nhiễm HIV. Việc chẩn đoán sớm giúp việc lựa chọn phương pháp nuôi dưỡng trẻ hiệu quả hơn. Việc chẩn đoán sớm còn giúp nhân viên y tế phân biệt trẻ nhiễm HIV và bị bệnh AIDS với các bệnh lý khác như lao, nhiễm trùng, dinh dưỡng ở trẻ không nhiễm HIV. Kết quả chẩn đoán sẽ định hướng việc điều trị, dùng kháng sinh dự phòng là liệu trình tiêm chủng cho trẻ. Những trẻ có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ không cần điều trị dự phòng bằng kháng sinh, do đó hạn chế nguy cơ kháng thuốc và chi phí không cần thiết, trẻ cũng không cần theo dõi tại phòng khám điều trị ngoại trú HIV.

Chưa tính đến trẻ có nhiễm HIV hay không, những trẻ sinh ra bởi bà mẹ có HIV thường đã có sức khỏe yếu, nguy cơ bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần trẻ sinh ra bởi những người mẹ không bị nhiễm. Do đó, những trẻ em có mẹ nhiễm HIV cần được theo dõi thường xuyên, liên tục sự phát triển, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh nhiễm trùng. Trẻ cần bổ sung vitamin A theo định kỳ để giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật. Người mẹ cần được tư vấn và hỗ trợ trong nuôi dưỡng trẻ, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của trẻ được đáp ứng đầy đủ.

Bệnh viêm phổi do nấm là một bệnh đường hô hấp nặng, thường gặp ở trẻ em nhiễm HIV và bệnh thường xuất hiện trước khi có kết quả chẩn đoán trẻ có nhiễm HIV. Do đó, tất cả trẻ từ tuần 4-6 sau sinh sẽ được điều trị dự phòng bằng kháng sinh Cotrimoxazol (Trimethoprim-Sulfamethoxazol) cho đến khi có kết quả xét nghiệm. Tùy theo kết quả trẻ có nhiễm HIV hay không mà trẻ sẽ dừng thuốc hoặc tiếp tục điều trị.

Ngoài ra, trẻ còn cần được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin để tạo khả năng phòng bệnh chủ động với các vi khuẩn, vi-rút đã được tiêm phòng. Dự phòng, điều trị lao và sốt rét.

Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em
Các trẻ được sinh ra bởi bà mẹ có HIV cần được xét nghiệm chẩn đoán sớm để khẳng định hoặc loại trừ nhiễm HIV

2.2 Chăm sóc trẻ đã được khẳng định nhiễm HIV

Tỷ lệ tử vong ở trẻ nhiễm HIV cao gấp chín lần trẻ bị phơi nhiễm nhưng không nhiễm HIV. Do đó, ngoài các phương pháp chăm sóc đã được khuyến cáo cho trẻ phơi nhiễm HIV, cần chú ý thêm:

  • Theo dõi chặt chẽ sức khỏe trẻ: việc theo dõi chặt chẽ sức khỏe trẻ, thăm khám theo định kỳ tại các phòng khám ngoại trú HIV/AIDS có vai trò rất quan trọng, giúp xác định trẻ đang ở giai đoạn lâm sàng nào, bệnh có tiến triển hay không, định hướng việc điều trị bằng các thuốc kháng vi-rút, thay thế thuốc, thay đổi phát đồ khi cần thiết đồng thời định hướng việc duy trì dự phòng thuốc Cotrimoxazole.
  • Cần đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ vì nhu cầu năng lượng ở trẻ nhiễm HIV cao hơn trẻ không nhiễm. Thông thường nhu cầu năng lượng trẻ nhiễm HIV cao hơn 10% so với bình thường, nhưng nếu trẻ bị giảm cân thì nhu cầu năng lượng cần tăng lên 50-100%.
  • Ở những trẻ nhiễm HIV, việc bú mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, trẻ cần được cung cấp vitamin A đúng cách để giảm nguy cơ mắc các bệnh tiêu chảy, viêm phổi,...
  • Dự phòng viêm phổi do nấm là một phần quan trọng của chăm sóc trẻ sơ sinh hiv. Trẻ nhiễm HIV sẽ được điều trị dự phòng Cotrimoxazol trong 12 tháng đầu đời. Ngoài ra, Cotrimoxazol cũng được khuyến cáo khi trẻ có triệu chứng AIDS, suy giảm miễn dịch nặng hoặc vừa mắc một đợt viêm phổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan