Căng thẳng có thể gây mất sữa mẹ?

Việc hồi phục sau khi sinh con và chăm sóc trẻ sơ sinh, cùng với những đêm mất ngủ, có thể khiến các bà mẹ cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Vậy, căng thẳng có ảnh hưởng như thế nào đến việc cho con bú và căng thẳng làm mất sữa mẹ hay không?

1. Căng thẳng có ảnh hưởng đến sữa mẹ hay không?

Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến việc cho con bú theo hai cách: Nguồn sữa và thành phần trong sữa của bạn.

Căng thẳng không ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn sữa nên không làm mất sữa mẹ. Lượng sữa mà cơ thể bạn tạo ra phụ thuộc vào tần suất trẻ bú sữa mẹ. Trẻ bú càng nhiều sữa mẹ thì cơ thể người mẹ sẽ càng tạo ra nhiều sữa hơn.

Tuy nhiên, căng thẳng có thể gián tiếp ảnh hưởng đến nguồn sữa của bạn, nếu bạn không dành thời gian để ăn hoặc uống đủ nước hoặc không có thời gian cho trẻ bú thường xuyên sẽ khiến nguồn sữa giảm đi.

Khi bạn căng thẳng cơ thể sẽ giải phóng một trong những loại hormone là cortisol, loại hormone này có thể xâm nhập vào thành phần trong sữa mẹ có thể làm chậm dòng chảy của sữa mẹ.

2. Nguyên nhân của căng thẳng khi cho con bú sữa mẹ

Dưới đây là một số điều nguyên nhân có thể làm tăng mức độ căng thẳng của các mẹ đang cho con bú.

2.1 Đau do sinh đẻ

Sau khi sinh, bạn có thể cảm thấy đau do quá trình sinh nở. Sau đó, khi bạn bắt đầu cho con bú, người mẹ có thể gặp một loại các vấn đề khác như: Đau đầu vú và căng sữa... những tác động này sẽ khiến người mẹ cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng.

2.2 Sinh khó

Khi bạn đã lên kế hoạch sinh con thường, nhưng thực tế, bạn gặp phải tình trạng sinh khó hoặc sinh mổ không như dự kiến ban đầu. Điều này có thể gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi cho người mẹ.

2.3 Gặp những vấn đề về việc cho con bú

Các vấn đề về nuôi con bằng sữa mẹ lúc ban đầu như: Trẻ khó ngậm đầu vú và đau núm vú có thể khiến bạn bực bội và căng thẳng. Để tránh căng thẳng không cần thiết, hãy tìm hiểu càng nhiều càng tốt về việc cho con bú trước khi con bạn được sinh ra và nhận trợ giúp để cho con ngậm đầu vú đúng cách ngay từ lần bú đầu tiên sau khi sinh.

2.4 Cảm thấy kiệt sức

Chăm sóc trẻ sơ sinh thật sự là công việc mệt mỏi. Trẻ cần được chăm sóc suốt ngày đêm: 24 giờ một ngày. Thêm vào đó là những trách nhiệm khác trong cuộc sống và bạn rất dễ trở nên quá tải và kiệt sức.

Để chống lại sự mệt mỏi, hãy cố gắng ngủ khi con bạn đã ngủ và tạm gác việc nhà cũng như các trách nhiệm khác. Và, đừng ngại nhờ bạn đời, gia đình và bạn bè để xin sự trợ giúp.


Việc đau sau sinh cùng với loạt vấn đề như chăm con, cho con bú,... có thể khiến người mẹ cảm thấy mệt mỏi
Việc đau sau sinh cùng với loạt vấn đề như chăm con, cho con bú,... có thể khiến người mẹ cảm thấy mệt mỏi

3. Làm thế nào để đối phó với căng thẳng khi cho con bú sữa mẹ?

3.1 Lập kế hoạch về tài chính

Tiền bạc là nguyên nhân căng thẳng lớn đối với nhiều người mới làm mẹ. Vì vậy, bạn nên lập kế hoạch tài chính trước khi mang thai. Điều này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng sau khi sinh.

3.2 Chia sẻ, tâm sự chuyện nuôi con với nhiều bà mẹ khác

Trong quá trình nuôi con người mẹ rất cần sự đồng điệu và thông cảm, vì vậy vào những thời gian rảnh rỗi bạn hoàn toàn có thể nên mạng tham gia vào các hội nhóm nuôi con để tâm sự, chia sẻ chuyện nuôi con với nhiều bà mẹ khác. Việc này không những giúp bạn cảm thấy thoải mái, giảm bớt căng thẳng mặt khác còn giúp bạn học được những kinh nghiệm nuôi con hữu ích.

3.3 Chăm sóc bản thân thật tốt

Hãy bắt đầu bằng việc chăm sóc bản thân thật tốt, vì chỉ có sức khỏe, tinh thần bạn lạc quan thì bạn mới giúp bạn thể chăm con.

Cố gắng ăn những thực phẩm lành mạnh và ngủ đủ giấc. Hai biện pháp này thật khó thực hiện khi bạn mới làm mẹ, nhưng khi bạn cảm thấy thoải mái việc nuôi con của bạn sẽ dễ dàng hơn. Bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của người thân trông em bé để có thể đảm bảo bạn không bị thiếu ngủ trầm trọng.

Trong một vài tình huống mà bạn cảm thấy căng thẳng gia tăng, bạn có thể:

  • Thi thoảng đi dạo tạo cảm giác thư thái, dành một vài phút cho riêng cho bản thân.
  • Hít thở sâu chậm rãi. Tập trung vào việc hít vào và thở ra có thể giúp bạn bình tĩnh hơn.
  • Nói chuyện với bạn. Nếu bạn có thể chia sẻ cảm xúc của mình với một người bạn, người bạn đời hoặc một thành viên khác trong gia đình, bạn có thể cảm thấy tốt hơn. Bạn cũng có thể thảo luận về cảm xúc của mình với bác sĩ điều trị.
  • Tập thể dục có thể làm giảm căng thẳng và nó cũng giải phóng endorphin vào cơ thể của bạn. Endorphins là chất hóa học tự nhiên có tác dụng làm giảm căng thẳng và khiến bạn cảm thấy hạnh phúc.
  • Tránh xa ma túy hoặc rượu. Ma túy và rượu có thể làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, ngoài ra chúng có thể xâm nhập vào sữa mẹ và truyền sang con bạn.

Cố gắng ăn những thực phẩm lành mạnh và ngủ đủ giấc trong thời gian chăm sóc bé
Cố gắng ăn những thực phẩm lành mạnh và ngủ đủ giấc trong thời gian chăm sóc bé

4. Hội chứng Baby Blues và trầm cảm sau sinh

Một số căng thẳng, sợ hãi và lo lắng là dấu hiệu bình thường sau khi sinh con đây được gọi là hội chứng baby blues. Tuy nhiên, buồn bã, cảm giác tội lỗi hoặc lo lắng cùng cực độ có thể là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh. Các dấu hiệu khác bao gồm: Giận dữ, tuyệt vọng, mất hứng thú hoặc mất niềm vui với các sở thích trước kia, thay đổi tâm trạng hoặc lên cơn hoảng loạn.

Nói chuyện với bác sĩ về mức độ căng thẳng của bạn và cảm giác của bạn, đặc biệt nếu bạn cảm thấy cô đơn hoặc trầm cảm. Nếu bạn cần, bác sĩ sẽ chỉ định những liệu pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho các bà mẹ đang cho con bú và con của họ.

Sau khi sinh người mẹ cần thời gian nghỉ ngơi, việc căng thẳng quá mức sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa, nặng hơn có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh. Do đó hãy dành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ sau sinh để hạn chế nguy cơ trầm cảm và những hậu quả không đáng có. Nếu có những dấu hiệu liên quan đến tâm lý, các bà mẹ không nên chủ quan, hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín thăm khám kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, verywellfamily.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe