Cách dự phòng và điều trị vỡ ối non

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Vỡ ối sớm là một tai biến thai kỳ nguy hiểm, nó gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như tính mạng của thai nhi. Tuy nhiên tai biến này có thể giảm nếu được dự phòng và điều trị đúng cách.

1. Vỡ ối sớm là gì?

Vỡ ối sớm là hiện tượng túi ối bị vỡ sau hoặc cùng lúc với chuyển dạ, trước khi cổ tử cung mở hết.

Vỡ ối non là hiện tượng màng ối và màng đệm vỡ tự nhiên tại bất kỳ thời điểm nào trước khi có chuyển dạ.

Dịch ối được sản xuất liên tục cho đến tuần thứ 16 của thai kỳ, sau tuần thứ 16 lượng ối phần lớn phụ thuộc vào lượng nước tiểu, dịch phổi của thai nhi sản xuất ra. Vai trò của dịch ối trong thai kỳ:

  • Dịch ối giúp thai nhi tránh được sự chèn ép của dây rốn, nhiễm trùng và các chấn thương có thể xảy khi trẻ còn trong bụng mẹ.
  • Lượng ối vừa đủ giúp trẻ cử động tốt hơn khi còn trong tử cung của người mẹ.
  • Nước ối còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc hít thở, sự phát triển cân đối của tứ chi, lồng ngực và đặc biệt là phổi của thai nhi.
Dự phòng và điều trị vỡ ối non
Dịch ối có vai trò quan trọng trong thai kỳ

2. Nguyên nhân gây vỡ ối non

Nguyên nhân gây nên hiện tượng vỡ ối sớm ở phụ nữ mang thai:

  • Sản phụ bị nhiễm trùng đường sinh dục dưới như viêm âm đạo, âm hộ, viêm cổ tử cung,...
  • Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: giang mai, lậu, herpes sinh dục... cũng là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng vỡ ối non thai kỳ.
  • Vỡ ối non có thể xảy ra nếu ngôi thai bất thường, ngôi ngang, ngôi mông, nhau tiền đạo, đa ối, đa thai, khung chậu thai phụ bị hẹp.
  • Người mẹ hút thuốc lá trong lúc mang thai cũng là yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng vỡ ối trong thai kỳ, tỷ lệ vỡ ối non cao gấp đôi so với những thai phụ không hút thuốc lá.
  • Một số nguyên nhân khác gây nên hiện tượng vỡ ối non trong thai kỳ như cơ địa cổ tử cung ngắn dưới 35 cm, hở eo tử cung, thể trạng sản phụ suy dinh dưỡng ăn uống kém,...

3. Hậu quả của vỡ ối sớm

Sinh non là hậu quả thường thấy khi thai phụ bị vỡ ối sớm, nó khiến trẻ bị nhẹ cân, dễ mắc một số bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản hoặc mắc một số khuyết tật bẩm sinh như mù, điếc, câm,...

Vỡ ối sớm gây ra hàng loạt các biến chứng cho thai nhi như:

  • Nhiễm khuẩn ối, nhiễm trùng bào thai hoặc nhiễm trùng huyết,...
  • Trẻ mắc hội chứng suy hô hấp, xuất huyết não thất, xuất huyết giảm tiểu cầu, hoại tử ruột,...
  • Có sự bất thường về chức năng vận động và thần kinh ở thai nhi khi sản phụ bị vỡ ối sớm.

4. Vỡ ối sớm phải làm sao?

4.1 Từ tuần thứ 22 đến tuần thứ 31 của thai kỳ: Thai phụ cần cố gắng dưỡng thai

  • Trong quá trình dưỡng thai, bác sĩ có thể chỉ định thuốc trưởng thành phổi thai bằng cách tiêm bắp Betamethasone 12mg/24 giờ x2 ngày hoặc Dexamethasone 6mg/12 giờ x2 ngày, tuy nhiên thuốc này có thể gây giảm cân nặng, giảm chu vi vòng đầu và chiều dài cơ thể của thai nhi nếu sử dụng trên 2 đợt.
  • Quản lý nhiễm khuẩn

Nhiễm khuẩn là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng vỡ ối non. Do đó trong giai đoạn này cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhiễm khuẩn cho sản phụ bằng cách:

  • Khi thăm khám phụ khoa cần sử dụng kẹp mỏ vịt, tránh sử dụng tay để thăm khám ngoại trừ những trường hợp đặc biệt.
  • Cấy dịch cổ tử cung, âm đạo và hậu môn cho thai phụ. Cấy dịch âm đạo 1-3 lần/ tuần.
  • Chỉ định các kháng sinh phổ rộng để phòng nhiễm khuẩn cho cả thai phụ và thai nhi. Kháng sinh phổ rộng còn giúp giảm tỷ lệ chuyển dạ sớm, kéo dài thai kỳ cho thai phụ khi bị vỡ ối non nhằm kích thích phổi thai nhi trưởng thành. Tuy nhiên không nên sử dụng kháng sinh quá 7 ngày vì việc kéo dài thời gian sử dụng kháng sinh có thể làm tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn.
  • Thai phụ cần được nghỉ ngơi, trong quá trình mang thai cần theo dõi dấu hiệu sinh tồn 4 lần/ngày, công thức máu, công thức bạch cầu, CRP.
  • Thường xuyên theo dõi thai nhi bằng cách siêu âm đánh giá thai, rau và nước ối, thực hiện monitor sản khoa 3 lần/ ngày.
  • Chỉ định sử dụng thuốc giảm co thắt khi cần thiết.
Thai phụ chỉ nên sử dụng thuốc giảm co thắt khi cần thiết
Thai phụ chỉ nên sử dụng thuốc giảm co thắt khi cần thiết

4.2 Thai 32 - 33 tuần

Trong giai đoạn này cần tiến hành:

  • Theo dõi monitor tim thai, kiểm tra sự phát triển của thai trong tử cung.
  • Chỉ định nhóm thuốc corticoid để kích thích sự trưởng thành của phổi thai nhi.
  • Kiểm soát tốt vấn đề nhiễm khuẩn cho thai phụ
  • Khi có đủ bằng chứng trưởng thành phổi, nhiễm khuẩn, thai suy cần tiến hành khởi phát chuyển dạ.

4.3 Thai 34 - 36 tuần

  • Trong giai đoạn này corticoid không được khuyến cáo sử dụng.
  • Trong vòng 24h sau khi vỡ ối, phần lớn thai phụ sẽ chuyển dạ tự nhiên. Vỡ ối sớm:
  • Làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tử cung, viêm màng ối, thiểu ối, biến dạng chi, nhau bong non, suy thai hoặc thiểu sàng phổi nếu kéo dài thai kỳ.
  • Khởi phát chuyển dạ, chấm dứt thai kỳ ngay nếu có đủ bằng chứng trưởng thành phổi thai.
  • Nếu quyết định giữ thai cần quản lý tốt vấn đề nhiễm khuẩn.
  • Chỉ định thuốc giảm co thắt khi cần thiết, lưu ý không nên chỉ định thuốc này đối với thai kỳ lớn hơn 36 tuần.

4.4 Thai > 37 tuần

Tiến hành chấm dứt thai kỳ đối với thai lớn hơn 37 tuần bị vỡ ối sớm, lưu ý không nên đợi 12 đến 24 nhằm tránh tối đa các biến chứng có thể xảy ra cho cả mẹ và thai nhi.

Việc chấm dứt thai kỳ còn tùy thuộc vào tình trạng cổ tử cung, ngôi thai, tình trạng thai và việc có nhiễm trùng hay không, tiến hành:

  • Mổ lấy thai nếu phát hiện ngôi bất thường hoặc có những bằng chứng cho thấy thai nhi không chịu nổi cuộc chuyển dạ
  • Cho kháng sinh khởi phát chuyển dạ ngay lập tức đối với những trường hợp nhiễm trùng trên lâm sàng và không có chống chỉ định đẻ đường âm đạo.
  • Gây chuyển dạ bằng cách truyền oxytocin nếu cổ tử cung thuận lợi. Trường hợp cổ tử cung không thuận lợi cần làm chín muồi cổ tử cung.

5. Dự phòng vỡ ối non

Dự phòng là biện pháp tốt nhất giúp giảm tai biến vỡ ối cho sản phụ. Dự phòng vỡ ối non bằng cách:

  • Kiểm soát và điều trị tốt các bệnh lý nhiễm trùng âm đạo, viêm cổ tử cung trước và trong quá trình mang thai.
  • Trong quá trình mang thai, thai phụ cần có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi 1 cách hợp lý, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, không nên hút thuốc lá.
  • Cần chuyển thai phụ lên tuyến có đơn vị chăm sóc trẻ non tháng nhẹ cân để được chăm sóc và theo dõi đặc biệt.
  • Khởi phát chuyển dạ đúng thời điểm, không quá sớm cũng không quá muộn.
  • Sử dụng kháng sinh phổ rộng theo hướng dẫn của các cán bộ y tế, không nên tự ý mua thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

41.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan