Các xét nghiệm cần làm nếu bị sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân

Bài viết bởi Bác sĩ CKII Nguyễn Thu Hoài - Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Sảy thai liên tiếp là hiện tượng có từ 2 lần sảy thai liên tục trở lên, thai nhi bị tống xuất khỏi buồng tử cung trước 22 tuần. Thực tế, sảy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân là do các thăm khám và xét nghiệm y học thời điểm hiện tại (tại Việt Nam hoặc trên thế giới) hiện chưa phát hiện ra nguyên nhân.

1. Sảy thai liên tiếp cần làm xét nghiệm gì?

Nhiều các trường hợp sảy thai liên tiếp cần phải làm rất nhiều xét nghiệm để tìm nguyên nhân (hoặc loại trừ các nguyên nhân có thể gây sảy thai). Cùng với sự tiến bộ của y học, các nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp ngày càng tìm được nhiều hơn, đặc biệt là các nguyên nhân di truyền. Các xét nghiệm được chia thành các nhóm sau:

1.1 Nhóm xét nghiệm di truyền

  • Nhiễm sắc đồ: Có thể phát hiện được bất thường số lượng hay cấu trúc nhiễm sắc thể của một hay 2 vợ chồng có tiền sử sảy thai liên tiếp. Có thể làm nhiễm sắc thể đồ của thai bị sảy sau khi thai tống xuất ra khỏi buồng tử cung để tìm nguyên nhân
  • Xét nghiệm di truyền cấp độ phân tử: Xét nghiệm gen, đoạn gen liên quan đến sảy thai, thai bất thường. Xét nghiệm gen tăng đông máu của mẹ gây tăng nguy cơ thai lưu, sảy thai
Xét nghiệm gen trước khi mang thai
Xét nghiệm gen di truyền

1.2 Nhóm xét nghiệm liên quan đến miễn dịch

Xét nghiệm liên quan đến bất đồng nhóm máu (hay gặp là Rh âm), Xét nghiệm kháng thể kháng Phospholipid, antiphospholipid antibody, antiCardioLipin antibody, Lupus Anticoagulant antibody, Anti beta 2 Glycoprotein I..

1.3 Nhóm xét nghiệm vi sinh đánh giá tình trạng nhiễm trùng

Toxoplasma, CMV, giang mai, ...

1.4 Nhóm chẩn đoán hình ảnh

Siêu âm: Để phát hiện các trường hợp bất thường ở tử cung như u xơ tử cung, tử cung dị dạng, tử cung nhi tính..., Chụp tử cung: phát hiện tử cung dị dạng, tử cung có vách ngăn, dính buồng tử cung...

1.5 Các xét nghiệm nội tiết

Tìm một số những rối loạn nội tiết như đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, suy hoàng thể sớm...

Xét nghiệm axit nucleic (Nucleic Acid Test - NAT)
Xét nghiệm nội tiết giúp tìm ra nguyên nhân sảy thai

2. Điều trị sảy thai liên tiếp như thế nào?

Việc điều trị cũng như hỗ trợ bệnh nhân cho lần mang thai tiếp theo tùy thuộc vào nguyên nhân gây sảy thai liên tiếp

Nếu sảy thai liên tiếp do bất thường di truyền: Tư vấn về di truyền xem người bệnh có nên có thai nữa hay không. Trường hợp có thai tự nhiên: tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán trước sinh, chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau cho tất cả thai kỳ có bố hoặc mẹ mang bất thường nhiễm sắc thể (NST). Trong thụ tinh trong ống nghiệm: tiến hành sinh thiết chẩn đoán tiền phôi (kỹ thuật PGD) nhằm loại bỏ những phôi mang bất thường di truyền gây sẩy thai hoặc có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cao.

Nếu sảy thai liên tiếp do hội chứng antiphospholipid hoặc mang gen tăng đông máu: điều trị bằng thuốc chống đông máu: Heparin trọng lượng phân tử thấp hoặc Heparin không đứt đoạn, thuốc ức chế tiểu cầu, thuốc ức chế miễn dịch hoặc Gammaglobulin tùy trường hợp. Trước mang thai, với các trường hợp có hội chứng Antiphospholipid có tiền sử huyết khối hoặc hội chứng Antiphospholipid thứ phát, bệnh lý tự miễn, bệnh nhân cần được khám và theo dõi chuyên khoa nội để điều trị dự phòng huyết khối hoặc ức chế miễn dịch.

Mô bệnh học cho thấy vi huyết khối đang được hình thành trong hội chứng ALPA
Mô bệnh học cho thấy vi huyết khối đang được hình thành trong hội chứng antiphospholipid

Với trường hợp do thiếu hụt nội tiết: Hỗ trợ nội tiết cho bệnh nhân ngay từ sau giai đoạn phóng noãn để tăng khả năng làm tổ tốt của thai,

Điều trị dứt điểm tình trạng nhiễm trùng ở các bệnh nhân bị sảy thai liên tiếp do nhiễm trùng

Phẫu thuật điều trị u xơ tử cung, polyp buồng tử cung, vách ngăn tử cung...

Điều trị các bệnh lý toàn thân của mẹ như đái tháo đường, giang mai, viêm thận hay các bệnh nội tiết như thiểu năng giáp trạng, basedow...

Do sảy thai liên tiếp là bệnh lý phức tạp, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên rất cần được chẩn đoán sớm nguyên nhân và điều trị sớm. Vì vậy tất cả các trường hợp bệnh nhân sau sảy thai 2 lần liên tiếp cần được khám tư vấn bác sĩ Sản khoa, đặc biệt là các bác sĩ di truyền nhằm phát hiện cụ thể nguyên nhân và có biện pháp can thiệp sớm. Khi bắt đầu có thai, thai phụ cần được quản lý và theo dõi sát với bác sỹ chuyên khoa phụ sản và các chuyên khoa phối hợp nếu cần. Việc điều trị bổ sung nội tiết, khâu vòng cổ tử cung, giảm co, điều trị hội chứng Antiphospholipid hay các xét nghiệm chọc ối, sinh thiết gai nhau để đánh giá bất thường di truyền sẽ được bác sỹ sản đưa ra tùy thuộc nguyên nhân. Đồng thời, bệnh nhân cần được tư vấn và được khám, xét nghiệm đầy đủ để phát hiện sớm dấu hiệu của huyết khối các vị trí, dấu hiệu của tiền sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung, sẩy thai, thai lưu và dấu hiệu các tác dụng phụ của thuốc.

Thành lập phòng khám phụ khoa
Định kỳ kiểm tra sức khỏe sản phụ khoa, giúp mọi người phát hiện bệnh lý sớm

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Video đề xuất:

Chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai: Cẩm nang mẹ bầu cần biết

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: