Các tác dụng phụ của thuốc chống co thắt tử cung

Phụ nữ khi mang thai, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị, đặc biệt là những thuốc nằm trong nhóm kháng sinh, nhóm tác động trên hệ thần kinh, thuốc chống co thắt tử cung,.... Vì những loại thuốc này dễ gây ra biến đổi thai nhi hoặc gây co bóp tử cung ảnh hưởng nghiêm trọng tới thai nhi.

1. Một số loại thuốc chống co thắt tử cung

1.1 Thuốc Nifedipin

Thuốc Nifedipin: Là lựa chọn đầu tay trong các loại thuốc giảm co tử cung. Nếu không rơi vào một trong số các trường hợp bị chống chỉ định.

Chống chỉ định của thuốc:

  • Những người bị bệnh tim mạch, bao gồm suy tim, suy chức năng thất trái
  • Những người huyết áp thấp (< 90/50 mmHg)
  • Phụ nữ xuất huyết trước sinh, tiền sản giật, nhiễm trùng ối và suy thai
  • Không dùng đồng thời với Betamimetics như Salbutamol

Liều dùng:

  • Liều khởi đầu: Dùng 20mg Nifedipin uống (không dùng dạng phóng thích chậm).
  • Sau 30 phút, nếu cơn co tử cung còn tiếp tục, cho dùng thêm liều uống 20mg.
  • Sau 30 phút tiếp theo, nếu cơn co vẫn còn tiếp tục, cho sản phụ dùng thêm 1 liều uống 20mg.
  • Trong trường hợp huyết áp ổn định, có thể duy trì liều 20mg x 3 lần /ngày trong vòng 48-72 giờ.

Chú ý: Liều dùng tối đa là 120mg/ ngày

Thuốc Nifedipin khởi phát tác dụng mạnh trong vòng 30- 60 phút sau khi uống. Nếu dùng thuốc thất bại, chỉ được dùng các thuốc giảm co khác (lựa chọn thứ 2) sau liều Nifedipin cuối 2 giờ.

1.2 Thuốc Salbutamol

Thuốc Salbutamol được coi là lựa chọn thứ 2, trong trường hợp không rơi vào trường hợp bị chống chỉ định. Không được dùng đồng thời với Nifedipin, do 2 thuốc này có tác dụng tương tác với nhau

Thuốc Salbutamol bị chống chỉ định trong:

  • Những người bị bệnh tiểu đường phụ thuộc Insulin
  • Suy tim mẹ hoặc suy tim thai
  • Những người có bệnh tuyến giáp

Liều dùng:

Trong trường hợp giảm các cơn co tử cung: Dùng 5mg (ống 5ml Ventolin tiêm truyền trong sản khoa). Để thuốc đạt được dung dịch nồng độ 50mcg/ml nên pha loãng với dung môi đến 100 ml

Khi tiêm truyền tĩnh mạch Salbutamol, nên dùng bơm tiêm điện. Để truyền tĩnh mạch, thuốc Salbutamol được khuyến cáo với tốc độ truyền ban đầu là 12ml/giờ (10mcg/phút). Sau mỗi 30 phút, tăng lên 4ml/ giờ (3,3 mcg/phút) cho đến khi có các dấu hiệu sau:

  • Ngừng các cơn co tử cung
  • Nhịp tim đạt 120 lần /phút
  • Tốc độ truyền đạt tối đa là 36ml/ giờ (30mcg/phút)
Thuốc chống co thắt tử cung khi mang thai
Co bóp tử cung là một trong các tác dụng phụ của thuốc chống co thắt tử cung

1.3 Glyceryl Trinitrat (GTN)

GTN là một nitrat hữu cơ. Khi vào trong cơ thể được chuyển hóa thành gốc oxyd nitric (NO), giúp cho tử cung “yên lặng” trong thai kỳ. Cho đến nay, y học chưa có đủ bằng chứng để chứng minh về việc sử dụng GTN trong dọa sinh non. Thuốc này tác dụng mạnh trong vòng 1-2 giờ sau khi can thiệp. Khi dùng miếng thuốc dán, giải phóng thuốc đều đặn trong 24 giờ.

Liều dùng:

Dùng miếng thuốc dán chứa 5-10 mg. Dùng lặp lại liều sau 1 giờ, nếu các cơn co tử cung vẫn còn. Chú ý liều dùng tối đa là 20mg trong 24 giờ).

1.4 Thuốc Indometacin

Thuốc Indometacin ức chế tổng hợp Prostaglandin. Thuốc này có thể được xem xét dùng trong ngắn hạn để giảm co trong trường hợp bị chống chỉ định hay thất bại với các thuốc khác. Trên lý thuyết, vẫn còn tranh cãi về nguy cơ gây cao áp phổi cho thai nhi và giảm chức năng thận khi dùng ngắn hạn, còn khi dùng lâu dài thì đã rõ ràng.

Liều dùng: Liều khởi đầu: đặt hậu môn 100mg. Sau đó uống 25 mg mỗi 4 giờ trong vòng 48 giờ. Nếu các cơn co tử cung vẫn còn tiếp tục, trong vòng 1-2 giờ sau khi đặt hậu môn liều khởi đầu, có thể thêm 1 liều đặt hậu môn 100mg trước khi dùng đường uống.

2. Tác dụng phụ của thuốc chống co thắt tử cung

2.1 Thuốc Nifedipin

Thận trọng:

  • Thận trọng khi tác dụng “hiệp đồng” với Magnê Sulphat (MgSO4). Trường hợp này không chống chỉ định tuyệt đối, tuy nhiên cần phải theo dõi thận trọng nhất là từ khi huyết áp bắt đầu giảm.
  • Cần phải theo dõi cân bằng điện giải, ure, creatinin và chức năng gan của mẹ
  • Cứ mỗi 30 phút kiểm tra mạch, huyết áp và chức năng hô hấp cho đến khi chấm dứt các cơn co tử cung. Trường hợp sản phụ tụt huyết áp, can thiệp bằng đường tiêm tĩnh mạch là lựa chọn đầu tiên
  • Tiếp tục theo dõi tim thai cho đến khi các cơn co tử cung đã lắng
  • Theo dõi chức năng tim phổi cứ mỗi 8 giờ trong vòng 24 giờ trị liệu đầu tiên

Tác dụng không mong muốn: Nóng đỏ bừng mặt, tim đập nhanh, chóng mặt, tụt huyết áp, đau đầu, buồn nôn, xảy ra bất thường ở những người có huyết áp bình thường, suy tim, tăng các men gan.

Thuốc chống co thắt tử cung
Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc chống co thắt tử cung

2.2 Thuốc Salbutamol

Thận trọng:

  • Trước khi truyền thuốc, cần phải kiểm tra cân bằng điện giải, ure và creatinin, cần thiết lặp lại nếu có bất thường
  • Kiểm tra mức đường huyết ở thai phụ. Lặp lại mỗi 4 giờ nếu có bất thường
  • Theo dõi chức năng tim phổi 8 giờ 1 lần
  • Để tránh tình trạng quá tải, không tiêm tĩnh mạch thêm
  • Sau 30 phút kiểm tra mạch, huyết áp và chức năng hô hấp cho đến khi thiết lập được liều duy trì
  • Nếu mạch thai phụ đạt mức > 120 lần / phút, giảm truyền

Ngừng truyền và cần can thiệp ngay lập tức khi thấy đau ngực, khó thở hoặc tần số hô hấp > 30 lần /phút.

  • Theo dõi tim thai 30 phút 1 lần
  • Trị liệu bằng thuốc Salbutamol không được kéo dài hơn 48 giờ. Trong một số trường hợp đặc biệt, được tiếp tục hơn 24 giờ theo chỉ định của bác sĩ.

Tác dụng không mong muốn: Một số tác dụng phụ có thể xảy ra như: tim đập nhanh, tụt huyết áp, run (đặc biệt là run tay), phù phổi, tăng đường huyết và hạ kali máu. Chính vì vậy cần đặc biệt theo dõi khi dùng thuốc

2.3 Thuốc Glyceryl Trinitrat

Thận trọng khi dùng thuốc:

  • Trước khi dùng thuốc, cần phải kiểm tra các thông số điện giải, glucose, ure và creatinin của thai phụ.
  • Theo dõi chức năng tim phổi 8 giờ 1 lần
  • Sau 30 phút kiểm tra mạch, huyết áp và chức năng hô hấp cho đến khi thiết lập được liều duy trì
  • Tiếp tục theo dõi tim thai cho đến khi các cơn co tử cung đã lắng

Tác dụng không mong muốn: Đau đầu, nóng đỏ bừng mặt, tụt huyết áp, tim đập nhanh.

2.4 Thuốc Indomethacin

Thận trọng khi dùng thuốc: Thuốc này không được dùng cho các trường hợp loét dạ dày.

Tác dụng không mong muốn:

  • Sử dụng Indometacin lâu dài, đặc biệt ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến thu hẹp hoặc làm tắc ống động mạch của thai nhi. Ngoài ra, còn làm giảm chức năng thận ở thai nhi.

Trên đây là thông tin tham khảo về các tác dụng phụ của thuốc chống co thắt tử cung. Chị em nên tham khảo và trước khi có ý định dùng bất cứ loại thuốc nào trong quá trình mang thai cần hỏi ý kiến bác sĩ để có những chỉ định tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan