Các bất thường về màu sắc và thể tích của nước ối

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tú - Bác sĩ Siêu âm sản – Chẩn đoán trước sinh – Khoa Sản - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Các bất thường về màu sắc và thể tích của nước ối có thể diễn ra cấp tính hay mạn tính, do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Bất thường về nước ối có thể gây gia tăng tình trạng bệnh tật và làm tăng nguy cơ tử vong cho cả mẹ và bé.

1. Vai trò của nước ối

Thai nhi nằm trong tử cung của người mẹ được bao bọc bởi nước ối. Nước ối là một môi trường rất giàu chất dinh dưỡng và có khả năng tái tạo, trao đổi. Nó giữ một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống và phát triển của thai nhi khi nằm trong bụng mẹ.

Trong giai đoạn đầu, nước ối bắt đầu được hình thành do sự thẩm thấu của huyết thanh của người mẹ thông qua màng ối, hoặc thẩm thấu của huyết thanh em bé thông qua da thai nhi. Ở giai đoạn sau, khi thai nhi được 10-12 tuần tuổi, nước ối được hình thành do nước tiểu tiết ra từ thận và dịch phổi của thai nhi. Khi thai nhi được 16-32 tuần tuổi, lượng nước ối đạt được từ 250ml-800ml, rồi tăng lên tới 1000ml, nó duy trì cho đến khi thai nhi được 36 tuần tuổi. Bắt đầu từ thời điểm này cho đến khi em bé được sinh ra, lượng nước ối sẽ giảm dần đi và chỉ còn lại khoảng 500ml. Do đó, nếu thai nhi càng già tháng thì lượng nước ối sẽ càng ít đi.

Nước ối có chức năng nuôi dưỡng phôi thai bằng sự tái hấp thu nước ối, được thực hiện chủ yếu qua hệ tiêu hóa của thai nhi. Từ tuần thứ 20 thai kỳ, thai nhi đã bắt đầu nuốt nước ối. Ngoài ra, nước ối còn được tái hấp thu qua dây rốn, màng ối và qua da của thai nhi. Tuần thứ 24 thai kỳ trở đi, thai nhi hấp thu từ 300ml-500ml nước ối mỗi ngày. Lượng nước ối này sẽ vào máu góp phần cân bằng dịch trong cơ thể của thai nhi và sẽ được lọc một phần để tạo thành nước tiểu cho em bé, vào ruột góp phần tạo phân su.

Bất thường về nước ối
Nước ối có chức năng nuôi dưỡng phôi thai bằng sự tái hấp thu nước ối, được thực hiện chủ yếu qua hệ tiêu hóa của thai nhi

Nước ối còn có chức năng bảo vệ, che chở cho thai nhi tránh những va chạm, sang chấn và đặc biệt là đảm bảo môi trường vô trùng cho em bé trong bọc ối. Về mặt cơ học, nước ối tạo môi trường cho thai nhi phát triển bình chỉnh và hài hòa về ngôi thai trong ống sinh dục của người mẹ trong những tháng cuối cùng của thai kỳ. Trong lúc chuyển dạ sinh, nước ối vẫn sẽ tiếp tục bảo vệ thai nhi khỏi những sang chấn của cơn co tử cung và nhiễm khuẩn. Nước ối giúp hình thành đầu ối nong cổ tử cung của người mẹ giúp cho sự xóa mở cổ tử cung được thuận lợi hơn.

Sau khi vỡ ối, tính nhờn của nước ối có vai trò bôi trơn đường sinh dục của người mẹ giúp cho thai nhi dễ dàng được sinh ra hơn. Như vậy, nước ối là một dịch luân lưu, từ tam cá nguyệt thứ hai, nước ối có nguồn gốc phần lớn do thai nhi bài tiết từ đường tiết niệu và nước ối được hấp thu lại do thai nuốt qua hệ tiêu hóa. Nước ối bình thường khi:

  • Về thể tích: Nước ối thay đổi từ 50ml khi thai nhi được 4 đến 8 tuần tuổi đến 1000ml khi thai nhi được 38 tuần tuổi. Sau đó, thể tích nước ối có khuynh hướng giảm dần và còn khoảng 500-800ml vào tuần thứ 40 của thai kỳ và cho đến lúc chuyển dạ sinh em bé.
  • Về màu sắc: Lúc đầu thai kỳ nước ối có màu trắng trong. Thai nhi càng lớn dần thì màu sắc nước ối sẽ trắng đục dần do có chứa nhiều chất gây. Thai đủ trưởng thành (từ tuần lễ thứ 38), nước ối sẽ có màu trắng đục gần giống với nước vo gạo.

Thông qua khảo sát bệnh lý của nước ối, chúng ta có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe và một số bệnh lý của thai nhi. Nước ối có thể bất thường về màu sắc và thể tích.

2. Bất thường về thể tích

2.1 Đa ối

Khi thể tích nước ối lớn hơn 2000ml: Thường gặp ở trong trường hợp đa thai và một số bất thường về hệ thần kinh trung ương của thai nhi ví dụ như thai vô sọ, úng thủy, thoát vị não màng não, cột sống chẻ đôi,... Đa ối cũng có thể do nguyên nhân bệnh lý của màng ối, hay của bánh nhau dây rốn, thai nhi to, phù nhau thai. Hay bệnh lý của mẹ như mẹ bị tiểu đường,... hoặc vô căn.

Ảnh hưởng của đa ối lên sự phát triển và sức khỏe thai nhi: Đa ối nếu do nguyên nhân dị dạng hay dị tật thì tiên lượng rất xấu. Đa ối sẽ làm cho em bé khá di động trong tử cung nên dễ bị dây rốn quấn cổ, ngôi bất thường. Đa ối làm bụng mẹ căng to hơn bình thường, đặc biệt là đa ối cấp. Mẹ cảm thấy khó thở, dễ có cơn co tử cung và chuyển dạ sinh non làm tăng tỷ lệ tử vong khi sinh bé. Khi chuyển dạ sinh, tình trạng đa ối rất dễ là nguyên nhân của chuyển dạ kéo dài làm em bé dễ suy thai, người mẹ bị đờ tử cung gây ra băng huyết sau sinh. Đồng thời, đa ối sẽ dẫn tới dễ bị vỡ ối đột ngột và tai biến của vỡ ối đột ngột là: Nhau thai bong non, sa dây rốn, ngôi bất thường và thuyên tắc ối.

Thuyên tắc ối là một biến chứng có thể nói là nguy hiểm nhất đối với mẹ mang thai. Đây là tình trạng nước ối hiện diện ở trong vòng tuần hoàn của người mẹ, làm cho sản phụ tắc mạch, hô hấp cấp tính và suy tuần hoàn. Thuyên tắc ối không có yếu tố, nguy cơ báo trước cũng như cách phòng tránh, tuy là bệnh hiếm gặp nhưng lại có ảnh hưởng rất nặng nề, hơn 50% trường hợp tử vong. Những điều này gây đe dọa tính mạng của cả hai mẹ con.

2.2 Thiểu ối (ít ối) và vô ối

Khi thể tích nước ối dưới 200ml: Thường gặp trong bất thường hệ tiết niệu và hệ tiêu hóa thai nhi như hẹp thực quản, không có dạ dày, van niệu đạo sau ở bé nam, bất sản thận.... Thiểu ối còn gặp trong tình trạng mẹ suy dinh dưỡng, thai suy dinh dưỡng, thai quá ngày sinh, vỡ ối non, vỡ ối sớm....

Ảnh hưởng của thiểu ối lên sự phát triển của thai nhi: Thiểu ối nếu xuất hiện sớm vào tam cá nguyệt thứ 2 có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi. Nếu không phải do dị tật bẩm sinh thì bé cũng có những hậu quả lớn vì tình trạng thiểu ối kéo dài: Trật khớp háng bẩm sinh, xơ cứng các khớp, tay chân khoèo do không cử động tốt được trong buồng tử cung ít nước ối, thiểu sản phổi gây suy hô hấp. Vào tam cá nguyệt thứ ba, nếu thiểu ối thường do em bé suy dinh dưỡng và nguy cơ cũng lớn: Nguy cơ tay chân khoèo, xơ cứng khớp, thiểu sản phổi và điều quan trọng là chèn ép dây rốn, bé dễ bị suy thai và không bình chỉnh được ngôi thai có thể có những ngôi bất thường gây đẻ khó. Nếu vỡ ối gây thiểu ối khi chưa chuyển dạ hoặc khi mới bắt đầu đau bụng khi sinh dễ dẫn tới nguy cơ nhiễm trùng ối, từ đó làm nhiễm trùng bào thai, nhiễm trùng tử cung... cả mẹ và bé đều nguy hiểm, đều bị ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Thiểu ối gây hại đối với thai nhi ví dụ như nguy cơ gây biến dạng các chi (khoèo, vẹo), biến dạng cơ mặt, nhẹ cân, thậm chí chết thai, khi chuyển dạ bị chèn ép rốn nặng, rối loạn cơn gò. Gây hại cả cho mẹ như: rối loạn cơn gò, dẫn đến chuyển dạ có vấn đề.

Để xử trí đối với thai phụ bị thiểu ối là cần xác định được nguyên nhân; đánh giá được mức độ, diễn tiến và hậu quả cho thai nhi; trì hoãn để thai đủ trưởng thành - gia tăng lượng nước ối bằng cách uống nước hoặc truyền nước vào buồng ối. Khi thai nhi đủ lớn có thể nuôi sống được, có thể kết thúc thai kỳ sớm để cứu thai. Thậm chí, cha mẹ sẽ phải chấp nhận bỏ thai, vì thai nhi có bệnh lý trầm trọng, tiên lượng tử vong cao hay có bất thường nặng nề

2.3 Cách đánh giá thể tích nước ối

Các cách đánh giá thể tích nước ối bao gồm:

  • Dựa vào thăm khám lâm sàng: bằng cách sờ nắn bụng, sờ nắn phần thai cũng như thăm khám ngã âm đạo, người bác sĩ lâm sàng có thể biết được có tình trạng nước ối có nhiều hay ít. Tuy nhiên để ước đoán chính xác hơn về thể tích nước ối, ta phải nhờ vào siêu âm để đo các khoảng nước ối có trong buồng ối
  • Dựa vào siêu âm bán định lượng để đo lượng nước ối: Có nhiều phương pháp bán định lượng trong việc đánh giá thể tích nước ối thông qua siêu âm. Thông thường nhất là người ta đo chỉ số nước ối bằng cách cộng tổng 4 khoang nước ối ở 4 góc của buồng ối.
Bất thường về nước ối
Siêu âm bán định lượng để đo lượng nước ối

Lượng nước ối ước lượng nhờ việc siêu âm, tính bằng cách chia khoang bụng người mẹ làm bốn phần rồi đo khoang ối lớn nhất (cm) ở từng phần rồi cộng lại, nên ta có chỉ số nước ối như sau:

Chỉ số ối bình thường từ: 6-12 cm

Chỉ số ối bất thường:

  • Đa ối: lớn hơn hoặc bằng 20cm (>=20cm)
  • Thiểu ối: nhỏ hơn hoặc bằng 5cm (<= 5cm)
  • Vô ối: nhỏ hơn 3cm (< 3cm)

Ngoài ra, người ta có thể dùng phương pháp như tìm đo khoang ối lớn nhất trong buồng ối, thông qua siêu âm để đánh giá thể tích nước ối. Có thể xem là thiểu ối khi khoang ối lớn nhất vẫn nhỏ hơn hoặc bằng 3cm.

Tuy nhiên, việc đo chỉ số nước ối bằng siêu âm phải được đánh giá ít nhất là 2 lần liên tục, mỗi lần cách nhau từ 2 đến 6 giờ đồng hồ để xác định tình trạng thiểu ối hay thừa ối. Màu sắc nước ối có thể thay đổi rất nhanh chỉ trong vàng 30 phút đến 2 giờ, và thể tích nước ối có thể thay đổi chỉ sau 12 giờ.

3. Bất thường về màu sắc

Những bất thường về màu sắc nước ối bao gồm:

  • Nước ối có màu vàng xanh: Hiện tượng tán huyết thai nhi hoặc thai nhi chậm phát triển ở trong tử cung.
  • Nước ối dơ hoặc có màu xanh rêu sệt, thậm chí có lẫn phân xu của bé: Thai nhi bị suy yếu trầm trọng trong bụng mẹ, gây đe dọa tính mạng cho cả mẹ và bé.
  • Nước ối xanh đục cũng như lẫn mủ, và có thể đi kèm mùi hôi: đó là tình trạng nhiễm trùng ối, em bé có nguy cơ cao bị nhiễm trùng trong tử cung.
  • Nước ối có màu đỏ nâu: có nghĩa là em bé không còn sống hay thai nhi đã bị chết lưu trong bụng mẹ
Bất thường về nước ối
Bà bầu cần lưu ý khi thấy những bất thường về màu sắc nước ối

Màu sắc nước ối được nhìn thấy bằng cách soi ối với những trường hợp cổ tử cung mở lớn hơn 1cm hoặc chọc hút nước ối qua thành bụng. Khi vỡ hối tự nhiên hoặc bấm ối thì có thể nhìn màu sắc nước ối một cách chính xác và rõ ràng.

Đối với thai kỳ thì nước ối đóng vai trò rất quan trọng, có thể ngang bằng với tử cung, lá nhau và dây rối trong vai trò nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi. Nhờ vào khảo sát màu sắc, thể tích và tỷ trọng nước ối, người ta có thể dự báo cũng như tiên đoán được tình trạng sức khỏe và sự phát triển của em bé còn đang nằm trong bụng mẹ.

Vì vậy, khi trong giai đoạn mang thai, người mẹ cần theo dõi định kỳ để đảm bảo chất lượng nước ối. Nếu thấy có những biểu hiện bất thường cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để có hướng xử trí thích hợp. Các bác sĩ sẽ có những đánh giá về chất lượng nước ối thông qua màu sắc của dịch ối. Thường thì nước ối của thai non tháng sẽ không màu. Khi thai nhi càng lớn, chất gây bám trên da thai nhi bong ra nên nước ối sẽ có màu trắng đục như nước vo gạo. Nếu nước ối có màu trắng trong, trắng đục thì tốt; nhưng nếu nước ối có màu xanh, màu vàng thì không tốt. Trong lúc người mẹ chuyển dạ, nếu bác sĩ thấy nước ối có nhiều phân xu (được tống ra từ thai nhi) sẽ có hướng xử lý thích hợp, vì lúc này có thể em bé đang bị ngạt do thiếu oxy.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tú có kinh nghiệm 6 năm về siêu âm sản phụ khoa, đặc biệt được nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về siêu âm thai - chẩn đoán trước sinh. Bác sĩ Tú đã hoàn thành các khóa học về siêu âm - chẩn đoán trước sinh của hiệp hội Y học bào thai Quốc tế FMF; được đào tạo về tư vấn và thực hiện các kĩ thuật can thiệp chẩn đoán trong y học bào thai và tham gia nhiều hội nghị, hội thảo chuyên sâu về Y học bào thai

Hiện đang là bác sĩ tại Khoa Sản phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan