Bốc hỏa mãn kinh kéo dài khoảng bao lâu?

Bốc hỏa là triệu chứng phổ biến nhất của thời kỳ mãn kinh và tiền mãn kinh. Hơn 2/3 phụ nữ Bắc Mỹ đang bước vào thời kỳ mãn kinh bị bốc hỏa. Chúng cũng ảnh hưởng đến những phụ nữ bắt đầu mãn kinh sau khi hóa trị hoặc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Trung bình một người phụ nữ sẽ trải qua những cơn bốc hỏa trong khoảng 7 năm.

1. Cơn bốc hỏa là gì?

Cơn bốc hỏa là cảm giác nóng đột ngột và đôi khi, mặt đỏ bừng và đổ mồ hôi. Nguyên chính xác gây nên cơn bốc hoả vẫn chưa rõ nhưng chúng có thể liên quan đến những thay đổi trong tuần hoàn.

Những sự thay đổi nội tiết tố xảy ra khi những năm cuối trong giai đoạn sinh sản của người phụ nữ kết thúc có thể gây ra một loạt các triệu chứng bốc hỏa. Có đến 80% phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh bị bốc hỏa. Cơn bốc hỏa, còn được gọi là triệu chứng vận mạch, thường được mô tả là cảm giác nóng đột ngột ở ngực, mặt và đầu, sau đó đỏ bừng, đổ mồ hôi và đôi khi còn ớn lạnh. Cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi xảy ra trong khi ngủ có thể khiến bạn khó có được một đêm ngon giấc. Các ước tính về thời gian của các triệu chứng này được lấy từ Nghiên cứu Sức khỏe Phụ nữ Trên Toàn Quốc (SWAN) của Mỹ, một nghiên cứu dài hạn về phụ nữ thuộc các chủng tộc và sắc tộc khác nhau đang trong giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh.

Cơn bốc hỏa bắt đầu khi các mạch máu gần bề mặt da giãn ra giúp cơ thể hạ nhiệt, khiến bạn toát mồ hôi. Một số phụ nữ cũng có nhịp tim nhanh hoặc ớn lạnh. Nếu chúng xảy ra trong khi bạn ngủ, chúng được gọi là đổ mồ hôi ban đêm. Chúng có thể khiến bạn tỉnh giấc và khiến bạn khó có thể nghỉ ngơi đầy đủ.

2. Cơn bốc hoả sẽ kéo dài trong bao lâu

Thời gian sẽ tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân. Khoảng 2 trong số 10 phụ nữ không bao giờ bị bốc hỏa. Những người khác có cơn bốc hỏa chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng cũng có những người khác có thể bị bốc hỏa trong 11 năm hoặc hơn. Tuy nhiên, trung bình, phụ nữ bị bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi ban đêm trong khoảng 7 năm.

Người ta từng nói rằng, những cơn bốc hỏa liên quan đến mãn kinh sẽ biến mất sau sáu đến 24 tháng. Nhưng đối với nhiều phụ nữ, cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm thường kéo dài hơn rất nhiều - ước tính từ 7 đến 11 năm.

Dữ liệu từ các nghiên cứu xác nhận những triệu chứng mà nhiều phụ nữ đã trực tiếp trải qua. Các cơn bốc hỏa có thể diễn ra trong nhiều năm và gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của người phụ nữ; Tiến sĩ JoAnn Manson, giáo sư về sức khỏe phụ nữ tại Trường Y Harvard và là giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Harvard cho biết.

triệu chứng cơn bốc hỏa
Triệu chứng của cơn bốc hỏa là khác nhau giữa mỗi phụ nữ.

Các nhà nghiên cứu SWAN phát hiện ra rằng, một số phụ nữ có nhiều khả năng đối mặt với các cơn bốc hỏa kéo dài hơn những người khác. Những phụ nữ có cơn bốc hỏa đầu tiên trước khi kỳ kinh nguyệt kết thúc có những cơn bốc hỏa trung bình từ 9 đến 10 năm. Với những phụ nữ có cơn bốc hỏa xảy ra sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng, thời gian trung bình chỉ khoảng 3,5 năm. Tuy nhiên, để đối phó với các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm lại là một “cuộc chiến” rất dài.

Những phụ nữ trong nghiên cứu SWAN trải qua cơn bốc hỏa trong thời gian dài lâu hơn có xu hướng là những người đang hoặc trước đây đã từng hút thuốc, thừa cân, căng thẳng, trầm cảm hoặc lo lắng. Sắc tộc cũng đóng một vai trò nhất định. Phụ nữ Mỹ gốc Phi có thời gian bốc hỏa lâu nhất (trung bình hơn 11 năm), trong khi phụ nữ Nhật Bản và Trung Quốc bị bốc hỏa chỉ khoảng một nửa thời gian đó.

Những dữ liệu nghiên cứu SWAN cung cấp về các cơn bốc hỏa sẽ khuyến khích phụ nữ tìm kiếm giải pháp. Nếu những cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm thực sự làm phiền bạn, đừng lờ chúng đi. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về các lựa chọn điều trị phù hợp.

3. Phòng ngừa cơn bốc hoả

Bạn không thể làm gì để tránh bốc hỏa xung quanh thời kỳ mãn kinh. Nhưng bạn có thể tránh xa những tác nhân có thể khiến chúng xảy ra thường xuyên hoặc trầm trọng hơn. Những yếu tố nguy cơ phổ biến bao gồm:

Bạn hãy thư giãn. Vào ban đêm, một chiếc "gối thư giãn" chứa đầy nước hoặc vật liệu làm mát khác có thể hữu ích. Bạn nên sử dụng quạt vào ban ngày, mặc quần áo nhẹ, rộng rãi hơn được làm bằng sợi tự nhiên như bông.

Thử thở sâu và chậm bằng bụng (6 đến 8 nhịp thở mỗi phút). Tập thở sâu trong 15 phút vào buổi sáng, 15 phút vào buổi tối và khi cơn bốc hỏa bắt đầu.

Tập thể dục hàng ngày. Đi bộ, bơi lội, đi xe đạp và khiêu vũ đều là những lựa chọn tốt.

Estrogen thực vật, được tìm thấy trong các sản phẩm đậu nành, có thể có tác dụng làm giảm cơn bốc hỏa. Các bác sĩ khuyên bạn nên ăn đậu nành từ các thực phẩm như đậu phụ thay vì thực phẩm bổ sung. Một số nghiên cứu cho thấy, black cohosh có thể hữu ích trong 6 tháng hoặc ít hơn. Botanicals và các loại thảo mộc có thể có tác dụng phụ hoặc thay đổi cách hoạt động của các loại thuốc khác, vì vậy, hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng.

4. Điều trị cơn bốc hoả

Một số phụ nữ trải qua các cơn bốc hỏa qua đi mà không cần điều trị. Phương pháp điều trị cơn bốc hỏa hiệu quả nhất là liệu pháp hormone dựa trên estrogen, mặc dù nó có một số nhược điểm. Trong khi liệu pháp hormone rất hiệu quả trong việc giảm các cơn bốc hỏa, phụ nữ ở độ tuổi lớn hơn có nguy cơ bị đột quỵ, đông máu và các vấn đề sức khỏe khác cao hơn. Tiến sĩ Manson khuyên: “Vì vậy, điều quan trọng là phụ nữ phải tìm hiểu đầy đủ các lựa chọn điều trị - đặc biệt là những phụ nữ có khả năng bị bốc hỏa dai dẳng.”

điều trị cơn bốc hỏa bằng liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone dựa trên estrogen hiện đang là phương pháp điều trị cơn bốc hỏa hiệu quả nhất.

Một số loại thuốc không chứa nội tiết tố cũng có thể giúp giảm các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm. Chúng bao gồm một số loại thuốc chống trầm cảm, một số loại thuốc thường được kê cho chứng đau dây thần kinh và một số loại thuốc cao huyết áp. Với bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên chọn liều thấp nhất để làm giảm các triệu chứng của bạn một cách hiệu quả và dùng thuốc trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể.

Đối với một số phụ nữ, các biện pháp không dùng thuốc có thể hữu ích. Có thể kể đến các bài tập thở sâu khi cơn bốc hỏa bắt đầu; mặc quần áo nhiều lớp; hạ thấp nhiệt độ; tránh xa caffeine, rượu, đồ uống nóng và thức ăn cay; các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền định và chánh niệm,...

Nếu các cơn bốc hỏa gây khó chịu hoặc gây rắc rối cho bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc áp dụng liệu pháp thay thế hormone, hay còn gọi là HRT, trong một thời gian giới hạn, thường là dưới 5 năm. Phương pháp này ngăn ngừa chứng bốc hỏa cho nhiều phụ nữ. Ngoài ra, nó có thể giúp cải thiện các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh, bao gồm khô âm đạo và rối loạn tâm trạng. Khi bạn ngừng dùng HRT, các cơn bốc hỏa có thể quay trở lại. Một số HRT ngắn hạn có thể khiến bạn có nhiều khả năng bị đông máu, ung thư vú và nội mạc tử cung và viêm túi mật.

Nếu HRT không phù hợp với bạn, các phương pháp điều trị khác có thể giúp giảm bớt. Các thuốc điều trị theo toa bao gồm:

  • Thuốc trầm cảm liều thấp như fluoxetine (Prozac, Rapiflux), paroxetine (Paxil, Pexeva) hoặc venlafaxine (Effexor).
  • Clonidine, một loại thuốc huyết áp.
  • Gabapentin, một loại thuốc chống động kinh.
  • Brisdelle, một công thức paroxetine dành riêng cho các cơn bốc hỏa.
  • Duavee, một công thức estrogen/bazedoxifene liên hợp được thiết kế để điều trị chứng bốc hỏa.
  • Vitamin nhóm B, vitamin E và ibuprofen cũng có thể hữu ích.

Điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi dùng bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung mới nào, bao gồm cả các sản phẩm không kê đơn.

Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin bổ ích khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn: webmd.com, health.harvard.edu

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan