Bị đa nang buồng trứng làm sao để có con?

Khi được chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang, chị em thường thắc mắc liệu rằng mình có thể có con không hoặc bị đa nang buồng trứng làm sao để có con. Để giúp giải đáp những thông tin liên quan đến vấn đề này, các bạn đừng bỏ lỡ bài viết chia sẻ ngay dưới đây.

1. Khi bị hội chứng buồng trứng đa nang có thể có con không?

Hội chứng buồng trứng đa nang còn được biết đến với tên gọi PCOS hay hội chứng Stein-Leventhal. Vấn đề này xuất hiện ở chị em phụ nữ do sự gia tăng về nồng độ androgen (hormone nam giới) trong cơ thể. Chính sự mất cân bằng hormone này sẽ dẫn đến gián đoạn quá trình phát triển của nang noãn, từ đây buồng trứng xuất hiện nhiều các nang nhỏ (từ 6 – 10 nang < 9mm). Những nang này thường có cấu trúc vỏ đệm buồng trứng dày nên không thể phát triển, trưởng thành. Chúng làm giảm khả năng rụng trứng, gây nguy cơ vô sinh, hiếm muộn cho chị em phụ nữ.

Thực tế, rất nhiều chị em lo lắng hội chứng buồng trứng đa nang sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, thậm chí dẫn tới vô sinh. Đây là điều hoàn toàn có cơ sở nhưng bạn đừng quá lo lắng bởi người mắc buồng trứng đa nang vẫn có thể mang thai được nếu có giải pháp điều trị kịp thời. Khi tình trạng bệnh càng nặng, lúc này nguy cơ hiếm muộn, vô sinh thường sẽ càng cao.

2. Khi bị đa nang buồng trứng làm sao để có con?

Do người bị đa nang buồng trứng khó có con nên cần có giải pháp can thiệp kịp thời để giúp khắc phục vấn đề hiệu quả. Dưới đây là một số phương pháp được áp dụng phổ biến hàng đầu.

2.1. Sử dụng các loại thuốc kích thích trứng phát triển và rụng

Để kích thích trứng phát triển và rụng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc sau:

  • Clomiphene (Clomid): Đây là thuốc chống estrogen được sử dụng qua đường uống.
  • Letrozole (Femara): Thuốc có khả năng ức chế men aromatase không steroid thường được sử dụng trong điều trị một số loại ung thư vú (như ung thư vú liên quan đến thụ thể hormone). Bên cạnh đó, thuốc cũng có thể được dùng để kích thích nang trứng phát triển ;
  • Metformin (Glucophage, Fortamet...): Đây là các loại thuốc thuộc nhóm tiểu đường type II, đồng thời phát huy tốt hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng kháng insulin và làm giảm nồng độ insulin ở phụ nữ mắc PCOS.
  • Gonadotropin: Đây là thuốc tiêm nội tiết tố nữ được bác sĩ chỉ định sử dụng trong một số trường hợp.

2.2. Thay đổi lối sống hàng ngày

Người mắc hội chứng buồng trứng đa nang cần hạn chế sử dụng carbohydrate bằng cách xây dựng và duy trì chế độ ăn ít chất béo. Bên cạnh đó, người bệnh cần tập thể dục thường xuyên và đều đặn để có một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai. Đây là yếu tố quan trọng giúp điều hòa cơ chế sinh học của cơ thể. Nếu sức khỏe toàn thân được đảm bảo, điều này sẽ kéo theo sức khỏe sinh sản tốt hơn, giúp chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hơn và góp phần gia tăng tỉ lệ mang thai.

2.3. Có giải pháp kiểm soát Insulin trong cơ thể

Nhiều tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi chị em có cơ thể khỏe mạnh, cân nặng hợp lý, không bị béo phì sẽ góp phần gia tăng tỷ lệ mang thai. Do đó, một trong những vấn đề người mắc hội chứng buồng trứng đa nang cần quan tâm đó là kiểm soát tốt Insulin giúp giữ lượng được trong cơ thể được giữ ở mức ổn định.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, Insulin hoạt động giống như một chìa khóa giúp vận chuyển glucose vào các tế bào cơ thể. Ở chị em mắc hội chứng PCOS, nhiều người bị kháng insulin, gây cản trở và không cho phép insulin hoạt động đúng cách. Điều này khiến cho nồng độ insulin trong máu cao hơn bình thường dẫn đến tăng cân, kích thích sự thèm ăn và dẫn đến bệnh đái tháo đường.

Khi rơi vào trường hợp này, chị em cần thường xuyên vận động thể dục kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý để insulin hoạt động tốt hơn, hiệu quả và giảm kháng insulin đáng kể. Việc kiểm soát cân nặng sẽ gia tăng cơ hội mang thai ở phụ nữ mắc PCOS đáng kể, giảm mức độ insulin và giảm nguy cơ biến chứng khi mang thai.

2.4. Phẫu thuật

Với những trường hợp sử dụng thuốc không có tác dụng, người bệnh có thể được khuyến nghị phẫu thuật để cân bằng lượng hormone nam dư thừa trong buồng trứng, góp phần thúc đẩy rụng trứng tốt hơn. Tuy nhiên hiện tại phương pháp pháp thuật ít được áp dụng do có nguy cơ làm suy giảm dự trữ buồng trứng của người phụ nữ.

2.5. Lựa chọn các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại

Khi bị đa nang buồng trứng làm sao để có con, hiện nay các phương pháp hỗ trợ sinh sản rất phổ biến và mang tính hiệu quả cao. Do đó khi việc dùng thuốc không hiệu quả, chị em thường được chỉ định thực hiện các thủ thuật như IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) hoặc IVM (trưởng thành trứng non trong ống nghiệm).

  • IUI: Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được sử dụng các loại thuốc tăng kích thước trứng, kích thích phóng noãn. Sau đó, tinh trùng của người chồng được lấy ra lọc rửa rồi bơm thẳng vào buồng tử cung của người phụ nữ. Phương pháp này sẽ giúp kích thích trứng phát triển, tăng xác xuất tinh trùng gặp trứng để tăng khả năng thụ thai.
  • IVF: Đây là phương pháp sử dụng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản dạng tiêm để kích thích buồng trứng để tạo nên được một số lượng trứng trưởng thành có chất lượng tốt. Trứng thu được sẽ được thụ tinh bằng cách tiêm tinh trùng vào noãn trưởng thành để tạo thành phôi, sau đó phôi được nuôi trong môi trường nhân tạo thêm 3 hoặc 5 ngày và được chuyển vào tử cung của người phụ nữ. Khoảng 10-12 ngày sau chuyển phôi, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thử thai để xem chu kỳ chuyển phôi đó đã thành công hay chưa.
  • IVM: Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ không cần dùng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản liều cao để kích thích buồng trứng để tạo ra nhiều nang trứng trưởng thành. Thay vào đó, bác sĩ lấy noãn chưa trưởng thành từ buồng trứng của người phụ nữ sau đó tiến hành nuôi và làm trưởng thành noãn trong phòng thí nghiệm trước khi thụ tinh.

3.Một số lưu ý cho người mang thai khi bị đa nang buồng trứng

Nhiều tài liệu nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, những phụ nữ hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) thường có nguy cơ gặp phải các biến chứng thai kỳ hơn so với phụ nữ không PCOS.

Theo đó, các bà mẹ mắc hội chứng PCOS có tần suất chuyển dạ sinh non cao hơn và trẻ có nguy cơ hít ối phân su so với những trẻ sinh ra từ người mẹ bình thường. Một nghiên cứu khác cũng cho biết thêm mẹ bầu bị buồng trứng đa nang tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non, đặc biệt ở người đa nang có cường androgen.

Bên cạnh đó, phụ nữ bị buồng trứng đa nang khi mang thai còn có nguy cơ gặp phải các vấn đề như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, nguy cơ sảy thai cao hơn, Vì vậy thai phụ mắc hội chứng này cần được thông báo về những nguy cơ họ có thể gặp trong thai kỳ, được giám sát chặt chẽ trong suốt thời gian mang thai và sàng lọc sớm các biến chứng trong quá trình mang thai và lúc sinh. Cụ thể, chị em cần được kiểm soát cân nặng, lượng đường huyết, nội tiết và huyết áp, sinh hoạt lành mạnh, thăm khám định kỳ và tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Trên đây là một số thông tin giải đáp thắc mắc bị đa nang buồng trứng làm sao để có con. Khi gặp phải vấn đề này, tốt nhất bạn nên dành thời gian thăm khám sớm để có được giải pháp can thiệp kịp thời, giúp gia tăng tỉ lệ có thai sớm nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

684 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan