Bạn biết gì về tử cung đảo ngược?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Tử cung đảo ngược (hay còn gọi là lộn tử cung) là một cấp cứu hiếm gặp khi sinh thường, trong đó một phần hoặc toàn bộ tử cung lộn quay từ trong ra ngoài, nằm vượt khỏi cổ tử cung hoặc âm hộ. Bệnh lý tử cung bất thường này chủ yếu xảy ra khi lực kéo dây rốn để lấy rau thai ra quá mạnh.

1. Đảo ngược tử cung là gì?

Đảo ngược tử cung là một biến chứng nghiêm trọng nhưng hiếm gặp khi sinh con tự nhiên, trong đó tử cung hoàn toàn quay ra ngoài sau khi em bé chào đời. Khi xảy ra tử cung đảo ngược, đỉnh tử cung (đáy) đi qua khỏi cổ tử cung hoặc thậm chí nằm hoàn toàn bên ngoài âm đạo. Tỷ lệ gặp phải là khoảng 1 trên 3.000 ca sinh.

Thông thường, sau khi sinh thường, các cơn co thắt tự nhiên khiến nhau thai tách ra khỏi thành tử cung. Điều này thường xảy ra trong vòng 5 - 10 phút sau khi bạn sinh con, đôi khi có thể mất nhiều thời gian hơn. Miễn là thai phụ không bị chảy máu, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh có thể đợi một lúc để nhau thai tự tách ra. Khi nữ hộ sinh kiểm tra xác định nhau đã bong, bạn có thể được yêu cầu rặn nhẹ, đồng thời bác sĩ sẽ kéo nhẹ dây rốn để giúp đẩy nhau thai ra khỏi tử cung và đi qua âm đạo để ra ngoài. Đôi khi, nhau thai không tách ra bình thường và nỗ lực kéo này sẽ khiến tử cung đảo ngược. Cũng có trường hợp đảo ngược tử cung tự xảy ra, hoặc do áp lực kéo quá lớn trong khi sổ nhau, tử cung nhão, nhau cài răng lược...

Nếu nhau thai không tự bong ra, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật bóc nhau thai bằng tay. Cụ thể là đưa một tay qua âm đạo để vào tử cung, sau đó lách vào bánh nhau để bóc nhau thai ra khỏi thành tử cung.

Đảo ngược tử cung có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm chảy máu ồ ạt và sốc, đe dọa tính mạng. Tình trạng này sẽ đặc biệt nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời ngay lập tức.

2. Nguyên nhân gây đảo ngược tử cung

Thuốc giãn cơ
Sử dụng thuốc giãn cơ khi chuyển dạ có thể khiến tử cung đảo ngược

Nguyên nhân chính xác khiến tử cung đảo ngược không được biết rõ. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro có thể là:

  • Chuyển dạ kéo dài hơn 24 giờ
  • Dây rốn ngắn
  • Sinh non
  • Sử dụng thuốc giãn cơ khi chuyển dạ
  • Tử cung bất thường hoặc yếu
  • Đã từng bị đảo ngược tử cung trước đó
  • Nhau cài răng lược, trong đó nhau thai bám quá sâu vào thành tử cung
  • Nhau thai bám vào đỉnh tử cung

Ngoài ra, kéo dây rốn quá mạnh để loại bỏ nhau thai cũng có thể khiến tử cung đảo ngược. Dây rốn không bao giờ được kéo mạnh, đồng thời nhau thai cũng nên được lấy ra cẩn thận và nhẹ nhàng. Trong trường hợp nhau thai chưa bong ra trong vòng 30 phút sau khi sinh, nên tránh sử dụng bằng tay với lực mạnh. Nếu không, thai phụ có thể bị xuất huyết và nhiễm trùng.

3. Chẩn đoán và điều trị tử cung đảo ngược

3.1. Chẩn đoán

Bệnh lý tử cung bất thường này sẽ được chẩn đoán dễ dàng thông qua quan sát lâm sàng. Các biểu hiện thường bao gồm:

  • Tử cung đang nhô ra từ âm đạo
  • Tử cung không nằm ở vị trí thích hợp
  • Mất máu nhiều hoặc giảm huyết áp nhanh

Người mẹ cũng có thể gặp một số triệu chứng sốc sản khoa như:

  • Chóng mặt, choáng váng
  • Ớn lạnh
  • Mệt mỏi
  • Hụt hơi.
Chóng mặt khoảng 1 giờ mới hết là do đâu?
Chóng mặt, choáng váng là triệu chứng sốc sản khoa

3.2. Xử trí

Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ cố gắng đặt tử cung lại vị trí ban đầu và đẩy phần đáy trở lại qua cổ tử cung.

Bạn sẽ được lập đường truyền tĩnh mạch IV ngay lập tức nếu chưa có sẵn. Thuốc kiểm soát cơn đau và làm giãn tử cung sẽ được truyền vào, giúp bác sĩ tái định vị tử cung. Thuốc an thần, gây mê toàn thân, Thuốc giảm co thắt cơ tử cung có thể được sử dụng trong những trường hợp này

Nếu nhau thai vẫn gắn vào tử cung, nên đặt tử cung lại trước khi lấy nhau thai ra. Trong trường hợp nỗ lực để đẩy lại tử cung bằng tay không thành công, cần phải phẫu thuật mở bụng để đưa tử cung về vị trí ban đầu.

Khi tử cung của bạn đã được định vị lại, y tá sẽ dừng truyền các loại thuốc làm giãn tử cung. Thay vào đó, bạn sẽ được truyền oxytocin IV liên tục để ổn định tử cung, giúp giữ nguyên vị trí và kiểm soát chảy máu. Đến khi tử cung đủ cứng cáp, nhân viên y tế sẽ đặt một tay bên trong âm đạo và tay kia trên bụng của bạn để tạo áp lực nén tử cung và làm chậm chảy máu.

Ngoài ra, còn có một kỹ thuật mới hơn để điều chỉnh tử cung đảo ngược là dùng thiết bị bóng và áp lực nước. Một quả bóng được đặt bên trong khoang tử cung và chứa đầy dung dịch nước muối để đẩy tử cung trở lại vị trí ban đầu. Thủ tục đơn giản này đã thành công trong việc tái định vị tử cung, đồng thời ngăn chặn mất máu và tử cung lại đảo ngược tái phát một cách hiệu quả.

3.3. Theo dõi

Đội ngũ nhân viên y tế sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ thai phụ, bao gồm kiểm tra tử cung để đảm bảo vẫn ở đúng vị trí, quan sát các dấu hiệu quan trọng và chảy máu âm đạo. Bạn sẽ được truyền máu khi cần thiết và có khả năng sẽ dùng kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng. Nhiều khả năng bạn sẽ cảm thấy yếu ớt và lâng lâng. Trong thời gian này, không nên cố gắng rời khỏi giường.

Khi đã được xuất về nhà, bạn cần chăm sóc bản thân tốt hơn. Hãy nghỉ ngơi thật nhiều, dùng các bữa ăn bổ dưỡng, uống nhiều nước và làm đúng theo tất cả hướng dẫn của bác sĩ, chẳng hạn như yêu cầu bổ sung sắt.

4. Lưu ý trong lần mang thai tiếp theo

Gây tê và giảm đau trong khi sinh: Những điều cần biết
Giảm đau trong khi sinh cho bệnh nhân

Nếu đã từng bị tử cung đảo ngược một lần, nhiều khả năng bạn sẽ gặp lại một lần nữa. Tương tự, như bất kỳ biến chứng thai kỳ hoặc vấn đề y tế nào khác, hãy đảm thông báo cho bác sĩ và nữ hộ sinh biết. Điều này giúp họ chuẩn bị cho ca sinh của bạn tốt hơn, trong đó có dự phòng nguy cơ tử cung đảo ngược bằng cách lắp sẵn đường truyền tĩnh mạch và có mặt bác sĩ gây mê để sẵn sàng hỗ trợ ngay lập tức (nếu cần).

Mặc dù đảo ngược tử cung không xảy ra thường xuyên, nhưng nếu có sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong cao do chảy máu nghiêm trọng và sốc. Tuy nhiên, bệnh lý tử cung bất thường có thể được điều trị thành công nếu chẩn đoán sớm, xử trí nhanh, truyền dịch và truyền máu phù hợp. Sau khi được khắc phục, người mẹ có thể đảm bảo sức khỏe và không bị tổn thương tử cung lâu dài.

Những tai biến sản khoa, bất thường về tử cung có thể được chẩn đoán trước khi sinh. Vì thế trong thai kỳ, đặc biệt gần đến ngày dự sinh, mẹ bầu cần khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, đồng thời chọn những địa chỉ, bệnh viện uy tín có chuyên khoa sản để thực hiện sinh nở, nhất là thai phụ có tiên lượng sinh khó, bất thường trong thai kỳ.

Sau 9 tháng 10 ngày mang nặng, thai phụ bước vào cuộc đẻ và phải đối mặt với mức độ đau đẻ được so sánh với gãy 20 cái xương sườn cùng lúc. Để cuộc đẻ diễn ra suôn sẻ, an toàn, thai phụ cần hiểu rõ:

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, healthline.com, .msdmanuals.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan