Nhiều người thường thắc mắc “bà bầu có được ăn rau muống không” vì sợ con sinh ra bị rốn lồi hay chậm lành vết thương,... Thực chất, rau muống có chứa nhiều acid folic tự nhiên rất tốt cho sức khỏe. Vì vậy, bà bầu nên ăn để bổ sung acid folic trong kỳ tam cá nguyệt đầu tiên nhằm hạn chế nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
1. Bà bầu có được ăn rau muống không?
Rau củ quả là một trong những loại thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày. Đặc biệt là các bà bầu thường phải ăn nhiều hơn mức bình thường để đảm bảo dinh dưỡng và phòng ngừa táo bón khi mang thai. Tuy nhiên, không phải loại rau nào cũng có lợi cho sức khỏe của bà bầu.
Trong rất nhiều loại rau thì rau muống là món ưa thích của nhiều người bởi nó dễ ăn, giòn ngọt mà giá cả phải chăng. Nhưng nhiều người thường thắc mắc “bà bầu ăn rau muống có được không” vì sợ con sinh ra bị rốn lồi hay chậm lành vết thương,...
Thực chất, rau muống có chứa rất nhiều acid folic tự nhiên tốt cho sức khỏe. Vì vậy, bà bầu nên sử dụng để bổ sung acid folic trong kỳ tam cá nguyệt đầu tiên nhằm hạn chế nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu của thai kỳ nếu thể trạng của mẹ không được tốt thì tuyệt đối không nên ăn rau muống.
2. Lợi ích của rau muống cho bà bầu
Những lợi ích tuyệt vời mà rau muống có thể mang lại khi bà bầu bổ sung chúng vào thực đơn như:
- Rau muống có chứa rất nhiều acid folic giúp phòng ngừa sinh non và những dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
- Trong thành phần của rau muống có nhiều sắt rất có lợi cho người bị thiếu máu, đặc biệt là đối với thai phụ.
- Rau muống có hàm lượng chất xơ cao giúp hỗ trợ điều trị những vấn đề về rối loạn tiêu hóa. Đặc tính nhuận trạng của rau muống giúp cho bà bầu tránh khỏi tình trạng táo bón khi mang thai.
- Theo nghiên cứu, cứ 100gam rau muống cung cấp khoảng 100mg canxi. Đây là một loại chất khoáng rất cần cho sự phát triển xương và răng của trẻ cũng như bảo vệ bà bầu khỏi chứng loãng xương sau khi sinh.
- Bà bầu ăn rau muống còn được bổ sung nhiều vitamin A tốt cho sức khỏe thị lực, đồng thời ngăn những dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể.
- Chất glycolipid có trong rau muống cũng làm giảm đau nhức toàn thân do sự tăng trọng và thay đổi nội tiết tố khi mang thai.
- Ăn rau muống đều đặn hàng ngày cũng giúp thúc đẩy sức đề kháng, nâng cao hệ thống miễn và chống lại các bệnh nhiễm trùng.
- Vitamin A và vitamin C, beta-carotene là những thành phần có chứa nhiều trong rau muống, đây đều là những tác nhân chống oxy hóa mạnh mẽ có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của gốc tự do và là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh mạn tính khác.
3. Khi bà bầu ăn rau muống cần lưu ý những gì?
Một số lưu ý khi bà bầu ăn rau muống để phòng tránh những vấn đề về tiêu hóa như:
- Rau muống nên rửa sạch và nấu chín, bởi nó được trồng hầu hết tại các ao hồ, đây là môi trường chứa nhiều loại giun sán, có thể gây đau bụng và khó tiêu. Vì vậy, nếu còn thắc mắc vấn đề “bà bầu ăn gỏi rau muống được không” thì chắc chắn câu trả lời là không.
- Khi trồng rau muống, một số người có sử dụng thêm hóa chất để rau tăng trưởng nhanh và ít bị sâu ăn. Vì vậy, rau cần được ngâm nước muối và rửa lại nhiều lần dưới vòi nước sách trước khi nấu nhằm phòng tránh ngộ độc thức ăn.
- Không uống sữa và ăn rau muống, bởi vì ăn cùng lúc 2 loại thực phẩm này có thể cản trở việc hấp thụ canxi vào cơ thể.
- Đối với những trường hợp bà bầu đang có những vết thương ngoài da thì không nên ăn rau muống, bởi vì chúng sẽ kích thích tăng sinh tế bào gây sẹo lồi và làm mất thẩm mỹ.
- Rau muống có chứa khá nhiều đạm thực vật nên đây sẽ không phải là lựa chọn tốt cho những ai bị bệnh gout.
- Bà bầu đang bị suy nhược cơ thể hoặc có những vấn đề về đường tiêu hóa cũng không nên ăn rau muống để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Chỉ ăn rau muống khoảng từ 2 – 3 bữa/tuần.
Tóm lại, rau muống là một trong những loại thực phẩm chứa nhiều acid folic tự nhiên rất tốt cho sức khỏe. Vì vậy, bà bầu nên ăn rau muống để bổ sung acid folic trong kỳ tam cá nguyệt đầu tiên nhằm hạn chế nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Trường hợp trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu thể trạng người mẹ không được tốt hay có những vấn đề về sức khỏe khác thì tuyệt đối không nên ăn rau muống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.