Ai có nguy cơ tăng huyết áp khi mang thai?

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Theo thống kê, có khoảng 6% sản phụ mang thai bị mắc phải chứng bệnh tăng huyết áp ở bà bầu. Tăng huyết áp thai kỳ có khả năng tiến triển thành tiền sản giật, gây nguy hiểm cho tính mạng của sản phụ và thai nhi, do đó cần phải được theo dõi đặc biệt.

1. Tìm hiểu hiện tượng tăng huyết áp ở bà bầu

Theo thống kê, có khoảng 10 - 15 % phụ nữ mang thai tăng huyết áp, trong đó có khoảng 0,2% lên cơn tiền sản giật. Huyết áp cao không chỉ gây nguy hiểm cho thai vì khoảng 9% trẻ em do phụ nữ cao huyết áp cao bị chết trong tử cung, khoảng 15 % bị suy dinh dưỡng mà còn là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở người mẹ.

Sản phụ bị chẩn đoán là tăng huyết áp ở bà bầu khi huyết áp tâm thu cao hơn hay bằng 140 mmHg và hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hay bằng 90 mmHg .

Huyết áp được kiểm tra qua 2 lần đo cho người phụ nữ ở tư thế nửa ngồi và đã được nghỉ ngơi. Khi sản phụ mang thai tăng huyết áp nặng, bằng hay lớn hơn 160 /100 mmHg thì buộc phải vào nằm viện, cao huyết áp vừa phải (dưới 160 /100 mmHg) thì có thể được theo dõi ngoại trú sát sao .

Tăng huyết áp trong thai kỳ
Tăng huyết áp thai kỳ có khả năng tiến triển thành tiền sản giật

2. Chẩn đoán mang thai tăng huyết áp như thế nào?

Có 5 nhóm rối loạn cao huyết áp trong thai kỳ gồm:

  • Cao huyết áp thai kỳ (Cao huyết áp thoáng qua )
  • Tiền sản giật
  • Sản giật
  • Tiền sản giật trên bệnh nhân bị cao huyết áp mãn tính
  • Cao huyết áp mãn tính

Đối tượng của căn bệnh cao huyết áp trong thai kỳ thường gặp là:

  • Các sản phụ con so, đặc biệt trẻ hơn 20 tuổi
  • Nguy cơ tăng lên cùng với tuổi của sản phụ mang thai lớn hơn 40 tuổi
  • Tiền sử gia đình có tiền sản giật hoặc tăng huyết áp
  • Tăng huyết áp có sẵn từ trước
  • Chửa đa thai: Nhiều thai, sinh đôi, hay sinh ba ...
  • Có thai kèm có bệnh đái đường, bệnh thận
  • Chửa trứng
  • Cảm thụ Rhesus nặng, chủng tộc người Mỹ gốc Phi.
Vì sao mọi phụ nữ mang thai đều nên kiểm tra nguy cơ tiểu đường thai kỳ?
Bệnh đái đường khi mang thai có thể gây tăng huyết áp

Sản phụ nến sớm được chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ cũng như điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa nhiều biến chứng nguy hiểm về sau. Phụ nữ mang thai cũng cần lưu ý cập nhật kiến thức về những triệu chứng của căn bệnh này để có thể sớm có biện pháp can thiệp y tế.

3. Tư vấn về các lần mang thai tới

Phụ nữ có cao huyết áp trong thai kỳ cần được theo dõi nhiều tháng sau sinh và được tư vấn về các lần có thai sau và có nguy cơ bệnh tim mạch về sau này.

Tình trạng cao huyết áp tồn tại càng lâu sau khi sinh, nguy cơ chuyển thành cao huyết áp mạn tính càng cao. Cao huyết áp do thai thường trở về bình thường tối đa 12 tuần sau sinh, nếu tình trạng này kéo dài được coi như là cao huyết áp mạn tính

Phụ nữ đã từng bị tiền sản giật có nguy cơ bị lại ở lần có thai tới cao hơn bình thường. Tình trạng tiền sản giật biểu hiện và được chẩn đoán càng sớm, khả năng bị tiền sản giật ở các các lần có thai sau càng cao. Phụ nữ sanh nhiều lần, bị tiền sản giật sẽ có nguy cơ tiền sản giật ở lần có thai sau nhiều hơn sản phụ mới bị tiền sản giật lần đầu.

Nếu thai phụ bị cao huyết áp trong thai kỳ thì hãy sắp xếp một cuộc hẹn trước ​​với bác sĩ sản khoa để có thể theo dõi sức khỏe của mẹ và em bé trong suốt thai kỳ. Trọng lượng và huyết áp của thai phụ sẽ được kiểm tra ở mỗi lần khám, thai phụ có thể thường xuyên phải xét ​​nghiệm máu và nước tiểu theo chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ sức khỏe của thai nhi. Siêu âm dùng cho việc quan sát sự tăng trưởng và phát triển của em bé. Theo dõi nhịp tim thai nhi có thể được dụng để đánh giá mức độ khỏe mạnh. Bác sĩ cũng có thể khuyên thai phụ nên theo dõi những chuyển động hàng ngày của bé .

Ngoài ra, thai phụ cũng nên chăm sóc tốt cho bản thân là cách tốt nhất để chăm sóc em bé:

  • Đến phòng khám thai thường xuyên trong suốt thai kỳ
  • Dùng thuốc điều trị huyết áp và các thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ
  • Thực hiện theo các khuyến nghị của bác sĩ cho hoạt động thể chất như tập Yoga cho phụ nữ có thai, thể dục nhẹ nhàng.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ, có chất xơ, chọn thực phẩm chứa ít natri.
  • Hiểu biết về những điều cấm kỵ như: Tránh hút thuốc lá, rượu và ma túy. Hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc không kê đơn nào.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

882 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan