Rối loạn tăng động, giảm chú ý ở người lớn (ADHD)

Rối loạn tăng động, giảm chú ý ở người lớn (ADHD) là một rối loạn bao gồm sự kết hợp của các vấn đề khó chú ý, hiếu động quá mức và hành vi bốc đồng. Bệnh gây ra nhiều hệ lụy như giảm hiệu suất làm việc, học tập kém và lòng tự trọng thấp.

1. Rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD) là gì?

Rối loạn tăng động/giảm chú ý ở người trưởng thành (ADHD) là một rối loạn sức khỏe tâm thần bao gồm sự kết hợp của các vấn đề khó chú ý, hiếu động thái quá và hành vi bốc đồng. ADHD có thể dẫn đến các mối quan hệ không ổn định, hiệu suất làm việc hoặc học tập kém, lòng tự trọng thấp và các vấn đề khác.

Mặc dù được gọi là ADHD ở người lớn nhưng các triệu chứng của bệnh đã bắt đầu từ thời thơ ấu và tiếp tục đến tuổi trưởng thành. Trong một số trường hợp, ADHD không được chẩn đoán cho đến độ tuổi trưởng thành. Các triệu chứng ADHD ở người lớn có thể không rõ ràng như các triệu chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ em. Ở người trưởng thành, tăng động có thể giảm, nhưng người bệnh vẫn đối diện với cơn bốc đồng, bồn chồn và khó chú ý. Điều trị cho ADHD người lớn tương tự như điều trị cho ADHD trẻ nhỏ.

Điều trị ADHD cho người lớn bao gồm thuốc, tư vấn tâm lý (tâm lý trị liệu) và điều trị cho bất kỳ tình trạng sức khỏe tâm thần nào xảy ra cùng với ADHD.

Trắc nghiệm: Bận rộn có ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn không?

Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta vì quá bận rộn mà quên chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Ai cũng biết rằng lịch trình làm việc cả ngày có thể khiến bạn kiệt sức, nhưng cụ thể bận rộn ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe? Hãy cùng làm thử bài trắc nghiệm dưới đây.

2. Triệu chứng của ADHD

Triệu chứng của một số người tăng động giảm chú ý giảm đi khi lớn lên, số khác ngược lại, tiếp tục mang các triệu chứng chính của bệnh, gây cản trở hoạt động hàng ngày. Ở người lớn, các triệu chứng chính của ADHD có thể bao gồm khó chú ý, bốc đồng và bồn chồn. Các triệu chứng có thể biểu hiện ở mức độ từ nhẹ đến nặng dần.

Nhiều người lớn bị ADHD không biết họ mắc bệnh, họ chỉ biết rằng với những người như họ các công việc hàng ngày là một thách thức không nhỏ. Người lớn bị tăng động giảm chú ý có thể khó tập trung và sắp xếp công việc ưu tiên dẫn đến chậm deadline và lãng quên các cuộc họp hoặc kế hoạch đã đặt ra. Người bệnh thiếu khả năng kiểm soát, biểu hiện rõ trong một số tình huống như thiếu kiên nhẫn khi xếp hàng hoặc lái xe dẫn đến bùng phát cơn giận dữ.

Các triệu chứng tăng động giảm chú ý ở người trưởng thành có thể bao gồm:

  • Tính bốc đồng
  • Thiếu khả năng tuân thủ và sắp xếp các vấn đề ưu tiên
  • Khả năng quản lý thời gian kém
  • Gặp vấn đề trong việc tập trung vào một nhiệm vụ
  • Gặp rắc rối khi được phân nhiều nhiệm vụ cùng lúc
  • Bồn chồn, năng động quá mức
  • Tổ chức kế hoạch kém
  • Khả năng chịu đựng cảm giác thất vọng thấp
  • Thay đổi tâm trạng thường xuyên
  • Gặp vấn đề trong tiến trình hoàn thành công việc
  • Nóng tính
  • Thường xuyên căng thẳng

Triệu chứng của ADHD tương tự với các biểu hiện của tình trạng lo lắng hoặc rối loạn khí sắc. Nhiều người bị ADHD cũng có các rối loạn kèm theo như trầm cảm, lo lắng, làm bệnh càng khó chẩn đoán. ADHD chỉ được chẩn đoán khi các triệu chứng đủ nghiêm trọng, gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê ở trên liên tục làm ảnh hưởng đến chất lượng sống, hãy đi khám bệnh để chẩn đoán có mắc ADHD hay không. ADHD Người lớn bị tăng động giảm chú ý có thể khó tập trung và sắp xếp công việc ưu tiên.


Người lớn bị tăng động giảm chú ý có thể khó tập trung và sắp xếp công việc ưu tiên
Người lớn bị tăng động giảm chú ý có thể khó tập trung và sắp xếp công việc ưu tiên

3. Nguyên nhân gây ra ADHD

Nguyên nhân chính xác gây ra tăng động giảm chú ý chưa được sáng tỏ, những nỗ lực nghiên cứu vẫn tiếp tục. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ADHD bao gồm:

  • Di truyền học: ADHD có tính chất di truyền trong nhiều gia đình và các nghiên cứu đã chỉ ra gen có thể là một yếu tố gây bệnh.
  • Môi trường sống: Một số yếu tố môi trường cũng có thể làm tăng nguy cơ, chẳng hạn như tiếp xúc với chì khi còn nhỏ.
  • Vấn đề trong quá trình phát triển: Xảy ra các vấn đề với hệ thống thần kinh trung ương tại các thời điểm quan trọng cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

4. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh

Nguy cơ mắc tăng động giảm chú ý có thể tăng nếu bạn:

  • Có người thân như cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị ADHD hoặc một rối loạn sức khỏe tâm thần khác.
  • Mẹ hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng thuốc trong khi mang thai
  • Khi còn nhỏ, bạn đã sống trong môi trường độc hại, chẳng hạn như tiếp xúc với chì, được tìm thấy chủ yếu trong sơn và đường ống trong các tòa nhà cũ.
  • Được sinh non
  • Hút thuốc

Mẹ hút thuốc khi mang thai có thể là yếu tố nguy cơ dẫn của ADHD
Mẹ hút thuốc khi mang thai có thể là yếu tố nguy cơ dẫn của ADHD

5. Biến chứng của ADHD

Tăng động giảm chú ý gây ra nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng sống:

  • Hiệu suất học tập hoặc công việc kém
  • Thất nghiệp
  • Thu nhập thấp
  • Gặp vấn đề tài chính
  • Gặp rắc rối với các vấn đề liên quan đến pháp luật
  • Lạm dụng rượu và các chất gây nghiện
  • Tai nạn xe hơi thường xuyên hoặc tai nạn khác
  • Các mối quan hệ không ổn định
  • Sức khỏe thể chất và tinh thần kém
  • Gặp các vấn đề tâm lý như trầm cảm hoặc lo lắng
  • Hình ảnh bản thân kém trong mắt những người xung quanh
  • Muốn tự tử

6. Các vấn đề sức khỏe là hệ quả của ADHD

Mặc dù tăng động giảm chú ý không trực tiếp gây ra các vấn đề về tâm lý và nhiều vấn đề khác, các rối loạn khác thường xảy ra cùng với ADHD khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Bao gồm các:

  • Rối loạn khí sắc: Nhiều người lớn bị ADHD cũng bị trầm cảm, rối loạn lưỡng cực hoặc rối loạn tâm thần khác. Mặc dù các vấn đề về tâm thần không do ADHD gây ra, nhưng cảm giác thất bại và thất vọng lặp đi lặp lại do ADHD có thể làm trầm trọng thêm bệnh trầm cảm.
  • Rối loạn lo âu: Rối loạn lo âu xảy ra khá thường xuyên ở người lớn bị ADHD. Bệnh có thể gây lo lắng quá mức, căng thẳng và các triệu chứng khác. Lo lắng có thể trở nên tồi tệ hơn bởi các triệu chứng do ADHD gây ra.
  • Rối loạn tâm thần khác: Người lớn bị ADHD có nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần khác, chẳng hạn như rối loạn nhân cách, rối loạn bùng phát gián đoạn và rối loạn sử dụng chất gây nghiện.
  • Mất khả năng học tập: Người lớn bị ADHD có thể đạt điểm kiểm tra học thuật thấp hơn so với tuổi tác, trí thông minh và trình độ học vấn của họ. Các vấn đề liên quan đến việc học tập có thể bao gồm vấn đề với khả năng tiếp thu và giao tiếp.

Nhiều người lớn bị ADHD cũng bị trầm cảm, rối loạn lưỡng cực hoặc rối loạn tâm thần khác
Nhiều người lớn bị ADHD cũng bị trầm cảm, rối loạn lưỡng cực hoặc rối loạn tâm thần khác

7. Chẩn đoán bệnh ADHD

Các dấu hiệu và triệu chứng của tăng động giảm chú ý ở người lớn có thể khó phát hiện. Tuy nhiên, các triệu chứng ban đầu thường xuất hiện trước 12 tuổi và tiếp tục đến tuổi trưởng thành. Không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể xác nhận chẩn đoán. Các chẩn đoán bao gồm:

  • Khám thực thể: Khám thực thể để giúp loại trừ các nguyên nhân có thể khác có các triệu chứng tương tự.
  • Thu thập thông tin: Bạn sẽ được hỏi về bất kỳ vấn đề sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh của bạn, gia đình và tiền sử xuất hiện các triệu chứng bệnh.
  • Thang đánh giá ADHD hoặc các bài kiểm tra tâm lý: Giúp thu thập và đánh giá thông tin về các triệu chứng bạn đang mắc phải

Một số điều kiện y tế hoặc phương pháp điều trị có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự như ADHD. Những ví dụ bao gồm:

  • Rối loạn sức khỏe tâm thần: Các rối loạn sức khỏe tâm thần chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng, rối loạn cư xử, học tập, rối loạn ngôn ngữ hoặc các rối loạn tâm thần khác
  • Các vấn đề y tế có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ hoặc hành vi: Các vấn đề như rối loạn phát triển, rối loạn co giật, các vấn đề về tuyến giáp, rối loạn giấc ngủ, chấn thương não hoặc lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết)
  • Thuốc chữa bệnh và thuốc gây nghiện: Lạm dụng rượu hoặc các chất kích thích khác và một số loại thuốc

8. Điều trị ADHD

Các phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho ADHD ở người lớn thường bao gồm thuốc, giáo dục, đào tạo kỹ năng và tư vấn tâm lý. Sự kết hợp của những các phương pháp điều trị này thường cho hiệu quả cao, đặc biệt là kiểm soát nhiều triệu chứng của ADHD.

8.1 Thuốc

Bác sĩ sẽ tư vấn về lợi ích và rủi ro của các loại thuốc.

  • Các loại thuốc kích thích: Các sản phẩm bao gồm methylphenidate hoặc amphetamine, thường là các loại thuốc được kê toa phổ biến nhất cho ADHD. Các chất kích thích xuất hiện để tăng và cân bằng mức độ của các hóa chất não gọi là dẫn truyền thần kinh.
  • Các loại thuốc khác: Các loại thuốc khác được sử dụng để điều trị ADHD bao gồm thuốc không kích thích như atomoxetine, guanfacine và một số thuốc chống trầm cảm nhất định như bupropion. Atomoxetine, guanfacine và thuốc chống trầm cảm hoạt động chậm hơn các thuốc kích thích, nhưng đây có thể là sự lựa chọn tốt nếu bạn không thể dùng thuốc kích thích vì vấn đề sức khỏe hoặc chất kích thích gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Loại thuốc phù hợp và liều lượng là khác nhau giữa mỗi người, vì vậy có thể mất thời gian để tìm ra loại thuốc phù hợp với bạn. Hãy cho bác sĩ biết về bất kỳ tác dụng phụ của thuốc.


Phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho ADHD ở người lớn thường bao gồm thuốc
Phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho ADHD ở người lớn thường bao gồm thuốc

8.2 Tư vấn tâm lý

Tư vấn cho người mắc tăng động giảm chú ý thường bao gồm tư vấn tâm lý (tâm lý trị liệu), giáo dục về rối loạn và kỹ năng học tập.

Tâm lý trị liệu có thể giúp bạn:

  • Cải thiện kỹ năng quản lý thời gian và tổ chức
  • Tìm hiểu làm thế nào để giảm hành vi bốc đồng
  • Phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn
  • Đối phó với những thất bại trong học tập, công việc hoặc xã hội trong quá khứ
  • Cải thiện lòng tự trọng
  • Tìm hiểu cách cải thiện mối quan hệ với gia đình, đồng nghiệp và bạn bè
  • Phát triển các chiến lược để kiểm soát cơn nóng giận

Các loại tâm lý trị liệu phổ biến cho ADHD bao gồm:

  • Trị liệu hành vi nhận thức: Kiểu tư vấn có cấu trúc này dạy các kỹ năng cụ thể để quản lý hành vi của bạn và thay đổi các kiểu suy nghĩ tiêu cực thành tích cực. Nó có thể giúp bạn đối phó với các thách thức trong cuộc sống, chẳng hạn như các vấn đề về trường học, công việc hoặc mối quan hệ và giúp giải quyết các tình trạng sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như trầm cảm hoặc lạm dụng chất gây nghiện.
  • Tư vấn hôn nhân và trị liệu gia đình: Loại trị liệu này có thể giúp những người thân yêu đối phó với sự căng thẳng khi sống với người bị ADHD và tìm hiểu những gì họ có thể làm để giúp đỡ. Tư vấn như vậy có thể cải thiện kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề.

8.3 Tập trung điều trị các vấn đề liên quan đến mối quan hệ xã hội

Bạn cũng giống như nhiều người mắc tăng động giảm chú ý khác, có thể không đoán trước được và quên các cuộc hẹn, bỏ lỡ thời hạn và đưa ra các quyết định bốc đồng hoặc phi lý. Những hành vi này có thể làm mất niềm tin của đồng nghiệp, bạn bè hoặc đối tác đối với bạn.

Phương pháp trị liệu tập trung vào những vấn đề này và cách để theo dõi hành vi của bạn. Vì vậy, các lớp học có thể cải thiện giao tiếp và phát triển các kỹ năng giải quyết xung đột và giải quyết vấn đề. Trị liệu cho các cặp vợ chồng và các lớp học trong đó các thành viên gia đình tìm hiểu thêm về ADHD có thể cải thiện đáng kể các mối quan hệ của bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org và Ncbi.nlm.nih.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe