Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Lê Đức Hiệp - Bác sĩ Nội và Can thiệp Tim mạch - Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City.
Bệnh rối loạn nhịp tim là một tình trạng bất thường về nhịp tim, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và bất kỳ thời điểm nào. Triệu chứng của rối loạn nhịp tim bao gồm cảm giác hồi hộp, nhức ngực, cảm giác hẫng hụt ở ngực, đau ngực, hoặc khó thở. Bài viết sau sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn và có phương án phòng ngừa và ngăn chặn bệnh rối loạn nhịp tim diễn tiến nghiêm trọng hơn.
1. Tổng quan về bệnh rối loạn nhịp tim
1.1 Nhịp tim hình thành như thế nào?
Thông thường, tim con người có tổng cộng 4 buồng: 2 buồng tim nhỏ hơn nằm ở phía trên được gọi là tâm nhĩ, và 2 buồng tim lớn hơn nằm ở phía dưới gọi là tâm thất.
Nhịp tim bình thường được tạo ra bởi một cấu trúc nằm trong tim, được gọi là nút xoang, nằm ở tâm nhĩ phải. Xung điện tạo ra bởi nút xoang sẽ lan truyền ra các tâm nhĩ của tim, sau đó xung điện này sẽ truyền xuống tâm thất thông qua nút nhĩ thất và các bó nhánh dẫn truyền.
Những xung điện này được phát ra bởi nút xoang và truyền đi khắp tim một cách liên tục, tạo ra nhịp đập của tim. Sự hình thành và truyền lan của các xung điện này đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển nhịp đập của tim và tạo nên nhịp tim.
Nhịp tim bình thường sẽ được tạo ra bởi nút xoang, do vật nên còn được gọi là nhịp xoang. Tần số của nhịp xoang (số nhịp tim trong 1 phút) không cố định, mà sẽ thay đổi dựa vào tình trạng sinh lý, hoạt động của cơ thể và điều kiện môi trường.
1.2 Thế nào là tần số tim?
Tần số tim, hay còn gọi là nhịp tim, là số lần tim bóp trong một phút. Tần số tim của người bình thường dao động trong khoảng từ 60 đến 100 lần mỗi phút. Tuy nhiên, tần số tim có thể biến đổi rất nhiều do nó chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau. Ví dụ, sau khi ăn no, tập thể dục, sốt, hoặc trong tình trạng cảm xúc như nóng giận, lo sợ, hoặc hồi hộp, tần số tim có thể tăng lên hơn bình thường (>100 lần/phút). Ngược lại, tần số tim có thể chậm hơn bình thường khi bạn đang ngủ hoặc ở người đã rèn luyện thể thao (có thể thấp hơn . Những biến đổi này được gọi là sinh lý, bởi chúng phụ thuộc vào mức độ hoạt động, tình trạng tâm trạng, sức khỏe tổng thể và điều kiện môi trường xung quanh.
Bạn có thể tự kiểm tra tần số tim của mình bằng 3 phương pháp:
● Đếm mạch: Đặt ngón tay ở cổ tay (gần ngón cái), ở mặt trong cẳng tay, hoặc ở cổ (góc hàm) và đếm số lần tim bóp trong 1 phút.
● Nghe bằng ống nghe: Sử dụng ống nghe với sự hướng dẫn của một chuyên gia y tế để nghe tiếng tim đập.
● Sử dụng thiết bị điện tử: Các thiết bị như đồng hồ, điện thoại thông minh, thiết bị đo độ bão hoà oxy máu hoặc máy đo huyết áp có tích hợp chức năng đo tần số tim giúp bạn dễ dàng kiểm tra mức độ nhịp tim của mình.
Bạn có thể lựa chọn phương pháp kiểm tra nào phù hợp nhất với bạn, phụ thuộc vào thói quen cá nhân và thuận tiện nhất cho bản thân.
1.3 Nhịp tim bình thường như thế nào?
Nhịp tim bình thường là một nhịp tim được bắt nguồn từ nút xoang (Sinoatrial) được dẫn truyền gây khử cực nhĩ, sau đó dẫn truyền qua hệ thống nút nhĩ thất - bó His và mạng lưới Purkinjer (the AV node/His-Purkinje system) gây khử cực thất giúp tâm thất. Hoạt động này diễn ra một cách nhịp nhàng tạo thành các chu kỳ và tương đối đều đặn.
Khi nhịp xoang bình thường:
● Tần số tim lúc nghỉ sẽ dao động trong khoảng từ 60 - 100 chu kỳ / phút.
● Nhịp xoang bình thường không xuất hiện triệu chứng gì, tim đập nhanh và cảm thấy hồi hộp trong một số trường hợp: cảm xúc tăng, lo lắng, sốt,... và các triệu chứng này sẽ trở lại bình thường một cách nhanh chóng.
1.4 Rối loạn nhịp tim là gì?
● Rối loạn nhịp tim là tình trạng điện học bất thường của tim, bao gồm bất thường trong quá trình tạo ra nhịp và dẫn truyền điện học trong các buồng tim. Bệnh rối loạn nhịp tim bao gồm các biểu hiện lâm sàng sau: nhịp tim quá nhanh (tần số > 100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút), nhịp tim không đều, có lúc tim đập nhanh, có lúc tim đập chậm.
● Có trường hợp, rối loạn nhịp tim không xuất hiện triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện dưới dạng cảm giác hồi hộp, cảm giác đánh trống ngực, tim đập nhanh hoặc không đều. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, rối loạn nhịp tim có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân, khiến bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu.
● Rối loạn nhịp tim là một bệnh lý phổ biến và thường xảy ra trong thực tế hàng ngày. Bệnh có thể được phát hiện khi bệnh nhân đi kiểm tra sức khỏe tổng quát hoặc khi họ thăm khám các bệnh chuyên khoa khác. Một lượng lớn người bệnh cao tuổi khi nhập viện để điều trị các bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp... đã phát hiện bản thân mắc bệnh rối loạn nhịp tim, thậm chí có trường hợp phát hiện rung nhĩ khi bệnh nhân nhập viện do tai biến mạch máu não.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn nhịp tim
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về huyết áp cao không?
Huyết áp cao còn được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì bệnh thường không có triệu chứng. Thiếu hụt kiến thức về huyết áp cao có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Dưới đây là những câu hỏi trắc nghiệm vui giúp bạn hiểu đúng về bệnh cao huyết áp.
Bệnh rối loạn nhịp tim có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Những nguyên nhân này có thể là kết quả từ những bất thường và những bệnh lý tim mạch, hoặc cũng có thể xuất phát từ các vấn đề trong các cơ quan khác ảnh hưởng đến nhịp tim (ví dụ: bệnh tuyến giáp, suy thận gây ra sự rối loạn trong điện giải).
Rối loạn nhịp tim có thể xuất hiện một cách ngắn hạn, chỉ trong vài phút hoặc ngắn hơn, hoặc có thể xuất hiện theo từng đợt mà không có dấu hiệu cảnh báo trước đó. Tuy nhiên, một số loại rối loạn nhịp tim có thể kéo dài trong nhiều giờ, thậm chí kéo dài liên tục suốt nhiều năm.
Các nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn nhịp tim bao gồm:
● Hoạt động bất thường và suy yếu của nút xoang.
● Sự tồn tại của ổ phát nhịp bất thường khác trong tim.
● Sự tồn tại của những đường dẫn truyền điện bất thường trong tim.
● Hệ thống dẫn truyền của tim bị nghẽn (block).
● Tổn thương của cơ tim.
● Sự rối loạn điện giải của cơ thể.
● Tác động của thuốc điều trị bệnh khác hoặc các hợp chất độc hại.
● Sự ảnh hưởng từ những bất thường của các cơ quan khác đối với tim (ví dụ, vấn đề về tuyến giáp).
3. Triệu chứng bệnh rối loạn nhịp tim
Bệnh rối loạn nhịp tim ở một số bệnh nhân không xuất hiện các triệu chứng khó chịu, đặc biệt là những trường hợp bệnh rối loạn nhịp tim mãn tính, ở những trường hợp này, người bệnh có khả năng không nhận ra được các triệu chứng của bệnh.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, rối loạn nhịp tim sẽ gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn, đáng chú ý có thể kể đến:
- Đánh trống ngực: Đây là triệu chứng điển hình và phổ biến của rối loạn nhịp tim. Người bệnh có thể cảm nhận cảm giác tim đập mạnh trong lồng ngực, bệnh nhân cảm giác như tim ngừng đập trong chốc lát và đập mạnh trở lại. Bệnh nhân thường mô tả triệu chứng này như cảm giác hồi hộp hoặc đánh trống ngực.
- Cảm giác khó thở đột ngột: Triệu chứng này thường đi kèm với cảm giác tim đập không đều hoặc cảm giác hồi hộp. Cảm giác khó thở là một trong những dấu hiệu gợi ý nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc rối loạn nhịp nguy hiểm.
- Chóng mặt: bệnh nhân cảm giác choáng váng, mọi thứ xung quanh bị quay vòng, bản thân bị mất cân bằng. Chóng mặt thường là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có bệnh rối loạn nhịp tim.
- Ngất xỉu: bệnh nhân mất ý thức đột ngột trong một thời gian ngắn. Đây là một triệu chứng đáng lo ngại, do nó có thể dẫn đến các chấn thương nghiêm trọng nếu bệnh nhân ngất xỉu khi đang tham gia giao thông hoặc đang đi thang bộ. Ngày nay, có nhiều phương pháp hiện đại để chẩn đoán và điều trị các rối loạn nhịp tim nguy hiểm, bao gồm nghiệm pháp bàn nghiêng và kỹ thuật thăm dò điện sinh lý, cũng như điều trị triệt hạ bằng năng lượng Radio Frequency (RF) để giúp chẩn đoán và điều trị những tình trạng này.
4. Các đối tượng dễ mắc bệnh rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi và giới tính nào, tuy nhiên theo các kết quả nghiên cứu, bệnh dễ gặp ở các đối tượng sau:
● Người trên 60 tuổi.
● Người bệnh có bệnh sử tăng huyết áp.
● Người mắc bệnh động mạch vành.
● Bệnh nhân suy tim.
● Người từng phẫu thuật tim mở.
● Người có hội chứng ngưng thở trong khi ngủ.
● Uống nhiều rượu và sử dụng chất kích thích.
● Người trên 60 tuổi từng bị nhiễm trùng hoặc các bệnh nội khoa.
5. Các loại rối loạn nhịp tim
5.1 Các loại rối loạn nhịp nhanh
5.1.1 Nhịp nhanh kịch phát trên thất
● Nhịp nhanh kịch phát trên thất là một loại rối loạn nhịp tim nhanh phổ biến nhất và có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi. Nguồn gốc của nhịp nhanh có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân như ổ loạn nhịp ở nhĩ, đường dẫn truyền điện phụ nhĩ - thất, hoặc từ khu vực nút nhĩ thất.
● Nhịp tim có thể xảy ra đột ngột, thậm chí khi người bệnh đang nghỉ ngơi hoặc ngủ. Tần số tim trong cơn nhịp nhanh thường dao động từ 150 đến 210 lần/phút và đều đặn. Trong cơn nhịp nhanh, người bệnh thường trải qua những triệu chứng nhẹ như cảm giác hồi hộp, khó chịu ở ngực, thở mệt, hụt hơi, hoặc yếu đuối. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể xuất hiện các triệu chứng nặng hơn với các biểu hiện như choáng váng, chóng mặt, tụt huyết áp, và mệt mỏi.
● Thường thì nhịp nhanh kịch phát trên thất không gây ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh, bởi nó xuất hiện ít và tự cải thiện trong vài giờ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơn nhịp nhanh có thể xuất hiện thường xuyên hơn, kéo dài lâu hơn, gây ra nhiều triệu chứng, và trong những trường hợp này, người bệnh cần được điều trị bởi các bác sĩ chuyên môn của lĩnh vực loạn nhịp tim.
● Phương pháp điều trị tình trạng này sẽ phụ thuộc vào loại nhịp nhanh, mức độ triệu chứng, tần suất xuất hiện nhịp nhanh, tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh, và sự lựa chọn của bệnh nhân giữa can thiệp điều tra và điều trị trực tiếp (như can thiệp khảo sát và triệt phá loạn nhịp) hoặc sử dụng thuốc để kiểm soát và giảm bớt cơn nhịp nhanh.
5.1.2 Cuồng nhĩ
● Cuồng nhĩ là một dạng rối loạn nhịp nhanh xảy ra tại tâm nhĩ của tim, thường được hình thành do một hoặc nhiều vòng dẫn truyền điện dưới cấu trúc tâm nhĩ. Trong trường hợp này, tâm nhĩ co thắt nhanh và đều với tần số dao động khoảng từ 240 đến 340 lần/phút.
● Mặc dù tâm nhĩ co thắt nhanh nhưng xung động trong lúc dẫn truyền qua nút nhĩ thất đã bị giảm trước khi truyền xuống hai tâm thất ở phía dưới. Đây là tính chất sinh lý của nút nhĩ thất để bảo vệ tâm thất khỏi ảnh hưởng của rối loạn nhịp ở tâm nhĩ.
● Triệu chứng của cuồng nhĩ tương tự như tình trạng rối loạn nhịp nhanh trên thất khác, bao gồm cảm giác hồi hộp, đau ngực, khó thở, yếu đuối và chóng mặt.
● Cuồng nhĩ hiếm khi gây ra tình trạng ngất hoặc xỉu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh có thể trải qua triệu chứng đột quỵ, như yếu, liệt tay/chân, có khả năng bị nói đớ, hoặc mất tri giác do tắc nghẽn bởi huyết khối. Các bệnh nhân sau khi bị đột quỵ thường được chẩn đoán mắc phải cuồng nhĩ hoặc rung nhĩ.
● Một số yếu tố tăng nguy cơ mắc cuồng nhĩ bao gồm: cao tuổi, béo phì, nghiện rượu, bệnh về van tim, các bệnh tim bẩm sinh, hoặc bệnh nhân đã từng phẫu thuật tim.
5.1.3 Rung nhĩ
● Rung nhĩ là một trong những loại rối loạn nhịp phức tạp nhất tại tầng nhĩ của tim. Trong tình trạng rung nhĩ, tâm nhĩ hoạt động không đồng bộ ở nhiều vùng khác nhau, tạo ra các xung động nhanh, không đều, và lan tỏa hỗn loạn trong tâm nhĩ. Kết quả của những bất thường này chính là tạo ra một nhịp tim nhanh và không đều.
● Rung nhĩ có thể xuất hiện thoáng qua theo từng cơn mà không gây ra bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, rung nhĩ có thể kéo dài liên tục, trở thành một tình trạng dai dẳng và gây suy giảm chức năng tim theo thời gian. Các triệu chứng của rung nhĩ tương tự như cuồng nhĩ.
● Có nhiều yếu tố và nguyên nhân góp phần tăng nguy cơ mắc rung nhĩ, trong đó bao gồm: tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, bệnh về van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý về tuyến giáp, rối loạn chuyển hóa (chẳng hạn như đái tháo đường), hội chứng suy nút xoang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hội chứng ngưng thở trong khi ngủ, sau khi thực hiện phẫu thuật tim, người lớn tuổi và béo phì thừa cân.
● Tương tự như cuồng nhĩ, rung nhĩ cũng có nguy cơ tạo ra huyết khối trong tim, gây ra đột quỵ do các huyết khối làm tắc nghẽn mạch não. Vì vậy, bác sĩ cần đánh giá sớm nguy cơ này và thực hiện điều trị kháng đông (nếu cần thiết) để ngăn ngừa xảy ra tình trạng đột quỵ. Đây là việc làm cực kỳ quan trọng bên cạnh việc điều trị kiểm soát cơn rung nhĩ và tần số tim trong rung nhĩ.
● Điều trị rung nhĩ sẽ liên quan đến việc kiểm soát nhịp và tần số tim. Trong việc kiểm soát nhịp, bác sĩ sẽ cố gắng duy trì nhịp bình thường (nhịp xoang) cho các bệnh nhân bằng cách sử dụng thuốc, can thiệp khảo sát và triệt phá rung nhĩ (nếu cần thiết), để giảm thiểu sự tái phát của rung nhĩ. Trong việc kiểm soát tần số tim, bác sĩ tập trung vào việc giữ cho tần số tim của tâm thất không quá nhanh, bất kể khi rung nhĩ tái phát.
● Lựa chọn phương pháp điều trị cho rung nhĩ thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, không có một phương pháp điều trị chung cho tất cả. Vì vậy, khi phát hiện rung nhĩ, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn về bệnh rối loạn nhịp tim để có lựa chọn điều trị phù hợp và giảm nguy cơ bệnh trở nặng hơn
5.1.4 Nhịp nhanh thất
● Nhịp nhanh thất có nguồn gốc loạn nhịp bắt nguồn tại tâm thất của tim. Bệnh nhân cần phải đặc biệt chú ý ngay khi nhịp nhanh thất xuất hiện lần đầu. Do nhịp nhanh thất có khả năng gây tổn hại đáng kể cho sức khỏe so với các loại nhịp nhanh thất thông thường và có nguy cơ xuất hiện các tình trạng nghiêm trọng.
● Hơn nữa, nhịp nhanh thất còn là một dấu hiệu của các bệnh lý tim mạch nguy hiểm khác mà bệnh nhân chưa được chẩn đoán. Với tính chất phức tạp và sự nguy hiểm của nhịp nhanh thất, khi vừa phát hiện ra tình trạng này bệnh nhân phải việc tìm kiếm sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên môn ngay lập tức
● Nhịp nhanh thất có thể không có triệu chứng rõ ràng và chỉ xuất hiện thoáng qua, hoặc bệnh nhân chỉ có cảm giác như lâng lâng, đánh trống ngực, hoặc cảm giác không khỏe. Tuy nhiên, khi tình trạng trở nặng hơn, hầu hết bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, bao gồm hồi hộp, chóng mặt, đau ngực nặng, khó thở, thấy ánh sáng bất thường, tụt huyết áp, gần bất tỉnh, và ngất xỉu.
● Nhịp nhanh thất có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm bệnh mạch vành, bệnh cơ tim (bệnh cơ tim phì đại hoặc bệnh cơ tim giãn nở), các rối loạn nhịp do di truyền (hội chứng QT dài, nhịp nhanh thất liên quan catecholamine), rối loạn điện giải, tác dụng phụ của thuốc điều trị, sử dụng các chất gây nghiện như cocaine hoặc methamphetamine, và cuối cùng nhịp nhanh thất không xác định nguyên nhân.
5.1.5 Rung thất
● Rung thất là dạng rối loạn nhịp nguy hiểm nhất trong các loại rối loạn nhịp nhanh, đe dọa trực tiếp và tức thời tính mạng của bệnh nhân, đòi hỏi cần được cấp cứu ngay lập tức.
● Khi bệnh nhân mắc rung thất, các tâm thất của tim co bóp rất nhanh, hỗn loạn, và hoàn toàn mất đồng bộ, làm cho khả năng bơm máu và duy trì tuần hoàn của tim bị gián đoạn. Do đó, khi bị rung thất, bệnh nhân có tỷ lệ tử vong cao khi không được cấp cứu kịp thời, trong trường hợp cứu chữa chậm trễ, có khả năng sẽ gây tổn thương não vĩnh viễn.
● Triệu chứng của cơn rung thất tiến triển rất nhanh theo thời gian kể từ khi bệnh bắt đầu. Trong vài giây đầu tiên khi rung thất khởi phát, bệnh nhân thường trải qua cảm giác choáng váng, thấy ánh sáng bất thường, mắt tối, và cảm giác như tay chân trở nên mất sức. Nếu cơn rung thất kéo dài gần 10 giây, bệnh nhân có thể mất ý thức thoáng qua. Khi cơn rung thất kéo dài hơn nữa, bệnh nhân có thể ngất xỉu và các cơ quan nhạy cảm với vấn đề thiếu máu (như não...) bắt đầu bị tổn thương. Trong trường hợp này, nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời và cơn rung thất tiếp tục tồn tại, tỷ lệ tử vong rất cao.
● Có một số yếu tố nguy cơ có thể góp phần đến cơn rung thất, bao gồm: nhồi máu cơ tim cấp, bệnh cơ tim, các rối loạn nhịp thất nặng do di truyền (hội chứng Brugada, hội chứng QT dài), tổn thương hoặc viêm cơ tim cấp, các rối loạn điện giải nặng, dùng quá liều thuốc đặc biệt như cocaine và methamphetamine, và cơn rung thất không xác định nguyên nhân.
● Việc điều trị cơn rung thất là một cấp cứu nội khoa và đòi hỏi xử lý ngay lập tức. Ngoài ra, cần nhanh chóng tìm và điều chỉnh những yếu tố nguyên nhân để giúp bệnh nhân ổn định và ngăn cản cơn rung thất tái phát. Trừ trường hợp rung thất do nguyên nhân cấp tính, nó có thể được điều trị hồi phục hoàn toàn.
● Để ngăn ngừa đột tử do tái phát cơn rung thất, hướng điều trị duy nhất là đặt máy phá rung tim để cắt ngắn cơn rung thất và bảo vệ tính mạng của bệnh nhân. Đây không phải là biện pháp điều trị để loại bỏ cơn rung thất, mà là một biện pháp cấp cứu để ngăn ngừa đột tử.
5.2 Các rối loạn nhịp chậm
5.2.1 Suy nút xoang
● Nhịp tim bình thường là nhịp tim được bắt nguồn từ nút xoang. Khi nút xoang gặp vấn đề, có thể dẫn đến sự suy giảm khả năng tạo ra nhịp tim ổn định, dẫn đến nhịp tim chậm. Điều này thường xuất hiện khi nút xoang thích nghi kém với các thay đổi sinh lý hoặc hoạt động hàng ngày. Ví dụ, nhịp tim có thể không tăng lên hoặc vẫn đập chậm khi bệnh nhân hoạt động nặng. Một số trường hợp, sau khi bệnh nhân trải qua một cơn loạn nhịp nhanh (như rung nhĩ), nhịp tim lại trở nên rất chậm hoặc có khả năng bị ngừng hoạt động trong một thời gian dài (khoảng 5 giây).
● Suy nút xoang thường tiến triển chậm, có thể kéo dài nhiều năm, cho nên bệnh nhân có thể thích nghi với nhịp tim chậm mà không hề nhận biết triệu chứng rõ ràng.
● Tuy nhiên, trong trường hợp có triệu chứng, những dấu hiệu thường xuất hiện ở bệnh nhân bị suy nút xoang bao gồm: người bệnh cảm thấy hồi hộp, cảm giác tim đập từng nhịp chậm và mạnh, mệt mỏi thường xuyên, chóng mặt, khó thở, gần như ngất hoặc thậm chí ngất đi.
● Các nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ góp phần đến suy nút xoang hoặc ức chế nút xoang có thể bao gồm: tuổi cao, các bệnh mạch vành hoặc cơ tim, các bệnh lý viêm hoặc nhiễm trùng ảnh hưởng đến tim, ức chế nút xoang do sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh tim mạch (như thuốc tăng huyết áp, thuốc điều trị suy tim, thuốc điều trị bệnh mạch vành, thuốc điều trị rối loạn nhịp nhanh), tổn thương nút xoang do phẫu thuật tim, và thậm chí một số thuốc điều trị bệnh Alzheimer.
● Việc điều trị suy nút xoang chủ yếu phụ thuộc việc bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nặng hay nhẹ, giới hạn về khả năng vận động của bệnh nhân và kết quả từ điện tâm đồ (ECG) ghi nhận khoảng ngưng xoang kéo dài. Khi nút xoang đã suy giảm và nhịp tim trở nên chậm đến mức đáng kể, thì việc sử dụng thuốc hiếm khi còn hiệu quả. Trong trường hợp này, đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn là biện pháp duy nhất giúp duy trì nhịp tim bình thường cho bệnh nhân và ngăn ngừa nguy cơ đột tử do ngừng tim kéo dài.
5.2.2 Block dẫn truyền nhĩ thất
● Để duy trì nhịp tim bình thường, xung động được tạo ra từ nút xoang phải truyền qua các đường dẫn truyền từ nhĩ đến thất (được gọi là dẫn truyền nhĩ thất) để đảm bảo xung động này truyền từ tâm nhĩ đến tâm thất một cách hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu đường dẫn truyền nhĩ thất bị hỏng ở những vị trí quan trọng, điều này có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn dẫn truyền. Trong tình trạng này, xung động không thể truyền xuống tâm thất một cách đầy đủ, trường hợp bị nghẽn hoàn toàn, sẽ gây ra tình trạng ngưng tim.
● Tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn dẫn truyền nhĩ thất, bác sĩ sẽ xác định các mức độ khác nhau trên lâm sàng, từ nhẹ (độ 1) đến nặng (độ 3). Bệnh nhân thường trải qua các triệu chứng tương tự như các bệnh rối loạn nhịp tim chậm khác.
● Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ góp phần vào block dẫn truyền nhĩ thất có thể bao gồm: nhồi máu cơ tim cấp và bệnh mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, tình trạng sau phẫu thuật tim, sau khi thực hiện các thủ thuật can thiệp tim qua da có nguy cơ gây tổn thương hệ thống dẫn truyền, thoái hóa đường dẫn truyền, hóa trị gây độc cho tim, và nhiều nguyên nhân khác.
● Hiện nay, điều trị block nhĩ thất chủ yếu tập trung vào việc tìm và điều trị các nguyên nhân nền có thể dẫn đến bệnh. Trong trường hợp block nhĩ thất không do nguyên nhân nền, hầu như không có thuốc giúp cải thiện bệnh. Khi bệnh nhân mắc phải block nhĩ thất nặng, block nhĩ thất cao độ hoặc có triệu chứng, biện pháp cuối cùng là đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn để duy trì một nhịp tim ổn định.
5.3 Các rối loạn khác
Dưới đây là một số loại rối loạn nhịp do xuất phát từ các ổ loạn nhịp đơn độc tại tâm nhĩ hoặc tâm thất, xảy ra xen kẽ với nhịp xoang bình thường:
● Ngoại tâm thu nhĩ;
● Ngoại tâm thu thất.
Bệnh nhân mắc phải rối loạn ngoại tâm thu thường trải qua các triệu chứng sau:
● Hồi hộp;
● Cảm giác tim đập không đều, bị hụt nhịp từng lúc;
● Cảm giác khó thở hoặc giống như hụt hơi;
● Khó chịu ngực;
● Thở mệt;
● Có thể có hạn chế khả năng vận động trong một số trường hợp.
Bác sĩ có thể đưa ra đề nghị bệnh nhân theo dõi Holter ECG trong vòng 24 giờ để xác định tần suất, mức độ xuất hiện của rối loạn ngoại tâm thu. Tùy thuộc vào mức độ xuất hiện và triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Hiện nay, có thể điều trị các rối loạn ngoại tâm thu thông qua quá trình khảo sát và triệt phá loạn nhịp qua thông tim. Mỗi phương pháp điều trị đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, và bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị phù hợp dựa trên tình hình cụ thể của bệnh nhân.
6. Các biến chứng của bệnh rối loạn nhịp tim
Có một số bệnh loạn nhịp tim nhẹ thường không ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe. Tuy nhiên, các rối loạn nhịp khác, đặc biệt là những loại gây ra triệu chứng như đã mô tả trước đó, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm:
● Đột quỵ: Người mắc bệnh rối loạn nhịp tim có nguy cơ đột quỵ cao hơn gấp 5 lần so với người khỏe mạnh. Điều này xuất phát từ việc khi bạn bị rối loạn nhịp tim, máu không được tuần hoàn đủ mạnh đến các phần trên cơ thể, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Các cục máu đông này có thể di chuyển đến não, tắc nghẽn các mạch máu và gây ra đột quỵ.
● Hạn chế khả năng vận động và hoạt động hàng ngày: Để có thể thực hiện các hoạt động thường ngày, cơ thể cần máu giàu oxy liên tục. Tuy nhiên, khi bạn mắc bệnh rối loạn nhịp tim, tim không thể bơm đủ máu đến các phần khác của cơ thể, gây ra tình trạng mệt mỏi và yếu đuối liên tục.
● Suy tim: Tim chịu trách nhiệm bơm máu đến các phần khác của cơ thể để duy trì hoạt động sống. Tuy nhiên, rối loạn nhịp tim có thể gây cản trở tim bơm máu đến nơi cần thiết một cách hiệu quả. Điều này làm cho tim phải làm việc nặng hơn và dần trở nên suy yếu. Điều này khiến cho tim không thể hoạt động bình thường và dẫn đến tình trạng suy tim.
● Đột tử: Một số dạng bệnh loạn nhịp tim có thể gây ra mối nguy hiểm tiềm ẩn, không có triệu chứng hoặc triệu chứng thoáng qua không rõ ràng. Tuy nhiên, khi bệnh nhân trải qua cơn rối loạn nhịp tim nặng, có thể gây ra đột tử. Một trong những nguyên nhân chính gây ra đột tử ở người trẻ tuổi là rối loạn nhịp tim nặng, có khả năng rối loạn nhịp tim nặng là do đột biến gen gây ra.
7. Phương pháp chẩn đoán bệnh rối loạn nhịp tim
Để đặt chẩn đoán về bệnh loạn nhịp tim, bác sĩ chuyên khoa loạn nhịp sẽ tiến hành một loạt các kiểm tra và đánh giá tình trạng tim mạch của bạn.
Các phương pháp chẩn đoán có thể bao gồm: kiểm tra tổng quan về tim mạch, thông tin về bệnh sử của bạn và những triệu chứng bạn đang gặp phải. Bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết để xác định và đánh giá mức độ nghiêm trọng của rối loạn nhịp tim (nếu có). Sau khi tiến hành khám lâm sàng và đánh giá các kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về tình trạng bệnh của bạn và lên kế hoạch điều trị phù hợp.
Đáng lưu ý, một số rối loạn nhịp tim có thể xuất hiện từng đợt hoặc chỉ thoáng qua. Điều này có nghĩa là khi bạn đến bác sĩ, nếu tại thời điểm đó tim của bạn đang trong trạng thái bình thường (do rối loạn nhịp đã tự cải thiện), kiểm tra lâm sàng sẽ có kết quả bình thường và không phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ về bệnh loạn nhịp tim dựa trên các triệu chứng, nên thăm khám chuyên khoa loạn nhịp tim càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi bạn đang xuất hiện triệu chứng.
Các kiểm tra lâm sàng thường được sử dụng để đặt chẩn đoán bệnh loạn nhịp tim bao gồm:
● Điện tâm đồ (ECG): Trong quá trình thực hiện ECG, các cảm biến điện (điện cực) được đặt trên ngực, cánh tay hoặc chân của bạn để ghi lại hoạt động điện của tim. Phương pháp này nhằm đo thời gian của từng pha điện trong nhịp tim.
● Máy theo dõi điện tim (Holter ECG) trong 24 giờ: có thể được đeo trong một hoặc nhiều ngày để ghi lại hoạt động của tim trong khoảng thời gian dài hơn, từ đó tăng cơ hội phát hiện rối loạn nhịp tim. Máy Holter ECG rất hữu ích để đánh giá các triệu chứng liên quan đến rối loạn nhịp cũng như theo dõi phản ứng của bạn trong quá trình điều trị. Nó cũng được sử dụng để tầm soát và phát hiện những người có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim để điều trị kịp thời.
● Máy ghi sự kiện: Được dùng để phát hiện các rối loạn nhịp tim lẻ tẻ. Máy thường được đeo trong thời gian dài (lên đến 30 ngày hoặc cho đến khi bệnh nhân trải các triệu chứng rối loạn nhịp tim điển hình).
● Siêu âm tim: Một thiết bị cầm tay (đầu dò) được đặt lên ngực, dùng sóng âm thanh để tạo hình ảnh về kích thước, cấu trúc và chuyển động của tim.
● Máy ghi vòng lặp cấy ghép (loop recorder): Nếu các triệu chứng không xuất hiện thường xuyên, bác sĩ có thể cấy máy này dưới da ở vùng ngực để liên tục ghi lại hoạt động điện của tim và phát hiện nhịp tim không đều.
Nếu các kiểm tra lâm sàng thông thường không phát hiện rối loạn nhịp tim, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp kích hoạt rối loạn nhịp bằng cách sau:
● Nghiệm pháp gắng sức: Một số rối loạn nhịp tim xuất hiện các triệu chứng rõ rệt khi bạn vận động gắng sức. Khi thực hiện nghiệm pháp gắng sức, hoạt động tim được theo dõi khi bạn đạp xe tại chỗ hoặc tập luyện trên máy chạy bộ. Trong trường hợp bạn mắc các bệnh về xương khớp nên gặp khó khăn trong việc thực hiện nghiệm pháp gắng sức, bác sĩ có thể sử dụng một loại thuốc để kích thích tim hoạt động tương tự như khi bạn đang gắng sức.
● Nghiệm pháp bàn nghiêng: nghiệm pháp này sẽ được chỉ định trong trường hợp bạn bị ngất mà không rõ. Bạn sẽ được theo dõi bằng máy đo điện tâm đồ, theo dõi nhịp tim và huyết áp khi nằm ngang và khi bàn nghiêng dọc. Nghiệm pháp này thường kết hợp với việc sử dụng thuốc. Mục tiêu của nghiệm pháp này là tái hiện cơn ngất để đánh giá nguyên nhân và mức độ nguy hiểm, từ đó đưa ra lựa chọn điều trị thích hợp.
● Khảo sát và lập bản đồ điện sinh lý: Trong quá trình này, bác sĩ sử dụng các ống mỏng và linh hoạt có gắn điện cực để theo dõi sự lan truyền của các xung điện qua các phần khác nhau của tim. Điện cực này giúp xác định các vùng có rối loạn nhịp tim.
● Đôi khi, bác sĩ sử dụng các điện cực để kích thích tim đập với tần suất thích hợp, nhằm tạo ra hoặc dừng rối loạn nhịp tim. Quá trình này giúp xác định nguyên nhân của bệnh rối loạn nhịp tim và đưa ra lựa chọn điều trị tối ưu.
8. Điều trị bệnh rối loạn nhịp tim
8.1 Điều trị nội khoa
Sự lựa chọn của thuốc điều trị bệnh loạn nhịp tim phụ thuộc vào loại rối loạn nhịp cũng như nguy cơ các biến chứng tiềm ẩn. Ví dụ, đối với những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim nhanh, họ thường sẽ được sử dụng thuốc kiểm soát nhịp tim và thuốc khôi phục nhịp tim bình thường.
Nếu bạn mắc bệnh rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ, việc sử dụng thuốc chống đông máu có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông và giảm nguy cơ đột quỵ. Điều quan trọng là tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc để đảm bảo hiệu quả trong việc điều trị bệnh và ngăn ngừa sự phát triển của các biến chứng.
8.2 Điều trị phẫu thuật
Có một số thủ thuật và phẫu thuật được áp dụng để điều trị bệnh, bao gồm:
● Cắt đốt qua ống thông (catheter): Trong quá trình thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một hoặc nhiều ống thông qua mạch máu đến tim. Các điện cực ở đầu ống thông sử dụng nhiệt độ hoặc năng lượng lạnh để tạo ra các vết sẹo nhỏ trong tim, ngăn tín hiệu điện bất thường và khôi phục nhịp tim bình thường.
● Máy tạo nhịp tim: Trong trường hợp nhịp tim chậm bắt nguồn từ các nguyên nhân không thể điều chỉnh bằng thuốc, bác sĩ thường sử dụng máy tạo nhịp tim.
● Máy khử rung tim cấy được (ICD): Đây là một thiết bị thường được gắn vào những bệnh nhân phát triển rối loạn nhịp tim nhanh hoặc không đều ở buồng tim dưới cùng (nhịp nhanh thất hoặc rung thất). Nếu có nguy cơ ngừng tim đột ngột hoặc bạn mắc một số bệnh tim làm tăng khả năng ngừng tim đột ngột, bác sĩ cũng có thể chỉ định gắn ICD.
● Phẫu thuật Maze: Trong phẫu thuật Maze, bác sĩ sẽ tạo ra các vết cắt trong mô tim ở phần trên của trái tim (tâm nhĩ) để tạo ra một mê cung bằng các mô sẹo. Vì mô sẹo không dẫn điện, nó sẽ ngăn cản các xung điện lạc hướng, từ đó giúp điều trị một số loại rối loạn nhịp tim.
● Phẫu thuật bắc cầu mạch vành: Nếu bạn mắc bệnh động mạch vành nặng dẫn đến rối loạn nhịp tim, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Phẫu thuật này giúp phục hồi lưu lượng máu đến tim và có thể cải thiện chức năng tim.
9. Phòng tránh rối loạn nhịp tim
Trước hết, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh loạn nhịp tim, hãy nhanh chóng tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được tư vấn và kiểm tra.
Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích dành cho những người đang mắc bệnh và người mong muốn phòng ngừa rối loạn nhịp tim:
● Chế độ ăn uống lành mạnh cho sức khỏe tim mạch: Hãy tập trung vào khẩu phần ăn chứa nhiều trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, rau cải, củ quả và loại thịt gia cầm không da, đậu và các sản phẩm thực phẩm không chứa nhiều chất béo. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo bão hòa và cholesterol, chẳng hạn như lòng đỏ trứng và thịt đỏ. Cố gắng giảm lượng muối và đường trong chế độ ăn uống.
● Luyện tập đều đặn hàng ngày: Hãy tìm một hoạt động thể thao bạn yêu thích và tập luyện thường xuyên, ít nhất là 30 - 45 phút mỗi ngày và duy trì một lịch trình luyện tập đều đặn.
● Thay đổi lối sống hàng ngày: Hãy dừng hút thuốc và tránh môi trường có khói thuốc.
● Duy trì trọng lượng cơ thể, và nếu bạn có thừa cân hoặc béo phì, hãy tập trung vào việc giảm cân, điều này có thể giúp kiểm soát cholesterol và huyết áp.
● Khi bạn cảm thấy nhịp tim tăng nhanh hoặc có triệu chứng khó chịu như đau ngực hoặc chói mắt, hãy ngồi nghỉ ngay lập tức, tìm kiếm sự hỗ trợ, và đừng quên tới gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để kiểm tra và tư vấn, đặc biệt khi triệu chứng trở nên khó chịu và xảy ra nhiều lần.
● Học các phương pháp kiểm soát hơi thở và nhịp tim, ví dụ như hít sâu và thở chậm, để giúp ổn định lại nhịp tim.
Bệnh rối loạn nhịp tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và bất kỳ thời điểm nào. Bệnh này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Do đó, khi bạn có dấu hiệu bất thường, hãy đến các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.