Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Đa số các thai phụ khi sinh thường, nhất là sinh con so đầu lòng, thường được các bác sĩ chỉ định thực hiện thủ thuật rạch tầng sinh môn. Mục đích của thủ thuật này là để mở rộng âm đạo và âm hộ, giúp cho thai nhi ra ngoài dễ dàng hơn, đồng thời còn giúp phòng ngừa việc rách tầng sinh môn, gây mất thẩm mỹ sau này.
1. Đặc điểm cấu tạo và chức năng của tầng sinh môn
1.1. Cấu tạo của tầng sinh môn
Tầng sinh môn là một phần của bộ phận sinh dục nữ, là phần mô nằm giữa âm đạo và hậu môn. Kích thước tầng sinh môn khoảng 3 - 5 cm và đảm nhiệm vai trò quan trọng đối với chức năng sinh sản của người phụ nữ.
1.2. Vai trò của tầng sinh môn
Tầng sinh môn có chức năng bảo vệ và nâng đỡ những cơ quan quan trọng của vùng chậu, bao gồm: Tử cung, âm đạo, trực tràng, bàng quang. Nơi đây còn được ví như là “cửa giao hợp” - nơi tiếp nhận tinh trùng của người nam trước khi vào trong tử cung, đồng thời còn đóng vai trò cần thiết trong việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tình dục cho nữ giới.
Khi người phụ nữ mang thai và đến lúc lâm bồn, tầng sinh môn sẽ giãn nở để “mở cửa” cho trẻ sơ sinh ra bên ngoài được an toàn và dễ dàng hơn. Trong trường hợp tầng sinh môn không có khả năng giãn nở tốt, đặc biệt đối với các sản phụ lần đầu sinh con, tầng sinh môn còn cứng và chắc, dễ dẫn đến tình trạng rách tầng sinh môn, gây tổn thương trong khi sinh. Vết khâu lại tầng sinh môn bị rách sẽ không thể thẩm mỹ cao bằng việc khâu lại vết cắt chủ động với thủ thuật rạch tầng sinh môn.
Bên cạnh vấn đề thẩm mỹ, rách tầng sinh môn còn ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt tình dục, giảm ham muốn khi giao hợp, gây đau rát, và khó đạt được khoái cảm. Thậm chí một số phụ nữ rơi vào tình trạng hoang mang, lo sợ, buồn phiền, lãnh cảm,... ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình, nguyên nhân chỉ vì bị rách tầng sinh môn.
Trắc nghiệm: Chỉ khâu tầng sinh môn sẽ tự tiêu sau bao lâu?
Khâu tầng sinh môn sau sinh bằng đường âm đạo là thủ thuật sản khoa đơn giản nhanh chóng, nhẹ nhàng. Chỉ tự tiêu khâu tầng sinh môn là loại chỉ khâu tầng sinh môn cho sản phụ sau sinh, sẽ tự biến mất sau 1 thời gian. Nhiều chị em thắc mắc không biết “chỉ khâu tầng sinh môn sẽ tự tiêu sau bao lâu?”. hãy cùng trả lời nhanh 3 câu hỏi trắc nghiệm sau.2. Tại sao phải rạch tầng sinh môn khi sinh con?
Trên thực tế khi sản phụ đến gần lúc lâm bồn, bộ phận sinh dục sẽ dần dần mở rộng các cơ, tầng sinh môn sẽ giãn nở một cách tự nhiên để trẻ sơ sinh dễ dàng chui lọt ra bên ngoài. Tuy nhiên, không phải sản phụ nào cũng gặp thuận lợi như vậy. Việc mở rộng và giãn ra cũng có giới hạn nhất định. Hơn nữa, việc sinh nở sẽ càng trở nên khó khăn hơn nhất là khi phần đầu của trẻ sơ sinh quá to hoặc trẻ có trọng lượng lớn. Để xử lý những tình huống như vậy, các bác sĩ sẽ phải chỉ định thực hiện một thủ thuật nhỏ, đó là rạch tầng sinh môn.
Thủ thuật rạch tầng sinh môn được tiến hành bằng cách cắt một đường ngắn vừa đủ trên tầng sinh môn để mở rộng khu vực này. Từ đó, trẻ sơ sinh được thuận lợi chào đời nhanh chóng và sản phụ không phải gắng hết sức rặn đẻ, dẫn đến rách tầng sinh môn.
3. Khi nào thì bác sĩ chỉ định rạch tầng sinh môn cho mẹ?
Mặc dù cắt tầng sinh môn chỉ là một thủ thuật tương đối nhỏ đối với sản khoa và thường được thực hiện ở phụ nữ mang thai con so, nhưng điều đó không có nghĩa là thai phụ nào cũng cần áp dụng dùng thủ thuật này.
Đối với một số mẹ bầu khi khám thai, bác sĩ xác định khả năng sinh đẻ tốt hoặc thai nhi nhỏ thì có thể bỏ qua thủ thuật này. Tuy nhiên, các trường hợp sau đây nên chủ động thực hiện rạch tầng sinh môn để hỗ trợ cho việc sinh nở diễn ra dễ dàng hơn, cụ thể là các đối tượng sản phụ:
- Có độ linh hoạt và co giãn của tầng sinh môn kém
- Sản phụ mang thai ngoài tuổi 35
- Mắc bệnh tim mạch, có hiện tượng tăng huyết áp thai kỳ
- Bị viêm âm đạo hoặc vùng đáy chậu có phù nề
- Cơ tử cung của người mẹ co bóp không đủ lực
- Đầu của thai nhi có đường kính lớn, khó chui ra ngoài
- Phần cổ tử cung đã mở rộng và đầu thai nhi đã xuống thấp, nhưng có dấu hiệu suy thai, thai có thể chết lưu.
4. Thủ thuật rạch tầng sinh môn
Trước khi thực hiện rạch tầng sinh môn, thông thường sản phụ sẽ được tiêm thuốc gây tê tại chỗ ở phần đáy chậu. Đối với thai phụ được thực hiện phương pháp sinh đẻ không đau bằng cách gây tê ngoài màng cứng thì không cần tiến hành gây tê ở vùng đáy chậu nữa, vì khu vực này đã được làm tê rồi. Đôi khi thủ thuật rạch tầng sinh môn được thực hiện khi sản phụ có dấu hiệu xuất hiện cơn co bóp tử cung và rặn đẻ khi cơn co lên đến đỉnh điểm. Khi đó, quá trình sinh nở cần được can thiệp sâu hơn để hỗ trợ trẻ sơ sinh ra ngoài một cách thuận lợi hơn.
Một số trường hợp sản phụ quá đau do cơn co bóp tử cung nên không thể cảm nhận hết được cảm giác đau khi cắt tầng sinh môn. Một số sản phụ khác đã được can thiệp bằng thuốc gây tê tại chỗ từ trước đó, thì cảm giác đau trong lúc rạch tầng sinh môn đã giảm đi rất nhiều lần. Nếu sản phụ có cảm nhận được, thì chỉ thấy bác sĩ thực hiện một vết cắt rất nhanh, cảm giác đau có chăng chỉ nhói lên một chút thoáng qua.
5. Những rủi ro của rạch tầng sinh môn là gì?
Thủ thuật cắt tầng sinh môn không gây nguy hiểm đến tính mạng thai phụ, nhưng lại ảnh hưởng phần nào đến quá trình sinh và cuộc sống sau khi sinh. Rạch tầng sinh môn làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng và tỷ lệ thiếu máu trong khi sinh do sản phụ mất máu nhiều.
Phụ nữ trải qua thủ thuật này cần một khoảng thời gian hồi phục lâu hơn. Sau khi sinh, họ thường cảm thấy mất tự chủ và đau đớn trong việc tiểu tiện, ngay cả khi vết rạch đã lành. Đồng thời, thủ thuật rạch tầng sinh môn còn dẫn đến nguy cơ rách âm hộ nghiêm trọng.
Ngoài ra, nếu sản phụ không đảm bảo việc chăm sóc vết khâu ở tầng sinh môn sau khi rạch, có thể khiến cho vết khâu tầng sinh môn bị rách, bục chỉ, gây đau đớn, chảy máu, nhiễm trùng. Chính vì vậy, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để hướng dẫn bạn chăm sóc vết khâu tầng sinh môn sau sinh đúng cách.
6. Làm sao để không phải rạch tầng sinh môn khi sinh thường?
Rạch tầng sinh môn thật sự là trải nghiệm khó quên đối với mẹ bầu khi vượt cạn. Việc đánh giá có cần thực hiện rạch tầng sinh môn khi sinh nở hay không, rạch ít hay nhiều, phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Những gợi ý sau đây có thể giúp mẹ bầu chào đón con yêu với phần đáy xương chậu còn nguyên vẹn:
- Bổ sung chất béo tốt trong bữa ăn (như dầu thực vật, dầu cá, bơ, mầm lúa mì...): Giúp cho da cải thiện độ đàn hồi và độ ẩm.
- Massage tầng sinh môn: Vừa tốt cho sức khỏe tổng thể, vừa tăng độ đàn hồi của tầng sinh môn. Nên thực hiện 5 phút mỗi ngày từ 6-8 tuần trước ngày dự sinh (khoảng tuần thai thứ 32 - 34).
- Tập kegel: Không những giúp chị em cải thiện khả năng sinh nở, mà còn tăng cảm giác “yêu” và lấy lại tự tin sau khi sinh con.
- Chăm chỉ tập luyện thể dục (đặc biệt là đi bộ nhẹ nhàng vào cuối kỳ mang thai): Giúp thai nhi dễ lọt xuống vùng sàn chậu, tư thế thai lý tưởng, thuận lợi cho việc chào đời.
Vượt cạn chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với mẹ bầu. Đặc biệt đối với chị em lần đầu sinh con so, khả năng phải tiến hành rạch tầng sinh môn thường cao hơn. Bên cạnh đó, trong khi lâm bồn, hàng loạt vấn đề có thể xảy ra, đe dọa tính mạng của mẹ bầu và thai nhi.
Khách hàng có thể tham khảo Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với lộ trình thăm khám khoa học cho bà mẹ mang thai trước - trong - sau sinh với các bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Sản phụ khoa, đảm bảo việc theo dõi sát sao giúp sản phụ có 1 thai kỳ khỏe mạnh, cuộc chuyển dạ an toàn và xóa tan nỗi ám ảnh về cắt tầng sinh môn khi sinh nở.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.