Polyp lòng tử cung có nguy hiểm không?

Polyp cổ tử cung có nguy hiểm không là một vấn đề được nhiều người quan tâm bởi bệnh ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con. Ngoài ra, một số ít trường hợp bệnh còn có thể phát triển thành ung thư tử cung.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa thuộc Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

1. Polyp cổ tử cung là gì?

Polyp cổ tử cung, còn được biết đến như polyp nội mạc tử cung, là tình trạng bệnh lý hình thành khi tuyến và mô đệm nội mạc tử cung tăng trưởng quá mức.  

Nội mạc tử cung là lớp niêm mạc bao phủ bên trong buồng tử cung, phân tách giữa buồng tử cung và cơ tử cung. Niêm mạc tử cung phát triển và thay đổi dày mỏng theo chu kỳ kinh nguyệt.

Polyp thường có kích thước từ vài milimet đến vài centime, có cuống hoặc không. Đặc biệt, polyp có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trong buồng tử cung và số lượng có thể một hoặc nhiều.

2. Polyp cổ tử cung có nguy hiểm không?

Polyp lòng tử cung nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể gây ra một loạt các biến chứng như:

  • Polyp cổ tử cung là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh hoặc hiếm muộn ở phụ nữ. Khi polyp phát triển đến kích thước lớn hoặc khi có nhiều polyp, tình trạng này ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của tinh trùng và làm tổ của trứng.
  • Người mắc polyp cổ tử cung có nguy cơ cao mắc bệnh buồng trứng đa nang.
  • Polyp gây ra xuất huyết tử cung, dẫn đến thiếu máu mạn tính.
  • Polyp cũng có thể làm tăng lượng dịch tiết, thay đổi môi trường âm đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, dẫn đến các vấn đề như viêm âm đạo, viêm âm hộ và viêm cổ tử cung. 
Polyp cổ tử cung có nguy hiểm không là một vấn đề được nhiều người quan tâm
Polyp cổ tử cung có nguy hiểm không là một vấn đề được nhiều người quan tâm

Trong trường hợp phụ nữ mang thai, tình trạng phát triển của polyp trong cổ tử cung có thể chèn ép lên thai nhi và dẫn đến các vấn đề như sảy thai, sinh non. Ngoài ra, bệnh cũng tăng nguy cơ phát triển rau tiền đạo ở mẹ bầu.

Bên cạnh đó, polyp cổ tử cung cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư tử cung và ung thư cổ tử cung. Polyp trở nên viêm nhiễm, hoại tử, khiến cho quá trình viêm nhiễm lan rộng đến nội mạc tử cung và cơ tử cung, dẫn đến ung thư tử cung sau một thời gian dài.

3. Nguyên nhân và các yếu tố gây polyp cổ tử cung

Polyp cổ tử cung liên quan đến tình trạng tăng nồng độ và tác động của estrogen nội sinh hay ngoại sinh. Bệnh ít gặp ở tuổi vị thành niên và thường gia tăng theo số tuổi.

  • Béo phì tăng nguy cơ mắc polyp trong tử cung ở phụ nữ, đặc biệt là những người có chỉ số BMI ≥ 30, với tỷ lệ lên đến 55%.  
  • Khi người bệnh sử dụng thuốc Tamoxifen để điều trị ung thư vú sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện polyp cổ tử cung.
  • Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác bao gồm điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone ở phụ nữ tiền mãn kinh chứa estrogen, hội chứng Lynch và Cowden. 
Những phụ nữ có chỉ số BMI ≥ 30 thì có nguy cơ bị polyp cổ tử cung lên đến 55%
Những phụ nữ có chỉ số BMI ≥ 30 thì có nguy cơ bị polyp cổ tử cung lên đến 55%

4. Dấu hiệu polyp tử cung

Polyp tử cung thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, nhưng nếu có, những triệu chứng ở phụ nữ bao gồm:

  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều, không thể dự đoán thời điểm xuất hiện và lượng máu kinh.
  • Chảy máu lốm đốm giữa chu kỳ kinh.
  • Chảy máu lốm đốm có màu đỏ, hồng hoặc nâu sau khi mãn kinh.
  • Chảy máu sau khi quan hệ tình dục.
  • Khó thụ thai hoặc vô sinh.

5. Chẩn đoán polyp cổ tử cung

Để chẩn đoán xem liệu tình trạng polyp cổ tử cung có nguy hiểm không và phân biệt tình trạng bệnh với u xơ tử cung, các phương pháp sau có thể được bác sĩ sử dụng:

  • Siêu âm vùng chậu qua đường bụng và siêu âm qua đầu dò âm đạo.
  • Siêu âm bơm nước vào buồng tử cung cũng giúp chẩn đoán hình dạng và vị trí của polyp một cách chính xác so với siêu âm qua đầu dò âm đạo.
  • Nội soi buồng tử cung không chỉ giúp chẩn đoán hình dạng và vị trí của polyp mà còn có thể can thiệp trực tiếp bằng cách cắt bỏ khối polyp.
  • Bác sĩ cần thực hiện sinh thiết khối polyp để đánh giá mức độ lành tính hay ác tính của polyp.

6 Điều trị polyp cổ tử cung như thế nào?

6.1 Điều trị bảo tồn và theo dõi

Nếu polyp trong tử cung có kích thước dưới 10mm và không gây ra bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào thì có khoảng 6.3% trường hợp polyp có thể tự giảm kích thước. Tuy nhiên, người bệnh cần thường xuyên kiểm tra sự phát triển của polyp.

6.2 Điều trị nội khoa

Phương pháp sử dụng dụng cụ tử cung chứa levonorgestrel giúp ngăn ngừa sự hình thành polyp trong tử cung, đặc biệt là ở những trường hợp đang điều trị ung thư vú bằng tamoxifen.

6.3 Điều trị ngoại khoa

Trong hầu hết các trường hợp polyp cổ tử cung, người bệnh có thể được chỉ định áp dụng điều trị ngoại khoa khi:

  • Có triệu chứng của bệnh.
  • Trường hợp không có triệu chứng bao gồm: kích thước lớn hơn 1,5cm, đa polyp, polyp vượt ra ngoài cổ tử cung và có polyp trong trường hợp hiếm muộn.

Phương pháp điều trị ngoại khoa cho polyp cổ tử cung bao gồm:

  • Sử dụng nội soi để cắt bỏ polyp trong buồng tử cung.
  • Cắt bỏ tử cung trong trường hợp phát hiện tế bào ung thư trong polyp. 
Bác sĩ sử dụng phương pháp nội soi để cắt bỏ polyp trong buồng tử cung
Bác sĩ sử dụng phương pháp nội soi để cắt bỏ polyp trong buồng tử cung

Sau khi điều trị, các triệu chứng của polyp cổ tử cung có thể cải thiện đáng kể, với tỷ lệ từ 75-100%. Tình trạng tái phát ít xảy ra và khả năng mang thai cũng được cải thiện từ 43-80%.

Người bệnh cần lưu ý, dù bệnh thường lành tính nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, polyp cổ tử cung có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là ung thư tử cung.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe