Oxytocin trong sản khoa: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Oxytocin là thuốc dùng trong sản khoa, có tác dụng gây co bóp tử cung cả về tần số lẫn cường độ. Oxytocin là tên gọi chung quốc tế của dạng thuốc ống tiêm, với hàm lượng 1 ml 5 IU và 10 IU.

1. Chỉ định dùng Oxytocin

1.1. Trước khi sinh

Oxytocin được dùng để gây chuyển dạ ở các trường hợp buộc phải chủ động đình chỉ thai nghén do một số nguy cơ mà không cần thiết mổ lấy thai như:

Bên cạnh đó, oxytocin còn được sử dụng để gây cơn co tử cung trong trường hợp khởi phát chuyển dạ hoặc đã chuyển dạ nhưng lại tiến triển bất thường, chẳng hạn như:

  • Ối vỡ non, vỡ sớm, cạn ối hoặc bị nhiễm khuẩn;
  • Cơn co tử cung thưa, yếu;
  • Chuyển dạ kéo dài;
  • Màng ối đã vỡ nhưng chưa chuyển dạ, hoặc chưa có cơn co tử cung.

1.2. Sau khi sinh

Sau khi thai đã xổ hoặc đã mổ lấy thai ra, bác sĩ có thể chỉ định truyền oxytocin nhằm đề phòng và xử trí tích cực những trường hợp:

  • Chảy máu giai đoạn 3 của chuyển dạ;
  • Điều trị băng huyết sau sinh;
  • Chảy máu sau sảy thai, hoặc nạo hút thai.
Bầu
Oxytocin được dùng để gây chuyển dạ ở các trường hợp buộc phải chủ động đình chỉ thai nghén

2. Chống chỉ định

Chống chỉ định truyền oxytocin tuyệt đối khi không có chỉ định đẻ đường dưới (không thể sinh đường âm đạo) trong những trường hợp sau:

  • Bất tương xứng đầu thai nhi - khung chậu;
  • Ngôi thai bất thường;
  • Nhau/rau tiền đạo trung tâm hoặc có khối u tiền đạo;
  • Nhau bong non thể nặng;
  • Cơn co cường tính;
  • Suy thai cấp tính và mãn tính;
  • Test có/không đả kích kèm theo biểu hiện bệnh lý;
  • Sản phụ mắc bệnh lý tim mạch gây rối loạn cung lượng tim hoặc các bệnh lý mạn tính nặng...;
  • Cơ sở y tế không có phòng và phương tiện mổ, không có bác sĩ phẫu thuật.

Ngoài ra, một số tình huống chống chỉ định dùng oxytocin tương đối còn bao gồm tử cung có sẹo do vết mổ lấy thai trước đây; đa thai, đa ối; sa dây rốn khi thai nhi còn sống; hoặc người mẹ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như herpes sinh dục hoặc sùi mào gà.

3. Cách dùng và liều lượng oxytocin trong sản khoa

Vaccine
Oxytocin có thể tiêm bắp, tiêm truyền tĩnh mạch chậm hoặc dùng bơm truyền tự động

3.1. Cách dùng

Oxytocin có thể tiêm bắp, tiêm truyền tĩnh mạch chậm hoặc dùng bơm truyền tự động. Các bước tiến hành như sau:

  • Pha 5 đơn vị oxytocin vào 500 ml dung dịch glucose 5% / natri clorid 0,9% / dung dịch Ringer lactat;
  • Truyền nhỏ giọt tĩnh mạch chậm (TTM), liều lượng ban đầu khoảng 5 - 8 giọt/phút tới khi cơn co tử cung xuất hiện;
  • Bác sĩ tiến hành bấm ối, xé rộng màng ối;
  • Theo dõi sát tim thai, chuyển dạ bằng monitor sản khoacơn gò tử cung;
  • Điều chỉnh liều lượng giọt oxytocin nhằm đạt được tần suất cơn co thích hợp với diễn tiến của cuộc chuyển dạ;
  • Dựa trên tình hình của cuộc đẻ chỉ huy mà có thể cho oxytocin chảy chậm hoặc kết hợp với thuốc giảm co làm mềm cổ tử cung nếu cơn co mau.
  • Ghi lại diễn biến chuyển dạ trên biểu đồ.

Truyền oxytocin trong sản khoa được xem là phát huy hiệu khi sản phụ có cơn co đều đặn, cổ tử cung mở hết, có thể cho sinh đường dưới, và nhịp tim thai tốt, ngôi lọt và và em bé khỏe mạnh.

Sau sinh con, có thể dùng oxytocin để xử trí tích cực giai đoạn 3 chuyển dạ, cũng như đề phòng và điều trị băng huyết do đờ tử cung theo đúng phác đồ.

3.2. Liều lượng

  • Gây chuyển dạ

TTM bằng bơm truyền tự động với liều lượng ban đầu 0,001 – 0,002 IU/phút, cách mỗi 30 phút tăng lên 0,001 – 0,002 IU/phút, cho đến khi có tối đa 3 hoặc 4 cơn co bóp tử cung trong 10 phút. Lưu ý tốc độ tối đa khuyến cáo 0,02 IU/phút, không được nhiều hơn 5 đơn vị trong 24 giờ và không TTM cả liều trong cuộc đẻ chỉ huy.

  • Dự phòng xuất huyết sau sinh

TTM chậm 5 IU ngay sau khi lấy nhau ra. Nếu đã TTM để gây chuyển dạ đẻ hoặc thúc chuyển dạ thì 1 vài giờ sau phải tăng tốc độ truyền trong giai đoạn 3. Có thể lựa chọn tiêm bắp ergometrin thay thế oxytocin khi không cần tác dụng nhanh.

TTM chậm 5 – 10 IU hoặc tiêm bắp 10 IU; đối với trường hợp nặng, TTM tổng liều 40 IU với tốc độ truyền là 0,02 – 0,04 IU/phút.

4. Lưu ý khi dùng oxytocin trong sản khoa

Để quá trình truyền oxytocin gây chuyển dạ sinh con trong sản khoa được diễn ra an toàn và phát huy hiệu quả tối đa, cần ghi nhớ một số lưu ý sau:

  • Yêu cầu đánh giá tình hình cả mẹ lẫn con trước khi gây chuyển dạ bằng oxytocin;
  • Cần giám sát chặt chẽ tần số nhịp tim thai, theo dõi cơn co bóp tử cung cũng như độ mở cổ tử cung, và độ lọt của ngôi để kịp thời xử trí trong suốt thời gian truyền oxytocin;
  • Trong trường hợp ca sinh chỉ huy kéo dài hơn 6 giờ nhưng không tiến triển tốt thì phải phẫu thuật lấy thai;
  • Để giữ được độ ổn định, oxytocin phải bảo quản trong bao bì kín, với nhiệt độ 15 – 30°C;
  • Một số tác dụng phụ khi truyền oxytocin có thể bao gồm nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh, giãn mạch, hạ huyết áp và da nổi mẩn.

5. Tai biến và xử trí khi dùng Oxytocin trong sản khoa

Xét nghiệm sàng lọc di truyền trước sinh: Những điều cần biết
Truyền oxytocin chằm thúc đẻ chuyển dạ phải được chỉ định bởi các bác sĩ có trình độ cao và chỉ được thực hiện ở những bệnh viện lớn có đầy đủ phương tiện, trang thiết bị y tế

5.1. Cơn gò cường tính

Cơn gò cường tính là trình trạng có nhiều hơn 5 cơn co bóp tử cung trong vòng 10 phút và mỗi cơn co kéo dài trên 90 giây. Ngược lại với việc tăng số giọt truyền khi cơn co tử cung quá thưa và nhẹ, nếu gò quá mạnh thì lập tức giảm lưu lượng truyền và có thể kết hợp dùng giảm co tử cung.

Đối với cơn gò cường tính, cần nhanh chóng xử trí bằng cách:

  • Ngưng truyền oxytocin;
  • Phối hợp thuốc giảm gò như phác đồ dọa vỡ và vỡ tử cung;
  • Theo dõi sát tần số cơn gò, cũng như tình trạng tim thai khoảng 30 – 45 phút;
  • Phẫu thuật lấy thai hoặc hỗ trợ sinh bằng dụng cụ tùy theo điều kiện nếu cơn gò tử cung không giảm sau 45 phút.

5.2. Thai suy cấp trong chuyển dạ

Nếu đẻ chỉ huy bằng truyền oxytocin không được theo dõi tốt hoặc can thiệp xử trí muộn thì có nguy cơ gặp tai biến thai suy, hay thậm chí là tử vong. Do đó, khi phát hiện dấu hiệu suy thai phải ngừng truyền oxytocin và xử trí đúng theo phác đồ thai suy cấp. Trong trường hợp đã dừng truyền oxytocin 15 phút mà vẫn không có kết quả, bắt buộc phải phẫu thuật để cứu lấy thai hoặc tiến hành kẹp sản khoa forceps nếu đủ điều kiện.

5.3. Các tai biến khác

  • Dọa vỡ - vỡ tử cung: Xảy ra khi truyền oxytocin gây cơn co mau và mạnh, xử trí bằng cách phẫu thuật để cứu mẹ và con;
  • Nhau bong non: Tham khảo phác đồ nhau bong non;
  • Giãn cơ trơn: Xuất hiện nếu dùng oxytocin liều cao trực tiếp kết hợp gây tê hoặc gây mê cho sản phụ.
  • Ngộ độc nước: Khi truyền oxytocin liều cao trong thời gian dài, điều trị theo triệu chứng, kết hợp giảm truyền nước cũng như điều chỉnh điện giải.
  • Ảnh hưởng tim mạch: Khi dùng liều cao >45mUI/phút hay khi tiêm tĩnh mạch trực tiếp; khiến sản phụ hạ huyết áp, giảm tưới máu động mạch vành, thậm chí là ngừng tim;
  • Ảnh hưởng đến thai nhi: Có nguy cơ gây ngạt sau sinh, hoặc tăng Bilirubin/máu là nguyên nhân vàng da sơ sinh.

Truyền oxytocin với mục đích gây hoặc thúc đẻ chuyển dạ đòi hỏi phải được chỉ định bởi các bác sĩ có trình độ chuyên khoa sản và chỉ được thực hiện ở những bệnh viện lớn có đầy đủ phương tiện, trang thiết bị y tế. Yêu cầu này nhằm đảm bảo khả năng kiểm soát tốc độ tiêm truyền của đội ngũ nhân lực và sẵn sàng đối phó với các tai biến nặng có nguy cơ xảy ra cho sản phụ và thai nhi. Đối với những cơ sở y tế hoặc phòng khám nhỏ hơn chỉ được dùng oxytocin trong sản khoa để phòng ngừa và điều trị xuất huyết sau khi xổ nhau thai.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có đầy đủ trình độ chuyên môn và phương tiện kỹ thuật để thực hiện hiệu quả phương pháp truyền oxytocin trong sản khoa. Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn Sản khoa được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị y tế đầy đủ, hiện đại, chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, đem lại hiệu quả kỹ thuật cao, góp phần bảo vệ sức khỏe thai kỳ cho cả mẹ và bé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

100.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan