Những bệnh thường gặp mùa đông

Trong bài viết này, Bác sỹ PGS.TS Hoàng Hồng Thái, Khoa Nội chung, đến từ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sẽ tư vấn cho độc giả một số bệnh thường gặp vào mùa đông cũng như các cách phòng ngừa hữu hiệu.

Hen phế quản

Mùa đông là mùa các bệnh phổi - phế quản phát triển mạnh do độ ẩm cao, khí áp thấp, sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, các vi sinh vật phát triển thuận lợi. Biểu hiện đặc trưng của Hen phế quản là những cơn khó thở, thở rít, khó thở ra nhất là khi người bệnh tiếp xúc với đồ biển, nhộng tằm, khói thuốc, bụi phấn hoa, bụi vải, hóa chất, mỹ phẩm, thuốc men, kháng sinh gây dị ứng (nhóm peniciline).... Sự thay đổi về nội tiết tố, môi trường bên trong cơ thể, thời tiết lạnh là những tác nhân làm cho cơn hen dễ xuất hiện.

Để phòng tránh Hen phế quản các bạn phải lưu ý giữ ấm ngực, cổ, mũi, họng, tránh nấm mốc, phấn hoa... Với những người đã có bệnh phải tuân thủ điều trị, chọn lựa thuốc giãn phế quản có hiệu quả để cắt cơn hen, hạn chế hen ác tính.

Viêm khí phế quản cấp

Thời tiết lạnh, ẩm về mùa đông là điều kiện thuận lợi cho viêm khí - phế quản cấp: virus cúm, virus influenza A và B, para-influenza, virus hợp bào hô hấp, các vi khuẩn như phế cầu, P.aeruginosa, tụ cầu phát triển.

Khi bị nhiễm lạnh và nhiễm virus, vi khuẩn, người bệnh có ho khan, rát họng, ngạt mũi, chảy nước mũi trong; sốt 38-38,5 độ có thể lên tới 40 độ; đau cơ, khớp. Bệnh nặng hơn: sốt cao, khó thở, khạc đờm đặc, có thể có máu, đau, nóng rát sau xương ức.

Phòng bệnh tối ưu: luôn giữ cơ thể ấm áp, ăn uống nóng, tránh lạnh. Dùng kháng sinh khi có sốt, khó thở, khạc đờm mủ xanh- vàng, đề phòng viêm lan xuống đường hô hấp dưới

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh rất hay gặp vào mùa đông. Số lượng nhập viện, nguy cơ tử vong cao trong những ngày thời tiết lạnh. Bệnh biểu hiện: khó thở liên tục cả 2 thì, tím môi và toàn thân, tụt huyết áp, rối loạn ý thức (lú lẫn, ngủ gà, thậm chí hôn mê)...

Có nhiều tác nhân gây bệnh: hút thuốc, nhiễm lạnh là nguyên nhân thông thường nhất. Do đó, để phòng bệnh hữu hiệu, các bạn lưu ý: Bỏ thuốc lá, thuốc lào, hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm, tiêm vacxin cúm mỗi năm 1 lần, đảm bảo dinh dưỡng, tập thở tốt, đặc biệt là sử dụng thuốc giãn phế quản, corticoid đường hít, kháng sinh để đề phòng cơn cấp nguy kịch.

Ngoài ra, mùa đông trẻ em cũng hay mắc các bệnh như quai bị , nhiệt miệng , ... các bậc cha mẹ nên có các biện pháp để đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

696 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan