Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Hoàng Thị Ánh Tuyết - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Nhiễm khuẩn đường sinh dục là một trong những bệnh phổ biến ở phụ nữ, có liên quan mật thiết với quan hệ tình dục, đặc biệt trong những trường hợp quan hệ tình dục không an toàn và không đảm bảo vệ sinh.
1. Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường sinh sản nữ là gì?
Nhiễm khuẩn đường sinh dục còn là hậu quả của các biến chứng trong sinh đẻ như nạo sót rau, bóc rau sau đẻ, đặt dụng cụ tử cung không bảo đảm vô khuẩn, phá thai không an toàn. Trong đó, các vi khuẩn gây bệnh chủ yếu bao gồm:
- Lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae).
- Chlamydia trachomatis.
- Mycoplasmas hominis.
- Các loại vi khuẩn khác: vi khuẩn ái khí (Colibacille, protéus, staphylocoque), vi khuẩn kỵ khí (Bacteroides, fragilis, clostridium).
Đa số các trường hợp viêm sinh dục đều do nhiều loại vi khuẩn gây ra (bao gồm cả nhóm vi khuẩn ái khí và yếm khí) nên việc điều trị thường gặp nhiều khó khăn.
2. Đặc điểm chung của nhiễm khuẩn đường sinh sản như thế nào?
Tuỳ theo vi khuẩn gây bệnh mà bệnh có thể biểu hiện dưới dạng cấp tính, bán cấp tính và mãn tính. Dạng mãn tính thường được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân đi khám vô sinh.
2.1 Viêm nhiễm đường sinh dục cấp tính
Thường xảy ra sau đẻ, sau sảy thai hoặc sau các can thiệp thủ thuật (nạo hút, đặt vòng, tháo vòng... ), sau viêm âm đạo cấp do vi khuẩn lậu.
Dấu hiệu thường gặp:
- Đau vùng bụng dưới: xuất hiện đột ngột, có thể đau âm ỉ hoặc dữ dội, có thể kích thích vùng bụng dưới như mót rặn, đi lỏng, tiểu khó, tiểu không hết nước tiểu.
- Rối loạn kinh nguyệt.
- Sốt.
- Ra nhiều khí hư, có khi là mủ, khí hư có mùi khó chịu.
2.2 Viêm nhiễm đường sinh dục mãn tính
Nguyên nhân: do viêm phần phụ cấp tính không được điều trị triệt để.
Dấu hiệu:
- Đau: đau vùng hạ vị hay hai bên hố chậu. Đau thay đổi về cường độ, thời gian, từng cơn hay liên tục; khi đi lại nhiều làm việc nặng đau tăng, khi nghỉ ngơi đau ít hơn.
- Khí hư: màu sắc thay đổi theo nguyên nhân gây bệnh có thẻ màu trắng xám, trắng sữa, màu xanh
- Ngứa vùng âm hộ âm đạo
- Ra máu: có thể ra máu bất thường trước và sau hành kinh hoặc rong kinh.
3. Hậu quả của nhiễm khuẩn đường sinh sản nữ nếu không điều trị?
- Vô sinh do tắc vòi tử cung hai bên, dính tua loa vòi...
- Thai ngoài tử cung
- Đau vùng chậu kinh niên.
4. Điều trị viêm nhiễm đường sinh dục như thế nào?
Điều trị phụ thuộc vào vi khuẩn gây bệnh, giai đoạn bệnh và vị trí biểu hiện.
4.1 Viêm âm đạo do trực khuẩn
Bôi thuốc mỡ kháng khuẩn, đặt thuốc âm đạo hoặc dùng kháng sinh đường uống.
4.2 Viêm âm đạo do nấm
Thuốc chống nấm, đặt thuốc tại chỗ và uống toàn thân.
4.3 Chlamydia
Dùng kháng sinh toàn thân.
4.4 Bệnh sùi mào gà
Không có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sùi mào gà. Điều trị bằng đốt hoặc thuốc bôi tại chỗ để loại bỏ mào gà. Tuy nhiên bệnh dễ tái phát
4.5 Lậu
Dùng kháng sinh.
4.6 Herpes
Không có thuốc điều trị đặc hiệu vi rút Herpes, có thể giảm đau bằng Aspirin hoặc Paracetamol và sử dụng một số thuốc điều trị để giảm triệu chứng và giảm lây lan.
5. Làm thế nào để phòng tránh viêm nhiễm đường sinh dục?
- Phát hiện sớm, điều trị tích cực viêm nhiễm đường sinh dục dưới ngay khi mới nhiễm
- Phát hiện và điều trị viêm niệu đạo ở cả nam và nữ kịp thời, triệt để
- Sử dụng bao cao su ở những người có nguy cơ cao với bệnh lây qua đường tình dục.
- Tôn trọng nguyên tắc vô khuẩn khi làm các thủ thuật sản phụ khoa.
- Vệ sinh kinh nguyệt, vệ sinh cá nhân,vệ sinh giao hợp.
- Sinh đẻ có kế hoạch, tránh có thai ngoài ý muốn.
- Khám phụ khoa định kỳ, đặc biệt nhóm nguy cơ hoặc những người phải làm việc trong môi trường nước bẩn ...
Đặc biệt đối với những người làm việc trong môi trường nước bẩn, cần phải khám phụ khoa định kỳ. Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang triển khai GÓI KHÁM, SÀNG LỌC BỆNH LÝ PHỤ KHOA CƠ BẢN, giúp quý khách hàng phát hiện sớm các bệnh lý viêm nhiễm, từ đó quá trình điều trị sẽ dễ dàng, không tốn kém. Ngoài ra còn có thể Sàng lọc phát hiện sớm ung thư phụ khoa (Ung thư cổ tử cung) ngay cả khi chưa có triệu chứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.