Vai trò của hoạt động chủ đạo trong sự phát triển tâm lý của trẻ

Bài viết bởi Chuyên viên tâm lý Trương Tạ Anh Nga - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Hoạt động chủ đạo là hoạt động quyết định những biến đổi chủ yếu nhất trong các quá trình tâm lý và trong đặc điểm tâm lý của nhân cách con người ở một giai đoạn phát triển nhất định. Theo đó, hoạt động chủ đạo theo đúng lứa tuổi sẽ giúp trẻ có thể khám phá thế giới xung quanh, hình thành nhận thức tình cảm của con người với con người.

1. Tại sao cần tổ chức các hoạt động cho trẻ?

Trong cuộc sống hàng ngày, con người tham gia hoạt động. Thông qua những hoạt động với đồ vật, hoạt động người với người mà bản thân con người hình thành nên nhận thức – tình cảm về thế giới xung quanh. Từ đó, con người có tác động trở lại để cải tạo thế giới. Đây là quá trình hình thành và phát triển tâm lý.

Khi chúng ta thấy trẻ nhỏ cắn gặm búp bê, tháo các phần, xoắn tóc, lắp phần chân vào phần tay... đa phần chúng ta đánh giá trẻ nghịch ngợm, phá hoại đồ chơi mà không biết rằng chính những thao tác đó lại là cách để trẻ có trải nghiệm thực tế.

Não bộ của trẻ sẽ ghi lại trải nghiệm về thế giới xung quanh thông qua các giác quan: nhìn, nghe, ngửi, nếm, tiền đình, cảm nhận... Những trải nghiệm đó giúp trẻ trả lời được một loạt những câu hỏi: búp bê bằng gỗ hay bằng vải, búp bê có mấy phần và những phần đó ở vị trí thế nào? nhẹ hay nặng, màu sắc ra sao? Tương tự như vậy, trẻ sẽ “phá hoại” tất cả những đồ vật trong nhà. Và khi bạn chưa hiểu được rằng đó là quá trình trẻ hình thành và phát triển tâm lý thì đó cũng là lúc mà trẻ đã mất cơ hội để trải nghiệm.

XEM THÊM: Các hoạt động thúc đẩy phát triển thể chất cho trẻ

Hoạt động giúp trẻ phát triển toàn diện
Hoạt động vui chơi, giải trí giúp trẻ phát triển toàn diện

2. Hoạt động chủ đạo là gì?

Trong cuộc sống hằng ngày diễn ra rất nhiều hoạt động như: ăn uống, đi học, giao tiếp, đi làm.... Có dạng hoạt động ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, cũng có dạng hoạt động ảnh hưởng ít.

Hoạt động chủ đạo là hoạt động quyết định những biến đổi chủ yếu nhất trong các quá trình tâm lý và trong đặc điểm tâm lý của nhân cách con người ở một giai đoạn phát triển nhất định.

Vui chơi giúp trẻ khám phá thế giới, hình thành nhận thức, tình cảm với con người và thế giới xung quanh. Hoạt động chủ đạo của lứa tuổi mẫu giáo chính là vui chơi mà trung tâm là trò chơi đóng vai theo chủ đề. Nhờ đó, giúp trẻ hình thành những mối quan hệ với các kiểu ứng xử của người lớn.

XEM THÊM: Những cách đơn giản để tạo nên một ngày vui của trẻ

Hoạt động chủ đạo giúp trẻ phát triển
Hoạt động chủ động giúp tăng cường sự phát triển của trẻ

3. Hoạt động chủ đạo theo lứa tuổi

  • Từ lọt lòng -15 tháng tuổi: tuổi hài nhi- hoạt động chủ đạo là hoạt động giao tiếp xúc cảm trực tiếp với người mẹ và người lớn.
  • Từ 15 tháng đến 3 tuổi: Tuổi ấu nhi với hoạt động chủ đạo là hoạt động với đồ vật.
  • Từ 3 tuổi – 6 tuổi: Tuổi mẫu giáo với hoạt động chủ đạo là vui chơi mà trò chơi đóng vai theo chủ đề là hoạt động trung tâm.
  • Từ 6 tuổi – 12 tuổi: Tuổi nhi đồng với hoạt động chủ đạo là học tập – tương ứng với bậc tiểu học.
  • Từ 12 tuổi – 15 tuổi: Tuổi thiếu niên với hoạt động chủ đạo là giao tiếp cá nhân – thân tình.
  • Từ 15 tuổi – 18 tuổi: Tuổi thanh niên với hoạt động chủ đạo là học tập – nghề nghiệp.
  • Từ 19 tuổi – 25 tuổi: Tuổi thanh niên- sinh viên với hoạt động chủ đạo là học tập, lao động.
  • Tuổi 25 tuổi- trở đi : Tuổi lao động xã hội và hoạt động xã hội.

4. Chiến lược dành cho gia đình

Với mỗi giai đoạn lứa tuổi sẽ có một hoạt động chủ đạo. Gia đình có thể dựa vào hoạt động chủ đạo để xây dựng và thiết kế các hoạt động chơi tại nhà phù hợp với đặc điểm của trẻ.

Trong quá trình tổ chức hoạt động chủ đạo cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý:

  • Hãy lựa chọn đồ chơi một cách phù hợp với lứa tuổi, khuyến khích trẻ chơi với nhiều cách khác nhau thay vì mua quá nhiều đồ chơi cho trẻ.
  • Cha mẹ cần kiên nhẫn, tránh nóng vội, quát mắng khi trẻ chưa làm được như kỳ vọng của cha mẹ.
  • Chơi với sự dẫn dắt của trẻ, bắt chước, mở rộng chủ đề chơi và kết thúc trò chơi rõ ràng.
  • Gia đình cần khen thưởng, khích lệ động viên kịp thời. Khen đúng, khen trúng như: “ Ba thấy con vẽ tròn hơn rồi đấy” tránh trường hợp khen chung chung: “ con nhảy giỏi, con vẽ giỏi quá, con hát hay lắm...”.
Chiến lược dành cho gia đình
Chiến lược dành cho gia đình nhằm giúp trẻ phát triển

  • Gia đình trao quyền và cơ hội cho trẻ được trải nghiệm những công việc hàng ngày vừa sức với trẻ như: tự cất dọn đồ chơi, lựa chọn quần áo mặc, tự xúc ăn... Khi được tham gia các hoạt động này, trẻ sẽ hình thành sự tự tin, trách nhiệm với chính mình - gia đình và sau này là cộng đồng. Đây cũng là nền tảng để dạy trẻ biết yêu thương chính bản thân mình và trở thành em bé hạnh phúc.

Và điều quan trọng, cha mẹ hãy chơi như chúng ta từng chơi thuở ấu thơ – Chơi như một đứa trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

77.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan