Trẻ sơ sinh tăng cân: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Việc theo dõi cân nặng ở trẻ sơ sinh đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên không phải lúc nào trẻ cũng tăng cân tốt. Trẻ có thể tăng cân chậm, tăng cân nhanh hoặc thậm chí không tăng cân. Cân nặng của trẻ nói lên điều gì?

1. Tại sao sự tăng cân của trẻ sơ sinh lại là vấn đề đáng quan tâm?

Theo dõi sự tăng trưởng về chiều cao và cân nặng của trẻ sơ sinh giúp bác sĩ đánh giá về tình hình sức khỏe chung của con bạn.

Khi trẻ không tăng cân đạt mức chuẩn bình thường, em bé có thể được chẩn đoán mắc một tình trạng gọi là không tăng cân (hoặc không phát triển mạnh). Điều này thường xảy ra nếu trẻ không ăn uống tốt, trẻ không hấp thụ hoặc được cung cấp chất dinh dưỡng đúng cách. Nguyên nhân có thể do vấn đề ăn uống, vấn đề đường tiêu hóa hoặc thậm chí một số tình trạng y tế khác.

Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ theo dõi chặt chẽ việc tăng cân của trẻ để đánh giá tình trạng dinh dưỡng vì đây là yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Khi trẻ mới ra đời, bác sĩ hoặc y tá sẽ cân em bé khi mới chào đời và sau khi sinh 24 giờ. Em bé sẽ tiếp tục được đo cân nặng mỗi lần bạn đưa bé đến khám bác sĩ trong những năm đầu đời. Các phép đo này sẽ được ghi lại trên biểu đồ tăng trưởng của bé.

Nếu em bé của bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, bao gồm giảm cân bất ngờ hoặc vàng da bệnh lý, bạn có thể phải gặp bác sĩ thường xuyên hơn trong vài tuần sau đó.

Trẻ không tăng cân
Trẻ không tăng cân

2. Giảm cân bình thường ở trẻ sơ sinh trong những ngày đầu tiên sau khi sinh là gì?

Hầu hết các em bé đủ tháng, khỏe mạnh sẽ giảm từ 5%-10% so với trọng lượng khi sinh trong những ngày đầu tiên. Việc giảm cân này là bình thường và không phải là vấn đề đáng lo ngại trừ khi em bé giảm hơn 10% trọng lượng khi sinh.

3. Tăng cân bình thường ở trẻ sơ sinh trong những tuần đầu tiên sau khi sinh

Em bé thường bắt đầu tăng cân trở lại từ năm đến bảy ngày sau khi sinh, và hầu hết phục hồi (hoặc cao hơn) cân nặng khi sinh khi được 2 tuần tuổi. Mặc dù hầu hết trẻ sơ sinh theo xu hướng này, khoảng 10 % trẻ sơ sinh khỏe mạnh sẽ lấy lại cân nặng sau khi sinh chậm hơn trong vài tuần.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tăng cân của bé trong những tuần đầu tiên của cuộc đời, bao gồm sữa mẹ đến nhanh như thế nào và bé muốn ăn bao nhiêu. Ví dụ, bạn có thể nhận thấy em bé của bạn muốn bú thường xuyên hơn hoặc lâu hơn khi bé được 7 đến 10 ngày tuổi.

4. Làm thế nào để mẹ biết nếu trẻ sơ sinh không tăng cân đủ?

phân trẻ sơ sinh có mùi chua
Theo dõi lượng phân của trẻ có thể biết trẻ sơ sinh không tăng cân đủ

Hầu hết các bậc cha mẹ không có thang đo phù hợp để cân em bé ở nhà, nhưng mẹ có thể đếm số lần tã/bỉm ướt để biết xem em bé có bú mẹ đủ hay đang nhận được đủ lượng sữa cần thiết hay không.

  • Đo lượng nước tiểu: Trong năm ngày đầu tiên, trẻ sơ sinh có thể chỉ làm ướt một vài tã mỗi ngày. Sau đó, số lượng tăng dần lên bốn đến tám tã ướt hàng ngày.
  • Theo dõi lượng phân của trẻ: Trong vài ngày đầu, một số bé chỉ có thể ị một lần mỗi ngày. Sau đó, em bé của bạn sẽ ị ít nhất hai lần một ngày. Sau tuần đầu tiên, em bé của bạn có thể sẽ ị 10 lần trở lên mỗi ngày cho đến hết tháng đầu tiên.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ có thể tham khảo cách lựa chọn sữa công thức cho trẻ sơ sinh, phòng trường hợp mẹ bị bệnh, thiếu hoặc không có sữa, buộc phải lựa chọn sữa công thức.

5. Tôi có thể làm gì nếu trẻ sơ sinh giảm cân quá nhiều sau khi sinh hoặc không tăng đủ?

Bạn nên kiểm tra với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bé không bú tốt hoặc làm ướt rất ít tã. Nếu bạn lo lắng về cân nặng của em bé trong những tuần đầu tiên sau khi sinh, hãy nói chuyện với bác sĩ về các vấn đề:

  • Cân trẻ thường xuyên hơn
  • Các cách cho bé ăn
  • Các trường hợp nên đưa trẻ đi gặp Bác sĩ để kiểm tra

Trẻ sơ sinh không tăng cân, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển toàn diện.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan