Trẻ sợ ăn, hay nôn ói, có phải do tâm lý trẻ có vấn đề?

Biếng ăn là tình trạng giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn, khiến cho trẻ không nhận đủ lượng thức ăn theo nhu cầu. Biếng ăn được biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau, trẻ có thể ăn ít hơn so với bình thường, hay chỉ ăn rất ít một vài loại thức ăn hoặc nặng hơn là trẻ sợ ăn và nôn ói khi nhìn thấy thức ăn.

1. Trẻ sợ ăn có phải do tâm lý có vấn đề?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ. Những thay đổi sinh lý như các giai đoạn phát triển, trẻ mọc răng đều có thể biếng ăn. Trẻ nhỏ thường có sức đề kháng kém nên dễ mắc bệnh như: Viêm nướu, viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy đều khiến cho trẻ không chịu ăn hoặc ăn ít hơn.

Một số những nguyên nhân khác khiến trẻ biếng ăn như trẻ được chăm sóc, cưng chiều quá mức hoặc do cha mẹ quá bận rộn với công việc hay thường xuyên phải đi công tác xa, ít có thời gian chăm sóc.

Những yếu tố tâm lý này sẽ tác động khiến cho trẻ hay hờn dỗi, dễ xúc cảm, dẫn đến bỏ ăn. Đặc biệt là thái độ cư xử của người lớn như quát mắng, dọa dẫm hoặc gia đình cãi cọ, xích mích đều gây ảnh hưởng đến trẻ.

Nếu bạn bắt ép trẻ ăn khi trẻ không muốn ăn cũng có thể khiến cho trẻ sợ ăn hay nôn ói. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ, trẻ sẽ hình thành tâm lý sợ ăn, việc điều trị tình trạng này cũng không phải đơn giản.

Trẻ cũng có thể bỏ ăn nếu như thức ăn không phù hợp với độ tuổi hoặc những sai lầm trong quá trình chế biến thức ăn như: Sử dụng các loại nước xương hầm, quá nhiều chất đạm hoặc nhiều loại rau củ cứng sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.

2. Hậu quả việc trẻ không chịu ăn là gì?

Khi không chịu ăn sẽ khiến trẻ chậm tăng cân, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng từ nhẹ đến nặng. Sức đề kháng của trẻ suy dinh dưỡng cũng giảm khiến dễ mắc bệnh, khi đó trẻ càng biếng ăn hơn. Trở thành vòng xoắn bệnh lý vô cùng nguy hiểm, cần phải có biện pháp can thiệp kịp thời để giúp trẻ duy trì hoạt động và phát triển.

Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng nặng và kéo dài, sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao. Trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng thể còi cọc với ngoại hình thấp bé và quá trình phục hồi cũng sẽ khó khăn và kéo dài hơn.

Trẻ sợ ăn có thể khiến trẻ chậm tăng cân
Trẻ sợ ăn có thể dẫn đến hậu quả chậm tăng cân

3. Trẻ sợ ăn phải làm sao?

Bé sợ ăn phải làm sao” là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh có con trong tình trạng này. Theo đó, nếu trẻ sợ ăn, biếng ăn, bạn nên tạo bầu không khí vui vẻ, phấn khích trong khi cho trẻ ăn, chế biến thức ăn đa dạng về chủng loại, màu sắc và mùi vị để hấp dẫn trẻ. Động viên, khuyến khích các bé cùng ăn thi với nhau.

Bạn nên ngồi gần để động viên trẻ ăn tích cực. Bạn cũng có thể tăng sự thích thú ăn uống qua các trò chơi hoặc câu chuyện kể mà trẻ yêu thích.

Một số biện pháp tăng năng lượng khẩu phần ăn cho trẻ:

  • Dù trẻ ăn số lượng thức ăn ít nhưng vẫn không bị sụt cân nếu bạn tăng cường thêm 1 thìa chất béo (dầu ăn, mỡ) vào mỗi bữa ăn hoặc chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ vào những thời điểm khác nhau chứ không nhất thiết phải ăn hết khẩu phần cùng một lúc. Nên bổ sung những thực phẩm bổ dưỡng sau bữa chính như: Sữa chua, bánh flan, phô mai cũng giúp cung cấp năng lượng đáng kể.
  • Nên cho trẻ ăn các loại thức ăn trẻ ưa thích bởi trong những khoảng thời gian nhất định trẻ sẽ thích đặc biệt với một vài loại thức ăn nào đó. Do bạn thường sợ trẻ ăn như vậy sẽ không đủ chất, nên thường ép trẻ ăn những thức ăn khác, việc ngăn cấm đôi khi tạo nên phản ứng phản kháng ở trẻ.

Những điều bạn nên tránh khi trẻ biếng ăn:

  • Không nên cho trẻ ăn bánh kẹo hay uống nước ngọt trước bữa ăn chính.
  • Khi trẻ sợ ăn, biếng ăn, tránh căng thẳng, la mắng hoặc đánh trẻ. Không được ép trẻ ăn bằng mọi cách kể cả đè trẻ ra nhét thức ăn vào miệng.
  • Không được tự ý dùng thuốc cho trẻ vì phải biết đúng nguyên nhân biếng ăn thì thuốc mới có tác dụng, nếu không có thể khiến cho trẻ biếng ăn hơn.
  • Thời gian trẻ ăn không nên kéo dài hơn 30 phút.
  • Không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn mà trẻ đã bị nôn ói khi ăn.
  • Trong 1 số trường hợp, trẻ hay nôn ói là do ăn quá no, vì vậy không nên ép trẻ khi trẻ không muốn ăn thêm.
  • Tuyệt đối không nên cho trẻ vừa ăn vừa chơi hoặc vừa ăn vừa xem điện thoại, tivi,... vì như vậy sẽ làm giảm khả năng nhận biết các loại thức ăn và gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa ở trẻ.

Hiện vẫn chưa có loại thuốc nào được cho là an toàn trong điều trị biếng ăn cho trẻ. Tuy nhiên bạn có thể dùng các sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất cho những đứa trẻ suy dinh dưỡng để giúp tăng cường hoạt động chuyển hóa trong cơ thể hoặc sử dụng các loại men tiêu hóa giúp hỗ trợ tiêu hóa và tiêu hóa thức ăn.

Biếng ăn là một vấn đề phức tạp, có thể do nhiều nguyên nhân kết hợp và gây ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng trẻ em. Cần phải xác định và loại bỏ những nguy cơ gây biếng ăn ở trẻ. Việc điều trị biếng ăn của trẻ nhỏ cần phối hợp nhiều biện pháp, cần sự quan tâm và cần sự kiên trì của người chăm sóc.

Trường hợp trẻ sợ ăn tâm lý cần được chuyên gia tâm lý điều trị. Việc điều trị sẽ mất nhiều thời gian,vì vậy cần sự phối hợp của bác sĩ, gia đình và cả trường học.

4. Nguyên tắc quan trọng để trẻ ăn ngon miệng

Để trẻ ăn ngon miệng, phụ huynh cần thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

  • Cho trẻ ăn thức ăn phù hợp với độ tuổi: Trẻ nhỏ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Trẻ 6 tháng tuổi trở lên nên được tập cho ăn dặm các loại thực phẩm cần thiết theo khuyến cáo từ chuyên gia dinh dưỡng.

Bạn nên cho trẻ ăn đủ 4 nhóm dưỡng chất cần thiết, gồm nhóm chất bột đường, nhóm đạm, nhóm chất béo, nhóm thực phẩm cung cấp vitamin và khoáng chất từ rau xanh cũng như trái cây tươi. Trẻ từ 8 – 12 tháng tuổi, bạn nên tập cho trẻ ăn những loại thức ăn đặc hơn như cháo, bún, phở, hoặc cơm nát... để trẻ phát triển khả năng nhai.

Trẻ không chịu ăn
Cho trẻ ăn theo nguyên tắc phù hợp với lứa tuổi sẽ góp phần khắc phục tình trạng trẻ sợ ăn

  • Không nên ép trẻ ăn quá nhiều: Các bậc phụ huynh vì mong muốn bé tăng cân tốt và muốn bé bụ bẫm mới là bé khỏe, bé đẹp. Tuy nhiên, việc làm này rất dễ làm cho trẻ sợ ăn uống dẫn đến biếng ăn tâm lý, khó chữa trị. Thay vào đó, bạn nên cho trẻ ăn theo khả năng của trẻ, để cho trẻ chọn những loại thức ăn mà trẻ thích. Với những đứa trẻ khó ăn bạn nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ giúp trẻ ăn đủ lượng thức ăn cần thiết mà không khiến cho hệ tiêu hóa của trẻ bị quá tải.

Bạn nên hạn chế cho trẻ ăn những thức ăn chế biến nhanh (fast food) hoặc chứa nhiều đường ngọt như là bánh hamburger, pizza, khoai tây chiên, gà rán, các loại nước ngọt, bánh kẹo ngọt, socola... Thay vào đó bạn nên chọn những loại thức ăn có lợi cho sức khỏe của trẻ như khuyến khích trẻ ăn thêm các loại rau xanh, các loại trái cây tươi và bổ sung đủ nước cho cơ thể để đảm bảo sức khỏe và dễ tiêu hóa.

  • Động viên trẻ tăng cường hoạt động thể chất: Trẻ hoạt động thể chất nhiều có một cơ thể dẻo dai và việc ăn uống của trẻ nhờ đó cũng trở nên dễ dàng hơn. Bởi vì khi trẻ vận động nhiều sẽ nhanh đói và có cảm giác ăn uống ngon miệng hơn, mỗi ngày nên khuyến khích trẻ vận động thể chất khoảng 30 phút bằng những loại vận động phù hợp với độ tuổi của trẻ như là đạp xe đạp, đá bóng trong sân, bơi lội, đi bộ với cha mẹ...

Với những đứa trẻ lớn nên khuyến khích trẻ tham gia các công việc trong bếp cùng với cha mẹ vừa tạo điều kiện cho trẻ vận động và là cơ hội giúp trẻ hiểu hơn về giá trị dinh dưỡng từ các món ăn, qua đó chó thể khiến trẻ hứng thú hơn với việc ăn uống.

  • Tạo không khí gia đình vui vẻ trong bữa ăn của trẻ: Bạn nên duy trì không khí bữa ăn gia đình cùng với trẻ, cho trẻ tập dần các kỹ năng ăn uống như tập cho trẻ cầm thìa, đũa, tập cho trẻ biết tự xúc ăn, tập cho trẻ kỹ năng giao tiếp trên bàn ăn cùng với người lớn...

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh khi trẻ được ngồi ăn chung với gia đình trong không khí đầm ấm thì trẻ thường ăn được nhiều hơn, đồng thời giúp phát triển các giác quan và trí não một cách tốt nhất.

  • Cho trẻ ngồi đúng tư thế khi ăn: Việc làm này giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt nhất, bạn nên chọn cho trẻ một chiếc ghế ngồi thẳng lưng có phần dựa phía sau, ghế phải ngang tầm với vị trí để thức ăn để trẻ có thể ăn uống dễ dàng. Lựa chọn ghế ngồi phù hợp sẽ giúp cho các cơ quan tiêu hóa của trẻ giãn nở tối đa làm cho thức ăn nhanh chóng được tiêu hóa và hấp thu, giúp trẻ tránh được những phiền toái như đầy hơi, chướng bụng hoặc tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Tóm lại, khi không chịu ăn sẽ khiến trẻ chậm tăng cân, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng từ nhẹ đến nặng. Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng nặng và kéo dài, sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Do đó, nếu trẻ sợ ăn, biếng ăn, bạn nên tạo bầu không khí vui vẻ, phấn khích trong khi cho trẻ ăn; chế biến thức ăn đa dạng về chủng loại, màu sắc và mùi vị để hấp dẫn trẻ.

Bên cạnh đó, bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan