Trẻ hay ốm vặt nên bổ sung gì để tăng cường đề kháng?

Trong năm đầu đời, trẻ rất dễ bị mắc bệnh do hệ miễn dịch còn non yếu. Dù trẻ ốm vặt hay ốm nặng thì bệnh đều ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ cũng như người chăm sóc trẻ. Vậy trẻ hay ốm vặt nên bổ sung gì để tăng cường sức đề kháng, chống lại virus và vi khuẩn gây bệnh cho trẻ?

1. Nguyên nhân trẻ hay ốm vặt trong những năm đầu đời

Thời kỳ trẻ còn trong bào thai và 6 tháng đầu sau khi sinh trẻ vẫn được hưởng hệ miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang thông qua nhau thai và sữa mẹ. Đặc biệt, trong sữa mẹ có chứa sữa non, bao gồm thành phần các chất dinh dưỡng quý cũng như kháng thể IgA và các kháng thể khác giúp trẻ miễn dịch với điều kiện môi trường bên ngoài trong những ngày đầu tiên sau khi sinh.

Khi trẻ lớn dần, hệ miễn dịch mới từ từ được hoàn thiện và trưởng thành. Hệ miễn dịch chủ động của trẻ có thể tự sản xuất ra kháng thể hoặc nhận kháng thể từ bên ngoài, chẳng hạn như tiêm phòng hoặc các phương pháp bổ sung khác.

Do đó, khoảng thời gian mấy năm đầu đời hệ miễn dịch của trẻ đang ở trạng thái có khoảng trống miễn dịch, cũng được xem như lý do giải thích vì sao ở độ tuổi này bé bị ốm liên tục và lặp lại nhiều lần, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ.

Ngoài ra, những trẻ có tình trạng suy dinh dưỡng, còi xương cũng có sức đề kháng kém và hay bị ốm. Trẻ ốm lâu ngày dẫn đến tình trạng chán ăn, biếng ăn và làm cho trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng trầm trọng. Vòng tròn bệnh lý cứ lặp đi lặp lại nếu cha mẹ không xác định được nguyên nhân chính xác tình trạng sức khỏe của trẻ để kịp thời điều trị, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Trong trường hợp trẻ ốm vặt kéo dài, có thể gây ra cho trẻ các vấn đề về còi xương, chậm lớn, chậm phát triển trí tuệ và dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường tiêu hoá... Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để có thể điều trị kịp thời cho trẻ.

2. Một vài vấn đề về tình trạng ốm vặt của trẻ

Trẻ ốm nhiều, ho, sốt, cảm cúm hay viêm đường hô hấp... lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc có thể trên 8 lần trong năm có thể được xem như biểu hiện điển hình về sức đề kháng giảm sút của trẻ.

Trẻ ốm đau thường xuyên cũng có thể dẫn tới suy dinh dưỡng, biếng ăn, chậm lớn... gây nhiều ảnh hưởng bất lợi tới quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ ở giai đoạn tiếp theo của cuộc đời.

Thậm chí có một số trẻ cùng điều kiện chăm sóc, cùng chế độ dinh dưỡng và vệ sinh, có trẻ thì ít ốm vặt nhưng có trẻ lại thường xuyên xảy ra ốm vặt. Điều này có thể do cơ thể trẻ rất nhạy cảm với các yếu tố tác động bên ngoài, đồng thời cũng dễ dàng nhiễm bệnh khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm hay thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều hoặc vào những thời khắc giao mùa... Hơn nữa, nguyên nhân hàng đầu do hệ miễn dịch của trẻ phát triển chưa toàn diện nền trẻ dễ mắc bệnh.

Tăng đề kháng của trẻ
"Trẻ hay ốm vặt nên bổ sung gì" là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh

Do đó, cha mẹ cần tăng đề kháng của trẻ bằng cách bổ sung vitamin và các vi chất thiết yếu cho cơ thể. Ở trẻ nhỏ, những chất này đóng vai trò rất quan trọng, đồng thời còn giúp hỗ trợ các hoạt động chức năng và gián tiếp tác động tích cực lên hệ miễn dịch. Cha mẹ có thể bổ sung vitamin cho trẻ từ các loại thực phẩm với nguồn thức ăn phong phú hàng ngày với các loại rau củ quả theo mùa.

Ngoài ra cha mẹ có thể tăng đề kháng của trẻ hay ốm vặt hoặc trẻ có sức đề kháng kém bằng một số những hoạt chất có chứa glucan. Hợp chất này có hoạt lực tăng cường miễn dịch trực tiếp và mạnh nhất. Tuy nhiên, để bổ sung được hợp chất này cha mẹ cần được bác sĩ tư vấn để thực hiện phù hợp với từng trường hợp cụ thể của trẻ.

3. Trẻ hay ốm vặt nên bổ sung gì để tăng đề kháng?

Nếu bạn có con gặp phải tình trạng này thì chắc hẳn đang thắc mắc rằng “trẻ hay ốm vặt nên bổ sung gì” để giúp con khỏe mạnh, tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật.

Theo đó, những thực phẩm được sử dụng trong bữa ăn hàng ngày của trẻ có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch cũng như tăng cường sức đề kháng của trẻ. Vì vậy, cha mẹ có thể sử dụng những thực phẩm này giúp trẻ tránh được cảm cúm, ốm vặt và phát triển khoẻ mạnh:

  • Thịt nạc: Thịt lợn, thịt bò, thịt gà được xếp vào nhóm thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng tốt nhất cho trẻ. Thịt nạc chứa nhiều protein, thành phần quan trọng trong việc duy trì, tăng cường sức khỏe của trẻ. Thêm vào đó, hàm lượng chất dinh dưỡng kẽm trong thịt nạc còn có tác dụng giúp các tế bào bạch cầu của cơ thể chống lại nhiễm trùng hiệu quả.
  • Thực phẩm giàu kẽm: Những thực phẩm giàu kẽm được bổ sung vào chế độ ăn của trẻ không chỉ giúp đảm bảo cung cấp chất kẽm cho cơ thể mà còn giúp tăng cường miễn dịch, phòng chống bệnh tật do virus, như cảm cúm, cảm lạnh. Vì vậy, cha mẹ hãy bổ sung những thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, sò, ngao.. để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.
  • Rau có lá màu xanh đậm: Những loại rau này có hàm lượng vitamin C khá phong phú bao gồm rau cải bó xôi, bông cải xanh, rau dền, rau ngot... Ngoài ra, các loại thực phẩm này cũng còn chứa các hàm lượng chất dinh dưỡng khác giúp trẻ phòng bệnh truyền nhiễm.
  • Trái cây họ cam, quýt: Đây là những loại trái cây có hàm lượng vitamin Cvitamin A khá phong phú. Những loại quả này được xem như thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng của trẻ một cách hiệu quả, đồng thời tăng khả năng phòng chống bệnh truyền nhiễm....
  • Khoai lang: Chứa nhiều beta-caroten, vitamin C, vitamin E giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn và virus...
  • Thực phẩm chứa acid omega 3: Bao gồm những thực phẩm như quả óc chó, dầu cá,... Hợp chất này có vai trò giúp cho hệ miễn dịch của trẻ tốt hơn, ngăn ngừa sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh hay virus ở bên ngoài môi trường.
  • Sữa chua: Chứa nhiều vi khuẩn có lợi như probiotics giúp đường ruột của trẻ có thể ức chế vi khuẩn có hại và lập lại cân bằng hệ vi sinh đường ruột cho trẻ. Thêm vào đó, các thành phần dinh dưỡng của sữa chua còn giúp trẻ có thể chống lại các bệnh tật, giảm nguy cơ mắc bệnh như cảm lạnh, viêm họng, nhiễm trùng tai.

Bên cạnh đó, bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Tăng đề kháng của trẻ
Để tăng đề kháng của trẻ, bạn nên bổ sung cácl thực phẩm giàu kẽm

Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

Ngoài ra, để giúp trẻ giảm ốm vặt, các chuyên gia khuyên mẹ nuôi con nhỏ nên thực hiện một số hoạt động như: Cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và kéo dài đến 24 tháng tuổi để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ miễn dịch của trẻ; Duy trì lối sống lành mạnh, cho trẻ ngủ đủ giấc, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và môi trường xung quanh nhằm hạn chế cơ hội tấn công của virus và vi khuẩn gây bệnh; Thường xuyên cho trẻ vận động, đặc biệt các hoạt động ngoài trời nhằm giúp trẻ phát triển cơ thể khỏe mạnh, hấp thu thêm vitamin D để phát triển chiều cao tối ưu.

Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan