Trẻ em ngã đập đầu xuống đất có sao không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đập đầu xuống đất là một trong những nguyên nhân phổ biến gây chấn thương ở trẻ. Hậu quả là có thể gây chảy máu, bầm tím, thậm chí là chấn thương sọ não. Do đó, các bậc cha mẹ nên thực hiện các biện pháp chống trơn trượt để hạn chế nguy cơ té ngã cho trẻ.

1. Trẻ em ngã đập đầu xuống đất có sao không?

Trẻ ngã đập đầu xuống đất khiến bạn lo lắng vì tiếng hét, khóc và chiếc u trên đầu. Với tình huống như vậy, trước tiên bạn cần hít thở sâu, cố gắng giữ bình tĩnh và xem xét, đánh giá mức độ nặng của chấn thương dựa vào các yếu tố sau:

  • Độ cao: Độ cao càng thấp thì độ nguy hiểm của cú ngã càng giảm xuống. Trẻ em dưới 5 tuổi không được phép lên cao hơn 1,5m. Những trẻ lớn tuổi hơn khi được tiếp cận với độ cao trên 2m.
  • Bề mặt rơi xuống: Các bề mặt như bê tông, gạch men, lớp đất cứng sẽ gây nguy hiểm nhiều hơn cho bé so với các bề mặt mềm.
  • Vật dụng va phải: Trong quá trình tiếp đất chạm vào các vật dụng như đồ đạc góc cạnh, mặt kính sắc nhọn có thể gây thương tích nghiêm trọng.

Hầu hết các trường hợp trẻ bị té đập đầu xuống đất là nhẹ và không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, trong các trường hợp hiếm hoi, gia đình cần để ý một số triệu chứng cảnh báo chấn thương sọ não ở trẻ để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện.

2. Cách xử lý khi trẻ bị ngã đập đầu xuống đất

Theo các con số thống kê, chỉ có khoảng 2 - 3% các cú ngã dẫn đến vỡ xương sọ tuyến tính đơn giản và hầu hết không gây ra các vấn đề thần kinh. Chỉ khoảng 1% các ca vỡ xương sọ liên quan đến tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não từ trung bình đến nặng.

Do đó, điều quan trọng là các gia đình cần theo dõi các triệu chứng của chấn thương sọ não ở trẻ, bao gồm cả chấn động não, thường xuất hiện trong vòng 24 - 48 giờ sau ngã để có các biện pháp xử trí kịp thời.

Trong thời gian theo dõi các dấu hiệu của chấn thương đầu nghiêm trọng, bạn có thể thực hiện chăm sóc trẻ bằng cách:

  • Chườm lạnh cho trẻ
  • Làm sạch vết thương và băng bó mọi vết cắt hoặc trầy xước nhỏ trên da
  • Theo dõi trẻ trong khi chúng ngủ trưa và ngủ đêm
  • Gọi cho bác sĩ nhi khoa để được hướng dẫn nếu bạn lo lắng

Nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng nào sau đây sau khi bị chấn thương ở đầu, hãy gọi 115 hoặc đưa trẻ đến phòng cấp cứu gần nhất ngay lập tức:

  • Chảy máu không kiểm soát được từ vết cắt
  • Vết lõm hoặc chỗ phồng mềm trên hộp sọ
  • Bầm tím và/hoặc sưng tấy quá mức
  • Nôn nhiều hơn một lần
  • Buồn ngủ bất thường và/hoặc khó tỉnh táo
  • Mất ý thức hoặc không phản ứng với giọng nói/xúc giác
  • Máu hoặc dịch nhầy chảy ra từ mũi hoặc tai
  • Cơn động kinh
  • Nghi ngờ chấn thương cổ hoặc tủy sống
  • Khó thở

Khi đến khám, bạn sẽ được hỏi các vấn đề xung quanh chấn thương của trẻ như xảy ra như thế nào, trẻ làm gì trước khi bị chấn thương, triệu chứng trải qua sau chấn thương. Ngoài ra, các xét nghiệm cận lâm sàng như kiểm tra chức năng thần kinh như nhìn vào mắt, nghe giọng nói, kiểm tra xúc giác; chụp CT nếu nghi ngờ chấn thương sọ não; ...

Chụp CT trẻ em
Trẻ có thể cần chụp MRI sau khi bị ngã đập đầu

3. Nguyên nhân khiến trẻ bị ngã đập đầu xuống đất gây chấn thương

Ngã đập đầu xuống đất là một trong những chấn thương phổ biến nhất ở trẻ tập đi. Phần lớn là do tầm vóc và sự phát triển thể chất của trẻ. Đầu trẻ có kích thước lớn, không cân xứng khiến trẻ dễ mất thăng bằng.

Thể lực chưa ổn định khiến những bước đi còn loạng choạng, khiến trẻ dễ gặp nguy hiểm khi tiếp xúc với các bề mặt mới, không bằng phẳng hoặc chạy nhanh để lao vào các vật thể vui nhộn.

Ngoài ra, trẻ thường có xu hướng thực hiện các hành động liều lĩnh như leo, nhảy, cố gắng bay, là nguyên nhân gây ra các cú ngã đau. Dưới đây là danh sách các thủ phạm gây ra tình trạng té đập đầu xuống đất ở trẻ:

  • Trượt trong bồn tắm
  • Ngã về phía sau
  • Ngã khỏi giường hoặc bàn thay tã
  • Ngã khi trèo lên đồ nội thất hoặc lên trên mặt bàn
  • Rơi vào hoặc ra khỏi cũi
  • Vấp phải thảm hoặc đồ vật trên sàn
  • Ngã xuống bậc thang
  • Ngã khi đang tập đi xe đạp
  • Rơi từ xích đu

Khoảng cách từ vị trí ngã xuống đất có ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của cú ngã. Vì vậy, nếu trẻ ngã từ một khoảng cách cao thì nguy cơ sẽ bị thương nặng hơn.

4. Các dạng và triệu chứng của chấn thương đầu do ngã

Thuật ngữ "chấn thương đầu" bao gồm toàn bộ phạm vi chấn thương, từ một khối u nhỏ trên trán đến chấn thương sọ não. Hầu hết các chấn thương liên quan đến ngã đập đầu ở trẻ sơ sinh thuộc loại “nhẹ”.

4.1. Chấn thương đầu nhẹ

Chấn thương đầu nhẹ là chấn thương không gây ra các tổn thương trong não bộ. Trong các trường hợp này, các vết sưng trên da có thể xuất hiện mà không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào khác.

Nếu có vết rách trên da gây chảy máu, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chăm sóc y tế, làm sạch và khâu vết thương, ngay cả khi không có chấn thương sọ não.

Trẻ sơ sinh không thể truyền tải cảm xúc bằng lời nói, thay vào đó khi đau đầu và khó chịu, trẻ sẽ biểu hiện bằng quấy khóc hoặc khó ngủ.

Trẻ ngã đập đầu
Đối với chấn thương đầu nhẹ, ba mẹ nên cố trấn an tinh thần của trẻ

4.2. Chấn thương đầu từ trung bình đến nặng

Các chấn thương đầu từ trung bình đến nghiêm trọng chiếm tỷ lệ thấp trong số các chấn thương liên quan đến ngã ở trẻ sơ sinh. Chúng có thể liên quan đến:

  • Vỡ xương sọ
  • Co giật (khi não bị bầm tím)
  • Chấn động (khi não bị rung lắc)
  • Chảy máu trong não

Chấn động não là loại chấn thương sọ não phổ biến nhất và ít nghiêm trọng nhất. Nó có thể ảnh hưởng đến nhiều vùng não, gây ra các vấn đề về chức năng não. Các dấu hiệu của chấn động não ở trẻ bao gồm:

  • Đau đầu
  • Mất ý thức
  • Lúc tỉnh táo, lúc mơ màng
  • Buồn nôn và ói mửa

Mặc dù hiếm gặp nhưng vỡ xương sọ có thể xảy ra với các biểu hiện tăng áp lực nội sọ, sưng, bầm tím hoặc chảy máu xung quanh hoặc bên trong não. Trong trường hợp này, trẻ cần được chăm sóc y tế khẩn cấp nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tổn thương não bộ lâu dài.

5. Điều trị vết thương ở đầu cho trẻ

Đối với các chấn thương đầu nhẹ, gia đình có thể tự chăm sóc cho trẻ bằng chườm đá, cho trẻ nghỉ ngơi, âu yếm, quan tâm trẻ. Sau chấn động não, bác sĩ có thể khuyên bạn nên theo dõi trẻ thường xuyên và hạn chế cho trẻ vận động.

Đối với các chấn thương nghiêm trọng hơn, gia đình phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Tùy vào tình trạng chấn thương mà áp dụng các biện pháp điều trị khác nhau như điều trị nội khoa, phẫu thuật và vật lý trị liệu.

Chườm đá
Chườm đá là một biện pháp giúp giảm đau khi trẻ ngã

6. Liệu có ảnh hưởng nào lâu dài sau cú ngã đập đầu của trẻ?

Hầu hết các trường hợp ngã đập đầu xuống đất ở trẻ nhỏ không có nguy cơ biến chứng lâu dài. Tuy nhiên, trong một số nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra mối liên hệ giữa chấn thương sọ não (cả chấn thương nhẹ) với các vấn đề sức khỏe tâm thần, khuyết tật, thậm chí tử vong khi trưởng thành.

Một nghiên cứu khác tại Mỹ vào năm 2018 đã chỉ ra 39% trẻ bị chấn thương sọ não từ nhẹ đến nặng có triệu chứng của tâm thần kinh như đau đầu, rối loạn tâm thần, thiểu năng trí tuệ, trầm cảm, lo âu, co giật. Đây là thông điệp để các gia đình suy xét lại tính nghiêm trọng của vấn đề, cố gắng giảm thiểu tối đa các nguy cơ gây ngã đập đầu ở trẻ.

7. Mẹo để ngăn ngừa đập đầu xuống đất và chấn thương não ở trẻ

7.1. Trẻ sơ sinh

  • Trẻ sơ sinh có thể bất ngờ ngã khỏi giường hoặc bàn thay đồ. Nếu không có dây đeo an toàn, hãy luôn giữ một tay bé khi đặt bé lên bàn thay tã. Hoặc cân nhắc thay tã cho bé trên sàn nhà.
  • Không cho bé nằm trên ghế bập bênh đặt trên bàn hoặc bề mặt cao. Những đứa trẻ hiếu động có thể tháo thanh chắn và ngã xuống đất.
  • Không nên cho trẻ nhỏ sử dụng xe tập đi vì trẻ có thể di chuyển nhanh và đâm vào các vật dụng trong nhà gây chấn thương.
  • Khi cho trẻ ngồi xe đẩy, hãy đảm bảo đeo dây an toàn. Khi thả tay khỏi xe, bạn cần đảm bảo đã phanh, đảm bảo các vật dụng không quá nhiều khiến xe bị bật ngược về phía sau.
ngã xe
Đi xe đạp không đúng cách có thể khiến trẻ bị ngã

7.2. Trẻ tập đi

  • Tạo không gian thông thoáng bằng cách loại bỏ các vật dụng dễ gây ngã như thảm, dây điện, ...
  • Bọc các góc nhọn của ghế và bàn hoặc đưa chúng ra xa khỏi khu vực chơi của trẻ
  • Sử dụng các thanh chắn hoặc lưới an toàn ở cầu thang
  • Sử dụng dây nịt toàn thân khi ngồi trên ghế cao hoặc xe đẩy
  • Loại bỏ tất cả các đồ chơi mà trẻ có thể trèo lên và rơi ra ngoài khỏi cũi
  • Khi trẻ chuyển từ nằm cũi sang nằm giường, hãy đặt một tấm đệm trên sàn để hạn chế nguy hiểm khi ngã.
  • Khi trẻ bị mệt khả năng ngã sẽ cao hơn. Do đó, bạn cần lên kế hoạch nghỉ ngơi, tránh vận động cho trẻ trong những ngày này.

7.3. Trẻ lớn hơn

  • Giường tầng không nên được sử dụng cho trẻ em dưới 9 tuổi. Không nên để trẻ chơi trên giường tầng. Đảm bảo giường ở tầng trên có lan can.
  • Khóa cửa sổ hoặc đảm bảo cửa chỉ mở dưới 100mm ở các tòa nhà nhiều tầng để trẻ không thể trèo ra ngoài.
  • Dao, kéo, đồ thủy tinh là một số vật sắc nhọn gây thương tích nghiêm trọng nếu trẻ bị ngã. Do đó, cần đặt các vật dụng này xa tầm tay của trẻ.
  • Không cho phép trẻ đứng trong xe đẩy khi đi chợ.
Thủy tinh
Hạn chế cho trẻ chơi gần các đồ thủy tinh tránh gây thương tích

8. Phòng ngừa té ngã xung quanh nhà cho trẻ

8.1. Khu vực trơn trượt

Sàn bếp ẩm ướt dễ gây té ngã ở trẻ nhỏ. Bạn cần lau sạch vết đổ ngay lập tức. Khuyến khích trẻ ngồi ăn nhằm hạn chế tình trạng tràn sữa.

Phòng tắm cũng là nơi dễ gây ngã cho trẻ. Cách tốt nhất để giảm nguy cơ té ngã là đảm bảo bề mặt bồn tắm, vòi hoa sen, sàn nhà chống trơn trượt bằng thảm cao su.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều dòng sản phẩm chống trơn trượt mà các gia đình có thể cân nhắc lựa chọn như sơn cao su, phun bê tông chống trơn trượt, thảm sàn, ...

8.2. Đồ thủy tinh

  • Cân nhắc sử dụng kính an toàn hoặc phim chống vỡ.
  • Đặt đồ đạc của trẻ cách xa cửa sổ để tránh rơi vào cửa khiến trẻ với để lấy gây nguy hiểm.

8.3. Ban công

  • Giám sát trẻ em mọi lúc khi ở ban công và khóa các lối vào ban công, tránh trẻ sử dụng như khu vực vui chơi.
  • Đảm bảo bề mặt ban công không trơn trượt, loại bỏ tất cả các nguy cơ vấp ngã.
  • Đặt bàn ghế ban công xa lan can để ngăn trẻ sử dụng để leo trèo. Đồ nội thất ở ban công nên có khối lượng nặng để tránh trẻ di chuyển chúng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: rch.org.au; who.int; healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

622.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan