Trẻ chậm phát triển do dinh dưỡng không hợp lý

Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em, với một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp tăng cường thể chất và trí não. Dinh dưỡng không hợp lý ở trẻ em gây bất lợi cho sự phát triển tăng trưởng thể chất, chậm tăng trưởng chiều cao và khả năng nhận thức cũng như kỹ năng tâm lý xã hội của trẻ.

1. Nhận biết dấu hiệu trẻ phát triển chậm

Trẻ phát triển chậm có thể dẫn tới thấp còi, chậm lớn, chậm phát triển chiều cao, chậm phát triển nhận thức, trí tuệ,... Sự phát triển về thể chất của trẻ tuân theo cùng một quá trình đối với tất cả trẻ em, mặc dù tỷ lệ sẽ khác nhau giữa các cá nhân. Sự phát triển sau khi sinh trải qua ba giai đoạn bao gồm giai đoạn ấu thơ là 5 năm đầu tiên của cuộc đời, thời thơ ấu kéo dài từ trẻ sơ sinh đến khoảng 10 tuổi và vị thành niên được xác định là từ 10 tuổi đến 18 tuổi. Trong tất cả các giai đoạn phát triển, những thay đổi về tỷ lệ cơ thể và việc thành thạo các kỹ năng vận động cơ bản đều là một phần của quá trình trưởng thành sinh học.

Trẻ chậm lớn được định nghĩa là khi cân nặng dưới mức phân vị thứ 3 đến thứ 5 theo tuổi và giới tính, giảm dần về cân nặng xuống dưới mức phân vị thứ 3 đến phân vị thứ 5, hoặc giảm khoảng bách phân vị 2 tham số tăng trưởng trong một khoảng thời gian ngắn theo tiêu chuẩn về sự tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Bởi vì trẻ con có những thời kỳ phát triển khác nhau. Ví dụ như bé trai phát triển nhanh hơn bé gái cho đến 7 tháng tuổi và sau thời kỳ này bé gái sẽ phát triển nhanh hơn cho đến khi bé được 4 tuổi. Từ sau thời điểm 4 tuổi cho đến lúc dậy thì, bé trai và bé gái sẽ có tốc độ phát triển tương tự nhau. Do vậy, để nhận biết trẻ chậm phát triển cần so sánh với người cùng giới tính, độ tuổi. Những dấu hiệu cho thấy trẻ chậm tăng trưởng chiều cao như:

  • Trẻ thấp hơn so với các bạn cùng giới, cùng độ tuổi
  • Trẻ thấp hơn so với anh chị em ruột ở cùng tuổi
  • Quần áo của trẻ mặc rất lâu chật và ngắn.
  • Đối với những trẻ trên 4 tuổi, có tốc độ tăng trưởng chiều cao chậm <5cm/năm hay không?

Ngoài ra, sự phát triển nhận thức ở trẻ em liên quan đến sự trưởng thành của các chức năng tâm thần cao hơn như sự chú ý, trí nhớ, học tập và nhận thức. Trong những năm này, sự phát triển tối ưu của bộ não đã được chứng minh là có liên quan đến khả năng học tập tốt hơn.

Nếu có nghi ngờ con bạn có vấn đề về tăng trưởng, bạn có thể đưa trẻ đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa nhi. Nếu cần thiết, có thể phải cho bé thực hiện một số xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng của một vài cơ quan cũng như làm một số loại test đặc biệt nhằm kiểm tra nồng độ hormone, chụp X-quang vùng cổ tay để đo lường sự phát triển xương theo tuổi. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thường xuyên cân và đo chiều cao cho trẻ đồng thời ghi lại nhằm kiểm tra tốc độ tăng trưởng.

trẻ phát triển chậm
Trẻ phát triển chậm thấp hơn so với các bạn cùng giới, cùng độ tuổi

2. Ảnh hưởng sự phát triển của trẻ do dinh dưỡng không hợp lý

Trẻ phát triển chậm có rất nhiều nguyên nhân. Kích thước của trẻ phụ thuộc rất lớn vào cha mẹ. Cha mẹ cao lớn sẽ có con cao lớn như một quy luật, ngược lại cha mẹ thấp sẽ sinh ra những đứa trẻ thấp. Yếu tố di truyền và các hormone và đều có ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của trẻ. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân phổ biến làm cho trẻ phát triển chậm có thể là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý.

Dinh dưỡng là một trong những yếu tố đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của trẻ. Dinh dưỡng không hợp lý bao gồm thiếu dinh dưỡng và thừa dinh dưỡng, cả hai đều ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhưng thiếu hụt dinh dưỡng là nguyên nhân chính dẫn tới trẻ chậm tăng trưởng. Trong thời thơ ấu, chế độ dinh dưỡng thiếu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và trưởng thành về thể chất do ảnh hưởng đến tốc độ phát triển, trọng lượng cơ thể và chiều cao. Ngoài ra, thiếu hụt dinh dưỡng khiến cho trẻ ít năng lượng và ít hứng thú với học tập, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhận thức và kết quả học tập.

Bằng chứng cho thấy thời điểm thiếu hụt dinh dưỡng cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ. Ví dụ, trong giai đoạn bào thai, sự thiếu hụt acid folic trong khoảng thời gian từ 21 đến 28 ngày sau khi thụ thai sẽ khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh gọi là khuyết tật ống thần kinh. Giai đoạn thơ ấu cũng rất nhạy cảm với sự thiếu hụt chế độ ăn uống, đặc biệt là khi não bộ đang trải qua quá trình trưởng thành về cấu trúc và nhận thức.

Ngoài ra, béo phì là một trạng thái đặc biệt ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và ngày càng phổ biến ở trẻ em. Điều này đi kèm với việc tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch ở thanh thiếu niên và tuổi trưởng thành. Béo phì ở trẻ em cũng ảnh hưởng đến sự tự tin và năng lực trong quá trình hoạt động thể chất, giảm thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển thích hợp. Béo phì trong giai đoạn đầu đời có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển sớm của các bệnh khác như loãng xương, đái tháo đường type 2, hội chứng chuyển hóa và bệnh gan. Do vậy, việc cung cấp những lời khuyên thiết thực giúp nuôi dưỡng các hành vi tốt ở cha mẹ và trẻ em sẽ giúp ngăn ngừa bệnh béo phì ở trẻ.

trẻ phát triển chậm
Trẻ phát triển chậm do dinh dưỡng không hợp lý

3. Dinh dưỡng cho trẻ chậm tăng trưởng

Trước tiên, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ đánh giá tình trạng của trẻ bằng các biện pháp nhân trắc học đã được phê duyệt như biểu đồ tăng trưởng, chỉ số khối cơ thể, điểm Z và độ dày nếp gấp da. Để đo tình trạng dinh dưỡng của trẻ em nên sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để hiểu một cách toàn diện về tình trạng dinh dưỡng của trẻ.

Dinh dưỡng cho trẻ chậm tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, giới tính, tình trạng dinh dưỡng, mức độ chậm phát triển,... Một chế độ ăn uống tối ưu của trẻ để tăng cường và hỗ trợ sự tăng trưởng, phát triển bao gồm các yếu tố như số lượng, chất lượng, thời gian và các thành phần dinh dưỡng của mỗi bữa ăn. Một bữa sáng rất quan trọng nhưng nhiều người thường bỏ qua hay cho trẻ ăn tạm bợ. Sự chuyển hóa glucose của trẻ em cao hơn người lớn và việc cung cấp liên tục glucose cho não ở trẻ em quan trọng hơn ở người lớn. Mặc dù còn thiếu các nghiên cứu chỉ ra loại, thành phần và khẩu phần của bữa sáng tối ưu có lợi nhất cho sự phát triển nhận thức, nhưng bữa sáng giàu carbohydrate, có chỉ số đường huyết thấp có thể tạo điều kiện cho hiệu quả nhận thức tốt hơn ở trường.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cần phải cân bằng tỷ lệ carbohydrate, protein và chất béo, đồng thời có đầy đủ các vi chất dinh dưỡng quan trọng bao gồm acid béo omega-3, vitamin như vitamin B12 và các khoáng chất như kẽm và sắt,... Các nhân viên y tế sẽ tư vấn hiệu quả và an toàn cho cha mẹ về chế độ ăn và dinh dưỡng, hoặc có thể là những bữa ăn mẫu cụ thể cho từng ngày.

Việc cải thiện tình trạng trẻ chậm phát triển có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho con dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

Tóm lại, chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em, với một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp tăng cường thể chất và trí não. Dinh dưỡng không hợp lý ở trẻ em gây bất lợi cho sự phát triển tăng trưởng thể chất, trẻ chậm tăng trưởng chiều cao và cả khả năng nhận thức, kỹ năng tâm lý xã hội của trẻ, với nhiều tác động phụ trong ngắn hạn và dài hạn. Do vậy, khi thấy trẻ có những dấu hiệu của sự chậm phát triển cần cho trẻ đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để được đánh giá, tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Trường hợp trẻ biếng ăn kéo dài, kém hấp thu, chậm phát triển cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan