Trẻ biếng ăn do các bệnh lý răng miệng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Biếng ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ. Có nhiều nguyên nhân như vấn đề tâm lý, bệnh lý, thói quen sinh hoạt,... khiến trẻ biếng ăn. Trong đó, trẻ biếng ăn do viêm răng miệng là một trong những nguyên phân phổ biến nhất.

1. Biếng ăn là gì?

Biếng ăn hay chán ăn, lười ăn,... là một rối loạn ăn uống thường gặp ở trẻ nhỏ trong độ tuổi 1 - 6 tuổi, có thể do nguyên nhân tâm lý hay bệnh lý. Đây là tình trạng trẻ ăn ít hơn bình thường, không thèm ăn, không vui vẻ, tự nguyện khi ăn mà cần đến sự đốc thúc, dỗ dành của người lớn.

Biểu hiện của trẻ biếng ăn:

  • Trẻ ăn ít hơn so với bình thường
  • Trẻ chỉ ăn vài loại thức ăn và rất khó để thay đổi những món ăn mới
  • Bữa ăn kéo dài trên 30 phút hoặc thậm chí kéo dài hàng giờ vì trẻ không chịu nuốt thức ăn
  • Trẻ có biểu hiện sợ ăn, chạy trốn hoặc khóc khi đến bữa ăn
  • Trẻ bị buồn nôn hoặc nôn khi nhìn thấy thức ăn, ngửi mùi thức ăn.

Ngoài ra, để xác định trẻ biếng ăn, gia đình cần dựa vào các chỉ số:

  • Lượng thức ăn mà trẻ ăn trong ngày ít hơn so với nhu cầu theo độ tuổi
  • Trẻ thường bị táo bón, lượng phân ít hơn bình thường
  • Trẻ tăng cân chậm hơn bình thường (thậm chí không tăng cân hoặc sụt cân)

Ngoài ra, các bác sĩ còn có thể kiểm tra một số tiêu chí khác để chẩn đoán chính xác về tình trạng biếng ăn của trẻ. Tình trạng biếng ăn của trẻ có thể gây ra một số hậu quả như:

  • Trẻ biếng ăn có nguy cơ chậm phát triển hơn so với những trẻ khác cùng độ tuổi
  • Trẻ biếng ăn có thể bị suy dinh dưỡng
  • Trẻ biếng ăn dễ gặp những vấn đề về sức khỏe như thiếu máu, rối loạn tiêu hóa, giảm mật độ xương và mất cân bằng hormone
  • Trẻ chán ăn thường bị ám ảnh về thực phẩm và trọng lượng cơ thể

2. Tình trạng trẻ biếng ăn do viêm răng miệng

2.1 Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ như: Tâm lý, bệnh lý, sinh lý, thuốc, sai lầm trong chế độ ăn và cách chế biến thức ăn, bẩm sinh,... Trong đó, biếng ăn bệnh lý - đặc biệt là các bệnh lý răng miệng là nguyên nhân thường gặp khiến trẻ chán ăn, ăn không ngon miệng.

Cụ thể, các bệnh tổn thương răng miệng như mọc răng, sâu răng, loét miệng ở trẻ, viêm lợi ở trẻ em,... sẽ khiến trẻ đau đớn, khó chịu khi nhai, nuốt thức ăn và dẫn đến tình trạng chán ăn, lười ăn ở trẻ. Nguyên nhân gây viêm răng lợi, viêm loét miệng ở trẻ em có thể kể đến là: Vệ sinh răng miệng chưa sạch sẽ, quá trình mọc răng, dị ứng (với thức ăn, sữa, môi trường sống), vi khuẩn xâm nhập vào khoang miệng trẻ, tác dụng phụ của một số loại thuốc (thuốc chống động kinh, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc huyết áp,...), mắc bệnh giảm bạch cầu trung tính,...

trẻ biếng ăn do viêm răng miệng
Viêm răng lợi hay loét miệng ở trẻ,...là những nguyên nhân thường gặp khiến bé biếng ăn

2.2 Cách xử lý

Để điều trị tình trạng biếng ăn ở trẻ do các bệnh lý răng miệng, cha mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ và điều trị sớm các bệnh lý ở răng miệng. Với trường hợp trẻ bị đau nhiều do viêm miệng, viêm họng, mọc răng,... thì có thể cho bé sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và điều trị triệt để tình trạng trẻ biếng ăn do viêm răng miệng, các bậc phụ huynh nên:

  • Sau khi làm sạch răng cho trẻ, nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng. Nếu có thể, cha mẹ nên cho bé ngậm nước muối khoảng vài phút rồi súc miệng lại thật sạch.
  • Không cho trẻ ăn đồ nóng, thực phẩm mặn hay những món ăn có thể để lại nhiều mảng bám, giúp hạn chế sự lan rộng của vết viêm loét trong miệng của trẻ.
  • Sử dụng những thực phẩm tự nhiên có tính mát, ngừa khuẩn và giảm viêm như nha đam, mật ong, dưa chuột,... để thoa lên vùng lợi bị viêm của trẻ khoảng 2 - 3 lần/ngày.

Một số biện pháp đơn giản giúp phòng ngừa bệnh lý răng miệng ở trẻ gồm:

  • Hướng dẫn trẻ đánh răng thật kỹ 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 3 phút
  • Cho trẻ dùng kem đánh răng có chứa flour và những chất tốt cho răng, lợi
  • Dùng bàn chải đánh răng lông mềm để chải sạch kẽ răng và những chiếc răng ở sâu bên trong
  • Sau 3 - 4 tháng cần thay bàn chải đánh răng cho trẻ
  • Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp với độ tuổi của trẻ. Phụ huynh nên hạn chế cho con ăn đồ ăn vặt và những món nhiều đường vì chúng kích thích vi khuẩn gây mảng bám răng miệng phát triển nhanh chóng hơn.
  • Định kỳ cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe răng miệng mỗi 6 tháng/lần.

Để giải quyết tận gốc tình trạng trẻ biếng ăn do viêm răng miệng, cần có sự phối hợp của phụ huynh với bác sĩ nha khoa và bác sĩ dinh dưỡng. Khi thấy trẻ có những biểu hiện của bệnh lý răng miệng, cha mẹ nên cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ đánh giá mức độ bệnh lý và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Trường hợp trẻ biếng ăn kéo dài, kém hấp thu, chậm phát triển cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

841 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan