Trẻ bị tê lưỡi mất vị giác, chán ăn, có phải do thiếu chất?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Huỳnh Bảo Toàn - Bác sĩ Nhi- Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Lưỡi là cơ quan quan trọng trong cơ thể, nằm trong khoang miệng. Lưỡi tham gia vào nhiều hoạt động như nói, nuốt, nhai, nếm ... do đó, tê đầu lưỡi mất vị giác gây ra hiện tượng chán ăn ở cả người lớn và trẻ em. Vậy tê lưỡi mất vị giác, chán ăn ở trẻ em có phải là thiếu chất không sẽ được giải đáp trong bài viết này.

1. Nguyên nhân gây tê lưỡi mất vị giác

Tê đầu lưỡi mất vị giác là tình trạng bệnh được gây ra do giảm số lượng gai lưỡi. Gai lưỡi có nhiệm vụ quan trọng giúp cảm nhận hương vị của thức ăn khi đưa vào khoang miệng. Do đó, khi gai lưỡi giảm sẽ gây ra tình trạng lưỡi bị tê mất vị giác, làm cho trẻ chán ăn.

Các nguyên nhân gây tê lưỡi bao gồm:

  • Do cơ thể bị thiếu một số chất như vitamin PP, vitamin nhóm B đặc biệt là vitamin B12... thiếu một số muối khoáng như Fe, Mg, Zn...Nguyên nhân thiếu các chất này là do cung cấp không đủ hoặc do nhu cầu cơ thể tăng cao hoặc do không hấp thu được.
  • Khi trẻ bị thiếu vitamin B12 nghiêm trọng sẽ xuất hiện tình trạng mất các u nhú trên lưỡi, đặc biệt là ở quanh cạnh lưỡi. Điều này gây viêm loét miệng lưỡi, gây sưng, đỏ và đau và làm cho lưỡi bị tê mất vị giác. Ngoài ra, thiếu vitamin B12 còn làm cho người bệnh cảm thấy bỏng, rát lưỡi, nhất là ở bề mặt của lưỡi và cảm giác ngứa ở miệng. Do đó, người bệnh thường ăn không ngon do mất vị giác, ở trẻ em dẫn đến tình trạng biếng ăn.
  • Trẻ bị thiếu kẽm cũng bị giảm các gai nhú ở lưỡi, gây tê lưỡi mất vị giác và kém ăn. Nguyên nhân gây thiếu kẽm ở trẻ em là:

-Do cung cấp thiếu kẽm trong bữa ăn của trẻ. Thường do thiếu các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như tôm, cua, bò, gà, hàu,...các loại ngũ cốc.

-Chế biến thức ăn không đúng cách cũng làm mất hàm lượng kẽm trong thức ăn.

-Trẻ dùng nhiều kháng sinh do bị các bệnh viêm đường tiêu hóa cũng làm giảm hàm lượng kẽm trong cơ thể.

  • Bệnh nhân bị bệnh viêm dây thần kinh đơn độc hoặc viêm đa dây thần kinh ngoại biên.
  • Do bệnh nhân bị thoái hóa gai lưỡi. Thường gặp trong các bệnh mạn tính như: tiểu đường, đau dạ dày kinh niên, tai biến mạch máu não hoặc trong một người dùng thuốc lâu dài.
  • Do người bệnh có một số tình trạng viêm nhiễm tại chỗ như: viêm nướu và bệnh lý răng miệng, viêm lưỡi, viêm họng, viêm tuyến nước bọt...
  • Các bệnh về thần kinh trung ương như: thoái hóa não, u não, chấn thương... chủ yếu liên quan dây thần kinh lưỡi (dây thần kinh số 12).
  • Rối loạn tâm lý thần kinh hay còn được gọi là loạn cảm họng.
trẻ biếng ăn do tê lưỡi, mất vị giác
Thiếu chất là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị tê lưỡi mất vị giác, chán ăn

2. Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh tê đầu lưỡi mất vị giác ở trẻ cần phối hợp nhiều khoa phòng với nhiều kĩ thuật khác nhau. Cần có sự phối hợp giữa chuyên khoa Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt và nội thần kinh. Khi đã chẩn đoán được bệnh và tìm ra nguyên nhân thì mới có thể tiến hành điều trị được. Việc điều trị bệnh cần thời gian dài và thời gian điều trị cũng tùy đáp ứng của mỗi người.

3. Điều trị tê lưỡi mất vị giác ở trẻ em

Sau khi đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh thì việc điều trị theo nguyên nhân là rất quan trọng, giúp rút ngắn thời gian, hạn chế các chi phí phát sinh và ảnh hưởng ít tới tâm lý của trẻ và người nhà.

Điều trị các bệnh lý gây tê lưỡi mất vị giác ở trẻ.

  • Bổ sung đầy đủ dưỡng chất vào khẩu phần ăn của trẻ.
  • Bổ sung đầy đủ vitamin B12: Có thể bổ sung thông qua thức ăn hoặc các sản phẩm điều chế sẵn.
  • Cho trẻ ăn những loại thức ăn giàu vitamin B12 như: trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, phô mai, đậu nành và thịt...
  • Có thể bổ sung vitamin B12 cho trẻ thông qua cách chế phẩm có bán trên thị trường. Việc dùng vitamin B12 theo cách này cần có hướng dẫn của bác sĩ. Bởi vì khi hàm lượng vitamin B12 dư thừa trong cơ thể sẽ gây tăng sản tuyến giáp, tăng hồng cầu quá mức, bệnh cơ tim... hoặc gây cho người bệnh cảm giác nôn nao, choáng váng, nổi mề đay, dị ứng.
  • Bổ sung kẽm cho trẻ: bổ sung các loại thực phẩm giàu kẽm như thịt bò, tôm, cua, hàu, sò, vừng, lạc,... trong thực đơn của trẻ hoặc dùng các sản phẩm bổ sung kẽm có sẵn trên thị thường. Việc dùng sản phẩm bổ sung kẽm cần có hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia.
  • Việc bổ sung lysine, kẽm, CX gừng, Vitamin B và Beta Glucan thông qua sản phẩm bổ sung giúp hoàn thiện gai vị giác. Nhờ đó kích thích vị giác giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Lưu ý, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Trên đây là những thông tin về tê lưỡi mất vị giác ở trẻ em. Hi vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc có được những thông tin hữu ích, biết cách chăm sóc và xử trí khi trẻ bị tê đầu lưỡi mất vị giác.

Nếu tình trạng chán ăn, mất vị giác kéo dài, trẻ không hoặc chậm tăng cân, trẻ có các biểu hiện bất thường khác như mệt mỏi, da xanh xao, sốt, rối loạn tiêu hóa kéo dài... thì cần đưa trẻ đi khám. Trước khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, bạn nên tư vấn với bác sĩ dinh dưỡng nhi để biết các kiến thức về ăn dặm đúng cách, phòng tránh tình trạng rối loạn vị giác ở trẻ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan