Trẻ bị ngộ độc thức ăn có sốt không?

Ngộ độc thức ăn là một trong những bệnh lý ngày càng phổ biến gây nôn, tiêu chảy. Đặc biệt là ngộ độc thức ăn ở trẻ em nếu không được phát hiện kịp thời có thể khiến trẻ mất nước, suy kiệt và thậm chí tử vong. Trẻ bị ngộ độc thực phẩm thường có biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy, khô môi, khát nước, thở nhanh,... Vậy trẻ bị ngộ độc thức ăn có sốt không?

1. Ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng rối loạn tiêu hoá, rối loạn điện giải sau khi ăn phải thức ăn bẩn (ôi thiu, nấm mốc,...) hoặc thức ăn chứa các vi khuẩn, virus gây bệnh. Đối với các trường hợp nhẹ có thể tự khỏi sau vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên, với các trường hợp nặng bệnh nhân sẽ biểu hiện dữ dội hơn với sốt, đau bụng, nôn mửa nhiều, tiêu chảy, đau đầu, đau cơ,...

2. Trẻ bị ngộ độc thức ăn có biểu hiện gì?

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ có thể phát hiện dễ dàng, vì triệu chứng xảy ra ngay sau khi ăn một loại thực phẩm nhiễm độc, thường là vài giờ hoặc vài ngày. Triệu chứng ngộ độc của trẻ em thường rõ ràng hơn người lớn, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Các biểu hiện ngộ độc thức ăn ở trẻ gồm có:

  • Đau bụng: là một trong những triệu chứng đầu tiên của ngộ độc
  • Buồn nôn, nôn ngay sau ăn: là sự hoạt động tức thời và phản ứng của hệ miễn dịch nhằm tống bớt chất độc ra ngoài sau khi bị các vi khuẩn có hại tấn công đường ruột
  • Tiêu chảy nhiều lần (phân, nước tiểu có thể lẫn máu)
  • Có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38 độ C

Việc nôn và đi ngoài nhiều lần khi bị ngộ độc thực phẩm rất dễ dẫn tới mất nước, điện giải, truỵ tim mạch dẫn tới sốc nhiễm khuẩn hoặc sốc giảm thể tích. Do đó, phải lưu ý đến các dấu hiệu mất nước ở trẻ như nôn nhiều trên 5 lần, đi ngoài phân lỏng trên 5 lần, sốt cao, khô miệng, môi khô, mắt trũng, khát nước, mạch nhanh, thở nhanh, mệt lả, có thể co giật, nước tiểu ít, sẫm màu.

3. Tại sao trẻ ngộ độc thực phẩm lại bị sốt?

Sốt là trạng thái thân nhiệt cao hơn bình thường (trên 38 độ C). Khi bị ngộ độc thực phẩm trẻ sẽ thường nôn, tiêu chảy nhiều lần. Việc sốt do ngộ độc thực phẩm xuất hiện thực ra là sự điều chỉnh thân nhiệt cơ thể đáp ứng lại các tác nhân nhiễm khuẩn mà ở đây là yếu tố gây ngộ độc. Đặc biệt khi trẻ sốt cao trên 40 độ C là một dấu hiệu rất nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động của cơ thể, phải xử trí hạ sốt ngay để có thể kiểm soát cơn sốt. Ngoài ra, sốt không chỉ làm tăng thân nhiệt mà còn kèm theo run, rùng mình, đau đầu, đau cơ, đổ mồ hôi, đặc biệt là tình trạng co giật ở trẻ sơ sinh.

4. Xử trí ngộ độc thực phẩm ở trẻ em như thế nào?

Một số phương pháp cần thực hiện khi gặp phải ngộ độc thức ăn ở trẻ nhỏ:

  • Khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu ngộ độc cần ngừng cho trẻ ăn các thức ăn đang sử dụng ngay lập tức
  • Chú ý theo dõi trẻ khi trẻ nôn và cả khi ngủ để phòng ngừa nguy cơ nôn vọt gây sặc lên mũi, xuống phổi có thể dẫn tới suy hô hấp. Nếu thấy trẻ nôn sặc lên mũi cần nhanh chóng hút mũi nếu không trẻ sẽ bị sặc, khó thở có thể dẫn tới tử vong
  • Bổ sung oresol cho trẻ: vì việc nôn, tiêu chảy khiến trẻ mất nước, rối loạn điện giải. Nếu không bù đủ nước và điện giải bằng oresol sẽ khiến trẻ dần mệt lả, mất nước nghiêm trọng, cuối cùng là nguy hiểm đến tính mạng

Một số trường hợp có thể xảy ra mà phụ huynh cần phải lưu ý:

  • Một số trẻ không chịu uống oresol mà muốn các loại nước có gas, nước ngọt khác thì tuyệt đối không thoả hiệp mà cho trẻ uống, vì các loại nước này khiến tình trạng đi ngoài trầm trọng hơn. Ngay cả nước lọc cũng chỉ giúp trẻ bớt khát chứ không bù đắp được lượng điện giải mất đi.
  • Tuân thủ nguyên tắc uống oresol ít một, nếu trẻ vẫn nôn thì cần đưa đến cơ sở y tế để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch
  • Việc ăn uống không thể bù đắp tối ưu cho việc mất nước và điện giải, do đó quan trọng vẫn phải cho trẻ uống đủ nước, bù đủ điện giải. Có thể cho ăn cháo loãng thịt nạc nấu với cà rốt (hoặc khoai tây, bí đỏ) là các loại rau củ giúp tạo khuôn cho phân, giúp em bé đi ngoài phân đặc hơn.
  • Tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy, vì một số trường hợp càng khiến vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm lưu lại trong hệ tiêu hoá lâu hơn, gây đầy hơi, chứng bụng và đau bụng.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu được thắc mắc: “Trẻ bị ngộ độc thức ăn có sốt không?” Trong trường hợp trẻ có xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc thì cha mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và xử trí, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan