Trẻ 23 tháng tuổi: Phát triển thể chất, vận động, nhận thức và cảm xúc

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Ở độ tuổi 23 tháng, trẻ đã nói được nhiều hơn, cao lên nhiều hơn và khó có thể ngồi yên. Lúc này, trẻ đã có thể bày ra những trò chơi lém lỉnh. Dưới đây là một số thông tin về cột mốc phát triển của trẻ 23 tháng tuổi nhằm giúp bố mẹ hiểu thêm về con mình nhằm giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.

1. Sự phát triển thể chất, vận động ở trẻ 23 tháng tuổi

Bạn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ của trẻ bởi xương của trẻ phát triển liên tục trong giai đoạn này. Nếu thấy trẻ đã 23 tháng tuổi mà chân bé vẫn hơi vòng kiềng thì bạn cũng đừng nên quá lo lắng. Chân bé sẽ thẳng dần ra khi trẻ đến 2 tuổi. Tuy nhiên, phải đến 7 tuổi, trẻ mới ổn định hoàn toàn.

Bây giờ, nét mặt của trẻ vẫn còn rất non nớt. Làm sao bố mẹ hoàn toàn có thể không mềm lòng để chiều theo ý bé trước gương mặt dễ thương, đáng yêu đó, bạn đừng cưỡng lại ý muốn nựng nịu và hôn con thắm thiết khi đón bé ở nhà trẻ, trẻ sẽ cảm thấy rất hạnh phúc và vui vẻ. Mặc dù có lúc con cũng làm bạn đau đầu không ít, nhưng tình cảm tha thiết đó hết sức tự nhiên, điều này cũng giúp bạn giải tỏa những căng thẳng, áp lực của cuộc sống.

Khả năng vận động của trẻ càng ngày càng trở nên khéo léo hơn, đặc biệt là vận động đôi tay. Trẻ có thể sử dụng các vật dụng như thìa, dĩa hay các đồ dùng khác bằng tay một cách thuần thục. Khả năng giữ thăng bằng của trẻ đã có sự tiến bộ vượt trội, thậm chí nhiều trẻ có thể di chuyển bằng mũi chân của mình một đoạn dài. Trẻ cũng không cần mẹ nắm tay và đã có thể tự mình nhảy lên, nhảy xuống bậc cuối khi đi cầu thang. Khả năng phối hợp giữa các cơ quan của trẻ đã trở nên linh hoạt và tốt hơn. Hoạt động yêu thích của trẻ trong giai đoạn này là những trò chơi liên quan đến bóng, ném rổ...

trẻ 29 tháng tuổi
Khả năng vận động của trẻ 23 tháng tuổi ngày càng trở nên khéo léo hơn

Ngoài ra, bạn cần kiểm tra xem giày còn vừa với chân trẻ hay không. Nên lựa chọn sử dụng giày quai hậu để dễ điều chỉnh. Bạn không nên chọn loại đế cứng khi mua giày mới cho trẻ vì giày đế mềm sẽ giúp bàn chân trẻ thoải mái hơn. Thêm vào đó, nên chọn giày có quai điều chỉnh được, có phần bao trọn gót chân, được làm từ chất liệu tự nhiên và thoáng khí. Có thể mua giày có mũi giày dài hơn đầu ngón chân con bạn khoảng từ 1-2cm. Tuy nhiên, điều này có thể khiến trẻ dễ bị vấp ngã nếu mũi giày quá dài.

Trẻ 23 tháng tuổi đã bắt đầu thể hiện bé có thể xây dựng các tháp hình lập phương, sao chép các đường vẽ chiều ngang, tạo các khối thành tàu hỏa....hay sử dụng thìa mà không làm đổ quá nhiều.

2. Sự phát triển nhận thức và cảm xúc của trẻ 23 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, khả năng nhận thức của trẻ cũng có sự tiến triển rõ rệt. Nhiều mẹ thường hay bồn chồn không yên khi ước chừng thời gian nào cần đưa trẻ ngồi bô để tránh quần áo bị bẩn. Tuy nhiên, trẻ có thể nhận biết được tã bẩn hay không hay khi báo cần được đi vệ sinh khi bước vào độ tuổi này. Một số trẻ thậm chí còn ra tín hiệu thông báo cho mẹ biết đang buồn ị hay buồn tè. Bạn có thể dạy cho con thói quen khi tè hay buồn ị thì cần ngồi bô ở thời điểm này.

Khả năng nói và giao tiếp của trẻ 23 tháng tuổi có nhiều tiến triển. Trẻ đã có thể nhớ và nói được 50 từ đơn, trẻ cũng biết nói những từ lịch sự nếu được bố mẹ dạy thường xuyên như “Con cảm ơn”, “dạ”, “vâng ạ”, “có ạ”... ở độ tuổi này. Mẹ nên khuyến khích trẻ chào hỏi, nói nhiều hơn bằng cách chính mình làm tấm gương cho trẻ học hỏi. Đây chính là thời điểm thích hợp. Chẳng hạn như khi trẻ giúp bạn làm điều gì đó, bạn cần nói cảm ơn trẻ. Trẻ đã có thể ngân nga một vài giai điệu đơn giản. Vì vậy, bố mẹ có thể cho trẻ xem các bài nhạc thiếu nhi để trẻ tập hát.

tăng động
Khả năng nói cũng như giao tiếp của trẻ 23 tháng tuổi có nhiều tiến triển

Trẻ có thể lặp lại các từ và cụm từ mà trẻ nghe thấy vì trẻ vẫn còn thích bắt chước bạn. Chính vì vậy, trẻ có thể bắt đầu làm theo những hướng dẫn đơn giản. Trẻ cũng có thể biểu hiện những nhu cầu đơn giản của bản thân như đi vệ sinh, đòi ăn hoặc cảm xúc đơn giản.

Trí nhớ của trẻ cũng đang phát triển mạnh ở giai đoạn này ngoài một vốn từ vựng vừa chớm nở. Trẻ đang có dấu hiệu hiểu được các khái niệm về các đối tượng. Trẻ cũng có thể nắm bắt được khái niệm về thời gian, giải quyết những vấn đề đơn giản và hình dung các vật thể trong tâm trí mình.

Lúc này, trẻ như một miếng bọt biển nhỏ, trẻ hấp thụ những gì mình thấy, mình nghe....vì vậy hãy để bé hấp thụ những điều tốt đẹp.

Bé 23 tháng tuổi thường khó kiềm chế cơn giận của mình và thường xuyên đột ngột thay đổi cảm xúc. Bé bắt đầu thể hiện một chút chống đối, thường dễ nổi cáu như thể đang thử mức độ kiên nhẫn của ba mẹ vậy. Bé dễ đột ngột thấy khó chịu khổ sở, nhưng ngay lập tức lại bình thường.

Khi thấy những đứa trẻ khác xung quanh, trẻ 23 tháng tuổi sẽ trở nên cực kỳ hào hứng. Tuy nhiên, vì trẻ đang học cách khẳng định tính cá nhân và độc lập của mình nên bé có thể thể hiện một số hành vi táo bạo.

Giai đoạn lo lắng về sự xa cách chính là một phần của quá trình phát triển ở giai đoạn này của trẻ. Đây là thực tế trong suốt những năm trẻ mới biết đi và thậm chí trở nên rõ ràng hơn khi trẻ 23 tháng tuổi.

Trẻ thường gây sự chú ý, tập trung và quan tâm của bố mẹ vì trẻ rất lo sợ xa cách bố mẹ. Trẻ muốn biết trẻ thực sự được bố mẹ chú ý. Vì vậy, trẻ thường có hành động ôm ấp, hay kéo mạnh tay áo của bạn khi trẻ muốn một cái gì đó, thể hiện điều gì đó hay đòi chơi gì đấy.

trẻ trai bé trai khóc
23 tháng tuổi là giai đoạn mà trẻ lo lắng về sự xa cách với bố mẹ

3. Chế độ dinh dưỡng của trẻ 23 tháng tuổi

Ngoài việc duy trì như tháng trước, chế độ dinh dưỡng của trẻ trong giai đoạn này cần được bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng hơn, tạo đà cho trẻ phát triển nhanh hơn. Bên cạnh 3 bữa ăn chính và 1-2 bữa ăn phụ, trẻ 23 tháng tuổi vẫn cần được bổ sung 500ml sữa mỗi ngày.

Chất bột đường và chất béo cần chiếm tỷ lệ lớn trong khẩu phần ăn của trẻ. Đây là điểm cần lưu ý về thành phần chất dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ. Bạn cần cân đối tỷ lệ chất đạm, đạm động vật nên nhiều hơn đạm thực vật để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho những hoạt động của trẻ.

Nhằm giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn, mẹ vẫn cần phải thường xuyên bổ sung thêm hoa quả tươi, rau xanh. Trẻ 23 tháng tuổi cũng cần được bổ sung thêm nước ép trái cây, sữa chua, sữa tươi hoặc bánh quy có đủ chất dinh dưỡng cho lứa tuổi này.

Ngoài ra, mẹ nên tìm hiểu thêm các món mới ngon bổ dưỡng và thường xuyên thay đổi thực đơn cho trẻ. Điều này sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn và ăn nhiều hơn.

Để khuyến khích trẻ phát triển toàn diện, bố mẹ cần lưu ý:

  • Kỹ năng nhận biết các đặc điểm tương tự của bé sẽ tăng lên theo thời gian và mức độ tập luyện vì vậy hãy cho bé chơi những trò chơi đòi hỏi xếp những vật tương tự nhau thành nhóm
  • Trẻ thường quan tâm tới việc bạn có vui vẻ và thích thú khi bé ở bên cạnh hay không chứ không phải là nhà cửa có gọn gàng, sạch sẽ hay không. Vì vậy, bạn hãy luôn dành nhiều thời gian để chuyện trò, hát hò và cười đùa với bé yêu của bạn
  • Bạn hãy tìm cách sắp xếp công việc để tránh phải hối hả đầu mỗi buổi sáng nếu trẻ đã đi nhà trẻ, chẳng hạn như như chuẩn bị áo quần cho bé từ đêm trước, mua nồi nấu chậm hay các thiết bị, dụng cụ phục vụ tiện lợi cho các nhu cầu của bé.
Dinh dưỡng
Cha mẹ nên thường xuyên thay đổi thực đơn để kích thích trẻ ăn nhiều hơn
  • Ở độ tuổi này, trẻ rất hứng thú khi được tham gia vào câu chuyện của bạn và những người khác vì vậy bạn hãy cứ để trẻ tự nhiên nếu trẻ muốn.
  • Bạn nên nhớ viết lại và cất kỹ khi trẻ nói những điều ngộ nghĩnh. Bạn sẽ thấy thật ấm lòng và sung sướng nếu một ngày nào đó khi đọc lại những dòng này.
  • Nên khuyến khích con vận động và nói chuyện thật nhiều, cùng trẻ tạo nên những khoảnh khắc thật thú vị khi bên nhau như cùng chơi đồ chơi, cùng đi dạo công viên...
  • Nhằm giúp trẻ tránh được một số bệnh nhiễm khuẩn, bạn cần thường xuyên quan tâm tới sức khỏe của trẻ đặc biệt là vấn đề vệ sinh thân thể, ăn uống.

Trẻ 23 tháng tuổi về cơ bản đã phát triển toàn diện cả về thể chất, vận động, cảm xúc, nhận thức, đây cũng là thời điểm quan trọng hình thành tính nết của bé, nên cha mẹ hãy chú ý rèn luyện cho con những thói quen tốt như: thu dọn đồ chơi sau khi chơi xong, đánh răng, chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi... Đặc biệt là thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ, giúp bảo vệ hàm răng chắc khỏe cho con. Bạn cũng nên lưu ý về vấn đề mọc răng của bé, phát hiện sớm dấu hiệu chậm mọc răng để tìm ra nguyên nhân và xử lý kịp thời.

Trẻ 23 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: whattoexpect.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan