Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Và Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Trào ngược dạ dày trẻ em là hiện tượng thường gặp trong những tháng đầu đời của trẻ. Có đến 2⁄3 trẻ nhỏ gặp phải tình trạng này, tuy nhiên, đa phần sẽ tự khỏi khi 1 tuổi.
1. Trào ngược dạ dày trẻ em như thế nào là sinh lý, bệnh lý?
- Trào ngược sinh lý: Trẻ dưới 6 tháng tuổi thường xuyên bị trớ sữa (nhiều lần trong ngày) nhưng vẫn sinh hoạt bình thường, lên cân đều, không bị khò khè tái phát nhiều lần, ... đa phần là trào ngược sinh lý. Tình trạng này sẽ giảm dần theo thời gian, chậm nhất là đến khi trẻ được 1 tuổi.
- Trào ngược bệnh lý: Trẻ sau 1 tuổi vẫn hay bị trớ sữa, trẻ gầy gò, suy dinh dưỡng, biếng ăn, chậm tăng cân, ... thì có thể đó là trào ngược bệnh lý. Lúc này, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nhi để được chẩn đoán chính xác tình trạng và đưa ra hướng điều trị phù hợp và kịp thời.
2. Trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?
Khi trẻ sau 1 tuổi vẫn thường xuyên bị ọc sữa và có các dấu hiệu của trào ngược bệnh lý nêu trên, sẽ gặp phải các biến chứng của trào ngược dạ dày gây ra:
- Biến chứng về tiêu hóa: Viêm thực quản với nhiều mức độ khác nhau, ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống của trẻ. Nặng nhất là barrett thực quản, là tình trạng thực quản bị viêm, đường thực quản hẹp khiến cho việc lưu thông thức ăn từ miệng xuống dạ dày gặp nhiều khó khăn.
- Biến chứng về hô hấp: Trẻ sẽ dễ bị khò khè, ho kéo dài, và điều trị thông thường không giúp trẻ thuyên giảm các triệu chứng. Axit từ dạ dày trào lên thực quản khiến dây thanh ở cổ họng dày lên, làm cho bé bị khò khè, khàn giọng. Nặng hơn, trào ngược dạ dày trẻ em còn liên quan đến tình trạng hen suyễn ở trẻ.
- Biến chứng về răng miệng và tai-mũi-họng: Trẻ bị trào ngược bệnh lý có thể bị viêm tai, viêm xoang, mòn răng, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, lâu dài ảnh hưởng đến sự phát triển về hành vi của trẻ.
3. Trào ngược dạ dày trẻ em thì nên chăm sóc như thế nào?
Với trẻ bị trào ngược dạ dày sinh lý, cha mẹ nên yên tâm vì đây chỉ là tình trạng nhất thời trong giai đoạn đầu của trẻ. Tuy nhiên, nếu biết chăm sóc đúng cách, sẽ giúp bé dễ chịu hơn và cũng làm thuyên giảm các triệu chứng của trào ngược dạ dày.
3.1 Đối với trẻ nhỏ
- Chia nhỏ lượng sữa trong mỗi cữ bú của trẻ, khoảng 30 - 60ml/lần. Với những trẻ bú nhiều hơn 60ml/lần, thì sau 60ml, tiếp tục ẵm trẻ ở tư thế đầu cao, và giúp trẻ ợ hơi bằng cách vỗ nhẹ vào lưng trẻ, sau đó cho trẻ bú tiếp. Cha mẹ lưu ý, trong trường hợp này không nên vác trẻ lên vai vì có thể sẽ làm trẻ bị ọc sữa do tư thế này làm chèn ép dạ dày.
- Làm cho sữa đặc hơn bằng cách pha thêm vào sữa mẹ hoặc sữa công thức một lượng bột gạo hoặc bột ngũ cốc, sẽ giúp lượng sữa mỗi lần bú của trẻ giảm đi, từ đó, lượng sữa trong dạ dày cũng giảm, hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày trẻ em. Khi pha thêm bột vào sữa, cha mẹ cần lưu ý sử dụng những núm vú có lỗ rộng hơn để giúp sữa chảy ra dễ dàng hơn.
- Khi trẻ bú xong, cha mẹ nên đặt trẻ nằm với tư thế đầu cao hơn với mặt giường khoảng 30 độ, để giảm triệu chứng trào ngược.
3.2 Đối với trẻ lớn
Cần hạn chế các thức ăn, đồ uống có tính kích thích dạ dày như: thức ăn có vị chua, cay, cà phê, ... vì sẽ làm triệu chứng trào ngược nặng nề thêm.
Ngoài ra, có một số trẻ bị dị ứng với đạm sữa bò, nếu trẻ đang được uống sữa công thức và có biểu hiện trào ngược, thì lời khuyên được bác sĩ đưa ra là nên đổi sang loại sữa khác phù hợp hơn.
Trào ngược dạ dày trẻ em nếu biết cách chăm sóc sẽ giúp làm giảm các triệu chứng trào ngược và hạn chế những biến chứng của trào ngược dạ dày gây ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.