Tránh biếng ăn cho trẻ: Cha mẹ cần làm gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Trẻ biếng ăn là một trong những vấn đề hết sức đau đầu của các bậc cha mẹ hiện nay bởi vì nó đem lại nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ như khiến trẻ còi cọc, suy giảm hệ miễn dịch, chậm phát triển, thiếu các khoáng chất như canxi, kẽm, sắt, vitamin A, C, D,...Phần lớn trẻ em bị suy dinh dưỡng đều do nguyên nhân biếng ăn ở trẻ gây nên. Muốn bỏ chứng biến ăn của trẻ, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải có sự hiểu biết cũng như kiên trì trong việc chăm sóc trẻ em.

1. Nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ bao gồm:

  • Do thiếu chất từ khi còn là bào thai: Người mẹ khi mang thai bị thiếu các chất như canxi, sắt, kẽm, các loại vitamin cần thiết,... sẽ khiến thai nhi bị thiếu chất và suy dinh dưỡng. Kết quả là trẻ sinh non tháng, thiếu cân dẫn tới lười bú mẹ ngay từ những tháng đầu sau khi sinh. Những trẻ sinh thường, đủ cân có thể lười bú mẹ, bỏ bú mẹ hoặc đang ăn sữa ngoài bình thường tự nhiên giảm lượng ăn hoặc bỏ hẳn sữa ngoài.
  • Cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn không cân đối có nhiều tinh bột cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ biếng ăn. Thông thường một vài tuần đầu mới ăn bổ sung thì trẻ cảm thấy ăn rất ngon miệng, sau đó trẻ ăn kém dần do nhu cầu vitamin nhóm B (nhất là vitamin B1), sắt, kẽm, magiê bị thiếu hụt.
  • Do sự thay đổi sinh lý ở trẻ:
    • Khi bước vào những giai đoạn như biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đi, học nói,... trẻ thường biếng ăn.
    • Ngay cả khi khỏe mạnh, trẻ cũng có những giai đoạn ăn ít hẳn trong vài ngày hoặc vài tuần mà vẫn vui chơi bình thường.
    • Đó là những giai đoạn trẻ mải khám phá khả năng của cơ thể, học và luyện tập những kỹ năng mới nên không chú tâm tới việc ăn uống.
    • Giai đoạn này thường gặp ở trẻ 3 – 4 tháng, 9 - 12 tháng, 16 – 18 tháng,... Sau đó, trẻ sẽ quay lại ăn uống bình thường.
  • Thức ăn không hợp khẩu vị cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn.
  • Trẻ biếng ăn bệnh lý: Khi trẻ mắc một số bệnh lý như rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng,.. có thể khiến trẻ biếng ăn
Tránh biếng ăn cho trẻ: Cha mẹ cần làm gì?
Khi trẻ mắc một số bệnh lý như rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng
  • Khi trẻ bị viêm amidan, mọc răng, nấm lưỡi, áp xe lợi hoặc viêm tuyến nước bọt, trẻ sẽ cảm thấy khó khăn khi phải nhai nuốt một thứ gì đó, do vậy dẫn tới tình trạng chán ăn ở trẻ.
    • Rối loạn tiêu hóa: Khi bị rối loạn tiêu hóa trẻ thường có các biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, nôn trớ hay táo bón,... đều khiến bé lười ăn, chậm lớn. Đó là dấu hiệu của tình trạng rối loạn co bóp, tiết dịch trong dạ dày hoặc loạn khuẩn đường ruột.
    • Nhiễm trùng:
      • So với người lớn, hệ miễn dịch của trẻ rất non nớt nên chưa có nhiều cơ chế bảo vệ trước các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus. Vì vậy, các bé rất dễ bị ho, sốt, mệt mỏi,... do nhiễm trùng đường hô hấp (viêm phổi) hoặc hệ tiêu hóa (viêm dạ dày, viêm ruột,...).
      • Khi trẻ bị nhiễm khuẩn, hàm lượng các vitamin và khoáng chất bị mất đi rất lớn, đặc biệt là vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, sắt, kẽm, magie,... làm trẻ lười ăn hoặc không muốn ăn.
      • Bên cạnh đó, trẻ bị nhiễm khuẩn thường dùng kháng sinh, dễ dẫn đến loạn khuẩn đường ruột, gây chướng bụng, khó tiêu và chán ăn.
      • Nhiễm ký sinh trùng: Giun, sán cũng gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ.

2. Dấu hiệu nhận biết trẻ biếng ăn

Trẻ được coi là biếng ăn khi có trên 2 biểu hiện dưới đây:

  • Không chịu ăn hết khẩu phần hoặc bữa ăn thường kéo dài hơn 30 phút.
  • Ăn ít hơn 1⁄2 khẩu phần ăn theo tuổi.
  • Ngậm thức ăn trong miệng lâu không chịu nuốt.
  • Từ chối không ăn, chạy trốn hoặc khóc lóc khi thấy thức ăn.
  • Có phản ứng buồn nôn khi nhìn thấy thức ăn.
  • Không tăng cân liên tục trong 3 tháng liền.

3. Để tránh biếng ăn cho trẻ, cha mẹ cần phải làm gì?

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng việc cho trẻ đi chơi, xem ti vi trong khi ăn là để tạo không khí vui vẻ, hứng thú cho trẻ, giúp trẻ có được bữa ăn ngon miệng, tuy nhiên điều đó chỉ làm cho trẻ mất tập trung vào bữa ăn, Khiến trẻ cảm thấy bữa ăn không quan trọng, với lại thức ăn để lâu sẽ bị nguội lạnh, biến chất, dễ sinh ra những vi khuẩn có hại cho đường ruột của trẻ. Do vậy để tránh biếng ăn cho trẻ, các bậc cha mẹ cần phải:

  • Cha mẹ cần phải giúp trẻ chấp nhận thức ăn mới- những thực phẩm dinh dưỡng mà gia đình muốn bổ sung thêm cho trẻ.
    • Trình bày thức ăn mới ra trước mắt trẻ một cách bắt mắt, sau đó cha mẹ của trẻ sẽ làm mẫu và khuyến khích trẻ chạm vào thức ăn bắt đầu từ ngón tay lên đến lòng bàn tay - cánh tay – vai – má – xung quanh miệng.
    • Nếu trẻ chịu đựng được hoặc tỏ ra thích thú với những hoạt động trên có nghĩa là thức ăn mới đã dần dần đến gần với miệng của trẻ hơn nhưng không nên vội vàng đưa ngay vào miệng của trẻ mà phải để trẻ trải nghiệm thêm về mùi vị của thức ăn bằng cách ngửi, nếm và đến lúc này trẻ sẽ cảm thấy thật dễ dàng để ăn chúng.
  • Cho trẻ ngồi ăn cùng mâm cơm gia đình để trẻ biết được không khí gia đình, giờ giấc khi ăn.
Tránh biếng ăn cho trẻ: Cha mẹ cần làm gì?
Cho trẻ ngồi ăn cùng mâm cơm gia đình để trẻ biết được không khí gia đình, giờ giấc khi ăn
  • Nếu được thì hãy để trẻ tự tay múc ăn phần ăn của mình, đừng ngại việc dọn dẹp lại những thức ăn rơi vãi, như vậy sẽ giúp trẻ khéo léo và chọn được những món ăn ưa thích.
  • Một bữa ăn của trẻ là khoảng 30 phút, nếu trẻ vẫn chưa ăn xong trong vòng 30 phút, hãy dọn dẹp hết tất cả. Việc kéo dài thời gian ăn hay tăng số lần ăn trong ngày chỉ làm cho trẻ cảm thấy sợ và chán ngấy, trẻ sẽ tìm mọi cách để phản đối lại bữa ăn như: la khóc, chạy trốn, ói, ngậm thức ăn trong miệng,...
  • Trẻ được ăn theo nhu cầu: Nghĩa là ăn vừa đủ lượng thức ăn mà dạ dày trẻ có thể chấp nhận được.
  • Không ép khi trẻ không ăn nữa, đừng bao giờ sợ trẻ đói bởi vì khi đói trẻ sẽ tự đòi ăn, đó là bản năng sinh tồn của con người.
  • Hãy để trẻ tự nhắc đến giờ ăn của mình, trẻ sẽ tập được việc ăn uống điều độ.
  • Không cho trẻ ăn hoặc uống bất cứ thứ gì (trừ nước chín) như: bánh, kẹo, phô mai, uống sữa,... trước bữa ăn 1 giờ. Vì bấy nhiêu cũng làm trẻ no bụng và không ăn cử ăn chính. Nếu trẻ có la khóc, đòi hỏi thì hãy cố gắng làm ngơ và bỏ qua điều đó, dần dần trẻ sẽ tập được thói quen, đến bữa ăn trẻ sẽ ăn uống ngon miệng hơn.
  • Nếu muốn cho trẻ uống sữa hoặc ăn thêm một số loại trái cây, cha mẹ nên cho trẻ dùng ngay sau bữa ăn chính của trẻ.
  • Sắp xếp bữa ăn phụ và bữa ăn chính có một khoảng cách thời gian hợp lý để trẻ có thời gian tiêu hóa thức ăn.
  • Cha mẹ và những người chăm sóc trẻ cần phải kiên trì khi cho trẻ ăn uống, không nên la mắng trẻ tạo không khí căng thẳng, khi trẻ không chịu ăn uống.

Không phải tự nhiên mà con bị biếng ăn, không chịu ăn và đôi khi khóc lóc khi tới giờ ăn. Do vậy các bậc cha mẹ cần quan sát, tìm hiểu rõ nguyên nhân tại sao con của bạn lại có các biểu hiện như vậy, từ đó đưa ra hướng giải quyết tốt để con bạn có thể vui tươi, thích thú khi tới bữa ăn, giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Trường hợp trẻ biếng ăn kéo dài, kém hấp thu, chậm phát triển cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết tham khảo nguồn: Viện dinh dưỡng Quốc gia

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan