Thực đơn ăn dặm từ rau củ, trái cây cho bé

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng .

Rau xanh và củ quả có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, có giá trị dinh dưỡng cao đối với sự phát triển của bé. Ngay từ khi ăn dặm, bố mẹ hãy lựa chọn cho bé thực đơn ăn dặm từ trái cây cũng như thực đơn ăn dặm rau củ quả để bữa ăn của bé trở nên bổ dưỡng, phong phú và hấp dẫn hơn.

1. Vì sao phải bổ sung rau củ và trái cây vào thực đơn ăn dặm của bé

Trong rau củ quả có chứa rất nhiều chất xơ, các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phát triển của bé. Đặc biệt, trong thời gian bé ăn dặm, việc bổ sung thực đơn ăn dặm rau củ quả sẽ giúp hệ tiêu hóa của bé làm việc tốt hơn.

Chất xơ là chất mà cơ thể không tiêu hóa được nhưng lại có rất nhiều lợi ích cho sự phát triển của cơ thể. Chất xơ giúp cho lợi khuẩn đường ruột (là hệ thống vi sinh vật có lợi trong đường tiêu hóa) phát triển. Từ đó hệ tiêu hóa của bé sẽ hoạt động hiệu quả hơn, tiêu hoá thức ăn và hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn. Bữa ăn không có chất xơ làm bé dễ bị táo bón, dẫn đến rất nhiều hậu quả về sau như bé biếng ăn, mệt mỏi, chậm lớn...

Hơn nữa, trong rau củ và trái cây có chứa hàm lượng vi chất dinh dưỡng rất cao như protein, các loại vitamin và khoáng chất như canxi, sắt, kẽm... góp phần quan trọng cho sự phát triển của hệ thống cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt là các vitamin A, B, C có từ rau xanh và trái cây sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, hạn chế nguy cơ dị ứng cho bé và mắc các bệnh nhiễm khuẩn; giúp cơ thể đào thải chất độc và giúp bé hấp thu chất sắt tốt hơn. Ngoài rau củ quả ra thì hầu như các loại thực phẩm khác chứa không đầy đủ và rất ít các vi dưỡng chất. Chính vì thế, cho dù bé ăn nhiều tới đâu mà ăn thiếu rau củ quả thì bé vẫn sẽ bị còi xương, thấp bé và suy dinh dưỡng.

Do đó, thực đơn ăn dặm từ trái cây thực đơn ăn dặm từ rau củ cho bé không chỉ làm cho bữa ăn của bé thêm phong phú hấp dẫn mà còn cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của bé.

Thực đơn ăn dặm từ rau củ
Thực đơn ăn dặm rau củ quả sẽ giúp hệ tiêu hóa của bé làm việc tốt hơn

2. Thực đơn ăn dặm rau củ quả cho bé theo từng giai đoạn

Thực đơn ăn dặm rau củ quả cho bé được lựa chọn tùy theo từng giai đoạn tuổi khác nhau. Trong thời gian bé mới bắt đầu chế độ ăn dặm thì việc bổ sung rau củ quả có rất nhiều điều cần phải quan tâm chú ý.

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, nhu cầu chất xơ dành cho bé được tính theo công thức bằng 5g + tuổi của bé. Theo đó, những bé khi bắt đầu ăn dặm thì cần cung cấp lượng chất xơ trong rau củ quả khoảng 6g. Bố mẹ nên cho bé ăn dặm rau củ quả vào lúc bé khoảng 7 đến 8 tháng tuổi.

Giai đoạn 1: Lúc bé khoảng 7 – 8 tháng tuổi.

Đây là thời gian bé làm quen dần với hương vị của các loại rau củ trái cây khác nhau. Mẹ có thể sử dụng kết hợp 2 hoặc 3 loại rau củ quả cho 1 giờ ăn của bé hoặc cho bé ăn kèm với các loại bột ăn dặm khác. Ở giai đoạn này, bé vẫn đang ăn chế độ thức ăn lỏng, vì thế nên xay nhuyễn các loại rau củ như khoai tây, bí đỏ, bông cải xanh, cà rốt,... để tạo nên các món ăn dinh dưỡng hấp dẫn.

Giai đoạn 2: Lúc bé chuyển từ chế độ ăn lỏng sang ăn đặc

Khẩu phần dinh dưỡng của bé sẽ tăng dần theo năm tháng và do đó cần tăng cường bổ sung số lượng rau củ quả nhiều hơn. Trong thời gian này, lượng nước trong thức ăn nên giảm dần và tăng dần độ đặc của thức ăn. Các loại rau củ quả có thể cắt nhỏ rồi hầm thật nhừ để bé dễ dàng ăn mà không cần phải xay nhuyễn. Cách chế biến mới lạ và độc đáo sẽ tăng thêm sự hấp dẫn cho các món ăn. Bên cạnh đó, bố mẹ có thể thêm các loại nước ép trái cây vào thực đơn tráng miệng cho bé.

Giai đoạn 3: Bé từ 1 tuổi trở lên

Bé từ 1 tuổi trở lên sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn tự ăn uống mà không cần phải đút. Mỗi bữa ăn nên kết hợp các loại thịt, cá, tôm kèm theo các loại rau củ quả. Rau củ nên chọn loại có nhiều màu sắc khác nhau, thái thành từng miếng vừa ăn để bé có thể vừa cầm vừa ăn. Mẹ nên đồng hành cùng bé và động viên bé trong các bữa ăn, tránh các tình huống xấu trong ăn uống như nghẹn, hóc... khiến trẻ bị tâm lý ám ảnh về việc ăn uống mặt. Rau củ kết hợp cùng với trái cây tươi là lựa chọn tuyệt vời được các bé ưa thích.

3. Cách lựa chọn và chế biến rau, củ, quả để bổ sung vào thực đơn ăn dặm cho bé

Từng vi chất dinh dưỡng trong rau củ và trái cây đều đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển và hệ miễn dịch của bé. Lượng vitamin trong rau xanh tuy rất dồi dào nhưng cũng dễ bị mất đi và thậm chí có thể bị biến đổi thành chất có hại nếu việc sơ chế và nấu không đúng cách. Do đó, để đảm bảo trọn vẹn nhất các thành phần dinh dưỡng cũng như có được những món ăn thật bổ dưỡng và an toàn trong thực đơn ăn dặm từ rau củ cho bé, trong quá trình lựa chọn, sơ chế, chế biến rau củ quả có vài lưu ý quan trọng dưới đây.

  • Khi lựa chọn trái cây luôn chú ý đến tình trạng sức khoẻ của bé: nếu bé bị rối loạn tiêu hóa hay táo bón, nên chọn cho bé các loại trái cây có nhiều chất xơ, tính hàn như chuối, táo, lê...
  • Hạn chế dùng các loại trái cây có tính nhiệt (tính nóng) như dứa, xoài xanh, sầu riêng, nhãn, vải, chôm chôm,...vì khiến bé dễ bị dị ứng hoặc chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu.
  • Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: nên chọn thực phẩm có nguồn gốc uy tín, nhãn mác đầy đủ, thông tin thành phần được ghi rõ ràng và phân bố lượng thức ăn phù hợp theo thực đơn của bé.
  • Mua lượng rau củ quả vừa đủ ăn trong ngày; không tích trữ rau, củ, trái cây quá lâu trong tủ lạnh vì thực phẩm không còn tươi, quá trình phân huỷ có khả năng gây ra ngộ độc thực phẩm. Thời gian để sử dụng rau xanh tốt là trong vòng 24 – 48 giờ sau khi mua về.
  • Rửa rau củ trái cây kỹ lưỡng để loại bỏ chất bẩn và ngâm với dung dịch rửa rau hoặc nước muối pha loãng để đảm bảo an toàn. Nhưng cũng không nên ngâm quá lâu sẽ khiến vitamin B và C bị hòa tan trong nước. Thời gian hợp lý để ngâm trong khoảng 15 – 30 phút.
  • Nên lựa chọn chế biến rau củ bằng phương pháp hấp cách thủy hơn là luộc vì như vậy sẽ giúp giữ lại nhiều thành phần dinh dưỡng hơn trong rau, hạn chế việc mất nhiều loại vitamin do bị hoà tan trong nước. Nếu luộc, thì nên để cho rau ráo nước trước khi cho vào nước sôi, chỉ nên luộc rau vừa chín mềm, đủ để nghiền mịn dễ ăn chứ không luộc nhừ sẽ làm mất các chất dinh dưỡng cũng như khiến rau củ có mùi vị khó ăn.
  • Khi các bé mới tập ăn dặm, trong vòng 1 – 2 tuần đầu tiên, nên sử dụng các loại củ và quả dạng bột mịn để bé dần làm quen với mùi vị thức ăn. Sau đó, mẹ có thể kết hợp một loại rau xanh với một loại củ hoặc quả làm thành bột ăn dặm cho bé. Rau ngót, rau đay, bắp cải, súp lơ xanh và các loại rau cải là lựa chọn phù hợp nhất vì vừa giàu dinh dưỡng, vừa có mùi vị dễ ăn sẽ giúp bé ăn ngon miệng hơn. Khi chọn rau chỉ lấy phần lá non, màu xanh nhạt hoặc xanh tươi, không có quá nhiều xơ để dễ nghiền.
  • Rau xanh, củ quả sau khi luộc mềm được cắt thành khúc là món ăn dặm đơn giản nhưng đầy hấp dẫn cho các bé tự cầm thức ăn và nhai. Thông thường, bé không thích ăn rau xanh là do màu sắc không tươi bằng các loại củ, quả. Vì vậy chỉ cần kết hợp các loại thức ăn có nhiều màu sắc bắt mắt, trang trí ngộ nghĩnh sẽ giúp bé hào hứng thích thú và ăn ngon hơn.
Thực đơn ăn dặm từ rau củ
Nếu bé bị táo bón, nên chọn các loại trái cây có nhiều chất xơ, tính hàn như chuối, táo, lê

4. Một số gợi ý món ăn dặm từ rau, củ, quả

Sau đây là một số gợi ý thực đơn ăn dặm từ rau củ cho bé.

  • Bột ăn dặm với đu đủ và lê xay nhuyễn
  • Bột ăn dặm với khoai tây, cà rốt và bắp xay nhuyễn
  • Chuối nghiền: một quả chuối có chứa 105 calo cùng hàm lượng vitamin B6 và kali dồi dào cho bé ăn ngon, ngủ tốt. Chuối còn cung cấp chất xơ giúp hệ tiêu hóa tốt và chống táo bón. Ăn dặm với chuối nghiền sẽ cho bé là một bữa ăn lý tưởng vì vừa giàu năng lượng vừa đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Bơ nghiền: quả bơ chứa nhiều chất béo có lợi và rất giàu omega 3 rất tốt cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của bé. Cũng như chuối, món ăn dặm từ bơ nghiền kèm với sữa sẽ là một gợi ý tuyệt vời bổ sung vào thực đơn ăn dặm từ trái cây cho bé.
  • Cà rốt nghiền: cà rốt giàu vitamin A, beta-carotene, có màu sắc bắt mắt và hương vị thơm ngon, ngoài ra còn có thể bảo quản lâu trong tủ lạnh. Cà rốt nghiền là món ăn dặm không thể thiếu đối với các bé.
  • Bí đỏ nghiền: bí đỏ không chỉ có màu sắc đẹp mắt hấp dẫn mà còn chứa nhiều tinh bột, hàm lượng vitamin A, vitamin C cao... nên rất tốt cho sự phát triển của các bé. Ngoài ra, hầu hết các bé đều thích ăn bí đỏ bởi khi nấu lên bí đỏ có vị ngọt tự nhiên và mềm dễ ăn. Chính vì thế, bí đỏ nghiền là món ăn luôn được nhắc đến trong các thực đơn ăn dặm từ rau củ cho bé.
  • Súp lơ xanh: với nguồn dưỡng chất dồi dào bao gồm chất xơ, các loại vitamin, và canxi, mùi vị cũng rất phù hợp với khẩu vị của trẻ nhỏ, súp lơ xanh được xem là một trong những món ăn dặm được lựa chọn cho sự phát triển toàn diện của bé. Lượng chất xơ và vitamin C dồi dào có trong súp lơ xanh giúp bé hấp thu dễ dàng các chất dinh dưỡng, mang đến cho bé một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh và góp phần quan trọng vào tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, súp lơ xanh còn được biết đến với vai trò chống ung thư hiệu quả.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển toàn diện.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan