Sử dụng âm nhạc trị liệu để phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội dành cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ (Phần 2)

Bài viết của Chuyên viên âm nhạc trị liệu- Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Âm nhạc trị liệu từ lâu đã được sử dụng để giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ phát triển ngôn ngữ, tăng khả năng giao tiếp và tương tác với mọi người xung quanh. Âm nhạc trị liệu cho trẻ tự kỷ là những hoạt động dạy học về âm nhạc như múa, hát, nhảy, chơi nhạc cụ, trò chơi dân gian, nghe nhạc.

1. Khiếm khuyết chính của trẻ tự kỷ về kỹ năng xã hội

Các nhà chuyên môn liệt kê 3 khiếm khuyết chính của trẻ rối loạn phổ tự kỷ về kỹ năng xã hội (autistic triad) như sau: [2]

  • Khó khăn trong giao tiếp và xây dựng tình bạn. Trẻ tự kỷ chỉ muốn sinh hoạt một mình, không thích mọi người xâm lấn vào thế giới riêng tư.
  • Đa số trẻ tự kỷ không thể dùng lời diễn đạt ý muốn, ý nghĩ và sở thích của mình. Riêng những trẻ tự kỷ nói được thì không có khả năng gợi ý hay duy trì những cuộc đối thoại hai chiều. Trẻ nói chỉ muốn người khác nghe và không chờ đợi người khác nói, không quan tâm đến phản ứng của người đối thoại, không nhìn vào mắt họ, không quan tâm đến những cử chỉ, điệu bộ của thân thể, hoặc cảm xúc thể hiện trên gương mặt của người khác, luôn thay đổi chủ đề đối thoại một cách đột ngột và không thích hợp. Nhiều khi, cách sử dụng từ ngữ của trẻ tự kỷ có vẻ như là sự giảng thuyết của một vị giáo sư tí hon hơn là trò chuyện, thường đưa ra nhiều chi tiết hơn là sự chú tâm vào trọng điểm.
  • Trẻ tự kỷ không biết chơi giả vờ. Chẳng hạn, các em không biết dang tay, vờ làm máy bay xòe cánh và tạo những âm thanh như khi máy bay cất cánh lên không, không biết chơi công an đi bắt quân gian, giả làm nhân viên chữa cháy, vờ đút búp bê ăn, ru búp bê ngủ.

Vì khó khăn về kỹ năng giao tiếp xã hội của mỗi trẻ rối loạn phổ tự kỷ là khác nhau nên dựa vào 3 vấn đề cơ bản trên tôi đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục từng vấn đề cụ thể dưới đây.

2. Sử dụng âm nhạc trị liệu để phát triển giao tiếp

Theo Berger, việc ứng dụng Âm nhạc trị liệu thư giãn để mở rộng kỹ năng giao tiếp là trị liệu lâm sàng tác dụng với các chức năng não, thích ứng, hệ thống giác quan, thính giác, các yếu tố âm nhạc và tương tác cá thể để khuyến khích các lĩnh vực xã hội, nhận thức và vận động. [5]

Việc kích thích hệ thống giác quan là một trong những chức năng mà âm nhạc trị liệu đem lại. Mỗi hoạt động Âm nhạc đều gắn với các vận động sinh hoạt thường ngày. Bởi âm nhạc bắt nguồn từ âm thanh, nên việc cách dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ khám phá thế giới bằng cách tạo ra âm thanh từ các chuyển động của trẻ như: Vỗ tay, lắc đồ vật, chà xát, bước chân, thổi... với các chất liệu khác nhau (gỗ, nhựa, kim loại...) là một trong những trò chơi khám phá vô cùng thú vị.

Ví dụ: Sử dụng vỏ chai nước bằng nhựa, rửa sạch và cho vào trong mỗi chai một loại hạt khác nhau như: Đỗ đen, gạo, sỏi, cúc áo... rồi cùng trẻ khám phá cách tạo ra âm thanh bằng cách lắc, vỗ, bóp, lăn, tung, chuyền... Mỗi chiếc chai sẽ tạo ra những âm thanh khác nhau bởi các loại hạt với màu sắc, hình dáng, kích thước khác nhau khiến trẻ thích thú, tò mò kích thích thị giác, xúc giác, thính giác.

Ngoài ra, có thể kích thích khả năng cảm nhận bản thể và hệ tiền đình của trẻ bằng cách giấu đồ chơi phát ra âm thanh (tiếng nhạc phát ra từ radio, điện thoại hay music box) để trẻ đi tìm.

Trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Âm nhạc trị liệu có thể kích thích giao tiếp ở trẻ tự kỷ

Việc hướng dẫn trẻ nhỏ chơi với các ngón tay của chính mình cũng là hoạt động vô cùng ý nghĩa để kích thích khả năng tương tác xã hội với người khác.

Ví dụ: Bài thơ “Năm hạt đậu nhỏ”_ Sáng tác: Phùng Ngọc Hà

Năm hạt đậu nhỏ ở trong một chiếc vỏ (Giơ 5 ngón tay nhúc nhích rồi chắp 2 bàn tay vào nhau, để các ngón tay xen kẽ với nhau)

Ngày một, ngày hai đều không ngừng nảy nở (Giơ 1 ngón tay, 2 ngón tay lên)

Chúng lớn, rồi chúng lớn, rồi chúng không ngừng lớn (đọc từ nhỏ đến to dần, xòe 2 bàn tay và dần dần cách xa nhau)

Cho đến một ngày chiếc vỏ vỡ đánh BỘP (Đọc to và vỗ hai tay vào nhau vào chữ “Bộp” cuối cùng của bài)

Ngoài ra, việc sử dụng các bài đồng dao và sử dụng cách đọc to/ nhỏ, nhanh/ chậm kết hợp với vận động cơ thể bằng cách vỗ tay, bước chân hay chạm vào các bộ phận trên cơ thể cũng là một trong những cách nhằm kích thích giác quan để tăng khả năng tương tác xã hội, tạo mối liên kết giữa trẻ với người cùng chơi.

3. Sử dụng m nhạc trị liệu để thể hiện mong muốn, ý nghĩ, sở thích của bản thân

Ngôn ngữ là nền tảng phát triển kỹ năng xã hội. Lorna Wing nói rằng, tất cả trẻ con và người lớn bị tự kỷ đều có trở ngại về vấn đề ngôn ngữ. Ngôn ngữ của họ có thể bị khiếm khuyết về văn phạm, ngữ vựng ngay cả khi họ có khả năng định nghĩa từ vựng một cách chính xác. Tuy nhiên, trở ngại về mặt ngôn ngữ của họ chính là cách sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp xã hội (pragmatics) bất kể họ dùng loại ngôn ngữ nào. [6]

Ở đâu ngôn ngữ bất đồng thì ở đó âm nhạc vang lên thay thế. Âm nhạc là cách để chia sẻ tình cảm, cảm xúc thông qua giai điệu, tiết tấu, âm thanh, hòa âm... Vậy hãy dùng âm nhạc trị liệu thư giãn cho trẻ tự kỷ để kết nối, giúp trẻ tự kỷ thể hiện mong muốn, ý nghĩ thông qua ngôn ngữ không lời bằng cách sau:

  • Quan sát để học cách bước vào thế giới của trẻ và được trẻ chấp nhận. Có thể sử dụng giọng hát, nhạc cụ để chơi những giai điệu, bài hát quen thuộc với trẻ hoặc đơn giản là sử dụng đồ chơi, nhạc cụ gõ để tạo ra âm thanh nhằm thu hút sự chú ý của trẻ.
  • Lặp đi lặp lại giai điệu, tiết tấu, âm thanh đó nhiều lần, liên tiếp, liên tục để trẻ cảm nhận
  • Lại gần để trẻ có thể dễ dàng nhìn, chạm vào nhạc cụ
  • Gợi ý để trẻ cùng tham gia hoạt động
  • Bắt chước âm thanh mà trẻ tạo ra (nếu có)
  • Thay đổi giai điệu, tiết tấu khác với âm thanh đã được tạo ra và lặp đi lặp lại ban đầu
  • Quan sát phản ứng, cảm xúc của trẻ
  • Dừng lại và chờ đợi phản ứng của trẻ (xem trẻ muốn tiếp tục hay không)
  • Tạo ra âm thanh mà trẻ mong muốn ngay khi trẻ có phản hồi muốn tiếp tục bằng bất cứ cách thể hiện nào: Nói, cử chỉ, nhìn mắt...
  • Bắt đầu tạo lượt, dừng chờ, chơi luân phiên, đối đáp với trẻ.

Não bộ của trẻ tự kỷ hoạt động theo cách khác biệt. Trẻ xử lý thông tin về thế giới khác với mọi người. Âm nhạc khiến trẻ tự kỷ thoải mái. Nghe hay tạo ra âm nhạc khiến các giác quan đều cùng tập trung thực hiện, điều này giúp phát triển nhận thức, thúc đẩy ngôn ngữ. Âm nhạc cũng là động lực mạnh mẽ kích thích trẻ tương tác xã hôi, chú ý, bày tỏ cảm xúc, giao tiếp và cả phát triển vận động.

Trẻ có thể sử dụng âm nhạc trị liệu thư giãn để thúc đẩy khả năng giao tiếp với người khác vì bởi âm nhạc là phương tiện để thể hiện và chia sẻ cảm xúc bằng các thủ pháp như: đối đáp, bè đuổi, nhắc lại, tương phản... Chỉ cần một nhạc cụ, trẻ cũng có thể sử dụng để tương tác và kết hợp với người khác thông qua các phần trình diễn hòa tấu, song tấu... Trẻ học được cách giao tiếp không lời bằng cách kết nối cảm xúc để tạo ra âm thanh hòa quyện với người khác.

Âm nhạc trị liệu thư giãn
Âm nhạc là động lực mạnh mẽ giúp trẻ tự kỷ bày tỏ cảm xúc, phát triển vận động

4. Sử dụng âm nhạc trị liệu để phát triển khả năng chơi giả vờ

Chơi giả vờ có nhiều tên gọi như là: chơi trí tưởng tượng, chơi sáng tạo, chơi biểu tượng... Kỹ năng chơi giả vờ bắt đầu từ khi trẻ 11 đến 18 tháng ruồi (ở trẻ phát triển bình thường). Khi chơi giả vờ, trẻ chơi “như thể” cái gì đó hoặc ai đó là thật. Trẻ đang tạo ra một tình huống mà ở đó xảy ra nhiều hơn những gì đang xảy ra. Chơi giả vờ là một kỹ năng tư duy, để có thể chơi giả vờ, trẻ phải hiểu ý nghĩa của những gì đang xảy ra.

Việc sử dụng Âm nhạc trị liệu để phát triển kỹ năng chơi giả vờ cho trẻ được thực hiện theo một số cách sau:

  • Hướng dẫn trẻ nghe âm thanh và bắt chước tạo ra âm thanh của các con vật, đồ vật, sự vật, hiện tượng... bằng cách diễn tả bằng giọng nói, chuyển động cơ thể hoặc chơi nhạc cụ. Để trẻ sử dụng đồ vật hoặc bản thân và giả vờ là một thứ khác.
    VD: Nhại âm thanh của con gà trống gáy, tiếng sư tử gầm, tiếng chuột kêu, tiếng còi xe... bắt chước hình thái của hiện tượng thiên nhiên như gió thổi (đung đưa nhẹ nhàng sang hai bên)... chơi nhạc cụ, đánh đàn hoặc gõ trống thật to khi nghe tiếng mưa rơi nặng hạt, đánh đàn hoặc gõ trống thật nhỏ khi mưa rơi nhẹ nhàng...
  • Hướng dẫn trẻ nghe và vận động theo các bài hát thiếu nhi, theo âm thanh của nhạc cụ có nội dung miêu tả các thuộc tính của con vật, đồ vật, hiện tượng... Để trẻ vận động phụ họa theo các chuyển động có trong bài hát, bản nhạc.

VD: Hướng dẫn trẻ nghe và vận động theo âm thanh của đàn Piano để đóng giả cách di chuyển của các con vật: Chơi Piano với âm thanh trầm, nhịp điệu thật chậm, nặng để để miêu tả chuyển động của con rùa và hướng dẫn trẻ ngồi xuống, bò thật chậm rãi giống như con rùa. Chơi Piano với âm thanh cao, vui vẻ, nảy tiếng, nhịp điệu nhanh để miêu tả chuyển động của con thỏ và hướng dẫn trẻ đứng lên, đặt hai tay lên đầu làm tai của con thỏ và bật nhảy 2 chân cùng một lúc.

  • Sử nhạc hiệu để trẻ thay đổi linh hoạt cách miêu tả con vật, sự vật, hiện tượng.

VD: Sử dụng trống và gõ vào mặt trống thật mạnh khi miêu tả con chuột đi kiếm ăn vào ban ngày. Nhưng khi màn đêm buông xuống, chú phải đi thật nhẹ nhàng để không bị ai phát hiện nên gõ vào mặt trống thật nhẹ, thật nhẹ.

Sử dụng bản nhạc không lời, có giai điệu, tiết tấu tương phản, tạo hình tượng để kể các câu chuyện âm nhạc với nhân vật, có tính cách và hướng dẫn trẻ bắt chước, thể hiện và tự sáng tạo theo cách trẻ muốn.

Nhà thần kinh học Oliver Sacks_ Tác giả cuốn Musicophilia đã nói: “Âm nhạc mang đến thứ mà không thuốc nào làm được, để nói, để chuyển động, để sống. Âm nhạc không đắt tiền, nhưng cần thiết!”.

Bellini nhấn mạnh “Bạn không thể nào dạy trẻ tự kỷ về kỹ năng xã hội nếu bạn chưa biết mình nên dạy những gì cho các em! Không phải tất cả trẻ tự kỷ cần được can thiệp bằng một phương pháp giống hệt nhau, cũng không phải tất cả trẻ tự kỷ cần được giáo dục những kỹ năng xã hội giống hệt nhau”. Vì vậy âm nhạc phải được sử dụng một cách phù hợp, theo sự phát triển của từng trẻ cũng như sở thích, cảm giác với âm thanh, sự nhạy bén về giác quan... thông qua việc đánh giá để hiểu và lựa chọn âm lượng, hình thức, thể loại âm nhạc phù hợp với sự phát triển của từng trẻ mới đem lại hiệu quả.

Trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Âm nhạc trị liệu cũng kích thích khả năng chơi giả vờ ở trẻ tự kỷ

Đơn nguyên Tâm lý giáo dục – Tự kỷ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là đơn vị tiên phong áp dụng các phương pháp khoa học và nghệ thuật đánh giá và trị liệu trẻ tự kỷ, mang lại hiệu quả cao.

Các lĩnh vực can thiệp giáo dục trẻ tự kỷ tại Vinmec:

  1. Tâm thần nhi
  2. Tâm lý lâm sàng - tâm lý giáo dục
  3. Giáo dục đặc biệt
  4. Ngôn ngữ trị liệu
  5. Thiền – yoga trị liệu
  6. Âm nhạc trị liệu
  7. Mỹ thuật trị liệu

Các Bác sĩ, chuyên viên trị liệu và giáo viên tại Trung tâm được đào tạo tại ở các trường uy tín: Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện quản lý giáo dục... đồng thời thường xuyên học tập nâng cao tay nghề thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn trong và ngoài nước với các chuyên gia hàng đầu từ Mỹ, Úc, Ấn Độ, Ý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

570 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan