Sốt kéo dài khó chẩn đoán

Sốt kéo dài là tình trạng sốt trên 38 độ trong nhiều tuần (ít nhất là 2 tuần), thậm chí hàng tháng mà vẫn chưa có chẩn đoán chính xác, đã điều trị bằng các thuốc thông thường như kháng sinh và thuốc hạ sốt mà vẫn không có kết quả.

1. Sốt kéo dài là gì?

Sốt kéo dài là một hội chứng hay tình trạng bệnh lý thường gặp trong khoa truyền nhiễm với đặc điểm:

  • Sốt là dấu hiệu bệnh lý nổi bật nhất, còn các dấu hiệu khác thường mờ nhạt hoặc không có
  • Sốt kéo dài trên 38 độ trong nhiều tuần (ít nhất là 2 tuần), thậm chí hàng tháng mà vẫn chưa có chẩn đoán chính xác, đã điều trị bằng các thuốc thông thường như kháng sinh và hạ nhiệt mà vẫn không có kết quả.

Việc chẩn đoán bé bị sốt kéo dài nhiều khi rất phức tạp, không phải chỉ trong một vài ngày có thể tìm ra nguyên nhân.Thậm chí, nhiều trường hợp sau một thời gian dài nằm điều trị, phải cho ra viện mà vẫn chưa chẩn đoán được nguyên nhân gây sốt kéo dài.

2. Tiếp cận chẩn đoán sốt kéo dài

2.1. Hỏi bệnh

  • Tính chất sốt: ngày bắt đầu, thời gian sốt, mức độ sốt, kiểu sốt, cách khởi phát của sốt kéo dài
  • Các triệu chứng đi kèm với tình trạng sốt kéo dài: đau xương, đau khớp, đau đầu, ho, sụt cân, tiểu nhiều, uống nhiều nước hoặc tiểu khó ...
  • Hỏi tiền sử: trong thời gian gần đây người bị mắc có đi đến hoặc sống trong vùng dịch tễ sốt rét, thương hàn.
  • Có thường xuyên tiếp xúc với vật nuôi hoặc vật hoang dã.
  • Tiền sử sử dụng thuốc: chú ý cả các thuốc dùng theo đường uống, đường ngoài da.
  • Các phương pháp điều trị trước đó và hiệu quả.
  • Tiền sử bệnh tật gia đình, chủng tộc.
  • Tiền sử tiếp xúc lao.
  • Đối với đối tượng trẻ em cần quan tâm đến tình trạng tiêm phòng ngừa: lao, viêm gan siêu vi, thương hàn v.v...
  • Tiền sử mắc các bệnh nội khoa (thấp khớp cấp, bệnh toàn thân...) hoặc ngoại khoa, sản phụ khoa.
  • Chú ý về cơ địa dị ứng (ăn uống, thuốc hoặc các thứ khác).
Khi nào khỏi hẳn sốt xuất huyết
Sốt kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như cuộc sống sinh hoạt của người bệnh

2.2. Khám lâm sàng

  • Tình trạng sốt: phải theo dõi nhiệt độ mỗi 4 giờ một lần.
  • Đánh giá cường độ cơn sốt và tính chất cơn sốt.
  • Đánh giá tình trạng mất nước đặc biệt trong trường hợp bé sốt cao trên 38 độ.
  • Đánh giá các chức năng sống: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở.
  • Khám mắt, soi đáy mắt.
  • Khám hệ thống hạch ngoại vi.
  • Khám tai mũi họng: phát hiện viêm tai giữa, viêm amidan hốc mủ, nấm miệng ở trẻ nhỏ gợi ý bệnh lý miễn dịch đồng thời tìm điểm đau xoang, khám họng và màng nhĩ một cách hệ thống ở trẻ em,
  • Kiểm tra da và niêm mạc: xăng, vết thương bội nhiễm, viêm da hóa mủ, loét chân, viêm tĩnh mạch nông, áp-xe ở chỗ nhiễm trùng...
  • Chú ý dấu hiệu không có mồ hôi liên tục.
  • Khám các cơ quan: tim mạch, phổi.
  • Phát hiện gan, lách to hướng đến chẩn đoán nhiễm trùng.
  • Phát hiện những bệnh lý ngoài da kèm theo: hồng ban, ban xuất huyết, mụn bóng nước, mụn
  • Khám xương khớp: sưng đau trên xương gợi ý viêm tủy xương sâu hay bệnh lý ác tính của xương, hạn chế vận động của khớp, phản xạ gân xương tăng.
  • Đánh giá tình trạng thiếu máu của người bị sốt kéo dài.

2.3. Năm điểm áp dụng một cách hệ thống trước mọi hình thức sốt

  • Khám gáy để phát hiện hội chứng màng não: nếu có chút nghi ngờ thì chọc thắt lưng (PL) sau khi đã khám đáy mắt
  • Nghe tim để tìm tiếng thổi thực thể
  • Đo huyết áp động mạch: khoảng cách huyết áp rộng nghi ngờ bệnh lý hở van động mạch chủ, hạ huyết áp động mạch là dấu hiệu cảnh báo sốc,
  • Khám bụng để tìm dấu hiệu lách to, hướng đến nhiễm trùng huyết hay sốt rét
  • Khám da để tìm tử ban ở chi dưới, nếu có thì lo ngại có tử ban sét đánh não mô cầu cần nhập viện khẩn trương để hồi sức. Nổi vân tím ở các chi là dấu hiệu của giảm thể tích tuần hoàn và nguy cơ xảy ra tình trạng sốc.
Khám bụng trẻ sơ sinh
Khám bụng là một trong những biện pháp để chẩn đoán các hình thức sốt

3. Lưu ý khi chẩn đoán sốt kéo dài

  • Chẩn đoán sốt kéo dài nguyên nhân do thuốc thường dễ khi bệnh chính không có sốt, những đợt sốt thường song song với các đợt dùng thuốc và thấy có ban kèm theo với sốt.
  • Về nguyên nhân của sốt kéo dài, có thể có một số trường hợp hiếm gặp như sau: cường năng tuyến giáp trạng (không có bướu cổ, không lồi mắt, chỉ có gầy và mạch nhanh), sốt do thần kinh (có rối loạn tại trung tâm điều chỉnh thân nhiệt, rối loạn thần kinh thực vật), sốt do rối loạn chuyển hoá ở trẻ nhỏ (thiếu vitamin C, thiếu sắt, thiếu máu nhược sắc ở sơ sinh)
  • Cần phân tích những yếu tố có thể làm sai lệch chẩn đoán: sử dụng kháng sinh trước đó để điều trị bệnh làm lu mờ bệnh cảnh điển hình (mất hiện tượng tăng bạch cầu... ) hoặc sốt kéo dài do sử dụng thuốc có thể làm tăng bạch cầu.
  • Có một số trường hợp bé bị sốt kéo dài không thể tìm thấy nguyên nhân. Vì đã được nằm bệnh viện nhiều ngày, đã tận dụng được nhiều biện pháp cận lâm sàng trong chẩn đoán mà không thấy nguyên nhân, cuối cùng phải cho ra viện, về nhà bệnh nặng hơn hoặc cũng có khi tự khỏi.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan