Phân biệt còi xương và suy dinh dưỡng

Còi xương và suy dinh dưỡng là hai bệnh lý khác nhau. Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và tham gia các hoạt động ngoài trời là chìa khóa hỗ trợ bé phát triển khỏe mạnh.

1. Bệnh còi xương là gì?

1.1. Dấu hiệu trẻ bị còi xương

Để chẩn đoán trẻ bị bệnh còi xương, ngoài xét nghiệm chỉ số canxi máu, các bác sĩ còn dựa trên một số dấu hiệu bao gồm:

  • Trẻ thường quấy khóc, dễ giật mình, ngủ không ngon và ra nhiều mồ hôi
  • Rụng tóc hình vành khăn
  • Xương hộp sọ có biểu hiện bất thường: thóp rộng, mềm và lâu đóng kín; xuất hiện bướu ở đỉnh đầu hoặc trán; đầu bẹp cá trê
  • Chậm mọc răng, rối loạn trương cơ lực, táo bón thường xuyên, chậm vận động như biết lẫy, bò, đi,...
  • Trẻ bị co giật do hạ canxi khi bị bệnh cấp tính, nếu nghiêm trọng có thể kéo theo các biến chứng như chuỗi hạt sườn, chân tay cong chữ O, chữ X

1.2. Nguyên nhân và cách điều trị

Nguyên nhân chính gây ra bệnh còi xương ở trẻ em thiếu hụt vitamin D, khiến cơ thể gặp khó khăn khi hấp thu cũng như chuyển hóa canxi và phốt pho - hai loại chất quan trọng và cần thiết cho sự phát triển xương.

Vitamin D liều cao liệu có lợi cho bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng?
Thiếu vitami D là nguyên nhân chính gây ra bệnh còi xương ở trẻ.

Phương pháp mang lại hiệu quả cao khi điều trị bệnh còi xương ở trẻ là tìm ra nguyên nhân gây bệnh và chữa trị bằng cách bổ sung vitamin D cho trẻ.

Bổ sung vitamin D bằng cách mỗi buổi sáng trước 9h hàng ngày từ 15 - 30 phút để chất tiền vitamin D dưới da chuyển hóa và tăng khả năng hấp thu canxi - phốt pho cho trẻ.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể được bác sĩ kê toa một số loại thuốc bổ sung canxi. Liều lượng và thời gian sử dụng thuốc phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng quá liều hoặc uống vitamin D kéo dài, lượng canxi thừa sẽ được thải ra ngoài cùng nước tiểu, dễ gây sỏi thận mãn tính hoặc vôi hóa động mạch. Nhu cầu vitamin D là khác nhau ở mỗi cá nhân, phụ huynh cũng cần tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng trước khi lên kế hoạch một thực đơn giàu canxi cho bé ở độ tuổi ăn dặm.

2. Trẻ suy dinh dưỡng

2.1. Triệu chứng

Khi cơ thể trẻ không được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, sức khỏe và quá trình tăng trưởng của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Dấu hiệu thường gặp là trẻ bị đứng cân hoặc sụt cân, bé hay mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc và dễ bị bệnh; trẻ cũng không năng động, chậm mọc răng, phát triển vận động. Nếu bị suy dinh dưỡng nặng còn được thể hiện ở 3 thể là: phù, teo đét và hỗn hợp.

  • Thể phù: Do chỉ nuôi bằng tinh bột, trẻ không được cung cấp đủ năng lượng hoặc những chất dinh dưỡng đa vi lượng. Triệu chứng phổ biến là phù thũng toàn thân, da xanh xao, cơ thể bị suy thoái, hạ canxi, mắt khô, quáng gà, và hay bị bệnh.
  • Thể teo đét: Mức độ thiếu chất nhẹ hơn thể phù, tuy nhiên các bắp thịt của trẻ bị teo lại, da nhăn trông giống như người già. Thể teo đét có tiên lượng thường tốt hơn thể phù do ít bị tổn thương các cơ quan nội tạng.
  • Thể hỗn hợp: Kết hợp cả 2 thể trên.

2.2. Nguyên nhân và cách điều trị

Nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng là do chế độ ăn uống thiếu chất và cách nuôi dưỡng phản khoa học, có thể kể đến như cai sữa sớm, bắt đầu cho bé ăn không đúng giai đoạn, hay thức ăn kém chất lượng khiến bé dễ mắc bệnh nhiễm trùng và mãn tính, không thể phát triển khỏe mạnh.

Nếu bé bị suy dinh dưỡng ở mức độ nhẹ và vừa thì có khả năng chữa trị tại nhà bằng cách thay đổi khẩu phần ăn hợp lý, tìm nguyên nhân và loại bỏ các bệnh khiến trẻ suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó là nên theo dõi cân nặng định kỳ cũng như cho trẻ tiêm chủng vắc xin đầy đủ.

Trong trường hợp suy dinh dưỡng nặng thì phải đến bệnh viện để cho trẻ bù nước điện giải, bổ sung vitamin và muối khoáng, truyền đạm, kết hợp với điều trị một số triệu chứng thiếu máu, nhiễm khuẩn, hạ đường huyết và thân nhiệt.

Vitamin cho bà bầu
Khác với còi xương, trẻ bị suy dinh dưỡng thiếu rất nhiều loại khoáng chất cần thiết

3. Phân biệt còi xương và suy dinh dưỡng

Có thể dễ dàng phân biệt còi xương và suy dinh dưỡng dựa trên những yếu tố sau:

Ngoại hình của trẻ

Có trường hợp bé nhìn có vẻ chẳng những không suy dinh dưỡng, mà còn rất bụ bẫm và ăn ngủ tốt, tuy nhiên vẫn mắc bệnh còi xương. Ngược lại, một số trẻ khá còi cọc, thậm chí là bị suy dinh dưỡng nhưng lại hoàn toàn không bị còi xương.

Phương pháp điều trị

Bác sĩ chỉ định bổ sung vitamin D và canxi như là một biện pháp chữa trị duy nhất cho trẻ còi xương. Trong khi đó, tăng cường vitamin D và canxi là một trong số rất nhiều cách phổ biến giúp điều trị suy dinh dưỡng, chứ không phải là chủ yếu.

Nguyên nhân gây bệnh

Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cơ thể, cụ thể là trẻ có số đo về cân nặng lẫn chiều cao đều kém cỏi hơn những bạn cùng tuổi, có thể mắc luôn cả bệnh còi xương hoặc không.

Mặt khác, nguyên nhân của bệnh còi xương là do bé không được cung cấp đủ canxi và phốt pho để đáp ứng cho nhu cầu phát triển, dẫn đến xương bị tổn thương hoặc biến dạng. Bệnh còi xương thể bụ bẫm cũng xuất hiện vì nhu cầu sử dụng canxi và phốt pho của những đứa bé nặng cân này cao hơn bình thường.

Để cải thiện chứng còi xương và suy dinh dưỡng ở trẻ, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời, các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể cũng có thể áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy, cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan