Mụn nước li ti ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm?

Làn da của em bé rất mỏng và nhạy cảm, vì vậy dễ bị kích ứng. Một số tình trạng ngoài da phổ biến, trong đó có mụn nước li ti ở trẻ sơ sinh đang làm cho nhiều phụ huynh lo lắng. Nhưng thực tế, hầu hết trẻ sơ sinh mọc mụn nước là bình thường và vô hại.

1. Mụn nước li ti ở trẻ sơ sinh

Mụn của trẻ em không có đầu đen như người lớn, nhưng trông giống với mụn li ti ở tuổi thiếu niên. Bạn sẽ thấy các vết sưng hoặc chấm mụn, màu trắng hoặc đỏ, có da đỏ bao quanh. Mụn nước li ti ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện trên má, mí mắt và mũi, đôi khi trên trán, cằm, da đầu, cổ, lưng hoặc ngực.

Khoảng 20% ​​trẻ sơ sinh (chủ yếu là các bé trai) bị mọc mụn, có thể xuất hiện khi mới sinh và nổi nhiều hơn sau vài tuần. Trẻ sơ sinh mọc mụn nước thường hết sau vài tuần, nhưng cũng có thể tồn tại trong nhiều tháng. Tình trạng này không gây hại cho bé và hiếm khi để lại sẹo.

Một số ít trẻ sơ sinh mọc mụn nước muộn hơn, khoảng 6 tuần sau sinh, và có thể kéo dài đến sau 2 tuổi. Đây là một dấu hiệu cho thấy trẻ sẽ có nhiều mụn trứng cá trong những năm dậy thì, nếu bị mụn nặng có thể để lại sẹo.

2. Nguyên nhân gây mụn cho bé

Không có câu trả lời rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng mụn trẻ em có thể là phản ứng viêm đối với nấm men thông thường trên da hoặc do các hormone mà trẻ nhận được từ mẹ vào cuối thai kỳ. Nhưng các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu các yếu tố khác và vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Nếu bạn dùng một số thuốc trong khi cho con bú hoặc nếu bé phải dùng vài loại thuốc nhất định, cũng có thể gây ra mụn nước ở trẻ em. Trong một số trường hợp, mụn nước li ti ở trẻ sơ sinh có thể là phản ứng với sản phẩm chăm sóc da, đặc biệt là loại có dầu gây bít lỗ chân lông.

Mụn nước ở trẻ em có thể trầm trọng hơn do:

  • Trẻ bị nóng bức
  • Bé quấy khóc
  • Nước bọt hoặc dịch nôn trớ dính trên da
  • Vải thô cứng
  • Bột giặt tẩy mạnh.
Tình trạng quấy khóc do đầy hơi bụng của trẻ sau sinh (Colic)
Bé quấy khóc hay bị nóng đều có thể làm tình trạng mụn tồi tệ hơn

3. Điều trị mụn trứng của trẻ

Một số điều bạn có thể làm để kiểm soát mụn nước li ti ở trẻ sơ sinh là:

  • Rửa mặt cho trẻ bằng xà phòng nhẹ và nước ấm (hoặc chỉ nước ấm) mỗi ngày một lần. Sau đó vỗ nhẹ cho khô.
  • Mụn trứng cá, mụn nước ở trẻ em là vô hại và không gây khó chịu cho bé, vì vậy hãy cố gắng kiên nhẫn và không bận tâm quá mức.
  • Nhẹ nhàng lau sạch nước bọt và chất dịch nôn trớ dính trên mặt bé để tránh gây kích ứng da.
  • Một số bà mẹ đã thành công khi điều trị mụn nước li ti ở trẻ sơ sinh bằng sữa mẹ. Mặc dù không có nghiên cứu chứng minh, nhưng vì sữa mẹ có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm nên bạn cũng có thể thử.
  • Sử dụng các sữa tắm cho bé không mùi, vì mùi hương có thể làm nặng thêm tình trạng mụn của bé.
  • Giặt đồ của trẻ sơ sinh bằng bột giặt nhẹ, không mùi. Làn da mỏng manh của bé dễ dàng bị kích ứng bởi hóa chất.
  • Mặc cho bé những loại vải mềm mại, không gây kích ứng làn da mỏng manh của bé.

Một số điều KHÔNG nên làm với mụn trứng cá, mụn nước ở trẻ em:

  • Không lạm dụng chà rửa, bởi nguyên nhân gây mụn trẻ em không phải là do chất bẩn. Trên thực tế, việc rửa quá nhiều có thể làm da bé bị kích ứng thêm
  • Không sử dụng thuốc trị mụn không kê đơn. Thông thường mụn trẻ em không cần dùng thuốc, nhưng nếu có, bác sĩ sẽ đề nghị một loại kem chống nấm an toàn cho con bạn.
  • Đừng bôi kem dưỡng ẩm lên da bé, nếu không tình trạng mụn sẽ trở nên tồi tệ hơn. Một số cha mẹ cho biết kem không chứa dầu sẽ giúp bé hết mụn. Nếu muốn thử, hãy theo dõi ảnh hưởng trên làn da của bé và ngừng sử dụng nếu tình trạng tồi tệ hơn.
  • Đừng bóp hoặc nặn mụn để tránh gây nhiễm trùng hoặc kích ứng.
Kem dưỡng
Hãy nhớ tuyệt đối không bôi kem dưỡng ẩm lên da bé nếu không tình trạng mụn sẽ tệ hơn

4. Những vấn đề khác về da của trẻ sơ sinh

Những nốt sần li ti của bé không phải lúc nào cũng là mụn trứng cá, mà cũng nhiều khả năng là do các vấn đề về da khác, như:

  • Phát ban do nhiệt: Khi thời tiết nóng hoặc ẩm thấp, mồ hôi có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông của bé và gây ra các mụn đỏ li ti trên ngực, vai và vùng ngấn như nách, khuỷu tay, cổ và bẹn. Phát ban nhiệt thường biến mất mà không cần điều trị. Để tránh tình trạng này, hãy cố gắng giữ cho bé không bị quá nóng, đồng thời cho bé mặc quần áo cotton rộng rãi vào mùa hè và tránh mặc thêm quá nhiều lớp trong thời tiết lạnh.
  • Mụn thịt: Những nốt mụn nhỏ li ti màu trắng này là các tế bào da chết và bị mắc kẹt dưới bề mặt da. Chúng xuất hiện ở khoảng 40 - 50% trẻ sơ sinh và tự biến mất trong vòng vài tuần. Mụn thịt là vô hại, không liên quan đến mụn trứng cá và không cần điều trị.
  • Bệnh chàm: Những mảng mẩn đỏ này xuất hiện trên mặt, nhưng cũng có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Nếu bị nhiễm trùng, vết chàm có thể có vảy và chuyển sang màu vàng, hoặc phồng rộp và chảy nước. Bệnh chàm thường gặp hơn ở trẻ sơ sinh có tiền sử gia đình bị dị ứng hoặc bị chàm. Cần giữ ẩm cho da của trẻ và mặc quần áo bằng vải cotton rộng rãi. Nếu chàm không biến mất và gây khó chịu cho bé, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị.
  • Erythema toxum: Được gọi là ban đỏ độc tố ở trẻ sơ sinh, thường xuất hiện vào ngày thứ 2 sau sinh, hoặc cũng gặp phải khi mới sinh hoặc trong vài tuần đầu tiên. Các nốt sần cứng, màu đỏ (đôi khi màu trắng hoặc vàng) xuất hiện trên mặt, ngực hoặc tay chân. Bệnh rất phổ biến, gặp phải khoảng 50% trẻ sơ sinh, thường tự xuất hiện và dần biến mất mà không cần điều trị trong khoảng 1 tuần.
  • Viêm da tiết bã nhờn: Những mảng vảy màu vàng nhạt trên da đầu của trẻ được gọi là viêm da tiết bã. Tình trạng này thường xuất hiện trong khoảng từ 3 tuần đến 12 tháng sau khi sinh. Mặc dù sẽ tự biến mất mà không cần điều trị, nhưng bạn có thể giúp làm mềm vảy bằng cách nhẹ nhàng xoa bóp với ít dầu tự nhiên, sau đó chải nhẹ và rửa sạch bằng dầu gội dành cho trẻ em. Viêm da tiết bã nhờn cũng có thể xuất hiện trên các ngấn của em bé (nách, cổ, sau tai, trán, lông mày hoặc vùng quấn tã).
Sốt phát ban ở trẻ điều trị thế nào? Cách chăm sóc trẻ sốt phát ban tại nhà
Những nốt sần li ti trên da bé cũng có thể là biểu hiện của một số loại bệnh khác như phát ban, viêm da tiết bã,...

5. Khi nào nên khám bác sĩ?

Nếu trẻ sơ sinh mọc mụn nước không hết trong vòng vài tháng, hoặc nếu bạn quá lo lắng, hãy hỏi bác sĩ trong lần thăm khám sức khỏe cho trẻ. Bác sĩ sẽ kiểm tra, loại trừ nguyên nhân tiềm ẩn gây ra mụn (trường hợp này hiếm gặp) và đề nghị một loại thuốc bôi nhẹ để giúp làm sạch mụn nếu tình trạng nặng hoặc kéo dài.

Nếu mụn của trẻ có mủ hoặc bị viêm, hoặc mọc mụn đầu đen, hãy đến gặp bác sĩ ngay. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu trẻ sơ sinh mọc mụn nước hoặc phát ban sau khi dùng thuốc hay bị ốm (do nhiễm virus), hãy cho bác sĩ biết để kịp thời xử lý.

Ngoài ra, nếu trẻ mọc mụn sau 6 tuần tuổi, hãy đến gặp bác sĩ để loại trừ nhiễm trùng da, chàm hoặc một số vấn đề về da khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

188.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan