Mẹo chăm và theo dõi con ở tháng tuổi thứ 17

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Ở tháng tuổi thứ 17 bé đã bắt đầu hình thành tính cách và một số đặc điểm nhất định. Mẹ có thể giúp bé phát triển trí thông minh thông qua các hoạt động hàng ngày hoặc cần học cách xử lý nếu bé gặp tình trạng dị ứng nào đó. Mẹ cũng cần học cách cân bằng tâm lý và giải tỏa căng thẳng do quá trình chăm sóc bé.

1. Mẹo giúp bé tăng cường trí não

Đọc sách là 1 hoạt động tuyệt vời giúp bé phát triển trí não. Cho dù bạn và bé đang ở bất kỳ nơi đâu, mẹ vẫn có thể đọc sách cho bé nghe. Có thể là trên chiếc giường ngủ ấm cúng cũng có thể là trong phòng khách, hoặc trong thư viện. Những quyển sách sẽ kích thích trí tò mò của con bạn và cũng giúp bé xây dựng vốn từ vựng vô cùng phong phú.

Nếu bé của bạn khó có thể tập trung và không thể ngồi lâu để nghe hết 1 câu chuyện, bạn hãy tìm các cách sáng tạo để thu hút sự chú ý của trẻ. Ví dụ mẹ hãy cố gắng thay đổi giọng đọc khác nhau khi đọc truyện cho bé. Hoặc mẹ có thể đọc truyện cho bé bằng cách chơi các trò đóng vai bằng các nhân vật đồ chơi ngộ nghĩnh mà bé đang có trong nhà. Bé sẽ tỏ ra vô cùng thích thú với trò chơi này đó.

Thúc đẩy trí tò mò của bé là cách tốt nhất để kích thích trí tuệ của trẻ phát triển. Mẹ hãy lấy ra những cây bút chì màu, viết nguệch ngoạc lên một tờ giấy như một tác phẩm nghệ thuật. Mẹ hãy hát cho bé nghe, chỉ cho bé phân biệt nước ấm và nước lạnh, cùng bé đi dạo đến sân chơi, nói chuyện cùng bé về các sự việc gặp thấy trên đường đi. Tất cả những việc làm này tuy nhỏ nhưng rất tốt cho sự phát triển về não bộ của trẻ và kích thích khả năng ngôn ngữ ở trẻ.

đọc sách cho trẻ em
Đọc sách là hoạt động tuyệt vời giúp trẻ tăng cường trí não

2. Thực phẩm và tình trạng dị ứng theo mùa của trẻ

Các triệu chứng dị ứng ở bé sẽ bao gồm ngứa, nổi mề đay, sưng mũi, chảy nước mũi, hắt hơi và ngứa mắt. Các phản ứng dị ứng cấp có thể dẫn tới các vấn đề về tiêu hóa, hô hấp, buồn nôn, nôntiêu chảy.

Nếu bạn thấy bé có các triệu chứng của dị ứng thì việc quan sát và ghi chép lại có thể giúp bác sĩ rất nhiều trong việc chẩn đoán nguyên nhân gây ra dị ứng của con. Bạn cần lưu ý xem bé có bị dị ứng theo mùa hay không, dị ứng do thời tiết nóng hay lạnh hay không, bé có dị ứng sau khi tiếp xúc với động vật hoặc sau khi bé ăn một loại thức ăn nhất định, hoặc uống một loại thuốc nhất định hay không. Các thông tin này sẽ giúp bác sĩ bước đầu xác định được nguyên nhân nghi ngờ gây ra dị ứng ở con bạn.

Khi biết rõ các nguyên nhân dẫn đến dị ứng ở trẻ, mẹ cần lên kế hoạch giảm thiểu các nguy cơ dị ứng đó. Ví dụ như nếu bé bị dị ứng với bụi hoặc một số tác nhân trong không khí, mẹ có thể sử dụng bộ lọc không khí hoặc loại bỏ các tấm thảm trong phòng bạn, tắm cho bé sau khi đi từ ngoài trời về. Nếu bé bị dị ứng dẫn đến chảy nước mắt thì mẹ có thể tra nước mắt nhân tạo cho bé mỗi khi bé đi chơi ngoài trời về hoặc khi bé tiếp xúc các kháng nguyên gây ra phản ứng dị ứng. Bác sĩ có thể sẽ kê đơn một số loại thuốc dị ứng thông thường để giúp bé thấy dễ chịu hơn mỗi khi gặp tình trạng dị ứng.

Nếu con bạn phải vật lộn với dị ứng nghiêm trọng hơn - như dị ứng thực phẩm nghiêm trọng - một bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu sẽ hướng dẫn bạn làm thế nào để cảnh giác khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng và hướng dẫn bạn cách điều trị phản ứng dị ứng nguy hiểm ở trẻ, bao gồm cả các xử trí ban đầu trong trường hợp bé bị sốc phản vệ.

Trẻ dị ứng thức ăn
Cha mẹ nên lưu ý các thực phẩm và tình trạng dị ứng theo mùa của trẻ

3. Làm thế nào đối phó với căng thẳng và cảm thấy tốt hơn

Tiếng khóc của trẻ, tiếng điện thoại reo, ai đó gọi cửa và bạn thì cần đến cửa hàng gấp vì trong nhà chỉ còn 1 chiếc tã duy nhất cho em bé. Tất cả những việc đó khiến bạn rơi vào cảm giác stress và dường như chỉ muốn phát điên lên. Hãy nói chuyện với ai đó nếu bạn cảm thấy mệt mỏi. Và bạn hãy thử những biện pháp dưới đây:

  • Sử dụng âm nhạc làm thư giãn, tắm nước nóng hoặc mát-xa, ngồi thiền hoặc cầu nguyện, chạy bộ hoặc hít thở sâu có thể giúp bạn bình tĩnh và cân bằng hơn.
  • Đừng đánh giá thấp việc ăn uống tốt và tập thể dục thường xuyên để hỗ trợ tâm trạng và giảm căng thẳng sau sinh. Hoặc đơn giản chỉ cần đẩy xe dạo xung quanh cùng với em bé của bạn cũng có thể giúp tâm trạng của bạn trở nên tốt hơn.
  • Nên nhớ đừng bao giờ ép mình trở thành một người vợ, người mẹ hoặc người nội trợ hoàn hảo – ngay cả khi phòng khách của bạn có một chút bụi bặm hay lộn xộn với đống đồ chơi của em bé, hãy học cách vui vẻ và cho bản thân mình nghỉ ngơi.
  • Yêu cầu giúp đỡ: nếu chồng bạn không phải là người tâm lý vậy bạn hãy nói chuyện với anh ấy xem làm thế nào để có thể giảm bớt căng thẳng cho bạn. Nếu bạn cần chút thời gian ban ngày cho riêng mình, hãy để bà chơi cùng với bé trong vài giờ. Hoặc tìm một bà mẹ khác cùng có con nhỏ và hai bạn có thể trao đổi việc trông trẻ trong vài giờ. Việc này sẽ rất thú vị và tiện lợi. Trẻ con có bạn để chơi cùng và hai người mẹ lại có thêm thời gian cho bản thân.
Ngồi thiền
Bạn nên áp dụng các biện pháp tập luyện và thư giãn để giảm bớt căng thẳng khi trông trẻ
  • Làm đơn giản hóa không gian xung quanh, càng ít đồ đạc càng tốt.
  • Tiếng cười hài hước: hãy cố gắng tạo ra tiếng cười và thái độ lạc quan tích cực. Điều đó có thể giúp ích rất nhiều cho tâm trí của bạn. Nếu bạn cảm thấy rất căng thẳng và mọi biện pháp đều không giúp ích. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về điều đó.

Giai đoạn trẻ 17 tháng tuổi có những phát triển quan trọng trong cuộc đời đặc biệt là về ngôn ngữ, nhận thức và não bộ. Vì vậy, cha mẹ nên biết một chút kiến thức, kỹ năng giúp bé phát triển ngôn ngữ, nâng cao vốn từ vựng cho bé hiệu quả. Ngoài ra, đừng quên chăm sóc răng miệng cho bé đúng cách và quan tâm đến chế độ dinh dưỡng giúp bé phát triển toàn diện ở giai đoạn này. Đừng quên trò chuyện với bé thật nhiều điều và thể hiện tình cảm với bé nhiều hơn để bé phát triển về tinh thần tốt nhất.

Ngoài ra, trẻ 17 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: parents.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

191 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan