Mất nhiều vitamin khi bị ốm, trẻ có thể biếng ăn

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Vitamin có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Thiếu vitamin có thể được xem như nguyên nhân khiến trẻ thường xuyên ốm vặt, tình trạng dinh dưỡng của trẻ có thể ở mức báo động như thấp còi, gầy còm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trong từng giai đoạn phát triển.

1. Ý nghĩa của vitamin

Vitamin thuộc nhóm hợp chất hữu cơ mà tế bào người cũng như động vật không thể tự tổng hợp được trừ vitamin D. Vitamin có mặt trong các loại thức ăn, tuỳ loại thức ăn mà hàm lượng vitamin và cấu trúc của các vitamin hoàn toàn khác với các chất dinh dưỡng như protein, lipid, glucid... nhưng nó lại rất cần thiết cho các phản ứng chuyển hóa giúp duy trì sự phát triển cũng như sự sống bình thường của cơ thể. Tùy loại vitamin bị thiếu hụt mà cơ thể con người, đặc biệt là trẻ em sẽ có những biểu hiện bằng những bệnh lý khác nhau.

Dựa vào tính chất hoà tan trong nước hay hoà tan trong dầu mà các vitamin được sắp xếp thành hai nhóm chính:

Ngoài ra, còn tùy thuộc vào giới tính và giai đoạn phát triển thì nhu cầu cung cấp vitamin khác nhau. Sự thiếu vitamin có thể do nhiều nguyên nhân và đồng thời thiếu nhiều loại vitamin cùng một lúc. Do vậy, trong quá trình điều trị cần phải tìm nguyên nhân và phối hợp nhiều loại vitamin khác nhau.

Hơn nữa do cơ thể không thể tự tổng hợp vitamin được nên việc sử dụng thực phẩm giàu hàm lượng vitamin để bổ sung cho cơ thể nên được thực hiện đúng đắn nhằm cung cấp đầy đủ và cân bằng dưỡng chất theo nhu cầu khuyến nghị. Ngoại trừ vitamin D có hàm lượng ít trong thực phẩm, chủ yếu được hấp thụ qua da bởi ánh sáng mặt trời.

Đối với trẻ em trong một số trường hợp có thể cần bổ sung vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin bởi vì khi trẻ bị ốm thì khả năng những chất này sẽ hao hụt và gây ra cho trẻ những ảnh hưởng đáng kể trong sự phát triển. Những trẻ có tình trạng bệnh lý hoặc dinh dưỡng bất hợp lý như suy dinh dưỡng, biếng ăn, chậm lớn, các bệnh do nhiễm khuẩn, ho, tiêu chảy, béo phì... rất cần thiết được bổ sung vitamin để giúp quá trình chuyển hoá cơ thể được tốt hơn.

2. Biếng ăn ở trẻ và nguyên nhân chính của tình trạng này

Tình trạng biếng ăn ở trẻ có thể có nhiều dấu hiệu cũng như triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn tình trạng này thì cha mẹ cần biết rõ nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.

  • Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ biếng ăn là do thiếu ăn và đặc biệt thiếu vi chất dinh dưỡng ngay từ khi trẻ trong bụng mẹ, dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng bào thai.
  • Nguyên nhân thứ hai là do trẻ bị ốm liên tục, đồng thời mắc cách bệnh mãn tính do nhiễm khuẩn, nhiễm virus đường hô hấp, hệ tiêu hóa khiến cho hàm lượng vi chất dinh dưỡng, vitamin mất đi rất lớn. Mất và thiếu vitamin phải kể đến là vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B, magie, vitamin B6, sắt hoặc thiếu kẽm, mất kẽm gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ. Hơn nữa, khi trẻ bị nhiễm khuẩn thường sẽ được sử dụng kháng sinh dẫn đến tình trạng loạn khuẩn đường ruột cùng với các tổn thương thực thể tại hệ tiêu hoá, nên trẻ có thể bị chướng bụng, khó tiêu, dẫn đến tình trạng biếng ăn trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, tình trạng này của trẻ còn có thể do các nguyên nhân khác như cho trẻ ăn dặm quá sớm, thức ăn không hợp với khẩu vị của trẻ hoặc có thể do tình trạng tâm lý.

Thiếu kẽm
Có nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ biếng ăn như mất kẽm, thiếu vitamin

3. Tác hại của việc thiếu vitamin ở trẻ

3.1. Tác hại của việc thiếu vitamin A

Vitamin A có tác dụng bảo vệ mắt, chống hiện tượng quáng gà và các bệnh liên quan đến mắt như khô mắt. Ngoài ra, vitamin A còn có vai trò giúp sự phát triển bình thường của xương, răng đồng thời bảo vệ niêm mạc và da, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, từ đó giúp chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.

Khi thiếu vitamin A có thể gây ra các triệu chứng như: Khô mắt, có thể mù vĩnh viễn, giảm khả năng miễn dịch, trẻ chậm lớn. Thiếu vitamin A kéo dài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của trẻ sau này.

Những thực phẩm giàu vitamin A bao gồm:

  • Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như gan, thịt , trứng, chế phẩm từ sữa...
  • Thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật thường có ở các loại quả có màu vàng, đỏ như cà chua, cà rốt, đu đủ chín, rau có lá màu xanh đậm - rau ngót, rau muống, rau dền..., các loại dầu thực vật thường được bổ sung vitamin A.

3.2. Tác hại của việc thiếu vitamin C

Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại các nhiễm khuẩn và làm vết thương mau lành hơn. Nguyên nhân thiếu vitamin C có thể do sữa mẹ thiếu và không cung cấp đủ sữa cho trẻ; ăn thiếu rau xanh, trái cây tươi; ăn thức ăn nấu quá chín làm hao hụt hàm lượng vitamin C trong thực phẩm hoặc trẻ bị nhiễm khuẩn, rối loạn tiêu hoá...

Thiếu vitamin C thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, biểu hiện qua xuất huyết dưới da và niêm mạc như chảy máu nướu, chảy máu cam, men răng kém hay bị sún răng. Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm rau xanh, quả tươi như cam, chanh, quýt, bưởi, cà chua, bông cải xanh, xoài,..

3.3. Tác hại của việc thiếu vitamin D

Nhằm giúp cơ thể trẻ sử dụng tối ưu khoáng chất canxi và phospho thì cần bổ sung vitamin D. Vitamin D cũng giúp hình thành và duy trì hệ xương răng vững chắc. Thiếu vitamin D sẽ kéo theo thiếu các vi chất khác. Cụ thể, muốn canxi được hấp thu và sử dụng tốt thì cơ thể cần phải có đủ vitamin D, nếu không, có khi cho dù trẻ có ăn uống đầy đủ nhu cầu canxi nhưng trẻ vẫn bị thiếu canxi do không được hấp thu dẫn đến tình trạng còi xương ở trẻ. Vì vậy, khi trẻ còi xương có thể nghĩ ngay đến nguyên nhân do thiếu vitamin D.

Như vậy nếu trẻ được nuôi dưỡng không đầy đủ hoặc không hợp lý cùng với không gian chật chội tối tăm và không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thì trẻ rất dễ có nguy cơ còi xương, chậm mọc răng.

Nguồn dinh dưỡng vitamin D trong thực phẩm tự nhiên rất ít. Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua các loại thực phẩm có hàm lượng vitamin D tốt như gan cá (đặc biệt cá biển), trứng gà... Ngoài ra, nguồn cung cấp vitamin D tốt nhất do ánh sáng mặt trời được da của cơ thể tổng hợp từ tiền vitamin D thành vitamin cho cơ thể sử dụng.

Biếng ăn
Mất kẽm, thiếu vitamin có thể gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ

3.4. Tác hại của việc thiếu vitamin B

Nếu trong cơ thể trẻ giảm vitamin B1 có thể dẫn đến tình trạng ăn không tiêu, dễ bị tiêu chảy, tuần hoàn kém hay lo lắng, thậm chí có thể gây bệnh tê phù - beriberi. Nguồn thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin B1 tốt bao gồm hạt ngũ cốc, lúa mì, yến mạch, thịt, gan và tim. Hơn nữa trong quá trình chế biến không nên nấu chín kỹ thức ăn vì có thể bị hao hụt vitamin B1.

Tình trạng thiếu vitamin PP (B3) thường gặp ở trẻ ăn bột, ăn ngô hoặc trẻ ở tập thể không được ăn đầy đủ hoặc có thể trẻ có những triệu chứng của dấu hiệu rối loạn tiêu hoá mãn tính. Trẻ thiếu vitamin PP có thể sẽ xuất hiện triệu chứng liên quan đến tiêu chảy, phân giống như nhầy mũi hoặc có máu trị hay bị viêm miệng và lưỡi, đồng thời trẻ rất khó ngủ. Thực phẩm giàu hàm lượng vitamin PP bao gồm các sản phẩm lên men hoặc thịt, cá cũng giàu hàm lượng vitamin PP. Ngoài ra, còn kể đến gan, ngũ cốc thô, các loại hạt, đậu...

Thiếu vitamin B6 có thể gây nên tình trạng rụng tóc ở trẻ, mệt mỏi, chậm ngủ và chậm lành vết thương.

Chức năng của vitamin B12 có vai trò giúp điều hòa chuyển hóa đạm, tăng cường tạo hồng cầu, làm hẹ tỷ lệ cholesterol, ngoài ra còn giúp chống dị ứng, giảm đau... Thực phẩm giàu vitamin B12 bao gồm: gan, thịt bò, trứng, pho mát, sữa, thận...

Tóm lại, vitamin có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Thiếu vitamin có thể được xem như nguyên nhân khiến trẻ thường xuyên ốm vặt, tình trạng dinh dưỡng của trẻ có thể ở mức báo động như thấp còi, gầy còm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trong từng giai đoạn phát triển. Vì vậy, phụ huynh cần bổ sung đủ vitamin cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng.

Bé cũng cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt cũng như ít gặp các vấn đề tiêu hóa. Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

Để có thêm kiến thức về việc chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, bạn hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng khi cần tư vấn nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan