Lấy ráy tai cho trẻ - Những điều cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Ráy tai là chất bảo vệ tai khỏi các bụi bẩn và dị vật. Nhưng nếu trẻ có ráy tai nhiều hơn mức thông thường có thể sẽ dẫn đến lỗ tai của trẻ bị chặn và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vậy khi nào thì nên lấy ráy tai cho trẻ và lấy như thế nào là đúng?

1. Đặc điểm cấu tạo của tai

Tai được cấu thành bởi ba vùng là tai ngoài, tai giữa và tai trong, nhưng tất cả các hoạt động vệ sinh tai chỉ thực hiện ở phần tai ngoài.

Tai ngoài gồm có vành tai có chức năng dẫn truyền sóng âm vào ống tai. Ống tai dài khoảng 2,5cm và có một lớp lông cứng ngăn chặn các vật lạ vào trong tai. Phần cuối của ống tai là màng nhĩ. Sự thay đổi áp lực không khí sẽ làm cho sóng âm của màng nhĩ rung lên để nghe âm thanh.

Vậy ráy tai là gì?

Ráy tai là chất bôi trơn tự nhiên được xem như là lá chắn bảo vệ lỗ tai trong khỏi vi trùng. Ráy tai cũ thường xuyên được đẩy ra ngoài ống tai và rơi ra ngoài sau khi bị khô và bong tróc. Các tế bào trong lỗ tai rất dễ bị trầy xước và nếu vệ sinh tai không cẩn thận thì có thể gây ảnh hưởng xấu đến tai. Trẻ ở giai đoạn tập đi hoặc lớn hơn thường có nhiều ráy tai hơn mức bình thường gây cản trở cho việc nghe của trẻ.

Viêm tai giữa mạn tính
Giải phẫu ống tai của con người

Khi nào thì nên lấy ráy tai cho trẻ?

Ráy tai nhiều bất thường có thể khiến trẻ khó chịu, nghe kém, cảm giác bị ù tai, ngứa tai, chảy dịch và có mùi hôi khó chịu trong lỗ tai. Ngoáy tai để loại bỏ ráy tai dư thừa là việc cần thiết nhưng phải cẩn thận để tránh gây ra các tổn thương nghiêm trọng cho tai. Ráy tai có 3 dạng ướt, khô và cứng. Trong điều kiện bình thường, trẻ không cần phải lấy ráy tai.

2. Hướng dẫn cách lấy ráy tai cho trẻ

Không dùng các vật cứng như que nhựa có quấn bông, ngón tay, các vật kim loại để lấy ráy tai cho trẻ vì những dụng cụ này có thể gây tổn thương cho tai và làm cho ráy tai bị chèn sâu hơn và bịt kín màng nhĩ của trẻ.

Để tránh gây ra bất cứ tổn thương cho trẻ, dụng cụ và cách thức lấy ráy tai cho trẻ như sau:

  • Dùng khăn bông mỏng, mềm thấm nhẹ xung quanh vành tai của trẻ.
  • Xoắn nhẹ một góc của chiếc khăn và từ từ đưa vào bên trong tai của trẻ. Ráy tai sẽ theo đường xoắn của khăn để đi ra ngoài. Vì khăn bông mềm nên sẽ không gây hại đến màng tai của trẻ mà ráy tai vẫn được lấy sạch.

Cần lưu ý khi tai trẻ bị trầy xước hoặc đang bị viêm thì đặc biệt không dùng bông ráy tai hay bất cứ dụng cụ lấy ráy tai khác để ngoáy tai vì nó sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tai của trẻ.

Cách lấy ráy tai cho trẻ
Các mẹ sử dụng khăn bông mỏng

3. Vệ sinh tai hằng ngày cho trẻ

  • Trẻ dưới 36 tháng: Dùng khăn mềm có thấm nước và lau nhẹ vành tai ngoài của trẻ.
  • Trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên: Vệ sinh bên ngoài vành tai hằng ngày cho bé. Thực hiện vệ sinh tai cho trẻ tại các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn khi bé bị đọng ráy tai quá nhiều.

4. Dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám khi bị ráy tai nhiều bất thường

Có một số trường hợp trẻ bị ráy tai quá nhiều dẫn đến loét hoặc viêm da ống tai ngoài. Đối với những trường hợp này, trẻ thường cảm thấy đau tai và rất đau khi lấy ráy tai nên trẻ sẽ khóc to khi lấy ráy tai.

Nếu trẻ bị nút ráy tai hoặc ráy tai nhiều, đóng cứng, cần phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để lấy ráy tai. Sau khi đã lấy được cục ráy thì trẻ không nên lấy ráy tai hằng ngày mà chỉ nên rửa tai 1 lần/tháng vì nếu rửa nhiều sẽ làm trôi mất lớp ráy tai bảo vệ màng nhĩ của trẻ

Viêm tai
Khi thấy tai trẻ xuất hiện bất thường cha mẹ nên đưa trẻ đi khám

5. Làm gì khi trẻ có nút ráy tai?

Ở một số trẻ hẹp ống tai, tuyến bài tiết ở ống tai bị rối loạn hoặc do quá trình vệ sinh tai cho trẻ chưa đúng cách dẫn đến bài tiết nhiều ráy tai hơn mức bình thường và chúng không được đẩy ra ngoài mà nằm sâu bên trong tại thành nút ráy tai.

Khi đó, trẻ cần phải được lấy các nút ráy tai ra ngoài để tránh hiện tượng ứ đọng ráy tai gây ra viêm tai ngoài dẫn đến ù tai hoặc khả năng nghe của trẻ kém đi làm cho trẻ khó chịu. Việc lấy nút ráy tai cho trẻ nên được thực hiện ở các cơ sở y tế để đảm bảo không gây bất cứ tổn thương nào cho tai của trẻ.

Trong trường hợp phải lấy nút ráy tai cho trẻ tại nhà, phụ huynh có thể lấy nút ráy tai cho trẻ bằng dung dịch clorua natri 0,9% để nhỏ vào tai với liều lượng từ 3 – 5 lần/ngày, từ 10 – 20 giọt/lần để cho nút ráy tai được mềm đi, rã ra. Theo dõi từ 5 – 7 ngày, nếu ráy tai chỉ mềm đi mà không rã ra thì phụ huynh nên đưa bé đến cơ sở y tế để lấy hoặc hút ra.

6. Lưu ý đối với việc xử lý ráy tai cho trẻ

  • Ráy tai là chất bảo vệ tai tự nhiên của trẻ, nó như một chất làm sạch giúp bôi trơn ống tai. Có ráy tai là hoàn toàn bình thường, nhưng giữ cho tai sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Ráy tai sẽ trở nên đáng lo ngại khi nó được bài tiết với tốc độ nhanh và nhiều hơn mức bình thường dẫn đến trẻ có cảm giác khó chịu, nghe kém, đau hoặc ngứa tai.
  • Lấy ráy tai cho trẻ cần được chuẩn bị kỹ càng và nên tới các cơ sở y tế thực hiện để đảm bảo an toàn.
  • Có thuốc nhỏ giúp làm tan ráy tai, nhưng cần được bác sĩ kê đơn. Cho trẻ nằm nghiêng, để bên tai bị ảnh hưởng hướng lên trên và sau đó nhỏ thuốc.
  • Lấy ráy tai cho trẻ bằng tăm bông sẽ gây tổn thương cho màng nhĩ.
Khám nhi, khám trước tiêm phòng vacxin
Định kỳ kiểm tra sức khỏe cho bé là việc làm cần thiết

Việc vệ sinh tai đúng cách sẽ giúp bé tránh mắc phải những vấn đề về tai nguy hiểm, trong đó có viêm tai giữa. Nếu bé có những biểu hiện như đau tai, tai có mủ thì bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế khám sớm nhất có thể để được bác sĩ khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan