Làm thế nào khi trẻ bị đau tăng trưởng?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Một số trẻ trong quá trình phát triển thường xuyên kêu đau chân, đặc biệt là vào buổi tối khiến cho cha mẹ rất lo lắng. Tuy nhiên, sau khi tiến hành thăm khám thì bác sĩ chẩn đoán trẻ không gặp phải bất kỳ vấn đề gì hay sự tổn thương nào mà đó có thể chỉ là các cơn đau nhức tăng trưởng thường gặp ở tuổi dậy thì.

1. Đau tăng trưởng là gì?

Đau tăng trưởng ở trẻ là tình trạng đau chi tái phát và tự giới hạn, các cơn đau thường diễn ra thường xuyên và nhiều hơn về ban đêm khiến cho bản thân đứa trẻ và cha mẹ không thể lý giải hay biết được nguyên nhân gây đau là gì.

Chứng đau nhức tăng trưởng lần đầu được mô tả trong y văn vào năm 1823 và có sự lẫn lộn với chứng thấp khớp, mãi cho đến giai đoạn 1930 - 1945 thì chứng đau nhức tăng trưởng mới được phân biệt khỏi nhóm bệnh lý thần kinh và thấp khớp.

Trẻ bị đau tăng trưởng thường không rõ vị trí và đau nhiều về đêm, mỗi đợt đau thường kéo dài vài ngày rồi hết, sau đó lại tái diễn. Trẻ có thể bị đau nhẹ gây cảm giác khó chịu thoáng qua hoặc đau dữ dội. Mặc dù không phải bệnh lý gì nghiêm trọng nhưng chứng đau tăng trưởng ở trẻ vẫn khiến cha mẹ lo lắng. Nhiều trường hợp còn tưởng con giả vờ đau vì chỉ đau ban đêm và cứ đến sáng thì hết. Thay vì nghi ngờ trẻ, hãy ở bên chăm sóc và giúp trẻ cảm thấy yên tâm hơn, đồng thời việc bổ sung đầy đủ các chất trong giai đoạn này cũng sẽ giúp trẻ giảm bớt triệu chứng đau nhức tay chân hiệu quả.

2. Đau xương tăng trưởng trẻ xảy ra trong giai đoạn nào?

Chứng đau xương tăng trưởng ở trẻ thường xảy ra từ giai đoạn trẻ được 3 tuổi đến khi dậy thì. Tuy nhiên, đau sẽ rõ nhất trong giai đoạn từ 3 đến 5 tuổi và 8 đến 12 tuổi.

Sở dĩ xảy ra tình trạng đau xương tăng trưởng ở trẻ là do quá trình trẻ phát triển nhanh sẽ làm cho phần gánh vác của chân nặng lên và đầu xương chi dưới bị xung huyết, một số yếu tố khiến trẻ bị đau xương tăng trưởng chính là:

  • Do trẻ có sự phát triển nhanh hơn so với lứa tuổi khiến cho hệ cơ và xương không phát triển cùng nhịp.
  • Do trẻ bị thiếu canxi gây ra sự rối loạn co cơ dẫn đến đau cơ khớp.
  • Trẻ thừa cân, béo phì
  • Hoạt động quá nhiều hoặc bị va đập

Trẻ bị đau nhức tăng trưởng sẽ có biểu hiện như đau mặt trước của đùi, đau sau gối, đau bắp chân, cơn đau xảy ra ở các cơ, thường đau vào buổi tối...

Làm thế nào khi trẻ bị đau tăng trưởng?
Đau xương tăng trưởng trẻ xảy ra trong giai đoạn trẻ thừa cân, béo phì

3. Làm thế nào khi trẻ bị đau nhức tăng trưởng?

Đau tăng trưởng ở trẻ là tình trạng khá phổ biến, báo động trình trạng trẻ không được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng để đáp ứng cho nhu cầu phát triển rất nhanh của hệ xương. Mọi sự quan tâm, chăm sóc và xử lý không đúng trong giai đoạn này sẽ không những không giúp trẻ vơi bớt cảm giác đau nhức khó chịu mà còn khiến cho hệ xương phát triển không đồng bộ và nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp.

Khi chẩn đoán được trẻ bị đau tăng trưởng, bác sĩ sẽ giải thích cho gia đình hiểu về căn bệnh này để giúp giảm bớt những lo lắng và lo sợ không cần thiết.

Chứng đau xương tăng trưởng ở trẻ có thể điều trị bằng một số loại thuốc giảm đau cấp tính như ibuprophen, acetaminophen...Ngoài ra, Naproxen cũng là một thuốc có tác dụng giảm đau kéo dài mà có thể sử dụng cho trẻ sau bữa ăn tối để giúp trẻ có giấc ngủ tốt, tuy nhiên không nên lạm dụng loại thuốc này quá vài ngày.

Đặc biệt, cha mẹ có thể giúp trẻ giảm bớt sự đau đớn, khó chịu khi mắc phải chứng đau nhức tăng trưởng bằng cách:

  • Chườm ấm, massage
  • Cho trẻ hoạt động vừa phải
  • Giúp trẻ luyện tập các bài tập giúp căng cơ
  • Theo dõi cơn đau thường xuyên
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học với sự cân đối đủ 4 nhóm thực phẩm và đa dạng các thực phẩm giàu canxi, vitamin...

Tóm lại, đau nhức tăng trưởng ở trẻ là chứng có thể gặp phải ở bất kỳ đứa trẻ nào, mặc dù không nguy hiểm nhưng để có thể đồng hành cùng trẻ trong giai đoạn phát triển đầu đời thì cha mẹ cần chủ động tìm hiểu các kiến thức và biện pháp giảm đau để giúp trẻ bớt đi nỗi khó chịu.Tốt nhất nên đưa trẻ đi khám để có thể chẩn đoán chính xác và điều trị đúng cách,tránh tự chẩn đoán vì có thể nhầm lẫn với các bệnh xương khớp hay ác tính khác, dẫn đến điều trị sai cách.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Minh Tuấn đã có trên 27 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa. Bác sĩ nguyên là Phó khoa Nhi Tổng hợp - Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng trước khi là Bác sĩ Nhi tại khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng như hiện nay

Để đăng ký khám và điều trị với các bác sĩ Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, quý khách hàng vui lòng nhấp vào nút “Liên hệ” trên website hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

93.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan