Khe hở môi hàm trên thường gặp bên nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Trần Tuyến - Bác sĩ Ngoại Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tình trạng khe hở môi làm thay đổi cấu trúc giải phẫu, hình thể thẩm mỹ của khuôn mặt, gây ra nhiều hậu quả đặc biệt là các rối loạn chức năng về ăn uống, hô hấp, phát âm của trẻ nhỏ, ảnh hưởng tâm lý nặng nề đến người bệnh, gia đình. Khe hở môi hàm có nhiều dạng trong đó thường gặp là khe hở môi hàm trên.

1. Nguyên nhân gây khe hở môi hàm trên

Khe hở môi hàm trên hay còn gọi là sứt môi, hở hàm ếch – một dạng dị tật bẩm sinh có tỷ lệ chiếm khoảng 1-2% tổng số trẻ sơ sinh được sinh ra. Bệnh này mang tính xã hội cần được giải quyết thường xuyên. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng khe hở môi hàm trên trong đó có thể nói đến một số nguyên nhân chính như sau:

  • Nhiễm trùng: Mẹ bầu bị nhiễm virus trong 3 tháng đầu của thai kỳ, đặc biệt là nhiễm virus cúm, nhiễm khuẩn gây tác động có hại lên thai nhi, tạo ra các rối loạn, ngăn cản sự phát triển bình thường của bào thai ở vùng hàm mặt.
  • Tác nhân lý hóa học: Như nhiễm xạ trong và trước khi mang thai, nhiễm tia X, nhiễm hóa chất độc hại như hóa chất công nghiệp, nông nghiệp, các thuốc chữa bệnh...
  • Chế độ dinh dưỡng và những chấn thương tâm lý trong 2-3 tháng đầu mang thai, các stress gây ảnh hưởng đến sự phát triển hoàn thiện gương mặt của thai nhi

Các nguyên nhân bên trong như tình trạng không hoàn chỉnh của tế bào sinh dục, tuổi mẹ mang thai quá sớm hoặc quá muộn, người da trắng có nguy cơ mắc bệnh khe hở môi hàm trên hơn người da đen, hoặc di truyền từ thế hệ trước. Một số bệnh nhân bị nhiễm xạ, nhiễm chất độc cũng có thể gây đột biến gen truyền sang thế hệ sau gây khe hở môi vòm miệng.

Hở khe môi
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây hở khe môi hàm trên ở trẻ

2. Phân loại khe hở môi

Khe hở môi vòm miệng có thể được phân loại theo phôi thai học, theo mối liên quan với cung hàm, theo liên quan đến phẫu thuật thì phân loại theo tổn thương giải phẫu là phù hợp và phổ biến nhất. Theo đó, sẽ có các mức độ khe hở môi vòm miệng gồm:

Khe hở môi hàm trên: Gồm khe hở môi hàm trên một bên và khe hở môi hàm trên hai bên

Khe hở môi trên một bên:

  • Khe hở môi độ I: Là khe hở chỉ có ở làn môi đỏ.
  • Khe hở môi độ II: Có khe hở môi đỏ và một phần chiều cao môi.
  • Khe hở môi độ III (độ IIIa): Khe hở toàn bộ môi đơn thuần, chỉ thông vào đến nền lỗ mũi.
  • Khe hở môi độ IV (độ IIIb): Khe hở toàn bộ môi kết hợp với khe hở cung răng và vòm miệng.

Khe hở môi trên hai bên (khe hở môi kép):

  • Có 2 khe hở ở cùng môi trên. Phân loại mức độ cũng giống khe hở môi một bên. Hai khe hở có thể cùng một mức độ hoặc khác nhau.
Phân loại khe hở môi
Một số loại khe hở môi vòm miệng

3. Ảnh hưởng của khe hở môi hàm trên

Trẻ bị khe hở môi nói chung và khe hở môi hàm trên sẽ gặp các rối loạn chức năng như sau:

  • Rối loạn về ăn uống: Khi mới sinh, trẻ bú rất khó, không mút được vú, khi bú hay bị sặc, có khi sặc gây ngạt hoặc viêm phế quản phổi phải cấp cứu.
  • Rối loạn hô hấp: Thở hỗn hợp qua cả mũi và miệng, hay bị viêm mũi họng do thức ăn vướng lại ở vòm họng, amidan phì đại gây ra thở rít, ngáy khi ngủ.
  • Rối loạn phát âm: Khi trẻ bắt đầu tập nói sẽ rất khó khăn, nói ngọng hoặc phát âm không chuẩn ở một số âm mũi do có khe hở vòm miệng

Bên cạnh đó, trẻ cũng không tránh khỏi những tổn thương thực thể khi bi khe hở môi hàm trên. Khe hở môi hàm trên là tình trạng có một hoặc hai khe hở, chia môi trên thành các phần không cân đối, trẻ bị thiếu chiều cao môi, thiểu sản, lạc chỗ bám của cơ vòng môi, khe hở sẽ càng rộng hơn khi người bệnh cười hoặc khóc.

Ở khe hở môi mức độ II, III, người bệnh sẽ bị cánh mũi xẹp, thấp ở bên khe hở, lỗ mũi mất cân đối, chân cánh mũi bị kéo rộng ra ngoài, thấp về hai bên. Ngoài ra, trụ mũi người bệnh bị lệch, xoắn vặn kéo theo lệch đầu mũi.

Người bệnh khe hở môi hàm trên có những thay đổi ở xương hàm, cung răng gây mất cân đối, răng kém phát triển, thường mọc lệch, xoay trục, có trường hợp răng mọc đâm xuyên vào vòm miệng hoặc lỗ mũi ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của miệng, mũi.

Hở khe môi
Hở khe môi hàm trên khiến trẻ gặp khó khăn trong cuộc sống

4. Điều trị khe hở môi hàm trên

Phẫu thuật chỉnh hình là phương pháp điều trị khe hở môi hàm trên đang được áp dụng phổ biến hiện nay. Phẫu thuật khe hở môi có thể được thực hiện khi trẻ được 3-6 tháng tuổi, đối với trường hợp khe hở môi kèm theo khe hở vòm thì phẫu thuật tạo hình vòm được thực hiện trễ hơn, khoảng 12-18 tháng tuổi. Phẫu thuật để tạo điều kiện phát triển của môi, mũi, hàm trên cho trẻ trong thời gian phát triển bình thường trong tương lai.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với cơ sở vật chất đầu tư hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn chính là địa chỉ tin cậy đối với các bậc phụ huynh khi cho trẻ đến thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan