Hướng dẫn chuẩn bị và pha sữa công thức cho trẻ sơ sinh của WHO

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sữa bột cho trẻ sơ sinh không được tiệt trùng có thể chứa vi khuẩn gây bệnh nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh. Bằng cách chuẩn bị và lưu trữ bột sữa công thức cho trẻ sơ sinh đúng cách, bạn có thể giảm nguy cơ của bệnh tật cho trẻ.

sữa mẹ là tốt nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng trẻ sơ sinh cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ hoàn toàn sẽ có khởi đầu tốt nhất cho sự tăng trưởng và phát triển và sức khỏe. Trong trường hợp không được bú sữa mẹ như người mẹ đang dùng thuốc chống chỉ định cho con bú hay những người mẹ bị nhiễm HIV hoặc người mẹ không có đủ sữa để cho con bú thì cần một loại sữa thay thế sữa mẹ phù hợp, ví dụ như sữa công thức dành cho trẻ em.

Điều quan trọng nhất là cần chuẩn bị đúng cách và bảo quản thật tốt để có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

01.png
Các loại sữa bột dành cho trẻ sơ sinh không phải là những sản phẩm vô trùng

1. Yêu cầu chung về chuẩn bị sữa công thức trong chăm sóc trẻ sơ sinh

Sữa công thức cho trẻ sơ sinh nên được lựa chọn dựa trên nhu cầu của trẻ. Trong trường hợp sẵn có, sử dụng sữa công thức dạng lỏng tiệt trùng là phương pháp được các chuyên gia khuyến cáo bởi nguy cơ chúng mang lại là nhỏ nhất.

Đối với những khu vực mà vấn đề vệ sinh và nước sạch không được đảm bảo, cho ăn bằng cốc là một lựa chọn an toàn hơn so với việc cho trẻ bú bằng bình. Điều này là do núm và các góc cạnh của chai lọ thường khó làm sạch hơn và có thể là nơi vi khuẩn có hại tồn tại và phát triển gây bệnh cho trẻ.

Tại mỗi địa phương, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên xây dựng những hướng dẫn riêng dưới dạng văn bản cho việc chuẩn bị, pha chế và bảo quản sữa công thức cho trẻ tương ứng với điều kiện, môi trường và văn hóa của từng khu vực cụ thể. Những nhân viên y tế cũng cần được đào tạo đầy đủ theo các hướng dẫn về yêu cầu vệ sinh khi chế biến thực phẩm cũng như sữa công thức cho trẻ và việc hướng dẫn nên được theo dõi sát sao.

Chuẩn bị sữa công thức cho trẻ cũng cần thực hiện ở một khu vực dành riêng cho việc pha chế và bảo quản sữa, đảm bảo vệ sinh và nên sử dụng bồn rửa tay chuyên dụng cho các công đoạn pha chế.

Nếu sữa công thức được chuẩn bị nhưng chưa được sử dụng ngay cần phải bảo quản trong một tủ lạnh chuyên sử dụng cho việc bảo quản sữa. Nhiệt độ của tủ lạnh không được vượt quá mức 50C và cần được theo dõi thường xuyên cho đến khi cho trẻ sử dụng.

Một điều quan trọng khác các bậc cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần lưu ý khi lựa chọn sữa công thức cho trẻ là phải truy xuất nguồn gốc đầy đủ của tất cả các loại sữa công thức được pha chế. Điều này có nghĩa là những loại sữa này cần có nhãn mác với đầy đủ các thông tin như: loại sữa công thức, tên nhà sản xuất, độ tuổi phù hợp của trẻ... phù hợp với quy định của mỗi quốc gia.

2. Cách làm sạch, khử trùng, bảo quản sữa và các vật dụng chuẩn bị cho trẻ

Một điều rất quan trọng là tất cả các vật dụng sử dụng để chuẩn bị sữa cũng như cho trẻ ăn như cốc, bình sữa, núm vú, nắp đậy, thìa... đều phải được làm sạch và tiệt trùng kỹ lưỡng trước khi dùng. Làm sạch và khử trùng các vật dụng này giúp loại bỏ vi khuẩn có hại có thể phát triển trong quá trình chuẩn bị sữa công thức cho trẻ.

2.1. Làm sạch

02.png
Các bước làm sạch các vật dụng cho trẻ ăn

Các bước làm sạch các vật dụng cho trẻ ăn

  • Bước 1: Rửa tay với xà phòng và nước sạch sau đó lau khô bằng một chiếc khăn tay tiệt trùng.
  • Bước 2: Rửa tất cả các dụng cụ phục vụ cho việc pha chế và cho trẻ ăn bằng xà phòng và nước nóng. Sử dụng bàn chải tiệt trùng để cọ rửa cả bên trong và bên ngoài của chai, lọ, núm vú để đảm bảo loại bỏ hết vi khuẩn, kể cả những vùng khó tiếp cận nhất.
  • Bước 3: Tráng lại các vật dụng một lần nữa bằng nước sạch.

2.2. Khử trùng

Dụng cụ cho ăn và chuẩn bị pha chế cho trẻ cần được làm sạch và khử trùng bằng

  • Các loại máy tiệt trùng: Nếu sử dụng máy tiệt trùng cần làm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Các loại máy tiệt trùng phổ biến hiện nay bao gồm máy tiệt trùng hơi nước bằng điện hoặc vi sóng và máy tiệt trùng bằng hóa chất.
  • Chảo và nước sôi: Trong trường hợp sử dụng xoong, chảo và nước sôi để tiệt trùng, cần tuân thủ theo các bước dưới đây:
03.png
Các bước khử trùng các vật dụng cho trẻ ăn

Hình 2. Các bước khử trùng các vật dụng cho trẻ ăn

Bước 1: Đổ nước vào một chiếc xoong hoặc chảo lớn

Bước 2: Đặt các dụng cụ cần tiệt trùng xuống nước, đảm bảo chúng được bao phủ hoàn toàn bởi nước và không có tình trạng bọt khí xuất hiện

Bước 3: Đậy nắp xoong hoặc chảo và đun sôi, đảm bảo nước trong xoong không bị bay hơi hết

Bước 4: Đậy nắp chảo cho đến khi cần pha chế sữa công thức cho trẻ

2.3. Bảo quản dụng cụ đã được tiệt trùng

Để ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn trở lại cách tốt nhất là chỉ lấy dụng cụ chế biến từ máy tiệt trùng hoặc xoong ra ngay trước khi sử dụng. Nếu lấy dụng cụ ra sớm hơn, cần đảm bảo để chúng ở nơi sạch sẽ. Đậy nắp bình sữa ngay sau khi lấy ra để ngăn vi khuẩn xâm nhập vào trong bình cũng như núm vú. Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch và lau khô trước khi tiến hành tiệt trùng.

3. Cách chuẩn bị sữa công thức cho trẻ bú bình

Pha sữa công thức cho trẻ bú bình cần tuân thủ theo các bước sau:

  • Bước 1: Làm sạch và khử trùng bề mặt nơi chuẩn bị pha chế sữa công thức cho trẻ.
  • Bước 2: Rửa tay với xà phòng và nước sạch sau đó lau khô bằng khăn tay hoặc vải tiệt trùng
  • Bước 3: Đun một lít nước sạch. Nếu sử dụng ấm đun tự động, đợi cho đến khi ấn tắt. Nếu đun bằng xoong, cần đảm bảo nước đạt đến nhiệt độ sôi
  • Bước 4: Đọc hướng dẫn trên bao bì của sữa công thức để tính toán lượng nước và lượng sữa cần pha chế. Nhiều hoặc ít sữa hơn trong công thức đều không tốt đối với trẻ.
  • Bước 5: Cần cẩn thận, tránh làm bỏng, đổ đúng lượng nước đã đun sôi (để nguội không dưới 70 độC) vào chai sữa đã được tiệt trùng. Dùng nhiệt kế sạch, vô trùng để kiểm tra nhiệt độ
  • Bước 6: Thêm lượng sữa công thức chính xác vào bình sữa
  • Bước 7: Khuấy đều cho sữa bột tan hết trong nước bằng cách lắc nhẹ hoặc xoay chai
  • Bước 8: Làm nguội ngay lập tức đến nhiệt độ trẻ có thể ăn được bằng cách giữ chai nước dưới vòi nước lạnh hoặc đặt bình sữa trong một thùng chứa nước lạnh hoặc nước đá.
  • Bước 9: Lau khô bên ngoài chai bằng vải hoặc khăn tay sạch
  • Bước 10: Kiểm tra nhiệt độ của sữa đã pha chế bằng cách nhỏ một ít sữa lên cổ tay. Nếu cảm thấy nhiệt độ vừa đủ ấm, cho trẻ ăn ngay. Nếu vẫn còn nóng, hãy làm nguội thêm một chút nữa
  • Bước 11: Cho trẻ ăn
  • Bước 12: Nếu trẻ không ăn hết, lượng sữa còn thừa chỉ nên để tối đa trong khoảng 2 giờ. Qua thời gian đó cần đổ hết lượng sữa còn lại đi.
04.png
Các bước chuẩn bị sữa công thức cho trẻ bú bình

4. Cách bảo quản sữa công thức đã được pha chế

Cách an toàn nhất là chuẩn bị sữa công thức mỗi lần cho trẻ ăn và tiêu thụ ngay. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bình sữa cần được chuẩn bị trước và bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng sau. Các bước dưới đây là phương pháp an toàn nhất để bảo quản sữa đã pha phục vụ cho nhu cầu sử dụng sau này:

  • Bước 1: Chuẩn bị sữa trong từng bình riêng lẻ bằng làm theo hướng dẫn pha chế sữa công thức cho trẻ bú bình đã trình bày ở phần trên
  • Bước 2: Đặt những bình sữa công thức đã pha sẵn và làm mát vào tủ lạnh chuyên dụng. Nhiệt độ của tủ lạnh không được vượt quá mức 50C và cần được theo dõi cho đến khi sữa mang ra sử dụng.
  • Bước 3: Bảo quản sữa trong tối đa 24 tiếng. Quá thời gian này không nên cho trẻ sử dụng sữa trong bình nữa.

5. Cách làm ấm lại bình sữa đã bảo quản

Làm ấm những bình sữa đã bảo quản trong tủ lạnh chuyên dụng cần tuân thủ theo các bước sau:

  • Bước 1: Lấy bình sữa khỏi tủ bảo quản ngày trước khi cần sử dụng
  • Bước 2: Làm ấm lại không quá 15 phút. Sữa có thể được hâm nóng lại bằng cách sử dụng máy hâm sữa hoặc đặt bình sữa trong một thùng chứa nước ấm, đảm bảo mực nước ở dưới nắp chai. Thi thoảng lắc nhẹ để sữa trong bình được nóng đều
  • Bước 3: Kiểm tra nhiệt độ của sữa trong bình bằng cách nhỏ một ít lên cổ tay. Trẻ có thể ăn ngay nếu sữa cảm thấy ấm áp, không nóng.
  • Bước 4: Cho trẻ ăn
  • Bước 5: Sữa hâm lại cần được cho trẻ ăn trong vòng 2 tiếng. Quá thời gian này, phần sữa thừa cần được loại bỏ.

Trẻ sơ sinh nhìn chung dễ gặp bệnh về đường hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng đường tiêu hóa nếu bé ăn dặm sớm hoặc việc lưu trữ và pha chế sữa không đảm bảo. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên thực hiện tốt việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nếu được) và tiêm vắc-xin đúng lịch. Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn theo dõi và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: who.int

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan