Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hồ Thị Anh Thư - Bác sĩ Nhi sơ sinh, Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Rối loạn phổ tự kỷ là tình trạng bệnh lý làm suy yếu hành vi, khả năng giao tiếp và tương tác với người khác. Rối loạn phổ tự kỷ có thể nhẹ hoặc nặng. Hiện nguyên nhân chưa rõ.

1. Các triệu chứng chính của rối loạn phổ tự kỷ

Khi trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, trẻ có biểu hiện triệu chứng thời thơ ấu. Đôi khi các triệu chứng không xuất hiện cho đến tuổi đi học. Các dấu hiệu của rối loạn phổ tự kỷ bao gồm các vấn đề ở 2 lĩnh vực chính:

1.1 Tương tác và giao tiếp xã hội

Trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ thường gặp rắc rối liên quan đến giao tiếp. Trẻ thường không biết cách đọc biểu cảm trên khuôn mặt và có xu hướng tránh giao tiếp bằng mắt. Thêm vào đó, trẻ thường không thích bị chạm vào. Nhiều trẻ nhỏ bị rối loạn phổ tự kỷ không thích chơi hoặc tương tác với người khác.

Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ thường mất nhiều thời gian hơn những đứa trẻ khác để học nói. Một số không bao giờ học nói. Tuy nhiên, ngôn ngữ không phải là điều duy nhất bị ảnh hưởng. Cha mẹ của trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ đôi khi nghĩ rằng trẻ bị điếc.

Những trẻ khiếm thính khi không thể nói lại tìm cách khác để giao tiếp, chẳng hạn thông qua chuyển động tay. Nhưng trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ thì không. Trẻ dường như không quan tâm đến giao tiếp với mọi người.


Trẻ rối loạn phổ tự kỷ có biểu hiện tránh giao tiếp bằng mắt và muốn ở một mình
Trẻ rối loạn phổ tự kỷ có biểu hiện tránh giao tiếp bằng mắt và muốn ở một mình

1.2 Hứng thú với một số điều nhất định

Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ có xu hướng thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đối với một số điều nhất định, nhưng ít quan tâm đến bất cứ điều gì khác. Trẻ nhỏ có thể hoàn toàn tập trung vào những thứ quay tròn hoặc tỏa sáng và bỏ qua hầu hết mọi thứ khác. Trẻ lớn hơn có thể trở nên bận tâm với 1 chủ đề, chẳng hạn như thời tiết, con số hoặc thể thao...

Trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ cũng có xu hướng có các thói quen mà chúng phải tuân theo chính xác. Ví dụ, trẻ có thể cần phải ăn các loại thực phẩm cụ thể theo một thứ tự cụ thể hoặc đi theo cùng một lộ trình từ nơi này đến nơi khác - mọi lúc. Nếu những thói quen này bị phá vỡ, đứa trẻ sẽ buồn bã.

Ngoài ra, biểu hiện của rối loạn phổ tự kỷ khác gồm:

  • Không chỉ vào các vật để thể hiện sự quan tâm (chỉ vào một chiếc máy bay bay qua).
  • Không nhìn vào đồ vật khi người khác chỉ vào chúng.
  • Có rắc rối liên quan đến người khác hoặc không có hứng thú với người khác.
  • Tránh giao tiếp bằng mắt và muốn ở một mình.
  • Gặp khó khăn trong việc hiểu cảm xúc của người khác hoặc bộc lộ cảm xúc.
  • Không thích được ôm hay âu yếm hoặc chỉ có thể âu yếm khi trẻ muốn.
  • Có vẻ như không biết khi người khác nói chuyện với trẻ nhưng phản ứng với những âm thanh khác.
  • Lặp đi lặp lại các từ hoặc cụm từ, hoặc lặp lại các từ hoặc cụm từ thay cho ngôn ngữ thông thường.
  • Gặp khó khăn trong việc thể hiện nhu cầu của trẻ bằng ngôn ngữ lời nói hoặc hình thể.
  • Không chơi trò chơi "giả vờ" đóng vai (giả vờ cho búp bê ăn).
  • Lặp lại hành động nhiều lần.
  • Gặp khó khăn khi thích nghi khi một thói quen thay đổi.
  • Có phản ứng bất thường với các giác quan như ngửi, nếm, nhìn, cảm nhận hoặc âm thanh.
  • Mất các kỹ năng trẻ từng có (ví dụ ngừng nói những từ trẻ đã từng sử dụng).

Trẻ không thích được ôm hoặc chỉ có thể ôm khi trẻ muốn có thể là triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ
Trẻ không thích được ôm hoặc chỉ có thể ôm khi trẻ muốn có thể là triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ

2. Khi nào tôi nên đưa con đến bác sĩ hoặc trung tâm tâm lý?

Đưa con bạn đến bác sĩ nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ nào được liệt kê ở trên. Bạn cũng có thể kiểm tra thính giác của con bạn. Bằng cách đó bạn có thể biết các vấn đề về thính giác có gây ra một số triệu chứng bạn thấy ở con mình không.

3. Chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ

Nếu một đứa trẻ có các triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ, trẻ thường được đánh giá bởi một nhóm chuyên gia có chuyên môn trong chẩn đoán và quản lý tình trạng bệnh. Nhóm này thường bao gồm một nhà tâm lý học trẻ em, bác sĩ nhi khoa phát triển hành vi, nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần, nhà trị liệu ngôn ngữ và các chuyên gia khác.

Việc đánh giá thường bao gồm bệnh sử, tiền sử đầy đủ (của trẻ và gia đình), kiểm tra thể chất, kiểm tra thần kinh và kiểm tra các kỹ năng xã hội, ngôn ngữ và nhận thức của trẻ. Ngoài ra, phụ huynh sẽ có thời gian để thảo luận về hành vi của trẻ và bất kỳ mối quan tâm nào khác.

Mục đích của việc đánh giá bao gồm:

  • Xác định xem trẻ có bị rối loạn phổ tự kỷ hay không nếu một tình trạng khác có thể gây ra các triệu chứng của trẻ.
  • Xác định xem trẻ có bất kỳ vấn đề y tế nào liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ cần được đánh giá hoặc điều trị không.
  • Xác định thể lực và mức độ hoạt động của trẻ.

Nếu con bạn bị rối loạn phổ tự kỷ, điều quan trọng là bé được chẩn đoán càng sớm càng tốt. Một số vấn đề gây ra bởi rối loạn phổ tự kỷ có thể được cải thiện nếu được phát hiện sớm.


Xác định mức độ hoạt động của trẻ có thể đánh giá tình trạng bệnh
Xác định mức độ hoạt động của trẻ có thể đánh giá tình trạng bệnh

4. Tự kỷ được điều trị như thế nào?

Phương pháp điều trị đúng cho rối loạn phổ tự kỷ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, độ nặng của bệnh và trẻ có bất kỳ vấn đề bệnh lý nào khác không. Rối loạn phổ tự kỷ không thể chữa khỏi, nhưng trẻ thường có thể khắc phục nhiều vấn đề về giao tiếp và hòa nhập xã hội.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe