Hít sặc ở trẻ em: Những điều cần biết

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Nam Phong - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Hít sặc là tình trạng xảy ra khi dị vật rơi vào đường hô hấp gây tắc nghẽn đường thở, làm trẻ đột ngột ho dữ dội, khò khè, khó thở, tím tái. Vì thế, trẻ cần được cấp cứu kịp thời để hạn chế những rủi ro không mong muốn có thể xảy ra.

1.Hít sặc là gì?

Hít sặc là tình trạng xảy ra khi dị vật rơi vào đường hô hấp gây tắc nghẽn đường thở, làm trẻ ho, khò khè, tím tái. Dị vật trẻ mắc có thể là sữa, thức ăn, nước uống và những vật nhỏ như viên bi, kẹp giấy... mà trẻ có thể bỏ vào miệng.

Hít sặc có thể gặp ở trẻ mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất ở độ tuổi ăn dặm đến 3 tuổi. Ở độ tuổi này trẻ thường tò mò, thích cho vào miệng những vật cầm chơi. Các phản xạ đóng mở thanh quản để bảo vệ đường thở khi ăn uống và khi hít thở chưa thuần thục. Nếu bất cẩn cho trẻ ăn, ngậm các loại này sẽ rất dễ bị sặc gây dị vật đường thở.

2. Trẻ bị hít sặc có nguy hiểm không?

Tình trạng hít sặc có thể chỉ thoáng qua như trẻ ho vài tiếng, tím nhẹ rồi tự hết nhưng có những trường hợp trẻ sặc sụa, tím tái nặng, ngưng thở và tử vong. Nếu may mắn sống sót trẻ có thể bị tổn thương não do thiếu oxy, viêm phổi hít... Chính vì hít sặc nguy hiểm như vậy nên việc nhận biết trẻ đang bị hít sặc là vô cùng quan trọng.

Cách nhận biết trẻ đang có hít sặc như sau:

  • Trẻ đột ngột ho sặc sụa, khò khè, có thể tím tái, thở nấc và suy hô hấp, nhất là khi trẻ đang ăn uống hay đang chơi với những đồ vật nhỏ.
  • Trẻ sốt, ho, khò khè kéo dài, ho ra máu, viêm phổi tái đi tái lại phải nghi ngờ dị vật bỏ quên trong đường thở do trẻ hít sặc trước đó mà các bậc cha mẹ không phát hiện ra.
Trẻ bị ho
Trẻ xuất hiện triệu chứng ho có thể kèm theo khó thở và sốt khi bị hít sặc

3. Khi trẻ bị hít sặc nên làm gì?

3.1. Trường hợp trẻ ho không khóc được

Lúc này, tình hình chưa quá nghiêm trọng. Thông thường, khi di chuyển trong đường hô hấp, không khí sẽ gây ra tiếng ồn. Bé ho hoặc khóc thành tiếng có nghĩa là bé đang thở, đường hô hấp không bị tắc nghẽn hoàn toàn, bé không bị ngạt trầm trọng.

Nếu bé thở được thì không nên can thiệp, vì điều này có thể gây nguy hiểm. Bạn không nên tìm cách lấy vật lạ ra bằng động tác vỗ lưng ấn ngực, bạn có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, khiến bé ngừng thở.

Thay vào đó, bạn hãy đứng bên cạnh cổ vũ, động viên bé tiếp tục ho. Phản xạ ho và ọe có thể giúp bé tống được vật lạ ra ngoài trong vòng một phút.
Bạn hãy tỏ ra bình tĩnh, để bé hiểu rằng mọi chuyện vẫn ổn, như vậy bé sẽ không bị hoảng sợ. Theo dõi và xem sau khi ho bé có dễ thở hơn hay không.

3.2. Trường hợp trẻ khó thở nặng

Nếu trẻ có biểu hiện khó thở nặng, vật vã, tím tái, ngưng thở, hôn mê... chúng ta phải thật bình tĩnh để thực hiện những động tác cấp cứu cho trẻ.

  • Đối với trẻ sơ sinh và nhũ nhi, cần làm động tác vỗ lưng ấn ngực như sau: Đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay, đầu dốc xuống thấp, lòng bàn tay không che miệng mũi trẻ hay siết chặt cổ trẻ. Dùng lòng bàn tay còn lại vỗ mạnh 5 lần vào lưng trẻ vùng giữa hai xương bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ, nếu còn khó thở dùng hai ngón tay ấn ngực trẻ 5 lần ở vị trí giữa ngực dưới đường nối hai núm vú khoảng 1cm. Nếu bé hồng hào lại bồng bé đầu cao và giữ yên, nếu còn khó thở bạn cần tiếp tục thực hiện động tác vỗ lưng ấn ngực nhiều lần và gọi đội cấp cứu.
  • Tuyệt đối không xách ngược trẻ vì cách này thường không hiệu quả mà dễ làm tổn thương cột sống cổ và có thể làm rơi trẻ xuống đất.
  • Đối với trẻ lớn ta làm thủ thuật Heimlich: Khi trẻ còn tỉnh, đứng hay quỳ phía sau trẻ, vòng hai tay ngang trước người trẻ, đặt một nắm tay ngay vùng thượng vị, bàn tay còn lại đặt chồng lên, đột ngột nhấn mạnh và nhanh theo hướng từ dưới lên trên và từ trước ra sau, thực hiện 5 lần.
Động tác ép bụng (cơ động Heimlich)
Hình ảnh mô tả kỹ thuật Heimlich ở trẻ lớn

Khi trẻ mê đặt trẻ nằm ngửa, quỳ gối, đặt hai bàn tay lên nhau ở vùng dưới xương ức trẻ, đột ngột ấn mạnh và nhanh 5 lần theo hướng về phía đầu trẻ.

Sau đó kiểm tra miệng trẻ nếu thấy rõ dị vật được tống lên và có thể lấy ra dễ dàng thì có thể móc dị vật, không được móc mù (không thấy dị vật) vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, gây tắc nghẽn đường thở nhiều hơn.

Trong trường hợp thất bại có thể thực hiện nhiều lần các thủ thuật trên đến khi nào dị vật được đẩy ra và trẻ thở lại bình thường. Nếu trẻ ngừng thở phải ngửa đầu, nâng cằm trẻ và hà hơi thổi ngạt, ấn tim ngoài lồng ngực. Bên cạnh việc thực hiện thủ thuật tống đẩy dị vật cho trẻ phải gọi ngay đội cấp cứu đến giúp đỡ và đưa trẻ vào bệnh viện.

4. Cách phòng ngừa hít sặc ở trẻ em

Dị vật đường thở do hít sặc thường xảy ra ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi do trẻ bắt đầu phát triển vận động, thường cầm nắm các đồ vật và hay cho vào miệng. Với trẻ nhỏ hơn thường sặc sữa, cháo, bột khi cho trẻ ăn hoặc bú. Do vậy, các bậc phụ huynh nên cẩn thận để ý đến những vấn đề sau:

  • Không cho trẻ ăn uống khi nằm hay khi ngủ, khuyến khích trẻ không nên chạy nhảy, cười đùa trong khi ăn.
  • Lựa chọn thức ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ và chế biến sao cho trẻ nhai và nuốt dễ dàng.
  • Cho trẻ ăn từ từ từng muỗng nhỏ, không la mắng ép trẻ ăn nhanh vì nếu trẻ khóc hay nuốt vội vàng sẽ dễ làm trẻ sặc.
  • Khi cho bú nên bồng trẻ trên tay với tư thế đầu và vai cao hơn chân, khi trẻ ọc sữa nghiêng đầu trẻ sang một bên để chất nôn không vào đường thở.
  • Lấy hết các hạt trong trái cây khi cho trẻ ăn những loại quả như dưa hấu, mãng cầu...
  • Cho trẻ chơi với những đồ vật lớn và khó tháo rời để trẻ không thể cho vào miệng, đồng thời để những vật dụng nhỏ xa tầm nhìn và tầm với của trẻ.
    Hít sặc ở trẻ em có thể để lại biến chứng nguy hiểm nếu như không được cấp cứu kịp thời. Bên cạnh việc phòng ngừa hít sặc các bậc cha mẹ cũng cần trang bị thêm cho mình kiến thức sơ cứu để có thể xử trí kịp thời.
Cho trẻ chơi với những đồ vật lớn
Cha mẹ nên cho trẻ chơi với những đồ vật lớn giúp phòng ngừa hít sặc ở trẻ em

Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan