Hành vi thường gặp ở trẻ 16 tháng tuổi

Khi con bạn 16 tháng tuổi, trẻ có trạng thái luôn hoạt động liên tục như chơi, đá, đi bộ, leo trèo, thậm chí có thể chạy. Một số trẻ mới biết đi ở độ tuổi này rất sợ người lạ và chó trong khi các trẻ khác hầu như không sợ hãi. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để giúp cha mẹ và người chăm sóc trẻ hiểu thêm về những hành vi thường gặp ở trẻ 16 tháng tuổi.

1. Các mốc phát triển của trẻ 16 tháng tuổi

Cũng giống như tất cả mọi đứa trẻ khác, con của bạn đang phát triển theo tốc độ riêng của mình. Sau đây là một số cột mốc phát triển mà trẻ có thể đạt được trong khoảng thời gian này:

Trẻ 16 tháng tuổi
Cân nặng trung bình của trẻ 16 tháng tuổi là 9.7kg và 10.5kg đối với trẻ em gái và trẻ em trai

1.1. Về cân nặng và chiều cao

Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO, cân nặng trung bình của trẻ 16 tháng tuổi là 9.7kg đối với trẻ em gái và 10.5kg đối với trẻ em trai. Chiều cao trung bình là 78.5cm đối với trẻ em gái và 80cm đối với trẻ em trai.

1.2. Về thể chất

  • Trẻ có thể trèo lên các đồ vật, có thể tự mình leo ra khỏi cũi
  • Tự mình đi một mình hoặc ít nhất có thể vịn vào đồ vật và bước đi
  • Có thể đi lùi và xoay vòng tròn
  • Có thể cố gắng đá vào một quả bóng với độ chính xác cao
  • Có khả năng chạy
  • Bò lên cầu thang hoặc đi lên cầu thang nếu được giúp đỡ
  • Trẻ có thể nhảy múa được
  • Sử dụng được muỗng, nĩa
  • Tự cởi quần áo ra, giơ thẳng chân ta lúc mặc quần áo
  • Biết lật các trang sách
  • Có thể vẽ nguệch ngoạc
  • Có khả năng ném các vật lên cao

2. Hành vi ở trẻ 16 tháng tuổi và cách xử lý

2.1. Giận dữ

Cơn giận dữ hay la hét của trẻ có thể bắt đầu từ khi trẻ được 12 tháng tuổi và có thể kéo dài cho đến khi trẻ 4 tuổi. Mặc dù mọi đứa trẻ đều khác nhau và mọi cơn giận dữ đều khác nhau, nhưng có một số lý do cơ bản khiến trẻ mới biết đi nổi giận

  • Sự thất vọng: Có thể do trẻ không hiểu hay do không thích làm một việc gì đó.
  • Kiệt sức, đói, khó chịu: Bạn khó chịu và trẻ cũng vậy. Nhưng sự khác biệt là bạn không la hét còn trẻ sẽ biểu đạt cảm xúc của mình bằng cách la hét.
  • Muốn làm việc chúng thích: Đôi khi trẻ sẽ nổi cơn thịnh nộ khi chúng muốn kiểm soát, đặc biệt là vào những thời điểm chuyển tiếp trong ngày, như giờ tắm, giờ ăn hoặc giờ đi ngủ.

Cách xử lý:

  • Đảm bảo trẻ được ngủ đủ giấc: khi được ngủ đủ, em bé của bạn sẽ luôn vui vẻ hòa đồng, và không bị quá mệt mỏi khi chơi. Do đó, tâm trạng của trẻ sẽ được cải thiện rất nhiều.
  • Thực phẩm lành mạnh: Cho trẻ ăn nhiều đường sẽ khiến tâm trạng của trẻ không được ổn định và đồng nghĩa với việc bùng nổ các cơn thịnh nỗ. Bởi vậy, hãy lựa chọn cho trẻ những loại thực phẩm lành mạnh bổ sung nhiều protein, vitamin và khoáng chất cho chiếc bụng đói luôn được lấp đầy và không bao giờ bị cạn kiệt quá.
  • Biết những hạn chế của con: Con bạn không thể theo kịp được những hoạt động bạn đưa ra cho trẻ sẽ dẫn đến trẻ bị mệt mỏi và cơn thịnh nộ là điều không thể tránh khỏi. Hãy quan sát trẻ và điều chỉnh lại lịch trình bạn dành cho trẻ.
  • Đánh lạc hướng: Thu dọn đồ chơi tránh để trẻ gặp những va chạm không đáng có nhằm hạn chế những cơn thịnh nộ.
  • Thông báo trước: Khi bạn muốn trẻ dừng lại việc trẻ đang làm hãy thông báo trước và cho trẻ thời gian để chuẩn bị tâm lý.
Ngủ trưa
Khi được ngủ đủ, em bé của bạn sẽ luôn vui vẻ hòa đồng

2.2. Khủng hoảng xa cách

Khủng hoảng xa cách là giai đoạn mà trẻ mới biết đi đều trải qua, nhưng nó thường đến rồi đi và kết thúc hoàn toàn khi trẻ lên ba, biểu hiện bằng cách trẻ luôn muốn bám lấy mẹ không rời thậm chí đến mức độ người mẹ không thể làm được việc gì khác, có những trẻ biểu hiện tiêu cực luôn khóc không chịu ngừng khi không nhìn thấy mẹ đâu. Cho đến khoảng thời gian mà khủng hoảng chia ly này kết thúc bạn nên thử một vài cách để tránh cho trẻ những phản ứng tiêu cực.

Một quan niệm sai lầm phổ biến cho rằng con bạn sẽ không phản ứng khi bạn lẻn ra ngoài mà không nói lời chào tạm biệt tương tự với việc bạn cho trẻ ngủ và ra khỏi nhà. Khi thức dậy, bé sẽ khó chịu và bối rối khi thấy người trông nom trẻ là một người khác không phải bạn. Để tránh cho trẻ khỏi suy nghĩ bạn có thể biến mất bất kỳ lúc nào, hãy luôn thông báo cho trẻ biết rằng bạn sẽ không có mặt bên trẻ trong một khoảng thời gian bằng cái vẫy tay hay lời chào tạm biệt.

Một biện pháp hiệu quả khác là thiết lập cho trẻ một hoạt động khi bạn chuẩn bị rời đi, thông báo cho trẻ biết bạn sẽ đi đâu và để trẻ làm quen với người trông trẻ. Nếu trẻ phản ứng tiêu cực bằng việc khóc lóc, hãy an ủi trẻ rằng trẻ sẽ ổn khi không có mẹ ở bên.

2.3. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Giải quyết vấn đề là cách trẻ xử lý các tình huống trong cuộc sống hàng ngày. Trẻ luôn muốn khám phá mọi thứ xung quanh và tìm hiểu xem nó hoạt động thế nào, trẻ đặc biệt bị thu hút bởi các nút vặn, xoắn, công tắc, đồ chơi cơ học. Bạn nên cung cấp các loại đồ chơi và hoạt động mang tính thử thách nhẹ cho trẻ nhưng đừng quá khó dễ khiến trẻ nản lòng.

2.4. Các hành vi lạ

Đập vào đầu: Theo Heather Wittenberg, PsyD, nhà tâm lý học giải thích chuyển động nhịp nhàng, lặp đi lặp lại giúp làm dịu hệ thống thần kinh bị kích thích và hành động đập đầu vào đồ vật của trẻ cũng không phải là ngoại lệ. Những hành động này không có gì đáng nguy hiểm trừ khi nó xảy ra không thường xuyên hay trẻ đang tự làm tổn thương bản thân hoặc chỉ muốn đập vào đầu thay vì các hoạt động khác. Bạn có thể đánh lạc hướng trẻ bằng các hoạt động khác khi thấy trẻ có hành động trên.

Cho tay trong quần: Trẻ con luôn thích khám phá và đặc biệt trong thời điểm này trẻ tò mò về bộ phận sinh dục của mình nên đôi khi bạn bắt gặp trẻ cho tay vào trong quần và mân mê, việc đó hoàn toàn tự nhiên và bình thường, bạn có thể nhắc nhở trẻ hoặc dùng biện pháp đánh lạc hướng.

Luôn muốn nếm thử: Đa số trẻ đều có sở thích đưa mọi thứ lên miệng nếm thử hoặc gặm nhấm. Wittenberg giải thích rằng trẻ em sử dụng miệng của mình như một công cụ để khám phá thế giới. Việc làm này có nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào tần số hay mức độ nghiêm trọng. Nếu trẻ liên tục gặm mọi thứ và bị ám ảnh bởi việc cho mọi thứ vào mồm ngay cả những thứ mất vệ sinh thì bạn cần phải cho trẻ đến gặp bác sĩ.

Những người bạn tưởng tượng: trí tưởng tượng của con bạn vô cùng phong phú, và bạn cũng đừng ngạc nhiên khi trẻ kể với bạn về những người bạn tưởng tượng đôi khi hiện hữu đôi khi không có thật của con bạn. Việc bạn cần làm là tôn trọng khả năng tưởng tượng của trẻ, không phán xét trừ khi con bạn có biểu hiện đổ lỗi cho người bạn tưởng tượng đó. Và nếu con bạn coi những con thú nhồi bông hay siêu nhân hoặc búp bê là bạn thân thì bạn hãy nhớ giúp con bạn giữ gìn chúng sạch sẽ.

Muốn đóng vai trở thành một ai đó: Trẻ nhỏ dường như bị ám ảnh bởi siêu nhân, người máy, công chúa, chiến binh, bà tiên, phù thủy... vậy nên bạn cũng đừng ngạc nhiên khi con bạn muốn mặc áo choàng, diện bộ váy diêm dúa, đội vương miện... hay bất cứ thứ gì khác để đến lớp và nhất định không chịu thay chúng ra. Đó là một phần trong trí tưởng tượng và là những hành vi đáng yêu trong độ tuổi này của trẻ. Việc chúng ta có thể làm là hưởng ứng theo chúng để trẻ thoải mái sáng tạo, miễn sao nó không quá ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ cũng như của gia đình bạn.

Trẻ 15 tháng quấy khóc
Trí tưởng tượng của trẻ vô cùng phong phú

3. Mách nhỏ bạn một số mẹo để chăm sóc trẻ 16 tháng tuổi

Khuyến khích trẻ chơi và tương tác xã hội: ở giai đoạn phát triển này chơi với trẻ khác thường là chơi cạnh nhau có nghĩa là đồ chơi của trẻ nào trẻ đấy chơi, chúng chưa có nhiều sự tương tác với nhau mà phải qua thời gian và thực hành trẻ mới có thể học được. Tận dụng mọi cơ hội để chơi cùng con bạn, nó không chỉ quan trọng đối với sự phát triển của trẻ mà còn mang đến cơ hội gắn kết tuyệt vời.

Cung cấp đồ chơi đơn giản và an toàn: Trẻ có xu hướng luôn đưa mọi thứ vào mồm để khám phá nên bạn hãy lựa chọn những loại đồ chơi an toàn,không thể vỡ, không có cạnh sắc có thể bằng gỗ hoặc nhựa an toàn cho sức khỏe. Các đồ vật đơn giản như khối đồ chơi, búp bê, các đồ vật gia đình an toàn như hộp đựng không thể vỡ và thìa gỗ giúp phát triển trí tưởng tượng của trẻ cũng như khả năng phối hợp tay mắt và kỹ năng vận động tinh của trẻ.

Phát triển các thói quen: Trong khoảng thời gian này, cha mẹ nên hình thành cho trẻ một thói quen sinh hoạt nhất quán như ăn ngủ, đi vệ sinh đúng giờ. Theo thời gian con sẽ dần học được các quy tắc và hình thành những thói quen tốt để ngay cả khi không có bạn bên cạnh em bé của bạn cũng sẽ sinh hoạt điều độ như bình thường.

Nghe nhạc và chơi những đồ chơi phát nhạc tác động tích cực đến tình cảm của trẻ. Các chuyên gia tin rằng chơi nhạc êm dịu có thể giúp cải thiện tâm trạng, dễ ngủ, giảm căng thẳng và lo lắng.

Giới thiệu về điệu: thường xuyên hát cho trẻ nghe những bài hát đơn giản, đọc cho trẻ nghe những bài đồng dao vần điệu giúp trẻ làm quen với âm thanh và chữ cái tạo tiền đề cho con đường học vấn về sau cho trẻ.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Nguồn tham khảo: babycenter.com, pampers.com, thebump.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan