Điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Mai Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời có thể gây mất nước nặng, nhiễm khuẩn toàn thân, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em cần kết hợp điều trị kháng sinh tùy căn nguyên, điều trị mất nước và điều trị triệu chứng.

1. Tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em

1.1 Tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em là gì?

Tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em là tình trạng trẻ bị tiêu chảy có nguyên nhân do vi khuẩn. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể gây tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ như:

  • Yếu tố từ trẻ:
    • Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện trong khi kháng thể thụ động từ mẹ truyền sang giảm dần khi trẻ lớn lên. Cùng với đó hệ miễn dịch của trẻ suy giảm khi trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc sau khi mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, thủy đậu,... làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy.
    • Trẻ thích khám phá xung quanh nên nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh tăng lên.
  • Yếu tố từ môi trường sống:
    • Thức ăn, nước uống của trẻ bị nhiễm khuẩn, dụng cụ chế biến hoặc tay người chế biến thức ăn bị nhiễm bệnh.
    • Người lớn xử lý chất thải nhiễm bệnh không đúng cách.

Các vi khuẩn gây tiêu chảy thường gặp là:

Các vi khuẩn gây tiêu chảy sau khi xâm nhập vào đường tiêu hóa sẽ sản xuất các độc tố ruột. Các độc tố này làm sự hấp thụ nước và điện giải ở ruột non bị rối loạn, nhiều nước sẽ xuống đại tràng, không có khả năng hấp thu trở lại gây tiêu chảy.

1.2 Triệu chứng lâm sàng tiêu chảy do một số tác nhân vi khuẩn thường gặp

Các triệu chứng lâm sàng khi mắc tiêu chảy nhiễm trùng rất đa dạng, tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh. Triệu chứng lâm sàng của một số tác nhân thường gặp là:

  • Tiêu chảy do tả: bệnh khởi phát nhanh trong 24 giờ, trẻ tiêu chảy dữ dội và liên tục, thường có nôn, không sốt, phân toàn nước màu đục như nước vo gạo, không đau quặn bụng, không mót rặn.
  • Tiêu chảy do lỵ: trẻ sốt cao, tiêu chảy nhiều lần, trong phân lẫn nhầy máu, trẻ mót rặn, bụng đau quặn từng cơn.
  • Tiêu chảy do độc tố tụ cầu: trẻ buồn nôn, nôn, không sốt, tiêu chảy nhiều lần phân lỏng nước.
  • Tiêu chảy do E.coli:
    • Tiêu chảy do E.coli sinh độc tố ruột (ETEC): trẻ không sốt, đi ngoài phân lỏng không nhầy máu, bệnh thường tự khỏi.
    • Tiêu chảy do E.coli gây bệnh đường ruột (EIEC, EPEC, EHEC): trẻ sốt, mót rặn, đau quặn bụng, phân lỏng có thể lẫn nhầy máu.
  • Tiêu chảy do Salmonella: trẻ tiêu chảy, nôn, sốt cao, đau bụng.
Tiêu chảy mấy ngày thì khỏi
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng tiêu chảy ở trẻ nhỏ

2. Điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em

2.1 Nguyên tắc điều trị

  • Đánh giá mức độ mất nước ở trẻ, tùy theo mức độ mất nước sẽ lựa chọn phác đồ bù nước, điện giải thích hợp.
  • Dựa vào triệu chứng lâm sàng, dự đoán tác nhân vi khuẩn gây bệnh và điều trị bằng kháng sinh thích hợp. Sau khi có kết quả cấy phân, có thể điều chỉnh lại kháng sinh nếu cần.
  • Điều trị triệu chứng.

2.2 Bù nước và điện giải cho trẻ

Mất nước và điện giải là biến chứng thường gặp nhất khi bị tiêu chảy và có thể gây tử vong ở trẻ em. Tất cả trẻ bị tiêu chảy đều cần được đánh giá mất nước theo tiêu chuẩn như sau:

Đánh giá Phân loại
Khi có 2 trong các tiêu chuẩn:
-Khó đánh thức, li bì
-Mắt trũng
-Uống nước rất kém hoặc không uống được.
-Sau khi véo da, nếp véo mất rất chậm
Trẻ bị mất nước nặng
Khi có 2 trong các tiêu chuẩn:
-Kích thích, vật vã
-Mắt trũng
-Khát, uống nước háo hức
-Sau khi véo dan, nếp véo da mất chậm
Trẻ có mất nước
Không đủ dấu hiệu chứng tỏ trẻ có mất nước hoặc mất nước nặng Trẻ không mất nước

Với trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn nhưng không bị mất nước, có thể tăng cường bù nước cho trẻ tại nhà để đề phòng nguy cơ mất nước. Đối với trẻ có dấu hiệu bị mất nước và mất nước nặng, cần phải được bù nước bằng đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch tại các cơ sở y tế.

Dung dịch bù nước, điện giải đường uống có hiệu quả nhất là dung dịch Oresol (ORS). Pha gói dung dịch với lượng nước quy định, tuyệt đối không pha ít hoặc nhiều nước hơn vì không đảm bảo áp suất thẩm thấu, thậm chí có thể gây nguy hiểm. Nếu trẻ chưa có dấu hiệu mất nước, ở trẻ dưới 2 tuổi cho trẻ uống 50-100ml, trẻ trên 2 tuổi uống 100-200ml sau mỗi lần tiêu chảy và giữa các lần tiêu chảy. Nếu trẻ đã có dấu hiệu mất nước, lượng dung dịch ORS cần dùng cho trẻ trong vòng 4 giờ đầu tiên được tính theo công thức:

Số lượng ORS ước tính (ml) cần dùng= cân nặng trẻ (kg) x 75.

2.3 Sử dụng kháng sinh trong điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em do một số căn nguyên thường gặp

Kháng sinh không được sử dụng thường quy trong điều trị tiêu chảy ở trẻ em thông thường vì không hiệu quả và có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Chỉ dùng kháng sinh khi tiêu chảy trong phân có máu, nghi ngờ trẻ tiêu chảy do tả có mất nước nặng hoặc xác định trẻ nhiễm ký sinh trùng. Một số kháng sinh được lựa chọn trong điều trị một số tác nhân vi khuẩn thường gặp như sau:

Kháng sinh điều trị tiêu chảy do vi khuẩn tả

Cho trẻ sử dụng kháng sinh có hiệu lực với chủng vi khuẩn tả trong vùng dịch tễ. Liều kháng sinh đầu tiên phải được uống ngay khi bệnh nhân ngừng nôn, thường là 4 đến 6 giờ sau khi bù dịch.

Kháng sinh thường được lựa chọn là:

  • Azithromycin liều lượng 6-20 mg/kg uống 1 lần trong ngày, uống từ 1 đến 5 ngày.

Kháng sinh thay thế là:

  • Erythromycin 40mg/kg cân nặng, uống 3 ngày

Kháng sinh điều trị tiêu chảy do lỵ trực trùng Shigella

Trẻ sẽ được điều trị 3 ngày bằng Ciprofloxacin hoặc 5 ngày bằng các kháng sinh đường uống nhạy cảm với vi khuẩn lỵ trong vùng dịch tễ. Liều lượng như sau:

Ciprofloxacin 15mg/kg/lần, uống 2 lần trong ngày, kéo dài trong 3 ngày.

Kháng sinh thay thế:

  • Pivecillinam: 20mg/kg/lần, uống 2 lần trong ngày, dùng trong 5 ngày
  • Ceftriaxone: 50-100mg/kg/ lần, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 1 lần trong ngày, điều trị trong 2-5 ngày.

Một số kháng sinh không còn hiệu quả trong điều trị lỵ trực trùng được Bộ Y tế khuyến cáo là:

  • Metronidazol
  • Streptomycin
  • Amoxicillin
  • Tetracyclin
  • Chloramphenicol
  • Nitrofuran
  • Aminoglycosid
  • Cephalosporin thế hệ I và II
  • Acid Nalidixic (đã được WHO khuyến cáo)

Kháng sinh điều trị tiêu chảy do vi khuẩn Campylobacter:

Kháng sinh được khuyến cáo là Azithromycin, liều lượng 6-20mg/kg/lần, uống 1 lần trong ngày, điều trị trong 1 đến 5 ngày.

Ngộ độc thức ăn uống thuốc gì
Sử dụng thuốc kháng sinh điều trị tiêu chảy ở trẻ

2.4 Các thuốc điều trị hỗ trợ

Tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em có thể gây sốt. Khi trẻ sốt, có thể cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol. Khi sốt giảm, trẻ sẽ bớt khó chịu, kích thích, việc ăn uống sẽ tốt hơn.

Khi trẻ bị tiêu chảy, nên bổ sung kẽm cho trẻ với liều lượng 10mg/ngày ở trẻ dưới 6 tháng tuổi và 20mg/ngày ở trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi trong vòng 10-14 ngày. Kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nhẹ độ trầm trọng của đợt tiêu chảy, cải thiện sự ngon miệng và tăng trưởng của trẻ.

Bổ sung vitamin A sau mỗi đợt tiêu chảy để ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin A gây tổn thương giác mạc.

Hạn chế cho trẻ dùng các thuốc chống tiêu chảy như Kaolin, Smectic, Loperamid, Bismuth,... vì tác dụng không rõ ràng, nhiều tác dụng phụ, có thuốc còn gây kéo dài thời gian tiêu chảy.

3. Phòng bệnh tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ em

Để ngăn ngừa nguy cơ tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ, cần:

  • Tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm, cho trẻ ăn chín uống sôi.
  • Lựa chọn nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh để sử dụng.
  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch: rửa tay thật kỹ sau khi đi vệ sinh, sau khi cho trẻ đi vệ sinh, trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ và trước khi cho trẻ em.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

157.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan