Điều trị còn ống động mạch ở trẻ đẻ non

Bài viết được viết bởi ThS.BS Ma Văn Thấm - và Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Ống động mạch là ống mạch máu quan trọng thông nối giữa động mạch phổi gốc và động mạch chủ. Bình thường ống động mạch tồn tại 2-6 ngày sau khi sinh. Nếu sau thời gian ống không đóng lại gọi là còn ống động mạch. Tồn tại ống động mạch ở trẻ đẻ non (Tồn tại ống động mạch) xảy ra khi ống động mạch không đóng hoàn toàn sau sinh.

1. Hiệu quả đóng ống động mạch của Ibuprofen - Indomethacin - Paracetamol

1.1 Chỉ định điều trị đóng ống động mạch

Nội khoa

  • Dùng Indomethacin cho trẻ sơ sinh thiếu tháng trong 1-2 tuần đầu

- Ống nhỏ <2mm: ống có thể tự đóng, cần theo dõi siêu âm định kỳ.

- Ống >3mm: dùng thuốc Indomethacin truyền tĩnh mạch liều ban đầu:

+ 0,10mg/kg (trẻ >48 giờ)

+ 0,20mg/kg (trẻ 2-7 ngày)

+ 0,25mg/kg (trẻ >7 ngày)

Có thể nhắc lại liều như trên sau mỗi 12 giờ.

  • Sơ sinh đủ tháng

Ống động mạch nhỏ: theo dõi diễn biến lâm sàng và siêu âm. Nếu không thấy có viêm phổi tái diễn, chậm phát triển thể chất, suy tim, tăng áp lực động mạch phổi.... có thể chỉ định phẫu thuật lúc trẻ được 3-6 tháng tuổi (chú ý theo dõi và phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn).

Ống động mạch lớn: bệnh nhân có viêm phổi, suy tim, tăng áp lực động mạch phổi không đáp ứng với điều trị nội khoa, cần chỉ định mổ cấp cứu thắt ống động mạch.

Còn ống động mạch không gây tăng áp động mạch phổi nhiều, lâm sàng tốt: can thiệp phẫu thuật thường sau 1 năm.

Ống động mạch
Hình ảnh mô tả trái tim còn ống động mạch

Bít ống động mạch bằng dụng cụ

Dùng Coil để bít ống động mạch khi đường kính phía đầu phổi < 3mm. Dùng Amplatzer khi đường kính ống >5mm, thủ thuật này ngày càng được cải tiến để trở thành một phương pháp thường quy thay thế phẫu thuật.

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật thắt hoặc cắt ống động mạch, là phương pháp điều trị bệnh còn ống động mạch có từ rất lâu, chỉ thực hiện đối với các trường hợp còn ống động mạch lớn không thể thông tim can thiệp được.

Tử vong chung của phẫu thuật cắt ống động mạch khoảng 2%. Ở trẻ có áp lực động mạch phổi cao nên phẫu thuật sớm để tránh bệnh mạch phổi tắc nghẽn.

Các biến chứng hoặc di chứng sau phẫu thuật còn ống động mạch bao gồm:

Suy hô hấp
Sau phẫu thuật còn ống động mạch có thể xuất hiện một số biến chứng

1.2 Điều trị hỗ trợ đóng ống động mạch

+ Nhiệt độ cơ thể giữ mức trung bình.

+ Hỗ trợ hô hấp.

Nên thở qua hệ thống áp lực đường thở dương liên tục (CPAP) hoặc giúp thở bằng máy. Dùng PEEP để cải thiện trao đổi khí và có thể cải thiện dòng máu toàn thân do giảm shunt trái – phải. Áp dụng chiến lược thở máy chấp nhận tăng PCO2.

+ Duy trì Hct khoảng > 35 %.

+ Hạn chế truyền dịch.

Truyền dịch tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể. Dịch truyền trong tuần đầu trung bình > 160ml/kg/ngày làm tăng tần suất tồn tại ống động mạch. Dịch truyền trong tuần đầu 110 – 130 ml/kg/ngày cho thấy không tăng tần suất tồn tại ống động mạch và hạn chế được phù phổi ở trẻ sinh non tồn tại ống động mạch có triệu chứng nhất là những trẻ bệnh hô hấp nặng. Giai đoạn muộn, khi bệnh nhân có biểu hiện suy tim ứ huyết hay loạn sản phế quản – phổi đi kèm hạn chế dịch khoảng 120 – 150 ml/kg/ngày tùy mức độ nặng của bệnh. Nếu có suy tim điều trị với lợi tiểu, digoxin.

Nguy hiểm khi tự ý truyền dịch tại nhà
Cần hạn chế truyền dịch

+ Tránh thuốc lợi tiểu quai.

Vì thuốc lợi tiểu quai kích thích thận tổng hợp prostaglandin E2. Trong giai đoạn đầu sau sinh nếu cần dùng thuốc lợi tiểu điều trị những trường hợp biểu hiện quá tải dịch hay phù mô kẽ phổi thì nên sử dụng các thuốc lợi tiểu thiazide (như chlorothiazide) thay vì dùng lợi tiểu quai như furosemide (khuyến cáo với chứng cứ 1B).

1.3 Đóng ống động mạch bằng ngoại khoa

Chỉ định đóng ống động mạch bằng phẫu thuật khi bệnh nhân vẫn còn triệu chứng sau một hoặc hai đợt điều trị với thuốc ức chế COX hoặc chống chỉ định với thuốc ức chế COX (khuyến cáo với chứng cứ 2B). Tuy nhiên điều trị bằng thuốc vẫn được lựa chọn đầu tiên vì đóng ống động mạch bằng phẫu thuật có liên quan đến tăng nguy cơ dao động huyết áp, bệnh đường hô hấp, nhiễm trùng, xuất huyết trong não thất, tràn dịch dưỡng chấp màng phổi, liệt thần kinh quặt ngược thanh quản, loạn sản phế quản phổi và tử vong.

2. Biến chứng tồn tại ống động mạch

Tồn tại ống động mạch ở trẻ sinh non có thể dẫn tới các biến chứng trước mắt như suy tim ứ huyết, phù phổi cấp, xuất huyết phổi, xuất huyết trong não thất, viêm ruột hoại tử và các biến chứng lâu dài như phụ thuộc máy thở, bệnh phổi mạn ở trẻ sơ sinh (loạn sản phế quản phổi), túi phình ống động mạch sớm, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, chậm tăng trưởng và tăng tỉ lệ tử vong.

Tồn tại ống động mạch xảy ra phổ biến ở trẻ đẻ non, đặc biệt là ở những trẻ bị bệnh màng trong. Tồn tại ống động mạch còn liên quan đến rất nhiều bệnh lý trước mắt và lâu dài ở trẻ sinh non như xuất huyết phổi, phù phổi cấp, suy tim ứ huyết, xuất huyết trong não thất, viêm ruột hoại tử, phụ thuộc máy thở, loạn sản phế quản phổi ở trẻ sơ sinh, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, làm chậm tăng trưởng và tăng tỉ lệ tử vong. Điều trị tồn tại ống động mạch hiện nay gồm có điều trị hỗ trợ, điều trị bằng thuốc nội khoa và điều trị phẫu thuật.

Khám nhi tại Vinmec
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan