Dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng ăn dặm

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Các bậc phụ huynh được khuyên nên cho trẻ ăn dặm khi bé được 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, có những trẻ có thể bắt đầu chế độ ăn dặm sớm hơn hoặc muộn hơn. Nắm được những biểu hiện của bé đòi ăn dặm sẽ rất hữu ích cho cha mẹ trong việc xác định thời điểm bé có thể ăn thêm các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ.

1. Ăn dặm là gì?

Khi chào đời, sữa mẹ là nguồn thức ăn chính của bé. Đến mốc 6 tháng tuổi, trẻ sẽ cần nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là sắt hơn so với các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ mà bé nhận được. Lúc này cha mẹ cần cho bé ăn bổ sung thêm những thực phẩm khác như thịt, cá, trứng, sữa,... Việc này được gọi là ăn dặm. Trong quá trình ăn dặm, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ cho tới khi trẻ được 1 tuổi trở lên.

2. Độ tuổi lý tưởng cho trẻ ăn dặm

Dùng mật ong vệ sinh miệng cho trẻ nhỏ: Nên hay không nên?
Cha mẹ nên đợi tới khi bé được 6 tháng tuổi mới bắt đầu cho ăn dặm

Các chuyên gia y tế và dinh dưỡng đều khuyên cha mẹ nên đợi tới khi bé được 6 tháng tuổi mới bắt đầu cho ăn dặm, kể cả dù trẻ sơ sinh đòi ăn sớm khi được 4 hoặc 5 tháng tuổi. Nguyên nhân là vì:

  • Cho bé ăn dặm sớm khiến bé bỏ lỡ một số chất dinh dưỡng thiết yếu từ sữa mẹ (bao gồm năng lượng, vitamin và khoáng chất giúp bé phát triển);
  • Hệ thống tiêu hóa của bé vẫn đang phát triển và hoàn thiện. 6 tháng tuổi là mốc bé dễ dàng tiêu hóa thức ăn hơn;
  • Các cơ quan trong cơ thể trẻ vẫn đang tiếp tục hoàn thiện việc phối hợp với nhau. Sau 6 tháng tuổi, bé sẽ dễ dàng nuốt thức ăn, giảm nguy cơ bị nghẹn;
  • Sữa mẹ cung cấp cho bé tất cả dưỡng chất cần thiết trong 6 tháng đầu tiên nên trước thời điểm này, cha mẹ không cần phải cho con ăn dặm.

3. Dấu hiệu cho trẻ ăn dặm

Nhu cầu DHA của trẻ em
Bé giữ được tư thế ngồi cân bằng, có thể giữ đầu ổn định là dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm

Khi bé được gần 6 tháng tuổi, cha mẹ có thể bắt đầu nhận thấy một số dấu hiệu cho thấy trẻ đã sẵn sàng để ăn dặm. Đó là:

  • Cân nặng tăng gấp đôi so với khi sinh: Đây là dấu hiệu cho thấy bé cần ăn thêm thức ăn mới ngoài sữa mẹ để đảm bảo lượng dinh dưỡng cần thiết;
  • Bé giữ được tư thế ngồi cân bằng, có thể giữ đầu ổn định – dấu hiệu cho thấy bé đủ cứng cáp để có thể bắt đầu làm quen với thức ăn đặc hơn;
  • Bé biết cách tự lấy thức ăn và đưa vào miệng;
  • Trẻ có phản xạ đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn từ thìa;
  • Trẻ biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn một món nào đó;
  • Lưỡi bé không còn phản xạ tự động đẩy vật lạ như trước;
  • Bé thể hiện sự thích thú với thức ăn mà người lớn đưa cho;

Nếu cha mẹ nhận thấy những dấu hiệu cho con ăn dặm này thì cần quan sát con cẩn thận, xem liệu bé có nuốt không hay vẫn đẩy thức ăn ra khỏi miệng. Có thể lần đầu bé sẽ đẩy thức ăn ra vì đó là phản xạ trước món ăn lạ, nhưng lần sau được cho ăn bé sẽ nuốt vào. Nếu bé nuốt đồ ăn xuống chứng tỏ bé đã sẵn sàng với việc ăn dặm.

Tuy nhiên, phụ huynh cần chú ý bé có thể vô thức bộc lộ những dấu hiệu khiến cha mẹ nghĩ bé đã sẵn sàng ăn dặm nhưng thực tế không phải vậy. Những dấu hiệu như ngậm nắm tay, đòi ăn thêm sữa, thức dậy trong đêm (ngay cả khi bé đã ngủ say giấc trước đó) hoàn toàn là biểu hiện bình thường, không phải là dấu hiệu cho thấy bé sẵn sàng ăn dặm.

Nếu bé không ngủ yên giấc vào ban đêm, cha mẹ thường cho bé ăn bổ sung với hy vọng điều này sẽ giúp bé ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy ăn dặm giúp trẻ ngủ ngon hơn. Vì vậy, khi bé tỉnh giấc vào ban đêm nhưng chưa có dấu hiệu thể hiện bé sẵn sàng ăn dặm thì người mẹ chỉ cần cho bé bú thêm sữa là được.

Thời điểm 6 tháng tuổi không phải tiêu chuẩn duy nhất để bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Khi trẻ có đầy đủ các dấu hiệu trên cha mẹ mới nên bắt đầu cho bé ăn dặm để giúp bé phát triển tốt cả về trí tuệ và tầm vóc.

Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

69.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan